Nhân chuyện gs Nguyễn Huệ Chi được “người quen” mời

Nguyễn Trọng Tạo


Tin giáo sư Nguyễn Huệ Chi bị “ mượn ” ổ cứng máy tính nhưng giáo sư không cho “ mượn ” nên đã bị “ người quen ” đọc lệnh khám nhà và thu ổ cứng rồi mời lên công an “ làm việc ” đã loang khắp trên mạng, trong nhân dân suốt mấy ngày qua, nhưng không thấy báo chí Việt Nam ta đưa một dòng tin nào. Điều này tôi thấy hơi lạ vì trang Web BauxiteVietNam.info hoạt động đã gần 1 năm rồi mà không thấy cơ quan quản lý nào nhắc nhở về giấy phép. Bỗng đùng một cái khám nhà “ mượn ” ổ cứng và “ làm việc ” về chuyện đó. Việc này khiến tôi nghĩ đến công an giao thông. Công an sinh ra để nhắc dân chấp hành luật pháp chứ đâu phải bẫy dân phạm luật để phạt lấy thành tích hoặc nhận tiền mãi lộ. Vậy mà Công an giao thông của ta đã được dân phong danh hiệu “ anh hùng núp ” từ bao giờ không biết, nghĩa là núp vào chỗ kín để mai phục bắt người đi đường phạm luật !!!

Trong chuyện “ mượn ” ổ cứng và “ mời ” giáo sư Nguyễn Huệ Chi lên xe đưa đón đến CA “ làm việc ” mấy ngày liền một cách đột ngột vậy có gì giống mấy “ anh hùng núp ” giao thông không ?

Trước hết nói chuyện cái ổ cứng : Ổ cứng là cái kho dữ liệu của máy tính mà chủ nhân có thể chứa từ thượng vàng đến hạ cám. Có cái đọc có cái không đọc, có cái dùng có cái không dùng. Ổ cứng của tôi cũng vậy, tôi nhận được quá nhiều thông tin kể cả người lạ gửi vào Email. Nhiều tập tin do đã mở mail rồi nên cứ lưu tạm vào ổ cứng, lúc nào có thì giờ mới xem xem nội dung hay dở thế nào. Nếu gặp bài viết “ phản động ” tức anh ách thì mình cũng cần giữ để sau này có thì giờ mà phản bác lại nó. Phải giữ bằng chứng mới phản bác được. Làm thế mà tôi cũng có tội hay sao ? Chả lẽ cái gì tôi cũng phải báo cáo xin ý kiến tổ chức hay CA mới được lưu vào máy? Nghe nói trong máy giáo sư Nguyễn Huệ Chi có lưu tập hồi ký của ông Trần Độ là một công thần của cách mạng, thì sao nhỉ ? Bọn nhà văn chúng tôi rất thích đọc các hồi ký như vậy để biết thêm những con người và xã hội thời họ sống. Nhiều cuốn tiểu thuyết đã được viết ra từ việc đọc sử của dân tộc, đọc hồi ký của những nhân vật quan trọng. Vậy thì hồi ký Trần Độ, Bảo Đại, Võ Nguyên Giáp... dân phải được đọc. Không phải cuốn sách nào cũng đúng, nhưng không có cuốn nào hoàn toàn sai. Với tôi, thêm 1 % Sự Thật cũng đã quý vô cùng. giáo sư Nguyễn Huệ Chi là nhà nghiên cứu khoa học xã hội, thì việc lưu giữ các cuốn sách lịch sử hay hồi ký là vô cùng cần thiết. Nếu có cả băng hình sex nữa thì cũng chả sao, vì ngày nào chúng ta chả tiếp xúc với sex dù chỉ trong ý nghĩ. Xâm nhập công khai vào ổ cứng của một người chưa xác định là có tội, cũng giống như xâm nhập vào buồng ngủ của họ. Việc đó theo tôi là phải hết sức thận trọng.



Việc giấy phép Website cá nhân nếu chưa có thì các cơ quan quản lý nên nhắc nhở công dân dừng lại để xin cấp phép rồi hoạt động tiếp, có gì mà cái bọn “ người lạ ” phải đánh phá kiểu tin tặc khiến môi trường rối tung ? Nếu CA ta giỏi thì nên tìm bọn tin tặc để xử nó, bảo vệ cho công dân mình trên mạng giống như bộ đội phải đánh bọn “ người lạ ” để bảo vệ dân ta đánh bắt cá trên biển ta vậy. Nếu nhóm Bô-xit vi phạm hành chính thì bắt họ nộp phạt, tôi nghĩ chắc họ không kêu ca gì cả. Còn câu chuyện yêu nước của công dân thì luôn phải được trân trọng. Yêu nước không là độc quyền của ai cả. Nhờ yêu nước, mà chúng ta chiến thắng nhiều kẻ thù lớn nhỏ. Tôi biết giáo sư Nguyễn Huệ Chi là một người luôn tâm đắc với các vốn cổ dân tộc, trong đó có truyền thống yêu nước của cha ông để lại...

Khi viết những dòng này tôi thấy buồn. Một nỗi buồn khó tả. Nhưng không thế không viết, vì có nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. 30 năm trước tôi đã viết một câu thơ được nhiều người nhắc tới :

Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi.


Đến thời đổi mới, nhiều câu hỏi đã được trả lời. Nhưng vẫn còn nhiều điều phải trăn trở tiếp, tôi lại viết :

Có câu trả lời biến thành câu hỏi.

Đấy là khát vọng của tôi hướng tới một xã hội tràn đầy Sự Thật, bởi tôi tin vào Sự Thật. Một người cầm bút không dám tin vào Sự Thật thì không thể viết vì dân vì nước đươc. Câu thơ tôi cũng đã tuyên ngôn điều đó : “ Tôi không thể không tin gì mà viết ” dù ai đó “ Tin thì tin không tin thì thôi ”.

Trở lại câu chuyện giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tôi hy vọng chúng ta sẽ rút ra được bài học khác, bài học hãy thận trọng với con người, và hãy trân trọng con người hơn nữa.

Hà Nội, 18.1.2010
Nguyễn Trọng Tạo

Nguồn: Blog Nguyễn Trọng Tạo New

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn