Khoảng cách giàu nghèo

Boxitvn giới thiệu một góc nhìn minh họa khoảng cách giàu nghèo

Ai phá Rừng Quốc gia Yok Đôn ?
Báo Người Lao động Thứ ba, 26/01/2010


Một trong hai công ty ngang nhiên phá Rừng Quốc gia Yok Đôn có Công ty Quản lý và Xây dựng đường bộ Đắk Lắk, do ông Phạm Ngọc Thành làm giám đốc. Ông Thành chính là chủ đàn chó đã cắn chết bà Phạm Thị Ngắn...

Ông Phạm Ngọc Thành không chỉ được biết đến là chủ “Rẫy ông Thành 507” gây tai tiếng trong vụ thả chó cắn chết bà Phạm Thị Ngắn mà ông còn là giám đốc Công ty Quản lý và xây dựng đường bộ (QL-XDĐB) Đắk Lắk, một trong hai đơn vị đem máy móc phá Rừng Quốc gia Yok Đôn.


Cán bộ Vườn Quốc gia Yok Đôn bên những thân cây vừa bị  đốn hạ

Ngang nhiên phá rừng

Gần một năm qua, Công ty CP Xây dựng và Phát triển nông thôn 6 (CP XD-PTNT 6) và Công ty QL-XDĐB Đắk Lắk làm thiệt hại hàng trăm hécta rừng đặc dụng Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn trong khi chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng  đất rừng đặc dụng.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14C được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2392/QĐ-GTVT ngày 24-7-2001. Đoạn tuyến Quốc lộ 14C tránh VQG Yok Đôn thuộc dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông (đi qua vùng lõi VQG Yok Đôn) đã được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2886/QĐ – BGTVT ngày 22-12-2006 và giao cho Ban Quản lý Đường bộ V (BQLĐB V) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, đoạn qua VQG Yok Đôn có chiều dài 56 km nằm trên địa bàn 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp (Đắk Lắk). Do phải tránh đèo cao (đèo 502) nên tuyến đường này phải cắt ngang vào rừng khoảng 13 km.

Đến ngày 18-11-2009, Bộ NN - PTNT có Công văn số 3769/BNN-KL gửi cho Thủ tướng Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng đoạn Quốc lộ 14C qua VQG Yok Đôn. Tuy nhiên, trước đó vào tháng 4 - 2009, Công ty CP XD - PTNT 6 và Công ty QL - XDĐB Đắk Lắk đã ngang nhiên đưa máy móc vào san ủi làm thiệt hại hàng trăm hécta rừng đặc dụng với nhiều loại gỗ quý (từ nhóm IIA đến nhóm VI). Ông Trương Văn Trưởng (giám đốc VQG Yok Đôn) cho biết hiện giờ vườn cũng chưa thống kê hết được bao nhiêu gỗ đã bị san ủi đổ vì phải để hiện trường để họp các bên liên quan giải quyết.

“Tiền trảm hậu tấu”?

Việc thi công Quốc lộ 14C đi qua VQG Yok Đôn chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của vườn. Thủ tướng Chính phủ cũng chưa có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng. Theo kết quả kiểm tra thực tế của BQL vườn, 2 công ty trên đã tiến hành tập kết vật liệu, máy móc thiết bị, nhân lực và triển khai san ủi tuyến đường mà không thông qua BQL của vườn. Ngày 2 - 4 - 2009, VQG Yok Đôn đã có Công văn số 300/CV - VQG gửi BQLĐB V nêu rõ: Hai công ty đã vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng, không tuân thủ quy chế của vườn và đã để công nhân khai thác trái phép gỗ quý hiếm thuộc nhóm IA, IIA (cẩm lai, căm xe, hương...) và săn bắt động vật hoang dã trong vườn. VQG Yok Đôn đã yêu cầu BQLĐB V, Cục Đường bộ VN đình chỉ ngay việc thi công công trình  và đưa toàn bộ máy móc, thiết bị, nhân lực ra khỏi phạm vi ranh giới VQG.

Thế nhưng 2 công ty vẫn phớt lờ, tiếp tục đưa phương tiện vào thi công bất chấp việc đình chỉ trong Công văn 300/CV- VQG của VQG Yok Đôn và việc Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng VQG Yok Đôn. Quá bức xúc, ngày 29-12-2009, Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn phải ra lệnh đình chỉ thi công Quốc lộ 14C (đoạn qua VQG Yok Đôn) của Công ty CP XD - PTNT 6 và Công ty QL - XDĐB Đắk Lắk. Đến lúc này việc triệt hạ rừng của hai công ty trên mới tạm dừng.

Vụ thả chó cắn chết người ở Đắk Lắk

Không cung cấp thông tin

Ngày 25-1, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến Công an TP Buôn Ma Thuột và Công an tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc nhưng đều bị từ chối. Ông Nguyễn Công Chức, Trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột, cho biết phải có ý kiến của công an tỉnh mới cung cấp thông tin nhưng khi phóng viên đến Công an tỉnh Đắk Lắk, trực ban không giải quyết cho gặp lãnh đạo. Được biết, người thả chó cắn chết bà Ngắn là ông Nguyễn Đình Sơn (SN 1972, ở Nghệ An) đã trình diện với Công an TP Buôn Ma Thuột.
-----------------------

Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 24/01/2010
Cà phê chủ nhật

Thương cho phận nghèo


“Đêm ấy, bác Lê lên cơn sốt. Những cái rùng mình lạnh lẽo nối nhau lướt trên da bác, manh chiếu rách không đủ đắp ấm thân. Trong lúc mê sảng, bác Lê tưởng nhớ lại cả cuộc đời mình, từ lúc còn bé đến bây giờ, chỉ toàn những khổ sở, nhọc nhằn. Cái nghèo nàn không biết tự bao giờ đã vào nhà bác.

Lúc sinh ra, bác đã thấy nó rồi, và từ đấy, nó cứ theo liền bác mãi. Bác mơ thấy vàng son chói lọi trong nhà ông Bá, thấy nét mặt gian ác và tinh nghịch của cậu Phúc, con chó tây nhe nanh chồm đến...

Hai hôm sau, bác Lê lại lên cơn mê sảng rồi chết. Người trong phố chợ gom góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vào bãi tha ma nhỏ ở đầu làng.

Khi trở về, qua căn nhà lạnh lẽo âm u họ thấy mấy đứa con nhỏ bác Lê ngồi ở vỉa hè, con Tý đang dỗ cho thằng Hy nín khóc, nói dối rằng mẹ nó đi chợ một lát sẽ về. Nhưng họ biết rằng bác Lê không trở về nữa và họ thấy một cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái nghèo khổ cứ theo đuổi mãi không biết bao giờ dứt”.

Thạch Lam viết như thế từ những năm 1940, trong truyện ngắn đau buồn và ám ảnh "Nhà mẹ Lê". Những cô cậu học sinh phổ thông suốt mấy thập kỷ đã được nghe thầy cô giảng trong giờ học văn rằng những cảnh ấy chỉ có ở nông thôn VN thời thuộc địa phong kiến, chỉ còn trong văn chương hiện thực phê phán hay Tự lực văn đoàn.

Nhưng mẩu tin hôm kia trên các báo thì bảo không phải thế.

“Người phụ nữ xấu số đó là bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi, trú tại buôn H’drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc). Bà bị đàn chó bécgiê thuộc trang trại cà phê của một công ty cùng địa phương cắn chết khi mót cà phê rụng ở trang trại này chiều 21-1.Các nhân chứng cùng đi mót cà phê với bà Ngắn cho biết khi đang mót thì một đàn chó bécgiê lao ra, những người khác nhanh chân leo lên cây, còn bà Ngắn bị chó táp quật ngã xuống đất. Một người đàn ông của trang trại chứng kiến sự việc nhưng không can thiệp dù nạn nhân kêu la. Tại hiện trường, hầu hết các phần cơ đều bị chó cắn nát và ăn mất, toàn bộ da đầu, mặt bị mất”.

Chuyện của ngày hôm nay, ở xứ ta mà nghe cứ như của thời nào, ở xứ nào. Người đàn bà ấy chắc chắn là nghèo, vì không nghèo thì ai phải đi mót cà phê.

Chắc chắn nhà chức trách sẽ vào cuộc, công luận sẽ căm phẫn và thương xót. Nhưng có sự trừng phạt, sự lên án, sự thương xót hay chia sẻ nào trả lại mẹ cho con của bà Ngắn, như đã không trả lại được cho chín đứa con của mẹ Lê người mẹ mà chúng ngóng đợi. Sự trừng phạt có thể đến với kẻ đã nhẫn tâm thả đàn chó ra rồi đứng nhìn đàn chó xâu xé người mẹ tội nghiệp kia mà không thèm lên tiếng. Nhưng lẽ ra đã chẳng cần đến trừng phạt hay thương xót nếu bà Ngắn đừng nghèo đến thế để không phải đi mót cà phê trong vườn nhà người khác, nếu bà cũng có một mảnh vườn con con của mình, nếu bà có một cái nghề yên ổn hơn "nghề" mót cà phê...

Thương cho phận nghèo...

THU HÀ

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn