Tham luận tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa 8 của nhà văn Bùi Minh Quốc

image Kính gửi anh Hữu Thỉnh Chủ tịch, anh Nguyễn Trí Huân, anh Lê Văn Thảo Phó chủ tịch Hội;

Kính gửi các anh chị trong Ban chấp hành Hội,

Ngày 18.07.2010 tôi nhận được giấy mời do anh Hữu Thỉnh ký, yêu cầu gửi tham luận tới Hội trước ngày 25.07.2010. Bấy lâu cứ đinh ninh về dự Đại hội sẽ trao tham luận cho Chủ tịch đoàn rồi chờ đến lượt thì lên diễn đàn, nên khi nhận được giấy mời mới vội bắt tay viết, bây giờ (gần 0g ngày 25.07.2010) mới xong. Vì vậy tôi gửi theo đường thư điện tử về địa chỉ báo điện tử của Hội do anh Thỉnh làm Tổng biên tập. Tôi nhờ anh Thỉnh cho đăng ngay lên báo, coi như tôi đọc tham luận trước thềm Đại hội, phòng trường hợp Chủ tịch đoàn sơ ý bỏ lọt tham luận của tôi ở cuối xấp giấy nằm chờ chăng. Tôi cũng gửi tham luận này đến blog và web của các đồng nghiệp hội viên Nguyễn Huệ Chi, Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Viết Đào nhờ công bố giùm luôn thể, trân trọng cám ơn.

Bùi Minh Quốc

TỔ QUỐC VÀ TỰ DO

(Tham luận tại Đại hội lần thứ 8 Hội nhà văn Việt Nam )

Trong bóng tối bí mật đầy vật vã của một cơn đau đẻ lịch sử lớn, vào những đêm hè năm 1945, tại làng Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội - làng quê của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - có hai chiến sĩ cách mạng thức trắng trước trang giấy cặm cụi viết. Hai chiến sĩ ấy, một người 32 tuổi, một người mới 21 tuổi, được Đảng giao nhiệm vụ viết một bản báo cáo về văn hóa để trình bày trong đại hội toàn dân sắp họp tại Tuyên Quang (thuộc khu Giải phóng). Bản báo cáo ấy, khi hoàn thành vào ít ngày sau, mang tên: “MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI”. Hai chiến sĩ cách mạng đồng tác giả là Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi, thành viên nòng cốt của tổ chức Văn hóa cứu quốc Việt Nam, tiền thân của Hội nhà văn Việt Nam (cùng các hội khác thuộc lãnh vực văn hóa nghệ thuật).

Hôm nay chúng ta họp Đại hội lần thứ 8, xin hãy cùng nhau đọc lại đoạn sau đây trong văn kiện lịch sử đó :

“Ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận chính là cởi mở cho văn hoá dân tộc trở nên sầm uất và đem một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào cái văn hoá đã bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi nóng của mặt trời. Sách vở và báo chí được xuất bản tự do, nền văn nghệ của ta mới có thể dồi dào, phong phú.” (MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI - Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi - Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam, trong Mặt trận Việt minh, xuất bản - Hà Nội - 1945 - in lần thứ hai - trang 45).

Các quyền thiêng liêng ấy -  tự do tư tưởng và tự do ngôn luận - đã lập tức được hiến định trong Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946. Và đã hiện ra sầm uất trong đời thường. Xin hãy nhìn lại hoạt động báo chí và xuất bản trên khắp đất nước ta từ 19 tháng 8 năm 1945 đến suốt năm 1946 cũng đủ thấy sự sầm uất đầy sinh khí đó (một sự sầm uất mà ngày nay, cay đắng thay, chúng ta đang thiết tha mong mỏi được sớm có lại). Và không chỉ trong sinh hoạt báo chí xuất bản là công việc của những người trí thức ở thành phố, mà ngay cả trong đời sống bình thường của người nông dân ở các làng quê.

Xin hãy cùng nhau đọc lại mấy câu thơ Hồng Nguyên:

Tôi nhớ bờ tre gió lộng

Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau

Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau

Có tiếng gà gáy xóm

Có “khai hội, yêu cầu, chất vấn!”

Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa

Đó là hình ảnh bình thường bình dị của làng quê Việt Nam trong tâm tưởng anh bộ đội Cụ Hồ trên đường hành quân nhớ về hậu phương. Giữa những bờ tre mái rạ thân mật quen thuộc, hiện ra một cảnh đời vô cùng mới mẻ nghìn đời mới thấy: “Có khai hội, yêu cầu, chất vấn!”. Chỉ với mấy từ “chính trị chay” đúc thành một câu thơ hồn nhiên mộc mạc, Hồng Nguyên đã tạc vào lịch sử một sự thật hùng hồn của đời sống nông thôn Việt Nam mới, của con người Việt Nam mới. Một tố chất chính trị mới, văn hóa mới đã xuất hiện trong những con người bao đời lam lũ dưới bùn lầy nước đọng, giữa những công việc cày bừa cấy gặt quen thuộc nghìn đời đã biết làm một công việc mới: tổ chức khai hội, và trong khai hội, biết yêu cầu, chất vấn. Có lẽ đến nay, sau 65 năm, chúng ta cũng chưa thấm thía hết ý nghĩa sâu xa của cuộc đổi đời, tự đổi đời vĩ đại này mà chiến sĩ cách mạng, nhà thơ cách mạng Nguyễn Đình Thi đã ghi lại trong 2 câu thơ:

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

Cả dân tộc Việt Nam, từng con người Việt Nam, với sức quật cường hun đúc từ thuở Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống ách đô hộ Đại Hán Trung Quốc, với những bậc “hào kiệt đời nào cũng có” (Nguyễn Trãi), từ trong đêm dài “trăm năm nô lệ giặc Tây” ( lời nhạc Trịnh Công Sơn) vùng lên làm Cách mạng tháng Tám giành lại Độc lập cho nước Việt Nam, thiết lập chế độ mới, chế độ DÂN CHỦ CỘNG HÒA ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC. Ánh sáng chói lòa tỏa ra từ con người Việt Nam mới, trong tư thế mới: con người tự do. Phải, con người Việt Nam mới chính là con người tự do. Từ đây đất nước Việt Nam độc lập do con người tự do Việt Nam làm chủ, mọi công việc của đất nước Việt Nam do con người tự do Việt Nam quyết định. Con người Việt Nam sống một nếp sống mới, có khai hội, yêu cầu, chất vấn; khai hội một cách thực chất, yêu cầu đến nơi đến chốn, chất vấn đến nơi đến chốn trước khi cùng nhau quyết định. Quyết định quan trọng nhất là giữ cho bằng được nền độc lập của Tổ quốc, giữ cho bằng được quyền tự do của mỗi con người. Bằng việc thiết lập chế độ dân chủ cộng hòa, con người Việt Nam ngộ ra sức mạnh của quyền dân và quyền dân làm nên sức mạnh của Tổ quốc Việt Nam. Tổ quốc, một giá trị nghìn đời, và Tự do, một giá trị phương tây được tự giác tiếp nhận bắt đầu quyện chặt làm một trong phẩm giá làm người của con người Việt Nam, hiên ngang đĩnh đạc biểu thị trước toàn thế giới qua Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên đọc tại quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày 02 tháng 09 năm 1945, cất lên thành khúc hòa ca hùng tráng của toàn dân Việt Nam qua hồn thơ hồn nhạc Văn Cao :

LẬP QUYỀN DÂN, TIẾN LÊN, VIỆT NAM!

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước được Độc lập mà dân không được hưởng Tự do Hạnh phúc thì Độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Thế nghĩa là nước độc lập mà dân không có quyền thì vẫn là mất nước. Thiết nghĩ không có lời nào rành mạch hơn, khúc chiết cụ thể hơn câu nói và câu hát trên đây để khẳng định nguyên lý tồn tại và phát triển của đất nước Việt Nam và con người Việt Nam. Thấy hiện ra một sự gặp gỡ tương tri tương đắc giữa thiên tài chính trị Hồ Chí Minh với thiên tài nghệ thuật Văn Cao. Chỉ với mấy tiếng giản dị dễ hiểu đúc thành lời ca, Văn Cao đã cùng với Hồ Chí Minh xác lập và ban bố một đường lối chiến lược đúng đắn nhất cho Việt Nam tiến lên sánh cùng các cường quốc năm châu. Hiện thực về mối quan hệ tương tri tương đắc giữa người chiến sĩ cách mạng và người chiến sĩ văn hóa vừa nêu trên đã được chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Đang dự báo từ đêm trước Cách mạng Tháng Tám trong tác phẩm Một nền văn hóa mới, trang 22 :

“Chúng ta hãy sáng suốt nhận lấy nhiệm vụ tích cực chiến đấu, nhận lấy nhiệm vụ của người dân vong quốc cộng thêm nhiệm vụ của một chiến sĩ văn hóa mới.


Nói khác ra, để thực hiện nền văn hóa mới, trước hết chúng ta phải củng cố nền độc lập hoàn toàn và làm thực hiện chính thể dân chủ cộng hòa triệt để

”(Theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Đình Thi do nhà nghiên cứu Nhật Hoa Khanh ghi lại và công bố trên tạp chí Sân khấu năm 2009, thì đoạn này và đoạn đã dẫn trước là do Nguễn Hữu Đang viết, theo cách hai người cùng thống nhất đề cương rồi chia nhau mỗi người viết một phần).

Trong phạm vi tư liệu hạn hẹp mà tôi tiếp xúc, thì có lẽ tác phẩm Một nền văn hóa mới là một trong số hiếm hoi những văn bản đầu tiên đưa ra cụm từ mới để gọi tên một nhân vật mới, một lực lượng mới : người “chiến sĩ văn hóa mới”. Ở đây ta thấy một đóng góp rất quan trọng của Nguyễn Hữu Đang khi ông nêu rõ trong đoạn văn trên: người chiến sĩ cách mạng với người chiến sĩ văn hóa là một, hay nói khác đi, trong người chiến sĩ văn hóa có phẩm chất cách mạng, trong người chiến sĩ cách mạng có phẩm chất văn hóa, cách mạng quyện chặt với văn hóa; cái văn hóa truyền thống lấy đại nghĩa thắng hung tàn kết hợp với cái văn hóa mới của con người tự do làm cách mạng để lập quyền dân, để đem lại tự do hạnh phúc cho mỗi con người, cho tất cả mọi người, chứ không phải để cách mạng thành công thì leo lên ghế vua quan cách mạng. Tổ quốc và Tự do, hai giá trị cao quý nhất quyện chặt trong con người Việt Nam đã tạo nên một sức mạnh kỳ lạ (đến gần như bí ẩn) đưa dân tộc vượt thoát mọi tình thế hiểm nghèo tưởng chừng không thể nào vượt nổi, qua muôn trùng gian lao và khốc liệt trong cuộc đối đầu dai dẳng nhất với những thế lực ngoại xâm mạnh hơn mình gấp bội về vũ khí và kỹ năng quân sự, để đi tới ngày hòa bình thống nhất giang sơn. Người chiến sĩ - nghệ sĩ, với cảm hứng Tổ quốc và cảm hứng Tự do hòa quyện trong độ rung cảm mãnh liệt nhất, đã tạo nên bao tác phẩm giá trị về Tổ quốc, dâng Tổ quốc. Tôi tin rằng những tác phẩm ấy sẽ sống mãi cùng Tổ quốc Việt Nam, non sông Việt Nam, cũng như Tổ quốc và Tự do mãi mãi là nguồn sức mạnh vô song đưa đất nước Việt Nam không ngừng tiến lên.

Từ ngày thống nhất đất nước, người chiến sĩ - nghệ sĩ trong Hội ta sống thế nào, viết thế nào? Tổ quốc và Tự do, hai giá trị cao quý nhất  của con người Việt Nam, hai nguồn cảm hứng lớn của văn chương Việt Nam diễn biến ra sao trong tâm hồn họ, trong rung cảm nghệ thuật của họ ?

Chiến sĩ - thi sĩ Thanh Thảo viết :

Có những lúc ra về lòng rỗng không

Vì phải gặp trong cơ quan một thằng cặn bã

Tôi chào đất nước tôi. Buồn quá

Đó là mấy câu thơ trong bài Tôi chào đất nước tôi, Thanh Thảo sáng tác năm 1986, khi anh đang làm Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Nghĩa Bình.

Chiến sĩ - thi sĩ Nguyễn trọng Tạo viết :

Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ

Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ

Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ

Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn 

Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm

Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở

Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ

Tay ta treo đâu nghĩ có một lần!... 

Đó là những câu thơ trong bài Tản mạn thời tôi sống Nguyễn Trọng Tạo sáng tác năm 1981, khi những vết thương chiến tranh do giặc bành trướng gây ra (tháng 2 năm 1979) tại các tỉnh biên giới phía bắc còn đang đau đớn dữ dội trên khắp thân mình Tổ Quốc và trong lòng anh, mà đau đớn hơn hết là sự đổ vỡ niềm tin vào cái tình “đồng chí, anh em” dựa trên mối liên minh ý thức hệ giữa hai đảng cầm quyền trên hai đất nước xung đột về lợi ích quốc gia.

Và Nguyễn Trọng Tạo bị kiểm điểm vì thơ, vì dám trung thực bộc bạch nỗi đau trong lòng về cái thời mình đang sống. Đêm 11 tháng 11 năm 1981, anh đặt sẵn 2 khẩu súng ngắn bên gối để tự tử. Trước khi bóp cò, anh viết 10 bài thơ tuyệt mệnh, có những câu này:

Lòng bộn bề và trời đầy mây

Khao khát Tự do thì Tự do bị trói

Khao khát yêu thương thì ba chìm bảy nổi

Sự thật thiêng liêng bị đánh tráo dối lừa

Năm 2008, hai mươi hai năm sau bài Tôi chào đât nước tôi, Thanh Thảo viết Lại chào đất nước, có những câu này:

Cứ tự mình dán băng keo vào miệng

Con gọi Mẹ chỉ còn nghe ú ớ

Yêu Tổ quốc chỉ còn nghe ú ớ

Năm 1988, chiến sĩ - thi sĩ Nguyễn Duy tả cảnh Tổ quốc, nhìn từ xa thấy đầy những điếm; “Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng/Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn”, những “Chính khách mở mồm thằng nọ con kia”, những “Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện”. Và hỏi: “Ai ? Ai ?”. Những tiếng hỏi “Ai ? Ai ?”  đay đi đay lại suốt bài thơ dài, cứ vang mãi, vang mãi khắp đất nước ngổn ngang bao “nghịch lý” (chữ của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, tác giả thiên triết luận nổi tiếng Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ viết năm 1988 mà nhà văn Ma Văn Kháng mượn đưa vào tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú).

“Ai ? Ai ?” - Nguyễn Duy hỏi.

Không thấy ai trả lời.

Và Nguyễn Duy tự trả lời: “Không ai”.

Nhưng tôi nghĩ đằng sau hai tiếng “Không ai”, Nguyễn Duy đã nhìn thấy ai và những ai đang giấu mặt ở đâu. Làm gì có chuyện “không ai”! Phải có một ai đó, một tổ chức nào đó, một quyền lực, một thế lực nào đó chịu trách nhiệm chứ? Ai, thế lực nào đã đẩy Thanh Thảo vào cảnh tự mình dán băng keo vào miệng? Ai, thế lực nào đã tước đoạt tự do của Nguyễn Trọng Tạo, đẩy anh đến chỗ phải tìm đường quên sinh? Biết cả đấy, thấy cả đấy. Nguyễn Duy biết, Nguyễn Trọng Tạo biết, Thanh Thảo biết, nhưng không nói, khó nói, chưa nói. Nguyễn Trọng Tạo thừa biết cái thế lực chỉ đạo tổ chức kiểm điểm (đấu tố) anh đều vốn là đồng chí đồng đội của anh, cấp trên của anh nhưng họ đã bị ham muốn chức quyền lợi lộc làm cho tha hóa. Thanh Thảo thừa biết cái thế lực đó là tập hợp những tên cặn bã năm xưa không những không bị thanh lọc khỏi cơ quan, mà, với sự láu cá tài tình đáng nể, nó đã “chạy” lên trên chễm chệ ngồi ghế cấp trên ra lệnh cho anh phải tự mình dán băng keo vào miệng, đến nỗi người yêu nước như anh chỉ còn kêu ú ớ. Và Nguyễn Trọng Tạo đã không tự tử, anh quyết sống. Sống thế nào? Sống để chiến đấu cho Tự do, chắc chắn là thế, có phải không, chiến sĩ - thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo? Và Thanh Thảo đã đưa ra câu trả lời, trong bài Hà Sĩ Phu và cuộc cách mạng bị đánh tráo viết từ năm 1993 nhưng gần đây mới công bố trên trang mạng boxitevn.net do nhà văn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi điều hành.

Thành quả cách mạng đã bị đánh tráo làm vật liệu dựng nên ngai ghế vua quan cách mạng trong một cỗ máy quyền lực không có giám sát từ bên ngoài và cơ chế hãm bên trong, lấy sự tồn tại của chính nó làm mục đích tự thân, cứ ù lì quay một cách vô cảm bất chấp mọi ý kiến phản biện phê phán, mọi đòi hỏi khách quan của công cuộc đổi mới mà Đảng đề ra từ đại hội 6.

Cái “Sự thật thiêng liêng bị đánh tráo dối lừa” mà chiến sĩ - thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo sớm nhận ra và ghi lại vào phút sắp tự tử đêm 11 tháng 11 năm 1981 đó là gì?

Nguyễn Trọng Tạo tự trả lời ngắn gọn:

“Khao khát Tự do thì Tự do bị trói”

Câu thơ Nguyễn Trọng Tạo nói thay cho hàng triệu hàng triệu gia đình Việt Nam suốt 30 năm chiến tranh đã hy sinh tất cả tài sản tính mạng không chút so đo tính toán vì Tổ quốc và Tự do, đến khi Tổ quốc hòa bình thống nhất thì “Tự do bị trói”. Sự thể phũ phàng cay đắng này đã được chính Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh xác nhận bằng hai tiếng “cởi trói”. Với ý thức trách nhiệm nghiêm cẩn của người giữ cương vị tối cao trong hệ thống quyền lực, ông nói: “Tôi nghĩ Đảng phải cởi trói”. Nhưng Đảng là ai? Đảng gồm mấy triệu đảng viên, phần đông đều là những chiến sĩ tiền phong gương mẫu suốt đời chiến đấu hy sinh, suốt đời tận tụy vì nhân dân quên mình, những đảng viên như thế không bao giờ lại trói văn nghệ sĩ, trói nhân dân, hơn nữa chính họ cũng là nạn nhân bị trói bởi cỗ máy quyền lực (mà vẫn tự cho mình thuộc thành phần lãnh đạo). Cho nên, Tổng bí thư thì nói vậy, còn cái cỗ máy quyền lực thì vẫn cứ tiếp tục vận hành ngược với thiện chí của ông. Bởi động cơ đốt trong của cỗ máy này là tham vọng quyền lực luôn dùng thủ đoạn hô to khẩu hiệu “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng” để giữ chắc ngai ghế vua quan cách mạng, năng lượng không bao giờ vơi cạn của nó là lòng tham không đáy, là một thứ cá nhân chủ nghĩa lì lợm nhất ngoan cố nhất được chính cỗ máy quyền lực dung dưỡng. Thật là bi kịch, một đại bi kịch! Toàn Đảng toàn dân đổ bao nhiêu xương máu dựng nên một cỗ máy quyền lực rồi để cho nó nghiền dần nghiền mòn tiêu tán hầu hết những phẩm chất tốt nhất của mình. Những người dẫn dắt nhân dân 65 năm trước “rũ bùn đứng dậy” giờ đây tự thấy mình còn vương nhiều bùn tanh.

Nhà thơ cách mạng Nguyễn Đình Thi thổ lộ lúc cuối đời :

Người tôi còn nhiều bùn tanh

Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ

Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ

Nhiều dây nhợ tự buộc mình

Nhà văn cách mạng Nguyễn Khải, trong bài Chiến sĩ – Nghệ sĩ (báo Văn nghệ số 17,18 ngày 29.4/5.5.2007) buồn bã nhìn lại đời mình và bậc đàn anh Nguyễn Đình Thi, từ người chiến sĩ - nghệ sĩ sống cao đẹp bao nhiêu thì chuyển sang đời công chức, quan chức tầm thường tẻ nhạt bấy nhiêu. Không lâu trước khi mất, Nguyễn Khải còn gắng viết một tùy bút chính trị khá dài Đi tìm cái tôi đã mất. Tôi nghĩ chắc hai anh tự buộc mình trải lòng lên trang giấy những chiêm nghiệm thầm kín ấy là để cho cõi lòng nhẹ nhõm phần nào trước lúc đi xa, mà cũng là muốn gửi lại như một lời nhắc nhở các thế hệ kế tiếp. Giờ phút này, tôi cảm thấy hồn thiêng hai anh đang hiện hữu nơi đây, trong hội trường này, đang muốn xem những lời nhắc nhở chân tình của mình được tiếp nhận đến đâu. Hẳn hai anh đã thấy bi kịch Nguyễn Đình Thi, bi kịch Nguyễn Khải vẫn đang lặp lại ở Ban chấp hành Hội khóa 7 qua niềm thơ Thanh Thảo “Cứ tự dán băng keo vào miệng/Con yêu Mẹ chỉ còn nghe ú ớ/Yêu Tổ quốc chỉ còn nghe ú ớ”. Các đồng nghiệp hội viên của tôi có mặt ở đây hôm nay, người trẻ nhất cũng lớn tuổi hơn nhà văn Nguyễn Đình Thi lúc viết Một nền văn hóa mới, nhà văn Nguyễn Khải lúc viết Mùa lạc, các bạn nghĩ gì về những lời nhắc nhở của hai bậc tiền bối, con đường văn chương và giữ gìn phẩm giá nhà văn của các bạn sẽ ra sao? Những người đi tới biển của Thanh Thảo là con người đi tới tự do, những người lính ngồi xe tăng tiến tới thành phố của Hữu Thỉnh là tới đâu, tới tự do hay tới nơi nhà cao cửa rộng để làm công chức, làm quan chức? Tôi mong các anh chị lãnh đạo hội các khóa trước và khóa này bày tỏ đôi ý kiến với các bạn trẻ về những lời nhắc nhở của anh Thi anh Khải. Hội chúng ta đang đứng trước một tình hình phải có sự lựa chọn cho rành mạch, không thể tiếp tục “ú ớ” nữa.

Không thể ú ớ trước hiểm họa bành trướng đang đe dọa sự mất còn của Tổ quốc.

Không thể ú ớ trước tình cảnh các đồng nghiệp lâm nạn vì ngòi bút.

Không thể ú ớ trước yêu cầu bức bách về đổi mới tổ chức Hội, tiếp tục theo con đường Hội xin tiền Nhà nước hay dứt khoát chuyển sang con đường Hội tự nuôi tự quản.

Hội nhà văn chúng ta bấy lâu được xây dựng và hoạt động theo mô hình “tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp” được nuôi bằng tiền Nhà nước (tất nhiên lấy từ tiền thuế dân đóng). Thực hiện chủ trương đổi mới tư tưởng đi đôi với đổi mới tổ chức do Đại hội Đảng lần thứ 6 đề ra, đa số hội viên Hội nhà văn tại Đại hội lần thứ 4 (họp tháng 10 năm 1989) đã quyết định Hội chỉ là “tổ chức xã hội nghề nghiệp” thôi, không phải là tổ chức chính trị nữa. Nhưng đến Đại hội lần thứ 5 (họp tháng 3 năm 1995) thì lại trở về mô hình “tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp”. Thế là đổi mới vừa nhích lên chút xíu đã phải lùi về như cũ. Nguyên nhân của sự thụt lùi này rất đơn giản: TIỀN. Phải là “tổ chức chính trị” thì Nhà nước mới cấp tiền (gồm cả trụ sở, phương tiện), và ngày càng nhiều tiền.

Thông tin trên Vietnamnet cho biết: chỉ tính riêng tiền đầu tư chiều sâu sáng tác, Hội nhà văn được cấp trong nhiệm kỳ 5 năm qua (2005 – 2010) là 15 tỷ đồng, nếu kể cả các hoạt động thường niên của Hội thì con số này chắc chắn lớn hơn nhiều.

Về  trụ sở, trong phạm vi tôi biết thì

Tại Hà Nội có :

-                                                   9 Nguyễn Đình Chiểu

-                                                   65 Nguyễn Du

-                                                   17 Trần Quốc Toản (vừa đập cũ xây mới thành 8 tầng)

-                                                   Bảo tàng văn học tại Quảng Bá Tây Hồ (mới khánh thành, nhà và khuôn viên đất rất lớn)

Tại TP HCM:

-                                                   43 Đồng Khởi (vị trí này giá đất nghe nói đắt ngang với giá ở thủ đô Tô-ki-ô của Nhật Bản)

Tôi xin nhờ các đồng nghiệp am hiểu tính sơ giùm, chỉ riêng tài sản cố định nêu trên, Hội ta đang quản lý một khối lượng tài sản quy ra tiền là bao nhiêu, có lẽ phải tới nhiều trăm tỷ? Và thử tính hiệu quả của những đồng tiền ấy. Hãy lấy tờ báo Văn nghệ để xem xét. Cứ so sánh giữa 2 thời, trước kia do nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập với sau đó do nhà thơ Hữu Thỉnh rồi nhà văn Nguyễn Trí Huân làm Tổng biên tập. Trước: kinh phí ít, trụ sở nhỏ, chất lượng cao, số lượng phát hành tăng [hết sức] nhanh nhờ chất lượng. Sau: trụ sở vẫn thế, gần đây xây mới thành nhà 8 tầng, còn chất lượng thì rõ ràng không bằng trước [thua quá xa thời Nguyên Ngọc – BVN], lượng phát hành cũng chỉ bằng hoặc có thể không bằng trước (lý do cần đập ngôi nhà cũ - hình như là một di tích lịch sử - để xây lớn nhiều tầng chắc không phải vì nhu cầu phát triển tự thân của tờ báo?). Nếu tính cả khấu hao tài sản cố định vào giá thành sản phẩm thì tờ báo hẳn là lỗ rất nặng. Lại đem kinh phí hoạt động của Hội mua báo Văn nghệ phát không cho hội viên. Cách làm này gây hại cho tờ báo (không cần nâng cao chất lượng cũng cứ có một lượng phát hành ổn định), gây lãng phí, bởi nhiều hội viên không thích đọc báo Văn nghệ cũng cứ phải nhận rồi vứt xó. Ấy là chưa kể - mà điều này mới là hệ trọng hàng đầu: trăm nghìn sự phức tạp, gây đau lòng và xấu hổ cũng bắt nguồn từ cái đồng tiền bao cấp đó, tiền rót xuống càng nhiều càng phức tạp.

Những ngày này, Hội nhà văn Việt Nam đang trên đường tiến tới Đại hội lần thứ 8 của mình. Về việc đổi mới tổ chức Hội, có 3 luồng ý kiến khác nhau, phát biểu trong các hội nghị và trên các phương tiện truyền thông:

1/- Để nguyên như cũ: Hội là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp (Dự thảo sửa đổi điều lệ của Ban chấp hành Hội).

2/- Sửa lại như đại hội 4 đã sửa : Hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp.

3/- Chuyển từ Hội do Nhà nước nuôi thành Hội tự nuôi (và đương nhiên: tự quản).

Điểm khác nhau mấu chốt giữa 3 luồng ý kiến trên (thực chất chỉ là 2) nằm ở chỗ: nhà nước nuôi hay tự nuôi? Mới hay cũ cũng ở cái chỗ này. Có thực lòng yêu dân yêu nước yêu tự do hay không cũng ở cái chỗ này. Nếu thực sự quyết tâm đổi mới thì hiển nhiên phải chọn con đường tự nuôi. Phải tự nuôi thì mới thoát khỏi cái cảnh nhà văn cán bộ, nhà văn công chức, nhà văn quan chức. Điều này đã được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nêu lên từ lâu nhưng chưa được quan tâm suy nghĩ và thảo luận. Nay đã đến lúc không thể né tránh mãi nữa. Một kiểu né tránh thể hiện ở luận điểm: tự nuôi thì đói.

Hãy cùng nhau đào sâu vấn đề: một hội tự nuôi có đói được không? Câu trả lời của tôi là: không, không thể đói được, mà đói cũng quyết tự nuôi. Đã có biết bao nhà văn tạo nên những tác phẩm giá trị trong hoàn cảnh tự nuôi đó thôi. Tự lực văn đoàn là một tổ chức chỉ gồm 8 thành viên đều là những nhà văn tài năng tự nuôi mình và góp phần nuôi hội mà làm nên một sự nghiệp văn học đồ sộ nhường nào. Hai tiếng “Tự lực” chứa đựng cả một triết lý sâu xa về lẽ sống, một thái độ sống, một phong cách sống rất đáng trọng của người trí thức. Chúng ta cần học kinh nghiệm rất hay của Tự lực văn đoàn để xây dựng hội của mình. Tôi tin rằng nhiều nhà văn chúng ta, nhất là những ai ít bị vướng víu tâm lý bao cấp, tha thiết với con đường “tự lực”, sẽ có vô vàn sáng kiến để định ra một đề án xây dựng Hội tự nuôi tự quản có tính khả thi và tính hiệu quả cao. Hội phải là nơi các nhà văn tự nuôi tự nguyện tập hợp nhau lại do nhu cầu tri âm tri kỷ, giúp nhau trau dồi nghề nghiệp, cưu mang nhau khi gặp khó khăn, bênh vực bảo vệ nhau khi lâm nạn vì ngòi bút.

Nhà văn Đình Kính nêu yêu cầu: XÂY DỰNG MỘT ĐIỀU LỆ KHOA HỌC, SANG TRỌNG LÀ KHÂU TỐI QUAN TRỌNG CỦA ĐẠI HỘI 8”. Phải lắm! Muốn thế thì điều khoản then chốt của điều lệ Hội dứt khoát phải là hai chữ “tự nuôi”. Tự nuôi mới có sức sống tự thân, đó là khoa học. Tự nuôi mới là biết tự trọng và được người đời kính trọng, đó là sang trọng. Nhà nước và công chúng, do sự thôi thúc bởi nhu cầu tự thân của một nhà nước có văn hóa, một công chúng có văn hóa, khi thấy có nhà văn nào (trong hoặc ngoài hội) đáng kính trọng về tác phẩm và nhân cách thì tự nguyện đến tận nhà của nhà văn ấy tỏ niềm kính trọng. Những nhà văn chân chính khi lâm nạn vì ngòi bút hoặc các thứ nạn khác, nhất định sẽ được nhân dân đem gạo mắm đi thăm nuôi, không có gạo mắm thì một gói mì một mẩu sắn trong cảnh ngộ ấy cũng quý báu gấp ngàn lần các khoản đãi lấy từ tiền thuế của dân; và đồng thời gói mì, mẩu sắn đạm bạc ấy cũng lập tức trở thành nguồn sữa tinh thần vô tận nuôi lớn tâm hồn và khí phách người nghệ sĩ.

Vậy là việc lựa chọn mô hình xây dựng hội xin tiền nhà nước như bấy lâu hay chuyển sang hội tự nuôi đã trở thành vấn đề danh dự của Hội và của từng nhà văn.

Tôi tin rằng một Hội nhà văn tự nuôi tự quản sẽ được Nhà nước quý trọng, kính phục và nhân dân yêu thương gấp bội một Hội nhà văn xin Nhà nước nuôi.

Nhà văn cách mạng Nguyễn Minh Châu tâm sự (trong thư gửi nhà thơ Nguyễn Trung Thu) lúc cuối đời:

“Nhà văn nước nào cũng vậy, ngoài tiếng nói trong tác phẩm, phải có tiếng nói xã hội, tiếng nói trước công bằng và bất công, trước chiến tranh và hoà bình”.

“Theo tôi, làm một thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách, kể cả việc anh núp sau lập luận rằng văn học là cái gì sâu xa để đời (…). Ở cái chỗ này tôi thấy có cái gì đang thử thách, lại thử thách từng người rất tinh vi, ai ra sao nó lại lộ ra như thế…”.

Vâng, anh Châu ơi, lúc này là lúc đang thử thách từng người chúng tôi. Tôi cảm thấy hồn thiêng anh Châu cũng đang hiện hữu ở đây cùng anh Thi anh Khải, các anh đang nhìn xem mỗi chúng ta sẽ ra sao trước thử thách này.

Đà lạt 25.07.2010.

BMQ

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn