Phía sau những dự án "tỷ đô" đầu voi đuôi chuột

Phạm Huyền

image (VNR500) - Nếu như năm 2006-2008, những dự án FDI tỷ USD “ồ ạt” vào Việt Nam, gây phát sốt dư luận thì nay, không ít dự án trong số đó lại đang bên bờ vực “phá sản”. Kiểu đầu tư đầu voi đuôi chuột này sẽ còn tiếp diễn, nếu như chính quyền địa phương và các cấp quản lý không mạnh tay nghiêm minh.

Kẻ tháo lui, người vòi vĩnh

Ba năm về trước, mỗi khi gặp báo chí, ông Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thường vui vẻ báo tin mừng: “Lại có thêm dự án tỷ USD sắp sửa vào Việt Nam”. Khi đó, những “dự án 500 triệu - 1 tỷ USD” rất thu hút sự chú ý của dư luận vì… lần đầu tiên có qui mô đầu tư ấy ở Việt Nam. Ví dụ dự án thép Tycoons của Quảng Ngãi, dự án Foxconn ở Bắc Ninh…
Thế rồi, không chỉ là 1 tỷ USD mà là 3 tỷ, 5 tỷ và thậm chí là 11 tỷ USD, những con số qui mô vốn khổng lồ liên tục được các địa phương “xướng” lên trong 3 năm qua, nhiều đến mức... nhàm tai. Và chuyện các siêu dự án đến Việt Nam bỗng thành chuyện bình thường.

Từ đầu năm đến nay, chuyện dự án tỷ USD lại làm nóng dư luận nhưng là theo luồng chảy… ngược. Không phải là những cuộc đàm phán để “sắp sửa” vào Việt Nam mà là, những cuộc thương lượng nhùng nhằng giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương để xin gia hạn, kéo dài tiến độ, đòi ưu đãi trong khi, thực tế công trường dự án chưa có gì.

Hồi tháng 3-4, tỉnh Quảng Nam tuyên bố, dứt khoát sẽ rút giấy phép dự án Bãi Biển Rồng 4,15 tỷ USD do nhà đầu tư Mỹ không nộp đủ tiền ký Quỹ.

Tháng 6, ông Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cho hay, chủ đầu tư Malaysia ở dự án thép Cà Ná 9,8 tỷ USD ở Ninh Thuận “bỗng” biến mất khỏi Việt Nam.  Tỉnh Ninh Thuận liên lạc về Malaysia, nhưng nhà đầu tư cũng bặt vô âm tín và giờ đây, tỉnh này đang đôn đáo tìm nhà đầu tư mới để “lấp chỗ trống” cho dự án này sau khi rút phép.

Và đầu tháng 7, trong khi, tỉnh Hà Tĩnh đang chật vật để di dời, tái định cư cho hàng nghìn hộ dân của 5 xã để giao đất sạch cho siêu dự án thép 16 tỷ USD của Formosa - Đài Loan thì Formosa lại xin Thủ tướng miễn hạn mức tín dụng, miễn thuế nhập khẩu, thuế nhà thầu… Đồng thời, nhà đầu tư cũng không quên “nhấn mạnh” rằng: Nếu không được hỗ trợ, miễn hạn mức tín dụng thì dự án sẽ không thể thực hiện được vì thiếu vốn!

Gần đây nhất, dự án thép Guang Lian Dung Quất sau 4 lần đổi giấy chứng nhận đầu tư, trao qua đổi lại cổ phần, giờ lại bày vẽ chuyện tăng vốn, tăng công suất, tăng diện tích đất và kéo theo, tăng… tiến độ lên 4 năm nữa.

Với tóm lược trên, không khó để nhận ra rằng, nhiều dự án FDI hoành tráng của Việt Nam đang thực sự có vấn đề. Có thể sau một cuộc khủng hoảng kinh tế  thì giờ đây, các dự án khổng lồ của Việt Nam đã bắt đầu “ngấm đòn”. Đây cũng là lý do thông dụng nhất mà 100% nhà đầu tư giải thích cho khả năng tài chính yếu kém của mình.

Song cũng có thể, sự yếu kém ấy bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan của phía nhà đầu tư, nhưng không được ai kiểm chứng, hay chính xác hơn, các cơ quan quản lý Việt Nam khó lòng mà kiểm chứng nổi.

Cái giá của cuộc chạy đua thành tích FDI

FDI đến nay vẫn được coi như một chỉ số đẹp trong báo cáo thành tích phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Do đó, các địa phương cũng thật khó tránh khỏi tâm lý muốn thu hút số vốn FDI thật nhiều, để tỉnh thật nổi trội trong khu vực, vẽ nên một bức tranh về một môi trường đầu tư hấp dẫn tiềm năng.

Có những tỉnh như Ninh Thuận, chỉ cần 1 dự án vốn tới 9,8 tỷ USD, bỗng dưng từ thứ hạng cuối cùng, vô danh trong lĩnh vực thu hút FDI, đã lọt vào top 10 các tỉnh thu hút nhiều vốn FDI nhất.

Với những ý nghĩa chính trị ấy, chuyện cấp phép FDI một thời giống như cuộc chạy đua thành tích giữa các địa phương, bất chấp qui hoạch ngành, qui hoạch vùng. Bởi ở Việt Nam, lại có lệ, dự án ngoài qui hoạch sẽ có tới 90% cơ hội là xin bổ sung… vào qui hoạch.

Ông Lê Trí Thanh, Trưởng ban Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam cũng phải thừa nhận rằng, cuộc chạy đua ấy còn dẫm đạp lên nhau, gây tổn hại cho chính địa phương và làm xấu đi hình ảnh quốc gia. Thu hút FDI vội vàng và đến lúc, nhà đầu tư rút lui thì nào có đẹp đẽ gì?

Trở lại câu chuyện năng lực nhà đầu tư, ông Thanh bày tỏ, cán bộ địa phương hiểu biết về quy định đầu tư trong WTO không phải là nhiều. Số ngày cấp phép bị khống chế, nếu tự thẩm định không nổi, mà gửi văn bản hỏi Bộ ngành thì vô cùng mất thời gian.

Khi bộ không trả lời sớm thì đến hạn là… buộc lòng cấp phép, mà cấp phép nhanh thì… không chuẩn. Đó là một mớ bòng bong”, ông nói.

Theo Luật Đầu tư, nhà đầu tư tự kê khai năng lực tài chính, tự chịu trách nhiệm về kê khai đó và cán bộ sở KHĐT không được phép đòi hỏi thêm thủ tục nào khác.

Tuy nhiên, những ràng buộc về chi phí thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chi phí ký quỹ là tự mỗi địa phương thỏa thuận. Qua việc nhà đầu tư có làm đúng thỏa thuận này hay không sẽ biết ngay, năng lực tài chính của nhà đầu tư đến đâu.

Lấn cấn chuyện rút phép dự án

Lý thuyết là thế, song, việc rút các dự án cho đến nay ở các tỉnh mới chỉ “nói miệng”. Sự lấn cấn này phản ánh nhiều điều.

Như ông Thanh chia sẻ, đó còn là truyền thống còn nặng tình của người Á Đông. Ví dụ, nhà đầu tư Bãi Biển Rồng đang xin ân hạn đến tháng 9/2010, sẽ nộp đủ 200 triệu USD tiền ký quỹ cho địa phương.

Ông tâm sự: “Thời gian chẳng còn bao lâu, mình có rút phép ngay bây giờ cũng không giải quyết được gì. Chi bằng, chờ xem, họ có thực hiện được cam kết ấy hay không. Nếu không, rút phép dự án này cũng không muộn”.

Trong một lần trao đổi về Dự án thép Cà Ná, ông Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận cũng thẳng thắn, rút phép là chắc chắn và không khó, nhưng dự án đã thành lập, mặt bằng đã được quy hoạch rồi, di dời, giải phóng mặt bằng thì phải tìm được người thế chân rồi mới ra quyết định thu hồi giấy phép cũ và cấp lại giấy phép mới cho nhà đầu tư. Như thế là hợp lý nhất.

Luật của ta qui định rằng, sau 12 tháng kể từ khi cấp phép, nếu điều kiện khởi công đã đầy đủ mà nhà đầu tư không khởi công, mới bị rút phép.

Còn thực tế ở Việt Nam, bề ngoài là dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, đầu voi đuột chuột đấy, nhưng có dự án thì lỗi là của mình, thời hạn khởi công đã quá 12 tháng mà địa phương không bàn giao mặt bằng xong, đường đi lối lại, điện nước chưa cung cấp vào cho khu dự án thì làm sao có cớ rút phép.

Mình không tính vo trên giấy tờ được”, ông Thanh nhấn mạnh.
Và mới đây, giải trình về việc Dự án thép Guang Lian chậm tiến độ và những đòi hỏi xin điều chỉnh tăng vốn, tăng công suất dự án của Guang Lian, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã bày tỏ lo ngại, nếu không đáp ứng thì... sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của tỉnh?!

Căn bệnh chạy đua thành tích nếu không có bàn tay của Trung ương với những qui định chặt chẽ, qui hoạch rõ ràng, nghiêm minh thì sẽ thật khó trị dứt điểm.

Có lẽ, đó là vai trò của Bộ KHĐT. Chỉ tiếc rằng, chưa bao giờ, Bộ này trực tiếp thổi còi dự án khổng lồ nào, ngoài dự án thép Posco định vào khu vực vịnh Vân Phong, trước sức ép dư luận, khâu xin chủ trương đã bị chối từ. Và kết quả nhiều cuộc tổng rà soát chất lượng các dự án FDI đã thực hiện của Bộ này thì luôn nằm trong vòng... bí mật.

Với những nhà đầu tư thích con số tỷ USD nhưng tài chính yếu kém, sẽ có ai đảm bảo rằng, khi di dời hàng ngàn hộ dân xong, mà nhà đầu tư thoái thác và rút lui thì hậu quả sẽ nặng nề thế nào?

PH

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn