Tái cơ cấu hay “giải cứu” Vinashin?

Phạm Thanh Sơn (DNSGCT)

clip_image001
Công ty đóng tàu Hạ Long (Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam - VINASHIN) hạ thủy thành công tàu chở ôtô sức chứa 4.900 xe - HL01, lần đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Dòng thời sự kinh tế được dư luận quan tâm hơn cả trong tuần qua là Chính phủ quyết định tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), mà nếu gọi đúng thực chất thì đây là cuộc giải cứu cho một tập đoàn lớn vốn là đứa con cưng của hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

Vậy là, chuyện phải đến nay đã đến, khi mà mấy năm nay Tập đoàn này đã có nhiều tai tiếng chung quanh chuyện nợ nần, hoạt động kinh doanh bung ra quá nhiều lĩnh vực trái ngành nghề với hơn 200 công ty con, công ty cháu. Có thể nói Vinashin được xem là tiêu biểu cho một mô hình làm ăn chịu nhiều phê phán, là một trong số các doanh nghiệp nhà nước có tầm cỡ nằm trong danh sách thanh tra toàn diện mà theo dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng 7/2010.

Việc tái cơ cấu diễn ra trước thời hạn cuối cùng (từ ngày 1/7/2010) các doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình mới là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Sau thời điểm ấy việc tái cơ cấu theo mệnh lệnh hành chính sẽ không còn được thực hiện.

Ngày 13/6, tức năm ngày trước khi có quyết định tái cơ cấu tập đoàn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì một cuộc họp với sự tham dự của các Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và nhiều bên liên quan để giải quyết các vấn đề của Vinashin.

Cuộc họp đi đến nhận định được thể hiện qua thông báo kết luận của Thủ tướng, do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký ngày 18/6, nói rõ: "Hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của tập đoàn rơi vào tình trạng rất khó khăn". Chính phủ cho rằng ngoài các yếu tố khách quan như suy thoái kinh tế tác động, nguyên nhân chủ quan là do Vinashin đầu tư dàn trải, việc quản lý dự án, công nợ, sử dụng đồng vốn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Thật ra, tình hình nói trên đã được báo động từ lâu với những thông tin thống kê đáng tin cậy từ các cơ quan chức năng.

Trước tiên, về đầu tư dàn trải thì Vinashin đứng hàng đầu trong các doanh nghiệp nhà nước khi tham gia quá nhiều dự án ở các lĩnh vực khác nhau từ đóng tàu đến vận tải biển, cảng biển tới sản xuất thép, xi măng, bia, dịch vụ hàng không, bảo hiểm, ngân hàng, nhập khẩu ôtô - xe máy... Tình trạng đầu tư dàn trải như vậy khiến hiệu quả sử dụng đồng vốn - mà chủ yếu là vay từ nhiều nguồn - không cao, nhiều dự án đến nay thiếu vốn trầm trọng phải dở dang, nợ nần ngày càng chồng chất.

Vinashin cũng nổi tiếng là doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay vào việc mua sắm tràn lan và đầu tư tài chính thất bại nặng nề. Điển hình là việc mua con tàu mang tên Hoa Sen với khoản tiền lên tới 60 triệu euro nhưng sau đó không khai thác được phải neo đậu tại Khánh Hòa. Ngoài ra Vinashin đã dùng vốn vay quốc tế mua chín tàu cũ tuổi đời hơn 15 năm với tổng chi gần 200 triệu USD.

Nổi bật là những thua lỗ khi đầu tư vào cổ phiếu. Cụ thể công ty "mẹ" đầu tư mua cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt là 1.462 tỷ đồng, mua với giá 71.918 đồng/cổ phần, sở hữu 3,56% vốn điều lệ của Bảo Việt. Nhưng vào thời điểm 7/9/2009, giá cổ phiếu của Bảo Việt trên sàn HoSE chỉ là 37.100 đồng. Tính ra thiệt hại của Vinashin vào vụ này khoảng gần 700 tỷ đồng và đã phải chính thức thoái vốn và xin rút khỏi Hội đồng Quản trị, thay vào đó là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

  • THEO CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ, CÁC DỰ ÁN CỦA VINASHIN SẼ ĐƯỢC CHUYỂN GIAO CHO TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM BAO GỒM:

- Khu công nghiệp Tàu thủy Lai Vu (Hải Dương) bao gồm cả Công ty Công nghiệp Tàu thủy Lai Vu

- Khu công nghiệp Tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa) bao gồm cả Ban quản lý dự án Khu công nghiệp Nghi Sơn

- Nhà máy Đóng tàu đặc chủng và Sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai)

- Nhà máy Đóng tàu Dung Quất

- Khu công nghiệp Tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang)

- Phần vốn góp của Vinashin trong Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Anh (Nam Định) và trong các dự án do công ty này làm chủ đầu tư

  • BẢY ĐƠN VỊ KHÁC CỦA VINASHIN ĐƯỢC CHUYỂN GIAO CHO TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM BAO GỒM:

- Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh)

- Cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng)

- Khu công nghiệp và Nhà máy Đóng tàu Hậu Giang

- Cảng và Nhà máy Đóng tàu Năm Căn (Cà Mau)

- Công ty Vận tải Biển Đông

- Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin

- Và phần vốn góp của Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác.

Nhiều công ty "con" cũng đi theo con đường này khi lăn xả vào đầu tư cổ phiếu. Chẳng hạn Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng dù nợ nần chồng chất nhưng cũng vay vốn ngắn hạn để mua cổ phần của các đơn vị trong tập đoàn số tiền trên 58 tỉ đồng.

Công ty Đóng tàu Phà Rừng góp vốn cổ phần và mua cổ phiếu số tiền 61 tỷ đồng. Công ty này còn góp 2 triệu USD (40% vốn pháp định) thành lập liên doanh Baican nhưng liên doanh này đã bị thua lỗ, tính đến cuối năm 2007 số lỗ lũy kế lên đến trên 5,1 triệu USD, tương đương 81 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2008, nợ các tổ chức tín dụng của Vinashin là 19.885 tỷ đồng, tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vinashin là 10,9 lần. Nợ quá hạn của Vinashin đến 31/12/2008 là 3.812 tỷ đồng, chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của bảy tập đoàn kinh tế của Nhà nước. Theo nguyên tắc kinh doanh, một doanh nghiệp có số nợ quá ba lần vốn sở hữu là đứng bên bờ phá sản. Cũng tính đến 31/12/2008, số tiền đầu tư của Vinashin vào lĩnh vực tài chính là 3.308 tỷ đồng trong đó có 144 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán.

Theo quyết định tái cơ cấu đối với Vinashin, Chính phủ yêu cầu tập đoàn này nội trong quý II/2010 phải chuyển 12 công ty con về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) để trở thành công ty TNHH một thành viên từ ngày 1/7/2010.

Tuy Chính phủ nói rằng đây là cách giúp tập đoàn này tập trung vào các ngành nghề kinh doanh mũi nhọn như đóng - sửa chữa tàu thủy, nhưng thực tế một nửa số doanh nghiệp được chuyển sang cho hai tập đoàn PVN và Vinalines lại nằm trong lĩnh vực đóng tàu hoặc ngành kinh doanh chính của Vinashin. Đây là hình thức giải cứu cho con cưng bởi hai tập đoàn vừa nói không chỉ nhận tài sản, đất đai, nhân sự mà còn phải nhận luôn cả công nợ và các khoản tiền mà Vinashin đã đầu tư vào 12 công ty này. Như vậy là gánh nặng đã được chuyển giao sang các tập đoàn khác.

Ngoài ra, khi trở thành công ty TNHH một thành viên, Vinashin sẽ được Bộ Tài chính cấp bổ sung vốn điều lệ từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp cũng như được Chính phủ hứa tiếp tục phát hành trái phiếu cho Vinashin vay để cơ cấu lại nợ đáo hạn và thực hiện một số dự án đang dở dang. Việc bơm thêm tiền vào Vinashin cũng nhằm cải thiện tỷ lệ nợ trên vốn quá cao, một biểu hiện của kinh doanh kém hiệu quả.

Về phía Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn khẳng định không có việc ưu ái cho Vinashin, bằng chứng là đã yêu cầu kiểm điểm cá nhân, tập thể, Ban giám đốc liên quan đến những yếu kém đến mức nếu duy trì hình thức tập đoàn thì sẽ không có vốn để đầu tư tiếp tục. Đó cũng là lý do chuyển một số doanh nghiệp thuộc ngành nghề chính của Vinashin qua các tập đoàn khác.

Thông tin từ Petro Vietnam cho biết, tập đoàn này sẽ thành lập một Ban điều hành, định giá các tài sản được chuyển từ Vinashin. Sau khi tiếp nhận sẽ xem xét kỹ có tiếp tục triển khai ngành nghề hay lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này hay không.

Công bằng mà nói, việc hình thành tập đoàn Vinashin bốn năm trước đây nằm trong mục tiêu công nghiệp hóa đất nước, đặc biệt là đẩy mạnh ngành công nghiệp đóng tàu vươn lên tầm cỡ quốc tế. Thời gian qua Vinashin cũng đã nâng cao được năng lực ngành này qua khả năng có thể đóng được tàu 100.000 tấn, nhưng điều đó vẫn không nói lên được điều gì khi mà những khoản đầu tư lớn của Nhà nước không phát huy được hiệu quả. Có phải lực bất tòng tâm hay là cách làm ăn vung tay quá trán, một căn bệnh phổ biến của các tập đoàn nhà nước từng được nhiều nhà phân tích trong cũng như ngoài nước cảnh báo từ lâu.

Vấn đề đặt ra là đừng để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". Câu chuyện của Vinashin không phải của riêng doanh nghiệp này vì đó là một tập đoàn lớn sử dụng vốn nhà nước tức là vốn của người dân.

Cần xem lại vai trò quản lý của cơ quan nhà nước, bởi những lo ngại về những khuyết tật của mô hình tập đoàn ở nước ta nói chung và của Vinashin đã được cảnh báo từ lâu nhưng dường như không được quan tâm một cách nghiêm túc. Đầu tư dàn trải của Vinashin ai cũng biết mà không có cách chấn chỉnh.

PTS

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn