Khi các nhà độc quyền năng lượng ra giá...

Nguyễn Minh Phong

clip_image002Bản kiến nghị tăng giá điện có tính đột biến vừa qua mang hơi hướng tiếp thu kinh nghiệm vận động chính sách của một số Hiệp hội có tính bảo hộ và độc quyền tương tự ở Việt Nam và thế giới.

"Úm ba la, cả 3 cùng có lợi"

Ngày 9/8/2010, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) loan báo sẽ gửi văn bản tới Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng để kêu trời rằng, với giá bán lẻ điện bình quân năm 2010 là 1.058 đồng mỗi kWh, thì trong 6 tháng đầu năm, EVN đã lỗ trên 3.000 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị  xóa bỏ giá điện bậc thang để áp dụng 2 loại giá điện, mà theo đó các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, học sinh, sinh viên... được áp dụng giá điện có hỗ trợ của Nhà nước đối với 50 kWh đầu tiên. Riêng các hộ sử dụng điện có mức sống trung bình trở lên áp dụng giá bán 7-8 cent mỗi kWh (khoảng 1.500 đồng mỗi kWh), tức tăng gần 50% so với giá hiện hành. Hiệp hội cũng kiến nghị, thành lập một Tổng công ty quản lý giá điện trực thuộc EVN cho hộ nghèo và giá điện phục vụ công ích xã hội...

Các ý kiến chủ đạo trên đây là kết quả của cuộc hội thảo-hiệp thương kiểu "anh nói đỡ cho tôi, tôi sẽ kêu hộ anh" , "Úm ba la, 3 ta cùng có lợi" giữa chủ yếu là lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn như Dầu khí, Điện lực, Công nghiệp than và khoáng sản - những đại gia cùng đẳng cấp đang độc quyền ngành năng lượng ở Việt Nam.

Theo ước tính sơ bộ, với sản lượng của ngành điện hiện nay, chỉ cần tăng 1 đồng, ngành điện sẽ thu thêm được tới 100 tỷ đồng/năm chứ không ít. Giá điện tăng 500 đồng, tức chỉ vài "xen" theo cách gọi khéo, thì ngành điện định thu thêm "sau một đêm ngủ dậy" mà không cần làm gì  tới 50.000 tỷ đồng/năm, tức xấp xỉ 2,5 tỷ USD? Quả là vụ làm ăn lời bạc tỷ từ cóp nhặt từng xu chứ chả bỡn!

Những câu hỏi không lời đáp

Bản kiến nghị có vẻ mang đậm hơi hướng tiếp thu kinh nghiệm vận động chính sách của một số Hiệp hội có tính bảo hộ và độc quyền tương tự ở Việt Nam và thế giới.

Không hiểu khi đồng thuận cao trong việc "ra giá" điện với mức "khủng" như trên, "Hiệp hội Năng lượng" nói chung và EVA nói riêng đã biết phải làm gì và thực tế đã làm hay chưa những việc để cải thiện tình hình. Liệu các cơ quan đã công khai kiểm toán hay chưa các tổn thất điện năng, năng suất lao động, định mức tiêu thụ vật liệu, cũng như các chi phí tiền lương và hư hao, thất thoát đủ loại khác... được tính tất tần tật vào giá thành hay mức tăng giá điện và các dạng năng lượng khác?

Nhân tiện, sao những cơ quan này không tổ chức hội thảo trước khi tiến hành hội thảo tăng giá điện như vậy?

Hơn nữa, làm cách nào để xác định chính xác, minh bạch, kịp thời theo cả tiêu chí định tính và định lượng 2 nhóm đối tượng để áp giá điện mới theo sáng kiến đột phá của Hiệp hội năng lượng và EVA? Và liệu "cơ chế 2 nhóm đối tượng" này có là kẽ hở để dung dưỡng "cơ chế xin-cho" trong xếp hạng giàu - nghèo (như đã từng xảy ra chuyện chạy xếp hạng xã nghèo để nhận tiền hỗ trợ từ Chính phủ trong thời gian qua ở một số tỉnh) và phát sinh các dạng hạch toán "xập xí xập ngầu" có tính chất ăn gian và tham nhũng, gây thất thoát trong quản lý thu tiền điện trong tương lai?

Phải chăng xác định các hỗ trợ chính sách giá điện theo tiêu chí định lượng là 50 kw đầu gây bất công và thiệt hại cho xã hội hơn là cách tính theo tiêu chí chủ yếu có tính định tính cao là trung bình  và nghèo. E rằng khi triển khai kiểu hỗ trợ mới này có lẽ ngành Thống kê Việt Nam sẽ "choáng" vì độ vênh số liệu tương ứng giữa ngành mình và ngành điện không chỉ về tỷ lệ giàu-nghèo trong nước...

clip_image004

Và khái niệm "Tổng công ty quản lý giá điện cho 2 nhóm đối tượng" trên là gì, hình hài và cơ chế của nó ra sao? Đó là Tổng công ty kinh doanh thương mại hay cơ quan quản lý hành chính Nhà nước thay cho Vụ Giá của Bộ Tài chính. Một khi đã là cạnh tranh thị trường đúng nghĩa giá là do thị trường quy định, còn hiện nay chưa có cơ chế thị trường trong ngành điện thì sao lại cần một định chế kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi" như vậy? Đúng là người ta hay "cuốc giật vào lòng" thật, các cụ nhà ta dạy cấm có câu nào sai!

Người tiêu dùng hiện tại trả tiền cho người tiêu dùng tương lai

Mục tiêu tăng giá điện như biện minh của các đại gia độc quyền cao nêu trên là vì để có giá điện thị trường, cũng như trước mắt để có vốn đầu tư phát triển ngành điện là lôgic ngược, vì chỉ có giá thị trường khi có cạnh tranh và kiểm soát cạnh tranh thị trường lành mạnh.

Hơn nữa, không thể bắt người tiêu dùng hiện tại trả tiền cho người tiêu dùng tương lai, cũng như không nên để những nhà đầu tư không đủ năng lực gạt bỏ những nhà đầu tư hiệu quả và bắt cả xã hội làm con tin bảo đảm cho lợi ích cục bộ của mình.

Thực tế cho thấy, không sợ thiếu vốn, thiếu hàng hóa và sản phẩm dịch vụ cho nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường, dù đó là điện năng, mà chỉ sợ thiếu cơ chế khuyến khích và quản lý đầu tư hiệu quả, cũng như thiếu cơ chế tuyển chọn đúng đội ngũ cán bộ, chuyên gia và nhà đầu tư có đủ năng lực, tâm và tầm để phát triển ngành điện và các dạng năng lượng khác vì lợi ích chung của quốc gia và cộng đồng.

NMP

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn