Kỷ niệm lần thứ 65 CMT8 và Quốc khánh 2-9: CHỈ CÓ MỘT THỨ DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN

Tống Văn Công

image Đọc bài "Phát triển nhanh và bền vững" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi vô cùng ngạc nhiên khi ông 15 lần nhắc "thực hiện dân chủ", "mở rộng dân chủ", 3 lần nhắc thực hiện "quyền làm chủ"! Thử giở gần chục quyển Nghị quyết Trung ương do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành thì thấy Nghị quyết nào cũng nhiều lần nhắc đến "thực hiện dân chủ". Ngay Nghị quyết về công tác tư tưởng và báo chí cũng: "Phải phát huy dân chủ khai thác mọi tiềm năng sáng tạo của toàn Đảng, toàn xã hội tạo bước phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và báo chí." (trang 19).

Nếu so sánh với nguyên thủ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Singapore... thì sẽ thấy trong diễn văn nhận chức, thông điệp đầu năm và cả trong đề cương tranh cử, họ đều chỉ nói những chủ trương, công việc cần phải làm, không hề nói tới việc "thực hành dân chủ", "mở rộng dân chủ". Đã vậy, nhiều phát ngôn của các nước nói trên lại thường chỉ trích Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền! Chống chế lại, nhà nước Việt Nam cho rằng có hai thứ dân chủ và nhân quyền, của phương Tây và của Việt Nam. Nặng nề hơn, nhiều nhà lãnh đạo và nhà lý luận Việt Nam cho rằng "các thế lực thù địch" đã không ngừng lợi dụng dân chủ và nhân quyền của phương tây để công kích, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Đối với nhân dân trong nước, có người đe rằng nếu theo thứ dân chủ, nhân quyền phương Tây thì sẽ tự đánh mất mình, sẽ đảo lộn trật tự xã hội, trật tự trong mỗi gia đình! (Chưa có nhà lý luận nào chứng mính điều này, ngược lại chỉ thấy đạo đức xã hội Việt Nam băng hoại chưa từng có suốt quá trình xây dựng đạo đức cách mạng!).

Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đối với vận mệnh dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Dân chủ và Nhân quyền là vấn đề mà nhân loại tiến bộ đã kiến giải và thực hiện hằng trăm năm rồi, hoặc chí ít là từ những Công ước của Liên hiệp quốc trong vài chục năm nay mà chính đại diện Nhà nước Việt Nam cũng đã đặt bút ký cam kết thực hiện!

DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN VÀO VIỆT NAM TỪ BAO GIỜ?

Dân tộc ta không có truyền thống nhân quyền và dân chủ. Có lẽ tư tưởng nhân quyền Việt Nam thể hiện cô đọng ở mỗi một câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân". Một số người cho rằng Hương ước, Phép vua thua lệ làng, và câu Dân vi quý xã tắc thứ chi... của Mạnh Tử từ bên Tàu sang là mầm mống dân chủ! Học giả Phan Kế Bính nhìn khái quát đã viết trong Việt Nam phong tục: "Khắp nơi, dưới trời, đâu cũng là đất của nhà vua, suốt mặt đất, ai cũng là tôi tớ của nhà vua". Trong hồi ký Con Rồng Việt Nam, Bảo Đại miêu tả cái uy của hoàng đế như sau: "Nghi lễ đã ấn định rằng, khi quỳ trước nhà vua mà ngẩng đầu lên nhìn là phạm tội nặng". Bảo Đại kể, sau khi ông thoái vị, trên đường ra Hà Nội theo triệu tập của Cụ Hồ, đến Quảng Trị ông rất bất ngờ chứng kiến cảnh nhân dân đông nghẹt mừng đón ông theo kiểu đón hoàng đế. Tại Đông Hà, đại diện Ủy ban cách mạng bị tác động bởi lòng sùng kính của dân chúng toan bỏ nghi thức đón tiếp theo phong cách dân chủ đã dự định, để trở về với nghi thức cổ xưa khi đón vua. Bảo Đại biết như vậy là không ổn, nên đã tìm cách giúp cho các đồng chí ta thoát khỏi tình trạng lúng túng đó. Ông "đã tới gần họ rất niềm nở, nhưng tôi càng niềm nở bao nhiêu thì họ càng thêm kính cẩn bấy nhiêu!". Bảo Đại bình luận: "Quả nhiên, cách mạng không phải là điều dễ đạt!".

Mãi đến năm 1906 -1908, trí thức Việt Nam mới dấy lên phong trào Duy Tân (Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng) tiếp nhận tư tưởng dân chủ phương tây của J. J. Rousseau, Montesquieu... qua những tác phẩm thời ấy gọi là "tân thư" của các tác giả Trung Quốc tây học như Khang Hữu Vi, Lương khải Siêu... Năm 1907, Trường Đông kinh Nghĩa thục (do các chí sĩ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền... sáng lập) phát hành quyển Văn minh tân học sách (có nghĩa là đường lối tân học văn minh). Sách này có khoảng 12. 000 từ, đề ra nội dung "chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, mở rộng nhân quyền, cải thiện dân sinh", với tư tưởng dân chủ, nhân quyền phương Tây. Sách nêu ra bài học dân chủ của phương Tây là "Trên có nghị viện duy trì kỷ cương pháp luật, dưới có báo chí đạo đạt nguyện vọng của hạ dân" và nêu ra 6 biện pháp thực hiện để Việt Nam theo kịp văn minh phương Tây.

Tháng 1 năm 1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Paris (gồm có Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Khánh Ký...) gửi đến Hội nghị Versailles Bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm có 8 điều đòi được thực hiện dân chủ và nhân quyền như: thả người bản xứ bị kết án tù chính trị; cho dân thuộc địa được hưởng quyền pháp lý như người Âu châu; tự do báo chí và tự do ngôn luận; tự do hội họp và lập hội; tự do cư trú, tự do xuất dương; tự do học tập, lập trường kỹ thuật; thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; có đại biểu thường trực của người bản xứ bầu ra tại nghị viện Pháp... Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc còn tiếp tục viết nhiều bài báo đòi thực hiện tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam đăng trên tờ Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp, như bài viết ngày 2 tháng 8 năm 1919 có những câu "Nếu không có các quyền tự do ấy thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào". Những bài viết như thế truyền về nước góp phần soi sáng dân trí, khích động dân khí Việt Nam.

Năm 1926, khi cụ Phan Chu Trinh, một trong những lãnh tụ lỗi lạc của phong trào Duy Tân qua đời tại Sài Gòn, chí sĩ Phan Bội Châu viết văn tế khóc thương ông có câu: "Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng; Cửa dân chủ khêu đèn sáng chói". Đó là tư tưởng dân chủ phương Tây bắt đầu sáng chói trên đất nước ta bởi các chí sĩ Duy tân và Đông Kinh Nghĩa thục truyền bá, đã dẫn tới việc thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1927, dựa trên 3 nguyên tắc Tự do, Bình đẳng, Bác ái, thực hiện khởi nghĩa vũ trang, nhằm "đánh đuổi thực dân Pháp, đánh đổ ngôi vua, thiết lập dân quyền."

Tháng Tám 1945, một cột mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự ra đời Nhà nước dân chủ cộng hòa với ba tiêu chí độc lập, tự do, hạnh phúc. Chế độ mới mang tư tưởng dân chủ, nhân quyền của Việt Nam hay của phương Tây? Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập nước ta, Cụ Hồ trịnh trọng tuyên bố:

"Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tựdo bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”

Năm 1948, với bút danh Trần Dân Tiên, Cụ Hồ bộc bạch rằng "Cụ Hồ không giấu nổi sự vui sướng" bởi "trong đời Cụ đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy". Và cho rằng: "Thật vậy, bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những yêu cầu đã gửi cho Hội nghị Versailles mà Cụ Hồ đã viết năm 1919".

Ngày 25 tháng 8 -1945, vua Bảo Đại trong Tuyên ngôn thoái vị có câu "Chiếu đà dân chủ đang đẩy mạnh ở miền Bắc nước ta [...]" và câu cuối cùng là "Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm!". Việc chấp nhận tư tưởng dân chủ từ Cách mạng Tháng Tám đã được Bảo Đại kể lại khi lần đầu tiếp kiến Cụ Hồ: "Người gầy gò mảnh dẻ, mắt sáng quắc đầy nhiệt tâm, ông có một nhãn lực lôi cuốn, vừa đạo mạo vừa độc đáo. Lời nói cũng chan hòa nhân ái, như bác bỏ mọi bạo động, hận thù. Ông như đã nắm vững được thực tại và nhu cầu của Việt Nam lúc ấy. Ông cũng có một nhận xét sắc bén về tiến trình lịch sử, do sự tự học khá rộng rãi về các thế giới Tây phương, về Nga và Trung Hoa". Bảo Đại viết những dòng này năm 1979 ở Pháp, tức là ông không có chịu áp lực nào. Là một người Tây học, vua Bảo Đại hiểu thứ dân chủ mà Cụ Hồ thực hiện thuộc về giá trị văn minh của toàn nhân loại và ông tin rằng Cụ Hồ là người "nắm vững được thực tại và nhu cầu của Việt Nam", cho nên ông phải tuân theo. Đó cũng là suy nghĩ của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam nhất là các nhân sĩ trí thức thời ấy khi kéo về quy tụ quanh Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Tự do, Dân chủ của bản Tuyên ngôn độc lập sau đó được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 và bước đầu được thực hiện với Chính phủ liên hiệp và các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do sáng tác, tự do lập hội... Các đảng phái lần đầu tiên được công khai hoạt động. Các báo có trước cách mạng kể cả tờ Bình Minh thân Nhật vẫn tồn tại (tờ Bình Minh sa sút từ khi Nhật chưa đầu hàng vì tâm lý chống phát xít), nay có thêm nhiều tờ báo mới. Những người lấy lòng quân Lư Hán ra báo Trung Việt tân văn. Nguyễn HảiThần ra báo Đồng Minh. Các nhân sĩ yêu nước xuất bản báo Quốc Gia. Tết 1946 báo này được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng bài thơ có những câu: "Tự do vàng đỏ một rừng hoa. Muôn nhà chào đón xuân dân chủ". Từ chiến khu về có báo Cứu Quốc của Việt Minh, báo Kháng Chiến của Cao Bắc Lạng, tờ Vui Sống của ngành Y Tế... Dù báo chí có nhiều khuynh hướng, nhưng người đọc mới trong nô lệ bước ra vẫn rất tinh tường nhận rõ lằn ranh giữa yêu nước và phản trắc. Các tờ báo thân Tàu, các tờ báo có quan điểm bè phái luôn bị ế ẩm. Sau khi Pháp chiếm Hà Nội vẫn còn báo Bạn Trẻ của tư nhân tản cư ra vùng giải phóng tiếp tục in báo hằng ngày bằng máy pê-đa-lét đạp chân, phát hành vào cả nội thành trong nhiều năm (do Thượng sĩ - Nguyễn Đức Long và Vũ Bằng chủ trương). Vũ Đình Chí (Tam Lang) bị Pháp bắt giam ở Hà Đông, cho biết trong trại giam ông đã được đọc báo Bạn Trẻ. Ủy ban kháng chiến khu 3 xếp báo Bạn Trẻ ở vị trí hàng đầu trong các tờ báo kháng chiến. Về tự do sáng tạo, tự do ngôn luận và lập hội, có thể kể nhóm thi sĩ Tượng Trưng của Trần Dần, Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương thành lập, xuất bản tạp chí Dạ Đài in Tuyên ngôn:

"Hãy đem tất cả linh hồn, hãy mở tất cả cửa ngách của tâm tư mà lý hội. Trận gió sẽ lên: tức khắc và đột nhiên, vì thơ không cần lý luận."

Tiếc thay, tất cả phải im tiếng, bởi súng đã nổ!

"NỀN DÂN CHỦ GẤP TRIỆU LẦN HƠN" CŨNG TỪ NGOẠI NHẬP!

Từ năm 1950, dưới sức ép của Trung Quốc, đường lối cách mạng uốn dần theo ý thức hệ cộng sản. Sau giải phóng miền Bắc, tốc độ chuyển ý thức hệ nhanh tới mức rất nhiều cán bộ, đảng viên vốn mang tư tưởng tự do, dân chủ của Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp 1946 đã bị bất ngờ. Trong bài thơ gửi Lê Đạt, nhà thơ quân đội Trần Dần đang nằm trong phòng tạm giam viết:

" Bạn nói sai chưa?

" Chế độ mới không bỏ tù tư tưởng... "

Hàng loạt nhà chính trị, luật sư, nhà văn, nhà thơ quá tin vào nền tự do dân chủ mà mình góp công bồi đắp nay đã ra hoa kết trái, phải bị bất ngờ hụt chân: Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Phan Khôi, Lê Nguyên Chí, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Sĩ Ngọc, Trần Duy, Quang Dũng, Tử Phác, Như Mai, Trần Lê Văn, Đặng Đình Hưng, Hoàng Tố Nguyên, Trần Thiếu Bảo... cũng có thể kể cả Trần Văn Giàu. Sự lệch pha khủng khiếp dễ thấy ở cái tít vedette trên báo Nhân Văn số 2: "Chúng tôi phỏng vấn Mở rộng Tự do và Dân chủ". Tất cả những người còn mơ ngủ này không hiểu rằng gió đã đổi chiều. Miền Bắc Việt Nam đang "tiến lên chủ nghĩa xã hội... đoàn kết nhất trí với các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại"! (Lời nói đầu Hiến pháp sửa đổi 1960). Một mô hình theo thể chế Xô viết của khuôn mẫu Stalin nhanh chóng hình thành. Ở đây không còn chỗ cho cái thứ "dân chủ, tự do tư sản". Chuyên chính vô sản được thiết lập với bộ mặt mới "dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, thông qua Đảng tiên phong của nó". Một chế độ "dân chủ gấp triệu lần hơn thứ dân chủ hình thức, giả dối của giai cấp tư sản" đã hiện diện.

Về chính trị, sau toàn quốc kháng chiến, Việt Nam có 3 Đảng , nhưng hai đảng Dân chủ và Xã hội ngay khi thành lập đều tuyên bố chịu sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Việt Nam. Hơn thế nữa, trong ban lãnh đạo của hai Đảng này có nhiều người là đảng viên cộng sản. (Năm 1988, khi chỉ đạo hai Đảng này phải kết thúc hoạt động, ông Nguyễn Văn Linh nói ông rất yên tâm đối với các nhà lãnh đạo của hai Đảng, nhưng lại không yên tâm đối với một số đảng viên cộng sản nằm trong hai Đảng này). Sau giải phóng miền Bắc, thể chế được công khai xác nhận là: "Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao Động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Việt nam đoàn kết rộng rãi trong mặt trận dân tộc thống nhất, nhất định sẽ giành được thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà " (Lời nói đầu Hiến pháp sửa đổi 1960).

Đúng như cách sắp xếp thứ tự trên, Đảng ở trên nhà nước. Người ta gọi đó là đảng trị. Nhà nước dù là do các Ủy viên Bộ Chính trị ngồi ở ghế cao nhất và có đủ hình thức, bộ, ngành, nhưng Đảng luôn bao biện làm thay. Nhà nước thụ động chờ đợi Đảng cho chỉ thị. Về danh nghĩa "Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa", công dân 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử, nhưng thực tế không ai có thể tự ứng cử và đề cử vào các cơ quan dân bầu kể cả mọi đoàn thể quần chúng. Tất cả đều do "đảng cử dân bầu". Trước "đổi mới", Đảng chỉ đề cử đúng với số lượng đại biểu cần bầu mà không cần giới thiệu nhiều hơn dù chỉ một người để cử tri chọn lựa! Quốc hội Việt Nam từ ngày ấy chỉ là nơi làm nhiệm vụ hợp pháp hóa các chủ trương của Đảng, bao giờ phiếu biểu quyết cũng đạt 100%. Trong bài phát biểu ở một Hội nghị Trung ương Đảng (khóa 3), ông Lê Duẩn tỏ ý nghi ngờ lý thuyết "nhà nước tiêu vong"; ông cho rằng nhà nước vô sản chỉ tiêu vong chức năng chuyên chính sau khi đã thực hiện "thế giới đại đồng", còn chức năng quản lý xã hội thì càng ngày càng phải tăng lên. Phải chăng ông cho rằng chức năng "toàn trị" chỉ có tăng chứ không được giảm?

Các đoàn thể quần chúng như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... đều do một Ủy viên Trung ương Đảng làm chủ tịch, bí thư thứ nhất, các phó chủ tịch, Ủy viên thường vụ Ủy viên ban chấp hành cũng đều phải là đảng viên trung cao cấp. Chủ tịch Ban chấp hành đoàn thể cấp cơ sở cũng phải là ủy viên Ban thường vụ, hoặc ủy viên Ban chấp hành đảng bộ của cấp đó. Tất cả cán bộ đoàn thể đều hưởng lương từ ngân sách và lên lương lên bậc giống như công chức nhà nước. Tổng liên đoàn lao động đã từng đòi cho Chủ tịch công đoàn các thành phố được hưởng bậc lương tương đương với phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Cơ chế chính trị đã biến các tổ chức dân sự, xã hội, phi chính phủ trở thành tổ chức của hệ thống chính trị, các đoàn thể là bàn tay nối dài của Đảng và Chính phủ. Năm 1962, Tổng liên đoàn lao động được giao quản lý bảo hiểm xã hội với ý nghĩa là thực tập chức năng quản lý nhà nước!

Các quyền tự do (lập hội, hội họp, ngôn luận, báo chí) vẫn được ghi nhận ở Hiến pháp, nhưng từ nay phải được hiểu là quyền của tập thể đoàn viên, hội viên trong tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản, hoàn toàn không phải là thứ tự do của từng cá nhân công dân! Báo Tiền Phong là cơ quan ngôn luận của thanh niên. Báo Thiếu niên tiền phong là của trẻ vị thành niên. Báo Nhi Đồng là của trẻ nhỏ. Tất cả Tổng biên tập, Ủy viên Ban biên tập, Trưởng phó phòng đều phải là đảng viên cộng sản. Hàng tuần các Tổng biên tập được triệu tập để nghe ý kiến chỉ đạo nội dung thông tin tuyên truyền của ban Tuyên huấn của Đảng cùng cấp.

Trong cơ chế đó, rất khó tìm thấy một vị lãnh đạo đoàn thể đặt lợi ích của đoàn viên trước khi nghĩ đến yêu cầu của Đảng. Một câu hỏi kéo dài trong tổ chức công đoàn: "Công đoàn chủ yếu là công cụ của Đảng, là "sợi dây nối liền giữa Đảng với công nhân" hay trước hết phải là công cụ bảo vệ quyền lợi của công nhân?". Thực tế đã trả lời rõ ràng hơn các nghị quyết: Đã có khoảng 3000 cuộc tự động đình công của công nhân đòi quyền lợi không báo trước cho công đoàn biết theo Luật Công đoàn!

Chế độ kinh tế sau 1954 là cải tạo kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội: Cải cách ruộng đất, đưa nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp. "Hướng dẫn các nhà tư sản dân tộc đi theo con đường cải tạo xã hội chủ nghĩa bằng hình thức công tư hợp doanh và các hình thức cải tạo khác". "Kinh tế quốc doanh giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân được nhà nước phát triển ưu tiên". "Nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn giúp đỡ sự phát triển của kinh tế hợp tác xã". "Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng tài sản tư hữu để làm rối loạn sinh hoạt kinh tế của xã hội, phá hoại kinh tế nhà nước " (tất cả những câu trong ngoặc kép ở trên đều trích từ Hiến pháp 1960).

Nền kinh tế theo chế độ xã hội chủ nghĩa đó, sau chiến tranh khi bị giảm nguồn viện trợ của phe xã hội chủ nghĩa đã không thể đứng nổi, đưa tới cuộc "xé rào" rồi "đổi mới", tức là xóa bỏ các nguyên lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, thực hiện kinh tế thị trường. Nhờ đó đã đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, phát triển vượt bậc, được WTO chấp nhận vào cuộc toàn cầu hóa.

"Liên xô vĩ đại", nơi sản xuất và xuất cảng các lý thuyết bài bác tự do dân chủ phương Tây, đã sụp đổ bởi ý nguyện của nhân dân và số đông đảng viên cộng sản muốn thoát khỏi "chế độ dân chủ gấp triệu lần hơn" mà họ phải chịu đựng ngạt thở suốt 70 năm. Thế nhưng ở Việt Nam có những thế lực vẫn tiếp tục bốc thơm cho nó, trong đó có nhiều vị mang chức danh giáo sư, học vị tiến sĩ! Chỉ có điều khác xưa, ngày nay không còn ai đầy kiêu hãnh hoặc chân thành nhắc lại những danh ngôn của Lênin về "chuyên chính vô sản", về "nền dân chủ gấp triệu lần hơn", "tự do báo chí chỉ là thiên kiến của giai cấp tư sản", mà ngược đời là phải dùng lại cái vỏ ngôn từ, hình thức của tự do dân chủ phương Tây để che đậy, trang điểm cho nền tự do, dân chủ xã hội chủ nghĩa! Có vài cây bút thừa nhận chế độ chưa có dân chủ, thậm chí là độc tài, nhưng thích hợp với tình trạng dân trí và cả quan trí chưa cao, hoặc ổn định chính trị cần cho đất nước còn hơn là dân chủ. Mới đây, nhà nước xuất bản tạp chí Nhân quyền, điều xưa kia báo chí vô sản cấm kỵ. Nói như André Menras - Hồ Cương Quyết đây là "kéo dài hệ thống dưới một bộ mặt mới"!

THỬ SO SÁNH NGÔN TỪ CỦA TA VÀ CỦA TÂY VỀ DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN

Chúng ta thử so sánh ngôn từ của Tây và ta nhé!

A - Trước hết hãy định nghĩa dân chủ là gì?

1- Định nghĩa của Mỹ:

"Dân chủ là chính phủ được thành lập bởi nhân dân, trong đó quyền lực tối cao được trao cho nhân dân và được thực hiện bởi nhân dân hoặc các đại diện được bầu từ một hệ thống bầu cử tự do. Theo Abraham Lincoln, dân chủ là một chính phủ của dân, do dân và vì dân". (A. Lincoln là tổng thống Mỹ thứ 16, từ 1861 - 1865).

2- Định nghĩa của Việt Nam theo Hiến pháp 1992:

"Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức". "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân"...

Thế nhưng, thực tế cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Việt Nam là thế này:

Ông Trương Văn Đa, đại biểu Hội đồng Nhân dân từ khóa 1 đến khóa 5 cho rằng "Đến nay Hội đồng Nhân dân và Quốc hội đã có nhiều cải tiến, nhưng thực tế các đại biểu Hội đồng Nhân dân và Quốc hội vẫn là nghị gật, nghị ừ."

Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng: "Hiện nay những vấn đề tầm cỡ của quốc gia đều do Bộ Chinh trị quyết định trước, nhờ đó Quốc hội thông qua nhanh chóng, nhưng nhược điểm của cách làm như vậy là thiếu dân chủ".

B - Hiến pháp 1992 của ta từ điều 50 đến 70 ghi nhận nhân quyền và các quyền tự do không thiếu điều gì của phương Tây đòi hỏi:

"Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự đều được tôn trọng, thể hiên ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và Luật.

"Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật."

"Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác".

"Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật."

" Công nhân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí;có quyền được thông tin; có quyền hội họp và lập hội theo quy định của pháp luật."

"Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật."

- v. v. và v.v.

Như vậy nếu nhìn vào ngôn từ thì thấy cách nói của ta về những vấn đề cơ bản của nhân quyền và các quyền tự do không có gì trái với phương Tây. Sự trái nhau được ẩn nấp ở cụm từ "theo quy định của pháp luật". Hiến pháp nói công dân có quyền tự do lập hội, nhưng những người lập Công đoàn độc lập, Hội nhà báo tự do... đã nhanh chóng được mời vào trại giam. Nói tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhưng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) phải tự giải thể. Gần 700 tờ báo chỉ được phép ở "lề phải" của sự thật và chân lý. Mọi vấn đề lớn của quốc kế dân sinh, thậm chí các cán bộ Đảng phạm pháp cũng phải chờ chỉ đạo của Đảng để nói hay không nói, được nói tới mức nào.

Số đông đảng viên cộng sản đi vào cách mạng chỉ với lòng yêu nước. Hai cuộc kháng chiến đã làm cho họ nhìn phương Tây với ý thức đối lập. Khi nghe lý thuyết tự do, dân chủ của Đảng đã lãnh đạo kháng chiến thắng lợi thì tất cả đều tin rằng một Đảng gồm toàn những người đã "vô sản hóa" thì không thể trở thành độc tài, phản dân chủ, tham nhũng, càng không thể liên minh với kẻ thù dân tộc. Thực tế cuộc sống diễn ra càng ngày càng khác xa những gì mà họ từng mong ước. Cải cách ruộng đất là sự kiện đầu tiên làm cho các đảng viên hiểu ra rằng Đảng quang vinh vẫn có thể phạm những sai lầm của thời trung cổ mông muội!

Cuộc "tự diễn biến" đầu tiên là của một số cán bộ cốt cán của Đảng tiếp nhận sự chuyển động hướng về tự do dân chủ ở Liên Xô do Nikita S. Khrushchev khởi xướng: Chống sùng bái cá nhân lãnh tụ, phê phán hành động độc tài của Stalin, thực hiện Đảng toàn dân, Nhà nước toàn dân, thực hiện dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 9, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, nhưng vẫn không thuyết phục được các đảng viên này: Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Nguyễn Kiến Giang, Dương Bạch Mai, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, Trần Minh Việt, Vũ Thư Hiên, Huy Vân...

Sau đổi mới, mở cửa, sự hòa nhập với thế giới đã mở mắt cho nhiều đảng viên cộng sản nhận ra nguyên nhân thất bại của mô hình xã hội chủ nghĩa Stalin là do rời bỏ những giá trị của nền văn minh nhân loại (nhân văn, tự do, dân chủ, sở hữu tư nhân, xã hội công dân, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, chế độ đại nghị) cưỡng bức cuộc sống đi vào ngỏ cụt của chuyên chính vô sản, sở hữu toàn dân, kinh tế kế hoạch tập trung, nhà nước toàn trị, xã hội trại lính. Các đảng viên cộng sản biết được lý thuyết Marx - Lênin mà mình tin theo mấy chục năm qua thật ra là của Lênin, Stalin. Bởi vì sau khi giải tán tổ chức Đồng minh những người cộng sản (ngày 17 - 11 1852), Karl Marx và F. Engels không chủ trương làm cách mạng vô sản bằng biện pháp bạo lực nữa, vì cho rằng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi. Hai ông cùng chỉ đạo xây dựng đảng xã hội dân chủ. Sau khi Karl Marx qua đời (năm 1883), F. Engels họp đại biểu phong trào công nhân thế giới vào tháng 7 năm 1889 thành lập Quốc tế thứ 2, chủ trương đấu tranh nghị trường, thực hiện tự do, dân chủ bằng nhà nước pháp quyền. Ngày 6 tháng 3 năm 1895, Engels viết lời nói đầu cho quyển sách Đấu tranh giai cấp ở Pháp, có đoạn như sau: "Lịch sử chứng tỏ chúng ta mắc sai lầm. Quan điểm của chúng ta ngày ấy là một ảo tưởng. Lịch sử còn làm được nhiều điều hơn, không những xóa bỏ mê muội của chúng ta mà còn thay đổi điều kiện đấu tranh của giai cấp vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 đã lỗi thời về mọi mặt " (1848 là năm ra đời Tuyên ngôn của Đảng cộng sản). Quốc tế 2 là tiền thân của Quốc tế xã hội sau này, đã lãnh đạo nhiều quốc gia trở thành dân chủ giàu mạnh.

Những người hô hào chống "diễn biến hòa bình", chống "tự diễn biến", không hiểu rằng từ Quốc tế 1 đến Quốc tế 2 là một quá trình "diễn biến hòa bình" rất tốt đẹp làm cho chủ nghĩa xã hội tìm được sức sống. Cả K. Marx và F. Engels đều không ngừng "tự diễn biến", kịp thời nắm bắt được tình thế thay đổi, để tìm ra lời giải mới cho cuộc sống nhân loại.

Sau đổi mới, một lớp đảng viên ưu tú nhất đã tiếp tục "tự diễn biến": Trần Xuân Bách, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Lữ Phương, Lê Hồng Hà, Tô Hải, Phạm Đình Trọng, Đỗ Xuân Thọ... có thể kể cả các vị Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Khắc Viện...

Nhờ hội nhập toàn cầu, có áp lực của dư luận tiến bộ trên thế giới, cho nên những biện pháp chuyên chế không thể thực hiện lộ liễu, chỉ những người có hành động quá quyết liệt như Nguyễn Hộ mới bị trấn áp. Hơn nữa, những đảng viên "cấp tiến" ngày nay không còn bị đơn độc như những người trước kia. Hiện nay đã có những lớp lớp trí thức trẻ vượt lên họ, đi trước họ, quyết liệt hơn họ, vô hình trung đã bảo vệ và khuyến khích họ.

Tôi may mắn được trò chuyện nhiều lần với Trần Xuân Bách khi ông còn là ủy viên Bộ Chính trị. Một lần tại nhà riêng của ông trên đường Phan Đình Phùng, tôi hỏi: "Đòi đa nguyên, đa Đảng, anh có sợ Đảng bị mất độc quyền lãnh đạo không?". Ông đáp: "Dân tộc mình đang hết sức cần thiết phải có tự do dân chủ để phát triển nhanh chóng, đuổi kịp thời đại, sau khi đã bị tụt hậu quá xa. Phải có đa nguyên, đa Đảng thì mới thực sự có dân chủ. Đảng phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên. Hơn nữa, phải nhận thức rằng khi không còn ở thế độc quyền, Đảng sẽ có nhiều điều kiện để thoát khỏi tham nhũng, sẽ gần dân hơn, được dân tin cậy hơn. Một Đảng gắn bó với dân, được dân tin cậy thì không bao giờ thất bại".

Tiếc thay, những người lãnh đạo thiển cận không nhận thức được chân lý rất giản đơn như Trần Xuân Bách. Tệ hại hơn có người còn cho rằng năm 1945 Đảng còn yếu nên phải thực hiện dân chủ để lôi kéo nhân dân thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Quả là một cách nghĩ phản bội nhân dân! Từ lâu, người Nhật, người Hàn Quốc... đón nhận chân lý phải có dân chủ mới có giàu mạnh, đã đưa đất nước họ lên hàng đầu thế giới.

PHẢI LÀM GÌ? NÓI CÓ HAI THỨ DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN THÌ CHẲNG NHỮNG XÚC PHẠM CỤ HỒ MÀ CÒN CHỐNG MARX - ENGELS!

Một ân nhân của Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng, ông André Menras - Hồ Cương Quyết, vẫn giữ nguyên niềm tin vào Đảng của Bác Hồ, một Đảng đã đưa đất nước này trở thành tấm gương "vì độc lập tự do" trước nhân loại. Ông đã trở lại, xin nhập quốc tịch Việt Nam để được tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp vì hạnh phúc của nhân dân ở Tổ quốc thứ hai của mình. Nhưng chỉ qua một thời gian ngắn, người công dân mới ấy đã thất vọng kêu lên: "Một Đảng không thích hợp với hòa bình: Vẫn không có dân chủ "! Ông càng đau xót hơn khi phát hiện Đảng trong sáng ngày xưa "nay vì những đặc quyền đặc lợi phù du mà trở thành một bộ máy hành chính ngày càng dễ sai khiến, độc tài, thậm chí mang tính cảnh sát, một bộ máy hành chính bị cô lập, phụ thuộc, lỗi thời và khiếp sợ trước sự phát triển cần thiết của nền dân chủ"! Dù vậy, ông vẫn "tha thiết mong tìm lại được một Đảng mang tính hiện thực đáng tự hào, sẽ đi trước thời đại hòa nhịp bước cùng với dân tộc". Ông gửi gắm: "Nhìn lại lịch sử, chưa bao giờ tồn tại một tấm gương cụ thể về một chế độ độc đảng mà mang đến dân chủ".

Chúng tôi nghĩ rằng đó là những lời cảnh tỉnh thiện chí nhất của một người từng đem sinh mạng mình đóng góp cho sự nghiệp giải phóng Việt Nam và ngày nay vẫn thành tâm muốn trở thành người Việt Nam vì quá yêu nhân dân trải nhiều đau khổ này. Những ai trong Đảng Cộng sản Việt Nam còn lương tri cần phải lắng nghe ông, nhận ra điều ông xót xa, để quyết tìm ra những biện pháp đổi mới toàn diện mà cấp bách nhất là đổi mới chính trị, thực hiện tự do, dân chủ. Mấy năm gần đây hậu quả của sự chậm trễ đổi mới chính trị đã dễ dàng nhận thấy trong nhiều hiện tượng bất ổn của xã hội. Mục tiêu đổi mới chính trị sắp tới cần gấp rút nhằm tới:

1 - Thực hiện cuộc bầu cử dân chủ có đủ các yếu tố: Phổ thông, tức là mọi người dân đã trưởng thành đều có quyền bầu cử; tổ chức bầu cử theo định kỳ mấy năm một lần; bầu cử tự do, phải là cuộc tranh cử giữa các ứng cử viên có quan điểm khác nhau, thể hiện công khai trong cương lĩnh xây dựng và bảo vệ đất nước để cử tri xem xét chọn lựa bằng lá phiếu. Chấm dứt cách làm "đảng cử dân bầu", đảm bảo người đắc cử thực sự là đại biểu của nhân dân. Quốc hội thay mặt nhân dân quyết định mọi chính sách quốc kế dân sinh, không còn là "nghị gật" theo nghị quyết đã có trước. Mọi quyết định theo đa số, nhưng bảo đảm cho thiểu số được tiếp tục phản biện.

2 - Có thể theo cách của những nhà sáng lập Hoa Kỳ đặt ra những yêu cầu để xây dựng bản Hiến pháp dân chủ:

- Làm sao để nhân dân có thể bầu chọn được những người lãnh đạo xứng đáng nhất điều hành đất nước? Phải để cho mọi công dân được tự do chọn mặt gửi vàng; mọi ứng cử viên tuân thủ nguyên tắc tranh cử công khai bằng cương lĩnh bảo vệ tự do công dân, đem lại dân giàu nước mạnh.

- Kiến tạo đất nước có hình mẫu trong tương lai: tự do cho mọi tư tưởng sáng tạo; bình đẳng cho mọi công dân có chí tiến thủ; thiên đường cho con trẻ, nâng đỡ chăm sóc người già, kẻ bất hạnh.

- Cơ chế vận hành nào để tự do, dân chủ phát triển, đảm bảo ngăn chặn độc tài? Đó là cơ chế phân lập ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ba quyền này độc lập với nhau, kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau, tạo ra một chính phủ bị hạn chế quyền lực. Các cá nhân công dân được tự do, trong khi chính phủ của họ không được tự do, nhất cử nhất động đều phải làm đúng pháp luật.

3 - Ngay trước mắt cần thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội đúng như nội dung các điều 19, điều 22 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện từ ngày 24 tháng 9 năm 1982.

Các quyền nói trên đã được Hiến pháp 1946 của chúng ta ghi nhận và thực tế cũng đã có thực hiện như phần trên đã nói. Hiến pháp 1992 cũng có ghi nhận các quyền ấy, nhưng sau đó đã bị vô hiệu hóa bởi các luật. Ở các quốc gia dân chủ, người ta coi cách làm luật như vậy là hành động vi hiến, phải bị đưa ra tòa án Hiến pháp xét xử. Ví dụ, điều sửa đổi bổ sung của Hiến pháp Hoa Kỳ là "Nghiêm cấm Quốc hội thông qua các luật vi phạm tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và quyền lập hội ôn hòa". Sau đổi mới, Nghị quyết 8b Trung ương (khóa 6) cũng đã đề ra việc "Thành lập các hội đáp ứng yêu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống nhân dân, hoạt động theo hướng ích nước lợi nhà, tương thân tương ái. Các tổ chức này thành lập theo nguyên tắc tự nguyện và tự trang trải về tài chính…". Rất tiếc nghị quyết rất đúng đắn đó đã không được thực hiện tốt và ngày nay không ai nhắc đến.

Nhiều năm qua, hiện tượng 3000 cuộc tự tổ chức đình công không thông qua công đoàn do Đảng lãnh đạo đã cho thấy sự bức xúc của công nhân thiếu một đoàn hội mà họ có thể tin cậy gửi gắm. Thiết nghĩ, trước mắt nên tạo điều kiện cho công nhân được tự do lựa chọn người mình tin cậy bầu vào ban chấp hành công đoàn của nhà máy, xí nghiệp.

Vừa qua tại Đại hội Nhà văn, 20 nhà văn có tài có nguyện vọng được lập một Hội nhà văn tự trang trải về tài chính không nhận bao cấp của chính phủ. Nguyện vọng của họ phù hợp với Nghị quyết 8b của Trung ương Đảng khóa 6, rất đáng được khuyến khích. Có thể bảo rằng họ quá ít so với gần 1000 hội viên Hội Nhà văn? Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là tài năng chứ không phải số lượng. Hơn nữa số người này đã nhiều hơn gấp đôi số người thành lập Tự lực văn đoàn vang dội trong lịch sử rồi còn gì?

Kết thúc bài viết, chúng tôi muốn nhắn nhủ những người chủ trương có hai thứ dân chủ, nhân quyền của phương Tây và của Việt Nam rằng, họ chẳng những đã xúc phạm nặng nề đối với Hồ Chí Minh mà nếu chịu khó đọc lại lời của K. Marx và F. Engels viết trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản cách đây 162 năm, sẽ thấy họ còn chống lại Marx - Engels một cách hết sức thô bạo:

"Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thẩn cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở một nền văn học toàn thế giới." (Nxb Sự Thật, 1974, trang 49 - 50).

Tưởng cũng nên biết thêm rằng, ngày nay toàn cầu hóa không chỉ tới các quốc gia, các tập đoàn mà theo Thomas L. Friedman nhận xét, toàn cầu hóa đã tới mỗi cá nhân trong một "thế giới phẳng", "thế giới từ nhỏ đã trở thành siêu nhỏ". Chẳng lẽ trong thế giới siêu nhỏ này chỉ riêng dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục bị đẩy vào thân phận "ếch ngồi đáy giếng"?

Ngày 19 tháng 8 năm 2010

T. V. C.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn