'Kế hoạch tinh vi của Trung Quốc'

clip_image001

Ông Trần Công Trục từng giữ chức Trưởng ban Biên giới Chính phủ

Trong một động tác hiếm hoi, một số báo Việt Nam vừa đăng phỏng vấn chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam của Trung Quốc.

Báo chí trong nước, vốn được kiểm soát chặt chẽ về đường hướng, xưa nay khá thận trọng trong việc đăng tải tin bài có tính công kích đối với các hoạt động chính trị-xã hội của nước lớn láng giềng.

Thế nhưng hôm thứ Hai 12/07, cả hai tờ báo Thanh niên và Tuổi trẻ phiên bản điện tử đều có phỏng vấn nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục, trong đó ông Trục gọi Cương yếu quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020 của Trung Quốc là "âm mưu hợp thức hóa chủ quyền".

Chưa rõ phản ứng của phía Trung Quốc về việc này như thế nào.

Hồi tháng Sáu vừa qua, quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối việc Bắc Kinh thông qua "Cương yếu quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020", trong đó xác định Khu tổ hợp chức năng biển do tỉnh Hải Nam, Trung Quốc quản lý bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa.

Dự án này nêu ra kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, đồng thời khuyến khích việc đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không người ở.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, "những việc làm đó của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước".

Nay trong bài phỏng vấn tựa đề "Một kế hoạch tinh vi được tính toán kỹ lưỡng" đăng trên báo Thanh niên, ông Trần Công Trục nói đây là một phần trong chiến lược "hợp thức hóa chủ quyền" của Trung Quốc đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ông cựu Trưởng ban được dẫn lời nói thẳng: "Trung Quốc đã có hàng loạt các hoạt động phi pháp nằm trong chiến lược chung đối với Biển Đông, được thực hiện hết sức tinh vi". Ông cũng không ngần ngại nhắc lại việc Trung Quốc đã "dùng vũ lực để chiếm đóng" Hoàng Sa cũng như một số đảo tại Trường Sa.

Tuy trong trận hải chiến Trường Sa với quân đội Trung Quốc vào năm 1988 gần 70 chiến sỹ Việt Nam thiệt mạng, gần đây báo chí Việt Nam khi mô tả sự kiện này vẫn tránh nhắc từ 'Trung Quốc' mà chỉ nói 'nước ngoài'.

'Mục tiêu chiếm Biển Đông'

Ông Trần Công Trục được dẫn lời nhận định rằng "trong bối cảnh hiện tại, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa có những điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch".

"Nếu nói để đầu tư du lịch thì rõ ràng đây không phải là khu vực hứa hẹn đem lại lợi nhuận".

Ông Trục, người từng giữ chức Trưởng ban Biên giới Chính phủ từ 1995 tới 2004, nói trên báo Thanh niên: "Rõ ràng khi thông qua cương yếu này, Trung Quốc đã có ý đồ hoàn toàn khác với những điều mà họ công bố".

Bài trên báo Tuổi trẻ thì trích lời ông nói: "Mục tiêu cuối cùng của TQ không phải là các hòn đảo nhỏ thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà là vùng biển lớn đến 80% toàn bộ Biển Đông".

Ông Trần Công Trục cũng đề xuất tiếp tục nỗ lực quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông và kêu gọi Việt Nam ra đối sách cần thiết trong trường hợp cụ thể, tránh tình trạng có việc xảy ra mới xử lý.

Đài BBC được biết vào tháng Tám này, hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ hai sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của nhiều học giả Việt Nam và quốc tế.

Hội thảo lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2009 được nhận định là một thành công trong nỗ lực quốc tế hóa chủ đề này của Việt Nam.

Nguồn: BBC

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn