Tiến bộ bằng tiền của Bắc Kinh tại Đông Nam Á

Brendan Brady

CBC News, ngày 08/03/2010
Vừa phóng tài hóa thu nhân tâm, vừa giở nhiều thủ đoạn thâm hiểm làm kiệt quệ sức lực các nước, làm cho các nước mất hết tài nguyên, bị ngoạm dần lãnh thổ, lại vừa xuất khẩu dân cư nước mình đi bất kỳ một nơi nào làm ăn sinh sống, và khi cần sẽ là đội quân phục sẵn chờ lệnh “nước mẹ”, đó là chính sách nhất quán và cũng rất “đa dạng” của Trung Quốc mà ta có thể gọi là những cái răng nanh chó sói đã hiện ra lấp ló sau lưng mấy “cô bé quàng khăn đỏ” đang tấp tểnh nhảy múa trên ngai vàng một vài nước trong vùng Đông Nam Á.

Bauxite Việt Nam
Chỉ vài ngày trước lễ Giáng sinh, Campuchia vội vàng trục xuất 20 người tị nạn Uighur về lại Trung Quốc trước những phản đối mạnh mẽ của các nước phương Tây.

Hai ngày sau, Bắc Kinh tiếp nối bằng sự kiện thông qua kế hoạch đầu tư hạ tầng trị giá 1,2 tỉ USD vào Campuchia, một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á.

Cả hai chính phủ đều chối bỏ mọi cáo buộc cho là đã có qua có lại, song theo nhiều nhà quan sát, những bước đi trùng hợp này chỉ là một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc có khả năng sử dụng nền kinh tế khổng lồ của mình làm đòn bẩy, áp đặt các ưu thế ngoại giao tư lợi cho họ.



Nhà chức trách Trung Quốc tin rằng những người Uighur, dân bản địa Hồi giáo tại tỉnh Tân Cương bất ổn, đã tham gia vào các cuộc biểu tình bạo động hồi năm ngoái, đồng thời Campuchia không phải là điểm duy nhất để họ gây áp lực.

Tổ chức Giám sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) đưa tin là Nepal, Pakistan và Uzbekistan cũng đã thực hiện việc dẫn độ người Uighur theo chỉ thị của Bắc Kinh.

Andrew Swan, một nghiên cứu gia thuộc Tổ chức các Quốc gia và Dân tộc Không có Đại diện, trụ sở tại Hà Lan, cho rằng hành động trục xuất của Campuchia là một phần của khuynh hướng đầu hàng đang lớn dần trong khu vực trước những đòi hỏi ngoại giao của Trung Quốc, dưới sức nặng cơ bắp về kinh tế của họ.

“Trung Quốc giờ đây có nhiều phương tiện hơn khiến bên ngoài cảm nhận được khả năng vươn xa của họ”, Swan phát biểu. “Đồng thời sự tự tin về ngoại giao của họ cũng đang mạnh lên”.

Tranh thủ bạn bè

Nhằm nuôi dưỡng nền kinh tế đang bùng nổ của mình, Trung Quốc đã bành trướng sự có mặt của họ tại nhiều nước Đông Nam Á thông qua các dự án về đường sá, đập thủy điện, quặng mỏ, dầu hỏa, thủy lợi và viễn thông.

Ở Campuchia, chẳng hạn, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu cũng như là một trong những nước viện trợ hàng đầu.

Ngay sau sự kiện trục xuất người Uighur, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký 14 văn kiện trị giá 1,2 tỉ USD liên quan đến hạ tầng, xây dựng, tài trợ và các khoản cho vay tại Campuchia.

Vài ngày trước, Tập Cận Bình đã có mặt ở Miến Điện với Tổng tư lệnh Than Shwe, lãnh đạo chính quyền quân phiệt, để ký một thỏa thuận về đường ống dẫn dầu thô dài 1.240 ki-lô-mét từ mạn Tây Miến Điện sang miền Nam Trung Quốc.

Nền tảng cho nhiều sáng kiến như trên đã được xây đắp trong nhiều năm qua, đặc biệt là thời kỳ khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1996-97, khi đó Bắc Kinh đã xuất hiện trong khu vực nhằm lấp đầy khoảng trống do những nền kinh tế nội địa suy thoái tạo ra và tình trạng tháo chạy của đầu tư nước ngoài, đặc biệt là của Nhật Bản.

Công cụ chủ yếu của Bắc Kinh là giải ngân viện trợ, hiệp định thương mại mới, ngoại giao văn hóa và quan hệ quân sự.

“Một phần trong ngoại giao của họ là bảo rằng họ không cần nhận lại bất cứ điều gì”, Joshua Kurlantzick phát biểu, ông là một chuyên gia về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế ở Washington và là tác giả quyển sách Thế tấn công quyến rũ: Phương thức biến chuyển thế giới của quyền lực mềm Trung Quốc.

“Nhưng điều đó không đúng”, ông tiếp tục. Đổi lại, Bắc Kinh đã yêu cầu lòng trung thành về ngoại giao trên một số điểm cốt lõi, chẳng hạn Đài Loan, Tây Tạng và gần đây là người Uighur – thay vì những vấn đề về nhân quyền và quản trị tốt.

‘Không ràng buộc’

Không như các nước phương Tây, khác biệt của viện trợ kinh tế từ Trung Quốc ở Đông Nam Á là Trung Quốc không ràng buộc những điều khoản về dân chủ hoặc nhân quyền vào các đóng góp của họ – những đòi hỏi mà các chính phủ trong khu vực xem là những trở ngại cho sự cai trị của họ.

“Chẳng có điều kiện nào cả”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu về khoản viện trợ mà quốc gia của ông vừa nhận được từ Bắc Kinh. “Chúng tôi trực tiếp nói chuyện qua lại”.

Song chính cuộc đàm thoại trực tiếp này, thoát khỏi sự giám sát của công chúng, đã khiến các quốc gia phương Tây và tổ chức nhân quyền lo ngại.

Theo tổ chức Dịch vụ Nghiên cứu thuộc Quốc hội Hoa Kỳ, kể từ năm 2007, Trung Quốc đã mạnh mẽ vượt qua Hoa Kỳ về khoản chi tiêu tại Đông Nam Á. Tác động của khoản viện trợ này có thể quan sát được trên nhiều mặt trận.

Chẳng hạn vào những năm 1990, khi hầu hết các viện trợ cho Campuchia đều đến từ phương Tây và Nhật Bản, Phnom Penh đã hợp tác chặt chẽ với những cơ quan viện trợ đa phương và Liên Hiệp Quốc.

Nhưng dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, Hun Sen đã trở nên mạnh dạn chỉ trích công khai các tổ chức này, tống khứ một nhân viên Liên Hiệp Quốc chuyên trách việc lập báo cáo nhân quyền vì những lời phê bình của ông ta và cấm tổ chức Nhân chứng Toàn cầu hoạt động do một báo cáo của tổ chức này đã chỉ trích các hoạt động kinh doanh của gia đình ông.

Hỗ trợ của Trung Quốc còn giúp duy trì chính quyền độc đảng hẹp hòi ở Lào và Miến Điện.

Đầu tư Trung Quốc vào những dự án giao thông vận tải và thủy điện của Lào đã vượt xa ngân khoản mà Chính phủ Cộng sản này tiếp nhận từ Hoa Kỳ. Tương tự như vậy, Bắc Kinh đã chi gần 5 tỉ USD cho vay và đầu tư vào Miến Điện, một quốc gia giàu có về tài nguyên khí đốt, kể từ khi quân đội lên nắm quyền vào năm 1998.

Đồng thời, một khi Trung Quốc có thể đổ tiền ra, họ cũng có khả năng giữ lại khi cảm thấy bị sỉ nhục. Theo tin đã đưa, Bắc Kinh đã ngưng khoản viện trợ 200 triệu USD cho Việt Nam sau khi nước này mời Đài Loan tham dự hội nghi thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương cách đây vài năm.

Chưa nhanh lắm

Trong khi sự hiện diện dưới dạng hỗ trợ của Trung Quốc tại Đông Nam Á đã khiến một số giới gióng lên hồi chuông báo động, Robert Sutter, Giáo sư thuộc Đại học Georgetown đồng thời là tác giả của một vài quyển sách về sự trỗi dậy của Trung Quốc, cho rằng vai trò của họ trong khu vực bình lặng hơn nhận định của nhiều người.

“Những gì các bạn đang nhìn thấy về cách tiếp cận của Trung Quốc đến Đông Nam Á là một khát khao muốn giữ cho bầu không khí được an bình, muốn tận dụng các mối quan hệ kinh tế, và trấn an những quốc gia đang lo ngại về sức mạnh đang lên của Trung Quốc – đó chưa phải là cuộc tấn công chớp nhoáng”, ông phát biểu.

“Đông Nam Á vẫn không phải là nơi quan trọng nhất đối với họ – các nơi như Hàn Quốc và Nhật Bản là quan trọng hơn. Song đó là nơi họ thành công nhất trong những năm gần đây”.

Thật vậy, các quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc về phía Nam hầu như đã bị lôi kéo hoàn toàn vào quỹ đạo kinh tế của người hàng xóm to lớn, nhiều đường sá – và các doanh nghiệp – đều hướng về Bắc Kinh.

Rõ ràng là Trung Quốc muốn nguyên liệu thô của khu vực đổ về những trung tâm sản xuất của họ. Nhưng cũng rõ ràng không kém, nhiều nước phát triển trong khu vực – như Singapore, Indonesia, Malaysia và Thailand – sẽ tỏ ra hờ hững với mô hình này và muốn duy trì các mối quan hệ với phương Tây của họ.

Nhiều nhà sản xuất Indonesia đã bắt đầu phàn nàn về tình trạng tràn ngập hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, trong khi đó, một số người dân Lào và Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích về việc giao đất cho người Trung Quốc, về đập thủy điện và mỏ bauxite.

Ngay cả nước Miến Điện xa xôi hẻo lánh, ưu thế của Trung Quốc dường như đã thúc đẩy, mặc dù có giới hạn, chính quyền quân phiệt, với quyền lực có vẻ đã hết thời, quan tâm kết giao với Hoa Kỳ.

Dù sao thì tại đây, cũng như những nơi khác trong khu vực, viện trợ gắn liền với các điều kiện tiên quyết về trách nhiệm nâng cao nền dân chủ sẽ trở thành mối giao kèo bền chặt, so với những gì mà Trung Quốc đang mời chào.

B. B.



BVN dịch

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Nguồn: cbc.ca

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn