Đường sắt cao tốc đè bẹp các dự án khác?

TS Phạm Sỹ Liêm

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Chúng ta cũng sẽ làm đường bộ cao tốc Bắc-Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 100 tỉ USD. Vậy thì tiền ở đâu ra?

Hôm nay (8-6), các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án xây dựng đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc-Nam. Cuối tuần trước, để cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu, Chính phủ cũng đã gửi Quốc hội báo cáo giải trình về dự án gây rất nhiều tranh cãi nói trên. Pháp luật TP HCM xin giới thiệu thêm ý kiến của các chuyên gia để các vị đại biểu Quốc hội có thêm thông tin trước khi bấm nút dự án đặc biệt quan trọng này.

Tôi rất ngạc nhiên khi đây là một dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế-xã hội nhưng tư vấn lập báo cáo chỉ trong có sáu tháng và thẩm định có hai tháng. Trong khi ở nước ngoài, người ta phải mất đến 3-4 năm. Tại sao người ta có thể thẩm định nhanh đến như vậy, thẩm định như thế mất bao nhiêu tiền? Đây là vấn đề Quốc hội nên quan tâm.

Quá nhiều dự án, tiền ở đâu ra?

Trong văn bản giải trình bổ sung gửi các đại biểu Quốc hội, Chính phủ cho biết hiện nay tổng mức đầu tư cho giao thông vận tải (GTVT) mới chỉ đạt 7% tổng mức đầu tư cho xã hội. Nếu thực hiện dự án trên thì đầu tư cho GTVT cũng chỉ chiếm 10%-15% nên vẫn nằm trong giới hạn đầu tư và không ảnh hưởng đến việc cân đối vốn cho nhu cầu đầu tư các ngành khác.

Nhiều đại biểu lo ngại dự án đường cao tốc Hà Nội - TP.HCM liệu có khả thi không? Trong ảnh: Một đoàn tàu cao tốc thế hệ mới của Nhật Bản. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, tôi cho rằng chưa tính đến các nguồn vốn đầu tư cho các ngành, lĩnh vực khác mà chỉ tính riêng trong ngành GTVT thôi cũng đã rất lớn. Cụ thể, chúng ta cũng sẽ xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam với nguồn vốn đầu tư khoảng 100 tỉ USD. Ngoài ra, chúng ta còn xây dựng hàng loạt hệ thống cảng biển, sân bay, phát triển giao thông các vùng miền. Ngay đường sắt cũng có hàng loạt dự án chờ vốn như đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM; đường sắt đôi Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Lào Cai để nối ray với Trung Quốc phát triển vận tải hàng hóa và hành khách. Cạnh đó còn có đường sắt đến Tây Nguyên để vận chuyển bauxite, đường sắt Sài Gòn-Cần Thơ…

Dự án nhiều như thế, nếu làm ĐSCT thì các dự án kia có còn thực hiện hay không. Nếu làm thì tổng nguồn vốn để đầu tư cho các dự án trên là bao nhiêu, lấy từ đâu… Tất cả cái đó Chính phủ phải nói rõ để các đại biểu biết và cân nhắc nên ưu tiên thực hiện các dự án nào trước, từ đó đưa ra quyết định bấm nút hay không, chứ không thể nói chung chung như báo cáo giải trình được.

Thiếu đường bộ, tàu cao tốc ế khách

Một khi đã triển khai dự án ĐSCT thì để thu hút được hành khách đi lại như trong báo cáo đòi hỏi Chính phủ sẽ phải hoàn thiện các tuyến đường bộ sao cho người dân đến nhà ga một cách nhanh nhất. Vì thực tế đây là tuyến đường từ TP HCM ra Hà Nội nên người dân từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, thậm chí Tây Nguyên muốn đi ĐSCT buộc phải đi ôtô đến Hà Nội và TP HCM. Do đó, nếu đường bộ không được cải thiện dẫn đến thời gian đi lại chậm thì người dân sẽ chọn đi máy bay chứ không phải là ĐSCT.

Tôi ví dụ, từ Cà Mau muốn đi tàu cao tốc họ phải đến TP HCM mất đến gần nửa ngày trong khi giá vé lại bằng 75% vé máy bay. Do đó thay vì đi tàu cao tốc họ sẽ chọn đi máy bay, khi đó ĐSCT sẽ không có khách. Vấn đề này chúng ta đã phải trả giá đắt khi xây dựng đường Hồ Chí Minh không chú ý xây dựng hệ thống đường bộ phụ trợ. Điều này dẫn đến các phương tiện vận tải từ trung tâm các tỉnh rất khó khăn, mất nhiều thời gian mới đến được đường Hồ Chí Minh nên họ vẫn thích đi lại trên tuyến quốc lộ 1A hơn. Đó cũng là lý do vì sao con đường này rất vắng phương tiện đi lại.

Hành khách thực tế sẽ khác xa báo cáo

Hàn Quốc làm 400 km ĐSCT nhưng là nối các thành phố 10 triệu dân với nhau. Vì thế, lượng hành khách của họ đi lại rất cao. Nhưng ở ta thì khác, từ TP HCM ra Hà Nội dài đến 1.700 cây số, thời gian đi lại mất 6 tiếng nên nếu có nhu cầu đi nhanh thì người ta vẫn chọn đi máy bay. Có chăng, nếu làm ĐSCT thì chỉ có các đoạn như Hà Nội-Vinh, Phan Thiết-Sài Gòn là số lượng hành khách đi lại đông. Còn đoạn Vinh vào Phan Thiết, cơ cấu dân cư không tập trung lớn ở các thành phố nên nhu cầu đi lại rất thấp. Do đó, chắc chắn con số hành khách đi lại bằng ĐSCT sẽ không như báo cáo đã đề cập.

Ông Vương Đình Khánh, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

P. S. L.

Thành Văn ghi

Nguồn: PhapluatTP

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn