Ngoại giao để giữ đất dưới thời vua Lý Nhân Tông

Ngọc Thu - www.anhbasam.com

Do điều kiện địa lý nước ta nằm sát ngay bên dưới nước láng giềng phương Bắc nên suốt chiều dài lịch sử nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh lớn nhỏ cùng với những lần tranh chấp đất đai. Cha ông ta anh hùng không những thể hiện qua những lần chống giặc ngoại xâm mà chúng ta còn thấy được qua những lần đối đáp, tranh luận với sứ giả phương Bắc để giữ từng tấc đất của tổ tiên để lại.

Năm 1076, theo lệnh vua Tống Thần Tông, Quách Quỳ cùng Triệt Tiết đem quân sang đánh nước ta. Sau khi bị Lý Thường Kiệt đánh bại trên sông Như Nguyệt, quân Tống rút về nước. Mặc dù rút quân về nước nhưng nhà Tống vẫn còn cho quân chiếm giữ phần đất của nước ta sát biên giới Việt – Tống là châu Quảng Nguyên (1) cùng một số đất đai, hang động, trong đó có hai động Vật Dương và Vật Ác do thổ dân Đại Việt vì sợ sệt nên khi chiến tranh xảy ra đã đem nộp cho nhà Tống.

Năm 1078, vua Lý Nhân Tông sai Đào Tống Nguyên đem tặng 5 con voi cho vua Tống với mục đích đòi nhà Tống trả lại đất đai cho Đại Việt mà họ đang chiếm giữ. Vua Tống đồng ý trả lại châu Quảng Nguyên nhưng vẫn không chịu trả những vùng đất khác, viện cớ do thổ dân Đại Việt đã tự ý dâng nộp đất chứ không phải nhà Tống chiếm giữ trái phép. Vua Lý Nhân Tông đã viết tờ biểu đòi lại hai hang động này, trong đó có đoạn:



“Nước tôi có đất Vật Dương, Vật Ác, gồm hai động và tám huyện, vẫn tiếp liền với phần đất tỉnh [Quảng Tây]. [Những đất ấy] trước sau đều bị bọn đầu mục thổ dân làm phản, bỏ đi, đem theo về với Trung Quốc. Đất Vật Dương thì năm Bính thìn (1076) bị sát nhập vầo đất quý tỉnh; đất Vật Ác thì năm Nhâm tuất (1082) cũng bị sát nhập và đặt thành ải Thông Khang.

Mặc dầu đấy chỉ là mảnh đất nhỏ nhưng vẫn khiến lòng tôi đau xót, luôn luôn nghĩ đến cả trong giấc mộng. Quả thực tổ tiên tôi xưa kia đã phải đánh dẹp phường tiếm nghịch, xông pha gian nguy, không tiếc tính mạng mới có được đất ấy. Nay tôi phận con cháu, đã không kế tục được cơ nghiệp được [cha ông] thì dám đâu dự vào hàng mộ nước phên dậu, cầu lấy cái sống tạm bợ trong chốc lát”. (2)

THỈNH HOÀN VẬT DƯƠNG, VẬT ÁC NHỊ ĐỘNG BIỂU


 Vua Lý Nhân Tông mặc dù tỏ ra nhún nhường qua cách sử dụng từ ngữ khi tự nhận nước mình là một nước “phên dậu”, tức là nước nhỏ so với nước Tống, thế nhưng ông đã dùng lý lẽ cứng rắn khi đòi đất. Ông đã chỉ ra rằng vùng đất ấy là do “thổ dân làm phản” nên đã lấy đất của Đại Việt đem nộp cho nhà Tống chứ không phải là đất mà những thổ dân kia làm chủ sở hữu, vì vậy họ không có quyền dâng nộp cho nước Tống. Thêm một điểm khéo léo nữa là Vua Lý Nhân Tông đã nói với nhà Tống rằng, đất đai của tổ tiên để lại, phận làm vua của một nước mà không giữ được thì đâu còn xứng đáng làm nước “phên dậu” của Tống.

Năm 1084, vua Lý Nhân Tông phái Lê Văn Thịnh sang bàn chuyện với sứ giả nhà Tống để đòi lại vùng đất cương vực mà nhà Tống chiếm giữ. Cũng với lý do thổ dân nước ta tự ý nộp đất cho Tống nên sứ giả nhà Tống không chịu trả lại những vùng đất này. Lê Văn Thịnh đã trả lời sứ giả như sau:

“ Đất thì có chủ; bọn thuộc lại giữ đất đem dâng nộp và trốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Coi giữ đất cho chủ lại tự ý lấy trộm tất không tha thứ được, mà ăn hối lộ và tàng trữ (của ăn trộm) pháp luật cũng không dung. Huống chi, (bọn chúng) lại có thể làm nhơ bẩn cả sổ sách của quý tỉnh hay sao”? (3)

DỮ TỐNG SỨ TRANH BIỆN

Lê Văn Thịnh đã đại diện cho một quốc gia đưa ra lý lẽ rành mạch khi trả lời sứ nhà Tống. Khi các thổ dân được vua giao canh giữ đất đai vùng biên giới thì họ không có quyền sở hữu để đem bán hay dâng nộp cho một nước khác. Nếu một vật được giao giữ hộ mà người giữ vật ấy đem bán hoặc đem cho người khác thì người giữ hộ trở thành kẻ ăn cắp và người nhận vật ấy cũng trở thành người giữ đồ gian. Lê Văn Thịnh đã khôn khéo gài sứ thần nhà Tống rằng, với một nước lớn như nước Tống mà giữ những mảnh đất ấy, tức giữ đồ ăn trộm thì sẽ bị mang tiếng nhơ khó rửa!

Nhờ ý thức giữ gìn từng tấc đất do tổ tiên để lại của triều đình nhà Lý, đứng đầu là vua Lý Nhân Tông, cộng với tài ngoại giao khéo léo của của Lê Văn Thịnh, cuối cùng nhà Tống đành phải trả lại châu Quảng Nguyên cùng với 6 huyện và 3 động cho nước ta (4). Người Tống có thơ rằng:

Nhân tham Giao Chỉ tượng
Khướt thất Quảng Nguyên kim


Nghĩa là:

Vì tham voi Giao Chỉ
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên


Qua việc đòi đất dưới thời vua Lý Nhân Tông, chúng ta thấy rằng triều đình thời bấy giờ nhận thức rất rõ trách nhiệm giữ gìn từng tấc đất của tổ tiên để lại. Cha ông ta ngày xưa mặc dù mềm dẻo trong vấn đề ngoại giao nhưng đã không tỏ ra nhu nhược và nhất là không để nước láng giềng phương Bắc lấn ép đất đai. Một khi đã xác định chủ quyền những vùng đất bị nhà Tống chiếm giữ là của mình, thì vua tôi nhà Lý quyết đòi lại cho bằng được bởi vì hơn ai hết, triều đình nhà Lý hiểu được rằng họ đang sống trên mảnh đất có chủ quyền, họ là người làm chủ và họ có trách nhiệm phải giữ gìn những mảnh đất thiêng liêng ấy.

Suốt mấy ngàn năm lịch sử, nước Việt của chúng ta bao giờ cũng nhỏ hơn nước Trung Hoa, dân số nước ta bao giờ cũng ít hơn dân Trung Hoa cả chục lần, thế nhưng nước ta chưa bao giờ phải nhượng một tấc đất khi bị người phương Bắc lấn ép cương vực. Dân tộc ta chưa bao giờ chịu cúi đầu trước kẻ thù xâm lược cho dù kẻ thù đó đông hơn ta, có vũ khí mạnh hơn ta gấp bội phần.

Đọc chuyện xưa mà nghĩ tới chuyện nay, những năm gần đây nước Việt chúng ta đã để mất đi những vùng lãnh hải, lãnh thổ vào tay người phương Bắc, kể cả những địa danh lịch sử đã đi vào lòng người. Phải chăng những người có trách nhiệm giữ gìn những mảnh đất kia đã không học được gì từ những bài học lịch sử mà cha ông ta để lại hay đã học nhưng vì những lý do nào đó, họ đã chấp nhận để người phương Bắc lấn ép, chiếm giữ đất đai của chúng ta?

Và rồi mai đây, vài chục năm hoặc vài trăm năm sau, con cháu của chúng ta sẽ nghĩ sao khi biết được trong giai đoạn lịch sử này, những người đang nắm giữ vận mệnh đất nước đã từng để mất những mảnh đất mà cha ông của chúng ta hàng ngàn năm qua đã đổ biết bao máu xương để gìn giữ cho đến ngày nay?

© Ba Sàm 2010

—–
(1) Châu Quảng Nguyên: vùng đất thuộc tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn ngày nay.
(2) Bản dịch của Thanh Băng – Hoàng Lê.
(3) Bản dịch của GS Hoàng Xuân Hãn.
(4) Xem Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần Nhân Tông Hoàng Đế.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn