Tình thư

Cao Huy Thuần

“Tình thư một bức phong còn kín / Gió nơi đâu gượng mở xem”. 600 năm trước, Nguyễn Trãi, người viết Bình ngô đại cáo, đã viết như thế.
Nay giáo sư Cao Huy Thuần lại viết Tình thư, mà tình thư để ngỏ. Câu chuyện như một ẩn dụ, phảng phất truyện cổ Phật giáo. Giọng văn cứ như đùa. Nhưng này, “Quan Tướng quốc” là ai, “hai nước” ở đây là hai nước nào, mà “rượu chè thì được, thề thốt thì kiêng”? Ai có những liên tưởng “nhạy cảm”, tác giả Cao Huy Thuần, tuanvietnam.net và Bauxite Việt Nam không chịu trách nhiệm!
Bauxite Việt Nam


Thưa Quan Tướng quốc,
Trên cành cây, một con mèo hoang đến định cư thường trú, chim đậu quanh mình, tha hồ chén.
Trên cành cây, một con mèo hoang đến định cư thường trú, chim đậu quanh mình, tha hồ chén.
Chúng tôi vừa nhận được thư chúc Tết của Quan Tướng quốc trong đó Ngài đề nghị chúng tôi, nhân dịp đầu năm, bay qua quý quốc để cùng làm lễ uống máu ăn thề kết nghĩa liên minh bất diệt giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi cũng nôn nao muốn đi, nhưng kẹt một nỗi trong phong tục nước tôi, tháng giêng là tháng ăn chơi, rượu chè thì được, thề thốt thì kiêng.
Dù vậy, chúng ta vẫn có thể trao đổi văn thư với nhau về chuyện thề thốt, cốt làm sao để uống máu nhau mà không làm hại gan nhau. Trong mục đích cao đẹp đó, tôi mạo muội kể ra đây vài chuyện đời xưa, nhân tiện cũng để mua vui trong ba ngày tết.
Thưa Quan Tướng quốc, đời xưa, trong nước chúng tôi, làng nào cũng có cây đa, riêng ở làng tôi, nghe nói có cây đa mọc lạc ở ven rừng, to lắm, sừng sững, rậm rạp, che nắng cho thú, lợp nhà cho chim. Dưới gốc cây, chằng chịt rễ, chẳng biết con chuột học lóm Củ Chi lúc nào mà moi địa đạo tài thế, hàng trăm ngõ ngách, động ngõ này biến ngõ kia, thánh cũng không tóm được nó. Lạ thật, ở đâu có chuột, ở đấy có mèo, số kiếp không rời nhau. Cho nên, trên cành cây, một con mèo hoang đến định cư thường trú, chim đậu quanh mình, tha hồ chén.

Thấy thú chạy, chim bay, đời sống dễ dãi quá, một anh thợ săn bắt đầu đến hành nghề. Công việc của anh đơn giản mà hiệu quả: đặt bẫy dưới gốc cây, về nhà ngủ, sáng mai đến lấy thú, nào cáo, nào thỏ, nào nhím. Một bữa, hứng chí, anh nướng một miếng thịt mỡ thơm lựng làm mồi. Con mèo, đang ngủ gà ngủ gật trên cây, ngứa mũi chịu không nỗi, lò mò đi xuống. Việc gì xảy ra tất phải xảy ra: cái bẫy sập xuống, nhốt mèo trong lưới. Vùng vẫy một hồi, mèo nằm im.
Trốn biệt trong địa đạo khi con mèo nhảy xuống gốc cây, chuột bây giờ hé mắt nhìn ra, đắc thắng thấy mèo co ro trong rọ. Nó nhảy phóc ra khỏi hang, thực thi tức khắc quyền tự do đi lại lâu nay bị hạn chế vì sự có mặt của con mèo. Nhưng mũi nó cơ hồ chảy ra thành nước khi cận kề miếng mỡ thơm lựng cứ vô tình tỏa hương bên cạnh cái bẫy. Trong lịch sử loài chuột, có trang nào ghi một anh hùng chuột yến tiệc vô tư trước mõm con mèo đâu? Ta mở đầu một trang sử mới!Bữa tiệc vương giả với khúc khải hoàn kéo dài không quá một tiếng meo của con mèo trong lưới. Con chuột giật mình dòm lên, bỗng ruột nó thót lại đau nhói: một con rắn đang trườn tới, mắt long lanh, lưỡi thườn thượt. Nó toan tháo chạy thì vù một tiếng, con cú láng giềng của nó ở trên cao bay vút xuống gốc cây, mỏ cong như lưỡi liềm, mặt hiểm như phù thủy.  Lưỡng đầu thọ địch, chạy đâu?
Chạy đâu, thưa Quan Tướng quốc? Tam thập lục kế, có kế nào khác hơn là chui vào trong lưới? Vào lòng con mèo? Mèo là kẻ thù của chuột, nhưng ở giờ phút này chỉ có chuột cắn đứt lưới mới cứu được mèo tù nhân, chuột là cứu tinh của mèo. Chuột bất cộng đới thiên với mèo, nhưng ở giờ phút này nhờ có mèo sa lưới nên con mèo thù bỗng trở thành con mèo bạn.
Thấy thú chạy, chim bay, đời sống dễ dãi quá, một anh thợ săn bắt đầu đến hành nghề. Ảnh: bienphong.com.vn
Thấy thú chạy, chim bay, đời sống dễ dãi quá, một anh thợ săn bắt đầu đến hành nghề. Ảnh: bienphong.com.vn
Ở đời có cái gì mà chẳng vô thường, phút trước là thù, phút sau là bạn, tùy tình thế thôi. Tùy tình thế mà kình nhau, tùy tình thế mà liên minh. Liên minh đâu có phải thương gì nhau, chỉ vì cần nhau thôi, mình cần nó, nó cần mình, gặp thời thế thế thời phải thế.
Thưa Quan Tướng quốc, ấy là con chuột suy nghĩ như vậy. Cho nên nó ngoại giao: “Bác Mèo ơi, em thấy bác nằm chèo queo như vậy em thương lắm, đường đường một đấng trượng phu… Em chui vào cắn lưới cho bác nhé, bác đừng làm hại em nhé”. Không đợi mèo trả lời, chuột chui tót vào lưới, cùng lúc cái cổ con rắn vươn lên toan đớp và hai cánh con cú quạt gió phần phật.
Mèo xử sự như một đấng trượng phu, ăn nói dịu ngọt như mía lùi: “Chú em yên tâm, thánh hiền đã dạy, chơi với kẻ thù khôn ngoan hơn là với tên bạn ngu xuẩn. Huống hồ ta không còn thù hằn gì với nhau nữa. Giờ này, ta là đồng minh. Chú em cứ yên tâm cắn lưới”. Nhưng con chuột, thoắt một cái, bỗng thấy tình thế đã đổi khác. Con rắn đã bỏ đi rồi, con cú đã bay lên cây, hai hiểm nguy đã thoát, giờ đây nó đối mặt với tử thù truyền kiếp! Hiển nhiên, tên kia cần nó, nhưng nó có cần tên kia nữa đâu mà nói đồng minh? Đang ở dưới nanh vuốt của tên kia, nó đâu phải là bạn, nó là tù binh!
Chuột cảm thấy an ninh bị đe dọa tận xương tủy. Lập tức, nó phải xác định lại vị thế cứu tinh của nó. “Bác Mèo ạ, không có em thì bác chết, trời xui đất khiến cho em vào đây để cứu bác, nhưng em không cần kể ơn đâu, em chỉ cần bác để yên cho em cắn lưới, đừng làm em sợ, em sợ thì miệng run, răng không cắn được. Bác nằm yên nhé”.
Sự thực, con chuột đang nghĩ đến chiến lược. Nó suy tính: chỉ cần cắn đứt hai lỗ là khoảng trống vừa rộng thênh thang để nó phóng ra ngoài mà không bị con mèo tóm lại. Con mèo cũng chiến lược không kém: chừng nào lỗ trống chưa đủ rộng để nó chui ra thì nhất thiết phải duy trì cảnh giác tận cao độ để con chuột khỏi sổng. Chẳng ai bị ai lừa, nhưng ai cũng nghĩ là mình lừa được. Cho nên cố lừa.
Con chuột đem cái chết ra dọa con mèo: “Bác Mèo ạ, em yếu bác mạnh, nhưng trước cái chết, ai cũng bình đẳng, bác với em bây giờ ở trong tình thế cực kỳ bình đẳng với nhau, bác xích ra một chút cho em thong dong làm việc”. Con mèo không chịu nhích một phân, chỉ dạy luân lý: “Mạnh với yếu gì lúc này, chú em! Thánh hiền đã nói: người bạn trong lúc hoạn nạn là người bạn chân thực. Chú em là người bạn chân thật nhất của ta. Thánh hiền cũng nói: lấy ân báo ân, lấy oán bỏ oán. Ra khỏi cái lưới này, ta nhớ ơn chú em đời đời”.
Chuột dọ dẫm: “Thánh hiền nói một đằng, người ta làm một nẻo, bác ạ. Thánh hiền dạy: quân tử nhất ngôn; người ta lại nói: quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn. Giữ lời hứa mà có hại cho mình thì chả ai giữ đâu. Giữ lời hứa khi tình thế đã thay đổi thì thiên hạ cho là ngu. Kẻ mạnh thiếu gì cớ để bội hứa? Kẻ ấy chỉ làm bộ đạo đức giả để lừa phỉnh bọn thơ ngây thôi. Cai trị là vậy đó, bác à, là làm ra vẻ. Làm ra vẻ cho thật giỏi, giấu bộ mặt thật tận đáy ruột già. Như bác bây giờ đây, khi bác lim dim hai mắt, trông bác hiền khô như nữ tu cầu kinh. Ai thấy bác bây giờ mà chẳng muốn đồng minh đời đời với bác!”.
Mèo lắc đầu: “Sống là phải tin nhau, chú em ạ. Không tin nhau thì không có xã hội, cộng đồng gì ráo. Ta thề, có thần cây đa chứng giám: ra khỏi lưới, ta sẽ chuyển nghiệp, thấy chuột là bạn, thấy mọi kẻ thù của chuột cũng là kẻ thù của ta, ta với chú liên minh đời đời”.
Con chuột tiếp tục huyên thuyên vì huyên thuyên là chiến lược của nó. Không biết học thiền từ thủy tổ nào mà sức tập trung chú ý của loài mèo đạt đỉnh cao đến thế khi vờn chuột. Cho nên, để phi thân ra ngoài, con chuột phải đánh lạc hướng chú ý đó, lái nó qua hướng khác. Nó gạ gẫm: “Bác Mèo à, thấy bác nằm lim dim thế kia, em nhớ đến bà nội em ngày trước cũng nằm lim dim như vậy mỗi khi kể chuyện đời xưa cho em nghe. Có một chuyện hay lắm, em nhớ hoài, bác muốn nghe không, em kể bác nghe nhé. Mà bác phải lim dim thêm hai mắt nữa cơ, nghe mới thấm. Đấy, tốt rồi, em kể nhé. Đời xưa…”
Thưa Quan Tướng quốc, thế là con mèo lim dim nghe chuyện đời xưa. Khu rừng yên tĩnh, gió đong đưa, ve kêu rỉ rả, đây là giờ sảng khoái nhất của con mèo để ngủ gà ngủ gật trên cây. Huống hồ bây giờ lại có giọng kể chuyện ngọt ngào, mơn trớn.
Ảnh: vnthuquan,net
Ảnh: vnthuquan,net
Đời xưa, có một con cò sống trên một hồ nước không lớn nhưng không thiếu cá. Chị ta sống rất nhàn nhã, co một chân ngủ cả ngày, khi nào đói thì hạ chân kia xuống, đủng đỉnh nhúng hai chân vào nước, chộp vài con, không cá thì tôm. Ngày tháng trôi qua, chẳng mấy chốc mà cò cũng già, đứng một chân vẫn vững, nhưng đớp cá thì trật lất.
Để sống qua ngày, cò đành an ủi cái dạ dày bằng chuồn chuồn châu chấu bay lép nhép trong cỏ. Một hôm, một con cua to tướng ngứa chân bò lên bờ, thấy con cò đứng buồn thiu, động lòng, hỏi: “Chị Cò có chuyện tâm tình gì mà chống chân nhìn mây nước bảng lảng vậy?” Phú quý sinh lễ nghĩa, bần hàn sinh đạo tặc, thánh nhân đã dạy. Cho nên con cò rầu rỉ đạo từ: “Nguy lắm rồi, em ạ, chết đến nơi rồi. Chị đứng đây, bỗng nghe hai anh chàng đánh cá bàn nhau, mai mốt sẽ tát cạn hồ này để bắt cá. Cá chết thì cua cũng chết, mà chị cũng hết sống, cá đâu mà ăn?”
Cua tái mặt, vỏ đang xanh rêu thoắt thành trắng bệch. Đang bò ngang, nó đổi ra bò dọc để chạy xuống nước cho nhanh về báo động với tập thể cá. Hội đồng cá họp lại, cử hai đại diện đến gặp cò để thảo luận phương án bảo vệ an ninh cộng đồng. Đại diện nói: “Chị Cò ạ, tuy chị là kẻ thù của chúng em, nhưng bây giờ tất cả chúng ta đều chia sẻ cùng một số phận, xin chị chỉ cho chúng em chiến lược để cùng nhau thoát hiểm”.
Cò gạt phắt: “Thù oán gì nữa lúc này! Tình thế buộc chị em chúng ta phải đồng minh thôi. Chỉ có điều, trong liên minh thì phải tin nhau, thề sống chết với nhau, nghi ngờ nhau là chết cả lũ. Các em có thề như vậy không?”
Hai đại diện vẫy đuôi đành đạch: “Xin thề! Xin thề!” Cò thong thả: “Đàng kia, sau dãy đồi ấy, có một hồ nước, nước trong veo. Tổ tiên nhà chị dặn hoài con cháu: có xáo thì xáo nước trong. Đó là hồ nước mà chị đã dành để xáo. Bây giờ, vì tai biến, chị đành phải hiến hồ nước đó cho các em. Bắt đầu từ sáng mai, ta thực hiện kế hoạch di dân, chị lần lượt mang các em trên lưng, bay đến đấy thả các em xuống nước. Các em nhớ cắn vào lông chị thật chặt nhé!”
Hai đại diện thích chí quá, cám ơn rối rít. Cò thản nhiên: “Ân huệ gì! Nghĩa vụ đồng minh thôi mà. Sáng mai nhé!”
Nghe báo cáo của hai đại diện từ xa về, hội đồng cá mừng rơn, lập tức loan báo kế hoạch di dân vĩ đại. Ai đi trước? Tất nhiên lãnh đạo! Người vượt biên thế nào thì cá thế ấy, bản năng sinh tồn ai chẳng giống ai? Cho nên chủ tịch hội đồng cá xung phong đi đầu để làm gương.
“Nào, mời chủ tịch lên lưng!”, cò cong hai cẳng đón con cá dìa béo mập, vừa nói vừa chảy nước miếng. Hai chị em bay qua dãy đồi, chủ tịch chóng mặt quá, nghe gió vèo vèo qua tai mà khiếp. Cò luôn miệng nhắc : “Nhắm mắt lại, nhắm mắt lại! Cắn chặt lông, cắn chặt lông!” Có một lúc, tò mò thúc đẩy, chủ tịch hé mắt, nhìn xuống, kìa sao chỉ thấy đá lởm chởm phía dưới, hồ nước ở đâu? “Nước đâu? Nước đâu?”, chủ tịch hỏi. “Nước đây! Nước đây!”, con cò trả lời. Vừa nói, cò vừa chao hai cánh, qua trái, qua phải, lắc mạnh một cái, chủ tịch mất thăng bằng, té xuống mỏm đá, tan xương.
Cò lượn về lại hồ nước. Phó chủ tịch thứ nhất, phó chủ tịch thứ hai, tổng thư ký, đổng lý văn phòng … đã sắp hàng nôn nóng chờ đợi xung phong. Bảy lượt bay đi, bảy lượt bay về, toàn ban lãnh đạo và trợ tá đã gửi trọn xương cho đá, gửi liên minh cho âm phủ. Cuối ngày, con cò tự thưởng công lao động bằng một bữa tiệc ê hề, bù lại cả một chuỗi tháng ngày chay tịnh với cào cào châu chấu.
Cứ thế, chỉ sau ba ngày, con cò lấy lại sinh lực trai trẻ. Cho đến một hôm, con cua đòi đi. Nghi ngờ là tai hại cho liên minh, nó đã được học. Nhưng biệt vô âm tín của toàn ban lãnh đạo thì nó cũng đâm nghi. Về phần con cò, chiến dịch di dân đang thực thi viên mãn, tống cổ con cua vốn có tiếng là ngang, tránh không cho nó bàn ngang tán dọc với cộng đồng cá còn lại trong lúc khuyết lãnh đạo, cũng là chuyện cần thiết quá.
Cho nên cò đon đả đón cua lên lưng, vận dụng sức lực tải một hành lý quá nặng. Bay qua vùng đá lởm chởm, mặc cho cò nhắc lui nhắc tới phải nhắm mắt, cua vẫn trừng trừng hai mắt nhìn xuống. “Nước đâu?”, nó hỏi. Con cò he he chế giễu: “He he … các em của chị ngốc cả lũ, thảo nào trời đày chúng mày xuống nước. Bộ chúng mày tưởng dân ở trong nước với dân ở trên trời có thể đồng minh với nhau hả? Đây này, nước đây!” Nó chao cánh, nhưng ô hay, sao cổ nó có cái gì chận lại? Khẹt khẹt, có cái gì kẹp cổ nó thế? Ông bà ông vải ơi, cái càng cua! Một càng, rồi hai càng! Với hai càng kẹp cứng cổ cò, con cua ra lệnh: “Bay về lại hồ nước! Nhanh lên! Hạ cánh an toàn!”
Con cò vừa đặt chân xuống đất thì càng cua riết chặt cổ nó đứt ra làm hai.
Thưa Quan Tướng quốc, con mèo lim dim nghe kể đến đoạn cổ đứt làm hai, giật mình mở mắt. Thì ô hô, ha ha, con chuột đã nhảy tót ra ngoài! An toàn trước cửa hang, nó phách lối: “Bác Mèo ơi, không có thù nào là bất cộng đới thiên nhưng cũng chẳng có bạn nào là thiên thu bất diệt. Phút này thế này, phút kia đã thế khác, vô thường trong từng sát na mà! Kẻ yếu dám cương mặt lên với kẻ mạnh cũng nhờ vậy thôi, có những tình thế khiến kẻ mạnh phải quỳ trước kẻ yếu. Nhưng yếu mà cứ tưởng kẻ mạnh nó tốt thì đứt cổ, bác ạ”.
Ngày xuân kể chuyện dông dài, mong không đến nỗi làm nhạt chén rượu đào của Quan Tướng quốc. Kính chúc Quan Tướng quốc vạn tuế, vạn vạn tuế.
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-02-08-tinh-thu-

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn