Thư bạn đọc: Thủ ác là ai trong ngày định giải

Hiền Thục

Trừ những trường hợp đột xuất, BVN không phải là trang mạng đăng sáng tác hoặc tin tức về văn học nghệ thuật. Nhưng lá thư này gửi đến trong ngày cuối tuần, có giá trị cung cấp một tư liệu giúp ta nhìn sâu vào một trong những căn bệnh lưu cữu của các hội văn chương nghệ thuật ở xứ ta, cũng là góp thêm một lời giải đáp cho câu hỏi mà từ lâu rồi đã có người đặt ra: các loại hình hội đoàn kiểu này nên cải tiến như thế nào để đạt được phong cách văn hóa trong quan hệ ứng xử thật sự bình đẳng, dân chủ giữa những người cầm bút.
Bauxite Việt Nam
Kính gởi trang Bauxite Việt Nam,
Cách đây vài hôm có hai nhà văn VN trao đổi về một vấn đề văn học có dính líu tới cuộc thi thơ ĐBSCL lần IV. Hôm nay, tôi gởi tới  quý mạng bài viết cùng hình ảnh kèm theo. Nếu xem xét và thấy có thể sử dụng được, mong muốn góp phần làm cho môi trường sinh hoạt VHNT ĐBSCL nói riêng và cả nước VN nói chung ngày một trong sạch hơn thì vui lòng cho tải lên mạng giùm.
Trân trọng cảm ơn,
Hiền Thục, ĐBSCL

Bài viết này không đặt ra nữa vấn đề có hay không chuyện lạc đề nơi vài bài thơ dự thi nhưng lại có giải cao; chuyện có hay không sự tiêu cực móc nối chạy chọt về điểm giữa những ai đó bên ngoài cuộc thi, giữa  phía “thí sinh” với người trong hệ thống giám khảo hoặc giữa vị giám khảo này với một hay nhiều vị giám khảo khác, vì những mục đích ngoài văn chương, trong suốt quá trình cuộc thi thơ ĐBSCL lần IV diễn ra, mà chỉ tập trung vào khâu định giải dựa trên hồ sơ điểm chấm đã hoàn tất do Ban chung khảo trực tiếp đệ trình cho Ban tổ chức, xảy ra tại một cuộc họp cuối cùng nọ.
Căn cứ văn bản thông báo “Kết quả cuộc thi thơ ĐBSCL lần IV-2009” đăng tải trên Website VNĐBSCL của Liên chi hội nhà văn ĐB vào lúc 23:20 ngày 20/2/2010, thì vào lúc 15h00 ngày 20/2/2010, tại trụ sở cơ quan Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ, Ban tổ chức (gồm: nhà thơ Phan Huy, Chủ tịch LHCHVHNT TP Cần Thơ, Trưởng ban; nhà văn Nguyễn Khai Phong, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, Phó ban; Lê Xuân, Thư ký) và Ban chung khảo (gồm: nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, Trưởng ban; nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, Chủ tịch LHCHVHNT tỉnh An Giang, thành viên; nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Long An, thành viên), cuộc thi thơ ĐBSCL lần IV đã có cuộc họp tiếp nhận cùng đệ trình bảng điểm kết quả chung khảo cuộc thi với  sự  tham dự của nhà văn Lê Văn Thảo, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM.
Bấy giờ, cũng theo văn bản thông báo này, “sau khi các thành viên Ban chung khảo và Ban tổ chức thảo luận, đánh giá điểm chấm 60 bài dự thi của ba giám khảo vòng chung khảo…” xong, cuộc họp “yết hầu” này đã “nhất trí” cho ra đời một danh sách giải thưởng như sau:
Giải nhất:
Trăng nghẹn (Hoài Tường Phong – Cần Thơ)
Giải nhì:
1. Sương hồ (Lê Thanh My – An Giang)
2. Đôi bờ ( Ngô Thị Thu Vân – Bến Tre)
Giải ba:
1. Hình như (Phạm Nguyên Thạch – An Giang)
2. Về nhà xưa uống rượu (Nguyễn Trung Nguyên – Cần Thơ)
3. Thương nhớ đồng bằng (Thạch Thị Liễu – Hậu Giang)
Giải khuyến khích:
1. Quê cũ bâng khuâng (Hà Ngọc Trảng – Vĩnh Long)
2. Nơi tôi lớn lên (Hữu Nhân – Đồng Tháp)
3. Thơ buồn ta viết về em (Thanh Ngọc – Kiên Giang)
4. Điều còn lại trên cánh đồng (Đông Triều – An Giang)
5. Nắng đã kêu chiều (Lê Minh Tân – Vĩnh Long)
Theo đó, bằng sự thực thà ngay thẳng xưa nay của người ĐBSCL, ai cũng dễ nghĩ rằng tác phẩm của một tác giả “thí sinh” nào đó có thứ hạng trên ắt phải có điểm chấm chung khảo cao hơn những tác phẩm của các tác giả “thí sinh” có thứ hạng thấp hơn ở bên dưới. Thế nhưng, trong cuộc thi này, sự thực không phải vậy: Có nhiều tác phẩm đang ở thứ hạng hay cấp trật giải thưởng cao nhưng “không hiểu sao” lại có tổng điểm chung khảo thấp hơn các tác phẩm đang nằm ở thứ hạng thấp.
Cụ thể nơi cuộc thi này như sau. Bài Sương hồ của tác giả “thí sinh” Lê Thanh My (An Giang), có tổng điểm là 24, 25 nhưng lại được “ban cho” bậc 1 của giải hai trong lúc bài Đôi bờ của tác giả Ngô Thị Thu Vân (Bến Tre), điểm tới 25, nghĩa là hơn 0,75 điểm, nhưng vẫn phải bị xếp vào bậc 2 của giải hai (đứng sau lưng người có điểm thấp hơn mình!).
Tương tự như vậy:bài thơ Quê cũ bâng khuâng của tác giả Hà Ngọc Trảng (Vĩnh Long) có tổng điểm là 24,25 (ngang bằng với bài Sương hồ của Lê Thanh My) nhưng lại bị “kéo lùi” xuống giải khuyến khích để cho các tác phẩm Hình như, chỉ có 22,5 điểm, của Phạm Nguyên Thạch (An Giang); Về nhà xưa uống rượu, chỉ có 23,5 điểm, của Nguyễn Trung Nguyên (Cần Thơ); Thương nhớ đồng bằng, cũng chỉ có 23,2 điểm, của Thạch Thị Liễu (Hậu Giang) có được cơ hội ngạo nghễ giương cờ chiến thắng “vượt lên” hùng cứ giải hạng 3! (Ngay cả nội bộ hạng 3 này, bài thơ Hình như của Phạm Nguyên Thạch thấp điểm hơn bài Thương nhớ đồng bằng của Thạch Thị Liễu nhưng “không hiểu sao” vẫn được “trang điểm” ở  bậc 1 còn bài Thương nhớ đồng bằng kia thì lại nằm tận bậc thềm 3 của giải 3).
Chẳng những vậy, bài thơ Nơi tôi lớn lên của tác giả Hữu Nhân (Đồng Tháp) được 23,3, cao điểm hơn Thương nhớ đồng bằng của Thạch Thị Liễu và Hình như của Phạm Nguyên Thạch; thậm chí các bài: Thơ buồn ta viết vì em, 22,75 điểm, của tác giả Thanh Ngọc (Kiên Giang); Điều còn lại trên cánh đồng, 22,75 điểm, của Đông Triều (An Giang); Nắng đã kêu chiều, 22,75 điểm, của Lê Minh Tân (Vĩnh Long) đều cao hơn Hình như của Phạm Nguyên Thạch nhưng vẫn bị “lùa ém” tất cả xuống giải khuyến khích!
(Bài viết này chỉ tập trung vào 11 bài có giải; không đưa vào sự khảo sát những bài điểm cao hơn hay bằng các bài có giải ở trên nhưng đã bị “mời ra” bên ngoài khung giải vì lý do trùng điểm hay gì gì đó khác…).
Cái gì đây nơi những bài thơ bị “đì đè” này? Nếu bảo nó lạc đề thì chính bài Sương hồ mới bị lạc đề. Nếu bảo nó có vấn đề vi phạm tiêu chí chủ đề cuộc thi, như thế nào đó, thì hiện nay chỉ có điều này nơi bài Trăng nghẹn
Ai là người “thủ ác” chính trong vụ này trong cuộc họp ngày 20/2/2010 ấy? Theo sự “chỉ đạo rù rì” hay sự thu xếp chạy chọt trước hoặc tại chỗ của ai? Vì sao phải “chơi ăn gian” như vậy? Để làm gì? Tiêu chí tặng giải cho một tác phẩm dự thi thực sự nằm ở đâu? Ba cuộc thi thơ ĐBSCL trước đó cũng có hay chăng điều tương tự? Trong cuộc họp xét giải thưởng hôm đó còn có Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Lê Văn Thảo tham dự để “…theo dõi để  nắm tình hình sáng tác…” (báo Pháp luật ngày 14/3/2010) thì vị nhà văn này có trực tiếp nghe và trực tiếp nhìn thấy sự vụ này không?…
HT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn