Sinh viên luật Yale kiện Trump. Và tạm thắng.

Trần Hà Linh

Một nhóm sinh viên luật của đại học Yale (Mỹ) đã nộp đơn kiện sắc lệnh cấm nhập cảnh vừa qua của Tổng thống Donald Trump lên Toà án liên bang và giành một thắng lợi tạm thời.

clip_image001

Nhóm sinh viên luật Yale đang làm việc vào thứ Hai vừa qua để chống lại lệnh cấm nhập cảnh của TT Trump. Ảnh: Jessica Hill for The New York Times.

Sáng sớm thứ Bảy, 28/1, khoảng hai chục sinh viên ngồi chật kín phòng họp của Trung tâm Vận động Quyền Công nhân và Người nhập cư (Worker & Immigrant Rights Advocacy Clinic – WIRAC) của trường luật, trực thuộc Đại học Yale, thành phố New Haven, bang Connecticut. Máy tính và điện thoại đều sẵn sàng, chuẩn bị cho một cuối tuần làm việc căng thẳng.

Chỉ trước đó nửa ngày, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp (executive order) cấm công dân của 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày và đình chỉ toàn bộ chương trình nhận người tị nạn trong 120 ngày. Riêng chương trình nhận người tị nạn Syria bị hoãn lại vô thời hạn. Sắc lệnh có hiệu lực ngay lập tức. Cuộc khủng hoảng Hiến pháp đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump chính thức bắt đầu.

Ngay sau đó, hàng trăm người đến từ 7 quốc gia Hồi giáo nói trên đã bị an ninh sân bay khắp nước Mỹ tạm giữ ngay khi hạ cánh và làm thủ tục trục xuất.

Với sự trợ giúp của các Giáo sư Yale và Luật sư của tổ chức Trung tâm Luật Di trú Quốc gia (NILC) và Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), các sinh viên quyết định cần phải kiện sắc lệnh của TT Trump để những người bị tạm giữ được ở lại Mỹ.

Họ chia nhóm nghiên cứu và soạn thảo đơn kiện habeas cho hai công dân Iraq đang bị giam giữ tại sân bay John F. Kennedy, New York.

Cả hai người Iraq này đều từng trợ giúp cho quân đội và chính phủ Mỹ, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ để nhập cảnh vào Mỹ và đã trải qua các khâu kiểm tra, thẩm định kỹ càng trước chuyến bay.

Nhóm lập luận rằng, việc không cho những hành khách này nhập cảnh vào Mỹ vi phạm Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Mỹ về chuẩn mực tố tụng và quyền được bảo vệ công bằng, cũng như vi phạm luật di trú và luật pháp quốc tế.

Đơn kiện habeas hay habeas corpus dùng để kiện ra toà trong các vụ giam giữ người trái pháp luật, áp dụng với cả người nước ngoài trên lãnh thổ Mỹ. Nguyễn Ái Quốc, khi bị giam giữ ở Hong Kong thời kỳ 1931-1933, đã nộp đơn kiện habeas corpus lên toà án Anh và thắng kiện.

LAWYERS

Nhóm sinh viên làm việc dưới tầng hầm của một toà nhà trong khuôn viên Trường Luật Yale. Ảnh: Yale Law School.

4 giờ chiều cùng ngày, cùng với các Luật sư và tổ chức dân quyền, họ soạn xong và nộp lên Toà liên bang tại Brooklyn, New York một đơn kiện dài 25 trang. Toà quyết định mở phiên xử khẩn cấp vào lúc 7:30 tối.

Nhóm sinh viên ngồi tại phòng họp ở Yale, hồi hộp chờ đợi tin tức từ New York.

Cũng trong lúc đó, tình hình tại các sân bay đang rất căng thẳng. Các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi. Hàng trăm Luật sư Mỹ đổ dồn về các sân bay để trợ giúp miễn phí cho những người bị giam giữ.

My Khanh Ngo, sinh viên năm thứ 3, cho biết, trước khi Toà ra quyết định, các sinh viên không biết phải kỳ vọng vào điều gì. Họ tiếp tục nghiên cứu và soạn thảo đơn kháng cáo, phòng trường hợp thua kiện.

“Thế rồi khi nhận được tin lúc 9h tối, chúng tôi vỡ oà sung sướng. Lệnh Toà không chỉ áp dụng cho thân chủ của chúng tôi và cho họ ở lại, mà lệnh còn có hiệu lực trên toàn quốc”, My Khanh chia sẻ trên website Đại học Luật Yale.

“Chúng tôi ăn mừng trong khoảng 5 phút, trước khi nhận ra rằng mọi chuyện mới chỉ bắt đầu”.

My Khanh và các bạn đồng môn lập tức lập ra một “phòng chiến sự” ngay tại trường để trợ giúp cho các tình nguyện viên đang trực tại các sân bay trên toàn quốc. Điện thoại, email, tin nhắn đổ về liên tục.

Một trong số những người được họ trợ giúp là một học giả Fulbright người Iran đang theo học Tiến sĩ (Ph.D) tại một trường ở New York. Cô bị giam giữ tại sân bay khi vừa đặt chân trở lại Mỹ và bị ép lên một chuyến bay quay trở lại Iran vào 1:00 sáng Chủ nhật.

“Chúng tôi gọi điện cho hãng hàng không, gọi cho Cơ quan An ninh Giao thông, gọi cho Cơ quan An ninh Biên giới và Hải quan, cố gắng hết mức có thể để can thiệp vào việc này”, My Khanh nói.

LAWYERS

My Khanh và các bạn đồng môn trong “phòng chiến sự”. Ảnh: Yale Law School.

“Và sau khi tranh cãi quyết liệt trên điện thoại, chúng tôi đã buộc họ phải cho máy bay quay lại”.

Nhóm sinh viên cũng soạn sẵn một mẫu đơn kiện habeas để cho Luật sư khắp nơi có thể dùng cho vụ việc của họ. Kết quả là các Luật sư đã dùng mẫu này để nộp đơn kiện cho hàng chục hành khách rơi vào tình huống tương tự ở các sân bay trên toàn quốc.

Việc Toà Brooklyn, New York ra lệnh đình chỉ một phần sắc lệnh của Trump mới chỉ là thắng lợi tạm thời. Vụ kiện này sẽ phải trải qua các phiên xử tiếp theo để đưa ra phán quyết cuối cùng. My Khanh và nhóm sinh viên đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ cho phiên toà dự kiến sẽ mở vào ngày 13/2 tới đây.

Tài liệu tham khảo:

T.H.L.

Nguồn: http://luatkhoa.org/2017/02/sinh-vien-luat-yale-kien-trump-va-tam-thang/#.WJPRvARBlX4.facebook

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn