Mười tuổi và bảy mươi chín tuổi


Phạm Toàn



Lời đầu

Xin nói luôn, đây là hai bài viết của hai tác giả, một em mười tuổi và một bác bảy mươi chín tuổi. Hai bài viết, một của thầy và một của trò. Bài của trò, tác giả mười tuổi tên là Hoàng Mai Thi, có tiêu đề trùng với tên cuốn sách trong khung dưới đây, Em trong mắt mọi người và em trong mắt em. Bài của thầy giới thiệu cuốn sách đó, sách tập hợp những bài văn của học sinh lớp 4A trường Tiểu học Thực nghiệm Liễu Giai.


Sở dĩ tôi liều lĩnh đặt hai bài viết cạnh nhau, là vì có được các em khuyến khích. Sau khi sách ra mắt, cô giáo chủ nhiệm Trịnh Minh Chiến rủ các em viết thư gửi tôi (người từ năm 1986 đứng chung tên trong bộ sách dạy Văn cho các em bậc tiểu học) và cho giáo sư Hồ Ngọc Đại (người chỉ đạo tôi xây dựng một đường lối dạy Văn thích hợp hơn với các em). Trong thư gửi tôi, có em viết rằng “đọc bài giới thiệu của thầy, em có cảm tưởng thầy có thể trở thành một nhà văn”. Lời khen đó đã khuyến khích tôi lấy hết dũng khí đem đặt bài viết của mình cạnh bài của em Hoàng Mai Thi.

Và ngày xuân vui vẻ, mong bạn thêm vui vì được đọc hai bài văn, một bài của một ông già bảy mươi chín tuổi nhưng vẫn hy vọng “có thể trở thành một nhà văn”, và một bài của bạn tôi, em Hoàng Mai Thi, mười tuổi tính cả tuổi mụ. Hai bài được xếp như sau: bài kém đặt trước, bài hay đặt sau.

Mấy lời giới thiệu


Trong cuốn sách nhỏ này bạn có thể lọc ra chừng năm phần trăm số bài có thể gọi được là “tác phẩm”. Số còn lại cũng không kém hay, xin cam đoan như vậy. Nói cách khác, đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ yêu các tác giả, và với một chút cảm thông hoặc với rất nhiều độ lượng, bạn sẽ coi đó như là những “tác phẩm” đích thực của những nhà văn nhỏ tuổi.

Có điều là, những tác phẩm văn chương này không do các nhà văn chuyên nghiệp viết ra. Các nhà văn chuyên nghiệp sẽ viết văn khéo hơn thế này nhiều! Trái lại, những “tác phẩm” bạn sắp đọc đây còn chứa đầy những vụng dại của những người viết văn không chuyên nghiệp, hơn nữa, của những “nhà văn” đang học lớp BốnA trường Tiểu học Thực nghiệm Liễu Giai, Hà Nội. Những vụng dại vô cùng đáng yêu!

Ở một khía cạnh nào đó, trong mỗi bài văn in chung trong tập sách này, bạn đều bắt gặp một tâm hồn nhạy cảm. Những đề tài ở đây của các em chẳng có gì cao xa hết, ở đời có những đề tài còn ly kỳ, hấp dẫn hơn nhiều! Những câu văn diễn tả các đề tài ở đây cũng chẳng có gì là bay bướm hết, ở đời còn có những người viết văn khéo tay hơn nhiều! Cái mà ta tìm thấy ở đây là những tâm hồn nhạy cảm. Nhạy cảm và trong sáng. Trong sáng nên rất nhạy cảm. Nhạy cảm đến mức rất dễ bị tổn thương. Nhạy cảm nên khi tự soi vào lòng mình, thì chỉ một chút khiếm khuyết, một lời hứa với mẹ chưa thực hiện đúng, một hiểu lầm với bạn, một trò tinh quái qua mặt được cô giáo, chỉ thế thôi đã tự coi như phạm một tội lỗi tày trời, tưởng đâu như không thể nào xóa sạch được vết nhơ! Các cô giáo và ban biên tập gồm toàn học sinh lại khéo xếp các bài văn theo các chủ đề, cho thấy tầm hoạt động và phạm vi “vốn sống” của các tác giả thật rộng, đủ rộng để bộc lộ được chiều sâu tâm hồn các em.

Nhà trường Công nghệ Giáo dục dạy Văn không nhằm tạo ra những học trò “giỏi văn” mà cốt nuôi dưỡng những tâm hồn trong sáng và nhạy cảm đó. Nếu chỉ chăm chú đào tạo những học sinh “giỏi văn” nhưng không giữ gìn được tâm hồn trong sáng và nhạy cảm, thì “giỏi văn” có ích gì, giỏi văn để làm gì? Bên cạnh điều cốt lõi ấy, vẫn có những kỹ thuật dạy Văn do Công nghệ Giáo dục tìm ra, nhưng đó chỉ nhằm giúp các em học sinh đến được một ngữ pháp nghệ thuật để các em tự đến được với cái đẹp nghệ thuật cả trong cuộc sống thường ngày lẫn trong học thuật một khi các em học lên những bậc cao hơn. Dẫu sao, tới khúc này, ở giai đoạn lớp BốnA, ta hãy nhìn cái năng lực văn của các em như được thấy trong cuốn sách này, xin bạn đón nhận niềm vui và tấm lòng của các em và của cô giáo ngày ngày dắt dẫn các em học Văn.

Phạm Toàn

Em trong mắt mọi người

Em trong mắt em



Cô giáo phát cho chúng em hàng chục đề tài để viết báo. Em cũng ngồi viết nhưng cô vẫn bảo bài của em chưa đăng được. Hôm sau cùng, cô giao cho em đề riêng: “Gia đình nghĩ gì về em, hàng xóm nghĩ gì về em, bạn bè nghĩ gì về em, thầy cô nghĩ gì về em. Còn em, em nghĩ gì về mình? Hãy viết ra nào!”

Em cầm bút và bắt đầu viết:

Em tên là Hoàng Mai Thi, học sinh lớp 4A, trường Thực Nghiệm.

Ở nhà, mọi người nghĩ em là người trưởng họ. Em tinh nghịch, không nghe lời bố mẹ và còn hay nói lăng nhăng. Theo em, làm trưởng họ phải quản lý gia tài của nhà, phải chỉ bảo các em khác cho ngoan ngoãn, phải giáo dục con cháu thành người văn minh lịch sự. Bố em là trưởng họ nên ngày giỗ phải làm hơn 10 mâm cỗ. Sau này em là trưởng họ, em cũng phải làm cỗ hơn chục mâm. Em nghĩ em phải nấu thật ngon để mọi người hài lòng. Các món nộm, sườn xào chua ngọt, bia, canh măng, nem rán. Em sẽ mời đến ăn cỗ anh Hưng, anh Cò, chị Huyền, chị Mít, mời ông bà Đoài, ông Lâm, em Giang còi, em Thịnh cóc, em Bông, cô Vân, cô Hon, cô Tí, bác Tính, bác Kiệt, bác Tuyết, bác Tuấn và nhiều người nữa.

Hàng xóm thì nghĩ về em là người hiếu động, có năng khiếu chơi cờ, đá bóng.

Bạn bè thì nghĩ em học kém môn Tiếng Anh, còn hay trêu bạn, có khi tự kiêu tự đại. Là vì em chơi tú-lơ-khơ giỏi. Có khi em còn thắng cả các anh chị lớp 5. Mỗi khi em thắng, các anh chị lại bảo:

- Thế mà nó thắng được!

Thầy cô thì bảo em chưa tập trung nghe giảng, hay thiếu bài tập. Lại còn hay để chân lên ghế nữa.
Còn em thì không biết kể về em như thế nào. Chỉ biết em là người chưa chăm chỉ, thích chơi hơn thích học. Thích nhất là đá bóng, cờ vua, cờ tướng và chơi game. Được đá bóng em cảm thấy rất sung sướng. Thích nhất là được đá trên hàng công với bạn Đức Hiếu. Bạn đá rất hay. Mỗi khi phối hợp ghi được bàn vào lưới đội bạn, em cảm thấy rất vui và nhảy lên hô váng cả sân. Trong khi đội bạn, ai cũng nhăn nhó và trách móc các hậu vệ. Mặt đỏ phừng phừng, bạn Tiến quát Dương:

- Đồ vô dụng! Ra khỏi sân mau!

Dương buồn thiu vì bị bạn mắng và lủi thủi ra khỏi sân.

Em mơ ước sau này làm cầu thủ để cống hiến cho quê hương, đất nước của mình.

Hoàng Mai Thi

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn