Khi các quan "ông chẳng bà chuộc" và chuyện Phó Tổng VTV

Khánh Linh

clip_image001

Phác thảo trục Thăng Long, Ảnh Nhà báo và Công luận

Hà Nội và Bộ Xây dựng "ông chẳng bà chuộc" quanh chuyện quy hoạch Thủ đô, chuyện Phó Tổng Giám đốc VTV xin ra khỏi Đài gây um xùm dư luận và Bộ Giáo dục lại lên tiếng "kể công" trước thềm năm học mới. Phát ngôn - Hành động tuần qua là những lát cắt với đủ chuyện bi hài.

Hà Nội "chằng", Bộ Xây dựng "chuộc"

Câu chuyện "Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" sau một thời gian im hơi lặng tiếng, lại liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông suốt 2 tuần qua và chỉ xoay quanh hai câu chuyện "nóng": chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì, và xây dựng trục Thăng Long. Mở đầu là văn bản của Hà Nội (do Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo ký) gửi Thủ tướng Chính phủ, khẳng định không nên dời đô lên Ba Vì, và vì thế không cần thiết xây dựng Trục Thăng Long.

Cảm giác đầu tiên của đa phần công chúng chắc chắn là sự vui mừng, Nói đa phần công chúng, vì phải trừ ra những người đã lỡ "ôm" đất ở Ba Vì và đất dự kiến nằm dọc trục Thăng Long (dĩ nhiên là những phần có thể ôm được), cũng phải trừ ra những người đã lập luận bằng mọi giá để có hai "điểm nhấn" kỳ lạ kia trong đồ án quy hoạch "được" đánh giá là "ngoài hai điểm nhấn đó ra thì... không có gì mới".

Không vui mừng sao được, khi nhớ lại suốt kỳ họp Quốc hội tháng 6, quá nhiều ĐBQH phản ứng mạnh mẽ ý tưởng dời thủ đô cũng như việc vẽ ra trục Thăng Long, trong đó có cả Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Việc Phó Thủ tướng Chính phủ không ủng hộ ý tưởng của Chính phủ trình ra Quốc hội là chuyện rất bình thường, vì mỗi cá nhân trong tập thể Chính phủ sẽ có quan điểm riêng về mỗi vấn đề, nhưng việc ông Khiêm thẳng thắn nói ra ý kiến của mình tại diễn đàn QH lại chứng tỏ ông phải thấy băn khoăn nhiều lắm, nên mới tạm "quên" vai trò của thành viên Chính phủ để phản biện lại Chính phủ như thế.

Nhắc đến kỳ họp QH thì phải nói thêm là, trong kỳ họp đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo không hề tỏ ra "phản đối" hai đề xuất của Bộ Xây dựng. Cả khi trả lời báo chí bên lề Quốc hội, khi phát biểu trong phiên họp tổ... ông chỉ giải thích thêm để báo chí cũng như các ĐBQH hiểu ý tưởng của Bộ Xây dựng, điều khiến ông băn khoăn chỉ là vấn đề tài chính để triển khai thực hiện quy hoạch thôi.

Câu hỏi phải đặt ra là trong mấy tháng qua, điều gì đã khiến Chủ tịch Hà Nội thay đổi hoàn toàn thái độ về quy hoạch thành phố mà ông đang giữ vai trò nhạc trưởng? Công chúng có đoán già đoán non rằng, vì ông đã trực tiếp chứng kiến cả các thuộc cấp của mình lẫn các ĐBQH - những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân đều nhất loạt phản đối cả chuyện dời đô lẫn chuyện mở trục.

Nếu đúng vậy thì sự thay đổi thái độ của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo là điều thật sự đáng mừng, và người dân Hà Nội sẽ "ghi công" Chủ tịch vì điều này, cũng như những việc ông đã dừng một số công trình vì thành phố trước đây (như dự án khách sạn trong công viên Thống Nhất, việc dừng trung tâm thương mại trên đường 19/12 để làm đường), hay việc mở vườn hoa rất đẹp trước Nhà hát Lớn.

Thế nhưng, sự đời không đơn giản như thế. Vài ngày sau khi Hà Nội lên tiếng, Bộ Xây dựng phải lập tức tổ chức họp báo, và Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã có những phát ngôn rất mạnh mẽ, nào khẳng định "khái niệm Trung tâm hành chính quốc gia đã không còn tồn tại sau ngày Chính phủ trình quy hoạch ra trước Quốc hội vào 15/6" (có thể suy luận là sau khi tiếp nhận các ý kiến của phiên họp tổ vào ngày 3/6/2010), "Nghĩa là Hà Nội kiến nghị lại về một việc đã không còn tồn tại nữa, không còn ai nói đến".

Ông Toàn cũng loại bỏ việc giữa Bộ Xây dựng và Hà Nội nói chung, Bộ Xây dựng và Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói riêng có gì đó khúc mắc: "Tôi đã trao đổi riêng với Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhiều lần, không có vướng mắc gì trong chuyên môn. Tôi chia sẻ với ông Nguyễn Thế Thảo về những khó khăn giải quyết các dự án đang tồn tại ở Hà Nội". Nếu chỉ có thế thì mừng quá, Trung tâm hành chính không dời lên Ba Vì đâu, Hà Nội và Bộ Xây dựng rất đồng thuận đấy chứ.

Tiếc thay, sự đồng thuận đôi bên chỉ đến đó là hết. Bộ Xây dựng vẫn bảo lưu ý tưởng mở trục Thăng Long, chỉ đổi tên thành trục Hồ Tây - Ba Vì, và Ba Vì vẫn là khu đất dự trữ để xây khu văn hóa, vui chơi công cộng.

clip_image002

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, Ảnh website Bộ XD

Bộ Xây dựng đột nhiên quan tâm đến... nhu cầu giải trí của Hà Nội?

Ái chà, câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Xây dựng không thể không dấy lên những băn khoăn: Vì sao Bộ Xây dựng phải bẻ lái đột ngột thế? Chả nhẽ Bộ Xây dựng đột nhiên rảnh việc chuyên môn nên tự dưng quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân Hà Nội đến thế sao? Rồi một sáng đẹp giời, Bộ Xây dựng chợt nhận thấy dân Hà Nội rất thiếu chỗ vui chơi giải trí (còn chuyện dân Hà Nội thiếu đủ thứ từ thiếu điện, thiếu nước, thiếu công ăn việc làm ổn định, thiếu nhà ở... lại là câu chuyện của các Bộ khác, của riêng Thành phố Hà Nội, chả liên quan gì đến Bộ Xây dựng cả!) nên đã nảy sinh ý tưởng làm khu vui chơi giải trí tại vùng đất thiêng Ba Vì.

Vì đây là việc hữu ích, làm việc tốt vì niềm vui hạnh phúc cho người Hà Nội nên Bộ Xây dựng chả cần phải hỏi người dân Hà Nội xem họ muốn khu văn hóa, khu vui chơi của họ đặt ở đâu làm gì cho rách việc. Đang không có chỗ vui chơi giải trí, giờ có thì mừng húm rồi còn ai dám đòi hỏi gì nữa? Xa trung tâm vài chục km thì có sao? Người giàu thì phóng xe ô tô lên mà chơi; người nghèo thì đi tàu một ray có thể sẽ làm nay mai lên đó để vui chơi; nếu nghèo quá thì...cần gì phải chơi bời giải trí?

Chưa kể, phục vụ trung tâm chính trị thì cần đến một trục đường hoành tráng là đúng rồi, còn phục vụ khu vui chơi có cần trục đường hoành tráng thế không? Theo Bộ Xây dựng, "đô thị Hòa Lạc sẽ tăng lên 60 vạn dân thì 2 tuyến đường 32 và đại lộ Thăng Long sẽ không gánh chịu được". Về điểm này, chắc chắn sẽ rất nhiều chuyên gia muốn được tranh luận với Thứ trưởng Toàn. Chỉ có 60 vạn dân mà cần lắm tuyến đường hoành tráng thế, phải suy ra các phần khác của Hà Nội cần không biết bao nhiêu đại lộ, bao nhiêu trục? Cứ suy kiểu này, có khi Hà Nội toàn trục với đại lộ, may ra mới đủ chỗ cho mọi người đi.

Đúng là mừng hụt, bởi khi kỳ họp HĐND Hà Nội vừa rồi quyết định đặt tên tuyến đường Láng - Hòa Lạc là đại lộ Thăng Long, nhiều người đã nghĩ nó đồng nghĩa với việc không còn ý tưởng về trục Thăng Long nữa chứ?

Không biết Bộ Xây dựng có để ý không? Sau phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, rất nhiều chuyên gia lên tiếng phản biện lại những phát biểu của ông, cũng đồng nghĩa với việc họ đồng tình với Hà Nội. Hội KTS Việt Nam, cơ quan chuyên môn tập trung đa số những KTS hàng đầu về kiến trúc, quy hoạch cũng đồng tình với Hà Nội, bởi "cảnh quan Hà Nội không nên có trục đường thẳng, dài và lớn. Cũng không nên tiếp tục quy hoạch Ba Vì làm đất dự trữ, và do đó, không có cơ sở để xây trục Hồ Tây - Ba Vì". Kiến nghị của Hội KTS Việt Nam còn không đồng tình với rất nhiều ý tưởng của Bộ Xây dựng, thậm chí còn khẳng định "Quy hoạch này cũng trái với Hiến pháp và các quy định pháp luật về phân cấp quản lý đô thị của Việt Nam".

Dĩ nhiên, không phải không có những người ủng hộ Bộ Xây dựng, trong đó có Bộ Trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, một thành viên Chính phủ. Theo ông Dũng, "trục giao thông Hồ Tây - Ba Vì không đơn thuần là giao thông mà còn là trục kết nối, trục giao thông đô thị sinh thái văn hóa, tạo điều kiện phát triển các trung tâm văn hóa dọc 2 trục trong tương lai". Lại thêm một thành viên chính phủ thật sự quan tâm đến văn hóa. Xem ra Hà Nội những năm 2030, 2050 sẽ là thành phố đầy ắp văn hóa chăng?

Chưa biết từ giờ đến khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định cuối cùng, sẽ còn những ai đưa ra ý kiến, còn những thay đổi gì xung quanh số phận của một thủ đô thuộc loại hoành tráng của thế giới? Điều khiến dư luận băn khoăn nhất, là các bên khi đưa ra quan điểm của mình, có thật sự khách quan, vì sự phát triển của bản thân Thủ đô nghìn năm văn hiến không?

Họ có bị lợi ích nhóm nào đó tác động không? Và Thủ tướng sẽ "nghe" ai, nghe Hà Nội và các chuyên gia về kiến trúc quy hoạch tập hợp ở Hội KTS Việt Nam, nghe Bộ Xây dựng, hay nghe tiếng lòng của những người dân Hà Nội? Chuyện quy hoạch thủ đô ảnh hưởng đến hàng triệu người đang và sẽ sống ở thủ đô nói riêng, ảnh hưởng đến bộ mặt của cả đất nước nói chung, mong Thủ tướng sẽ thật sáng suốt, để người dân được nhờ!

clip_image003

Ông Trần Đăng Tuấn, Phó TGĐ Đài truyền hình Việt Nam, Ảnh kênh 14

Phó TGĐ VTV từ chức: Bình thường hay không bình thường?

Một câu chuyện không tốn quá nhiều giấy mực của báo chí, nhưng lại tốn rất nhiều "giấy mực" của giới blogger, tốn nhiều thời gian trà dư tửu hậu của dân tình tuần qua, là chuyện ông Trần Đăng Tuấn, Phó TGĐ Đài truyền hình Việt Nam xin "từ chức". Nói chính xác phải là ông xin chuyển công tác khỏi Đài THVN, xin ra khỏi biên chế.

Nhưng trong cách nhìn của dư luận xã hội, với một lãnh đạo ngang hàm thứ trưởng, của một cơ quan truyền thông "quyền lực" nhất đất nước, phải gọi đó là "từ chức". Hai tiếng "từ chức" rất nhẹ nhàng, rất phổ biến với các nước, chứ với Việt Nam thì không hề. Người dân bao lần mong mỏi các quan chức từ cấp nhỏ đến cấp to khi có sai phạm có đủ dũng khí từ chức, nhưng đã mấy khi có lãnh đạo nào đủ can đảm làm việc này. Đa phần họ để cấp trên "xử lý" theo cách này hay cách khác, nhưng thường nhẹ hơn trách nhiệm lẽ ra họ phải chịu rất nhiều. Chẳng thế mà rất nhiều người phải cay đắng khẳng định "Việt Nam không có "văn hóa từ chức".

Thế nên, dù ông Trần Đăng Tuấn không muốn gọi hành động của mình là từ chức, thì dư luận vẫn gọi việc làm của ông là từ chức, có lẽ để sau này có thể tự hào mà "khoe" với nhau rằng ta bắt đầu có văn hóa từ chức chăng?

Chỉ biết, chuyện ông Tuấn xin thôi việc ở Đài THVN được truyền thông cập nhật rất "tức thời", nào Chính phủ chưa nhận được đơn từ chức của Phó TGĐ VTV, Hôm nay, Phó Tổng giám đốc VTV gửi lại đơn thôi việc, rồi Chuyển đơn thôi chức của Phó TGĐ VTV đến Bộ Nội vụ. Từng động thái của các bên đều được dư luận quan tâm, dù biết chắc chắn rằng, đề nghị của ông Tuấn sẽ được chấp thuận thôi. Ông đã muốn nghỉ, ai lại nỡ bắt ông làm tiếp, đặc biệt là khi vị trí đó có vô số người ao ước mà chẳng được làm?

Đã có khá nhiều ý kiến trên các phương tiện truyền thông chính thống bàn luận về chuyện này. Người bảo đó là chuyện bình thường, phải quen dần với chuyện nhà nước phải cạnh tranh, chứ sao cứ phải lo "chảy máu chất xám"? Người thì "Xin một lời buồn", bởi ông Tuấn là người đã "có công không nhỏ với sự phát triển của Truyền hình Việt Nam (THVN) trong giai đoạn đổi mới và có một vị trí xã hội mà vạn vạn người mong ước lại rũ áo ra đi".

Trên các mạng xã hội thì đủ các bình luận "thượng vàng hạ cám", đủ các đoán định về nguyên nhân thực sự của việc ông Tuấn ra đi. Mạng xã hội mà, ai muốn nói sao thì nói, nhưng với tâm lý của người Việt thì dễ đoán được mọi người sẽ khen ông Tuấn hết lời, tiếc nuối việc ông "từ chức", trách cứ - và không thiếu những chê bai thậm tệ - những người là nguyên nhân khiến ông phải ra đi, cứ như họ hiểu rõ lắm nội tình của Đài THVN, hiểu rõ lắm tâm cũng như tài của những "nhân vật" ấy. Không biết ông Tuấn có đọc những lời bình luận ấy không, và ông sẽ nghĩ gì? Có lẽ việc ông tránh không phát ngôn gì trong cả 10 ngày vừa rồi, cũng phần nào diễn tả tâm trạng của ông nếu đọc những bình luận ấy.

Khi một người đã quyết, hãy để người đó thanh thản thực hiện quyết định của mình. Vững tin rằng việc ông Tuấn chuyển khỏi VTV sẽ tốt hơn cho ông, còn hơn ở lại một nơi đã có những lý do khiến ông cảm thấy khó mà cống hiến được hết sức. Còn VTV sẽ ra sao sau quyết định của ông Tuấn, hồi sau mới có thể rõ? Nếu VTV "tệ" hơn, những người ở lại mới phải chịu trách nhiệm, chứ bản thân ông Tuấn đâu có lỗi gì? Còn để bàn đến cơ chế sử dụng người tài, làm sao để người tài phát huy năng lực và tâm huyết, câu chuyện của ông Tuấn chỉ là một giọt nước nhỏ trong cả biển lớn mà thôi, khó mà hy vọng sẽ có kinh nghiệm nào được rút ra từ câu chuyện này.

clip_image005

Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận, Ảnh Tuổi Trẻ

Bộ Giáo dục lại... kể công!

Câu chuyện cuối cùng mà Phát ngôn & Hành động tuần này muốn bàn đến là chuyện "muôn năm cũ" khi năm học mới bắt đầu (còn nhiều chuyện cần bàn nữa, nhưng nói dài e thành nói dại, xin hẹn dịp khác). Dạo qua các báo, thấy tân Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận trò chuyện với báo giới, rồi Hội nghị tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 khối các trường Đại học, Cao đẳng được tổ chức, rồi những than thở "Xưa rồi Diễm" của phụ huynh học sinh về chuyện chương trình học tập quá nặng.

Đặt những vấn đề này cạnh nhau, bỗng thấy có gì đó hơi... buồn cười. Hội nghị tổng kết năm học cũ, triển khai năm học mới mà đến tận đầu tháng 9 mới diễn ra. Chính xác là ngày 1/9, ngay trước kỳ nghỉ 4 ngày từ 2 - 5/9 nhân lễ Quốc khánh, trong khi các trường ĐH - CĐ chắc đang lục đục chuẩn bị khai giảng hết rồi. Đi hội nghị về một cái là nghỉ lễ 4 ngày liền, có khi nghỉ lễ xong còn có vị dự hội nghị cũng quên mất hội nghị đã nói gì là đằng khác. Một hội nghị như thế, lẽ ra phải bàn từ hồi nảo hồi nào, hay ít nhất cũng bàn vào tháng 7, tháng 8, chứ giờ này trường nào cũng bận lo những việc sự vụ để đón học sinh vào trường, hơi đâu mà lo những chuyện "vĩ mô" kiểu "Tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo"?

Chưa kể, đọc chủ đề của năm học 2010 - 2011 của Bộ GD - ĐT đưa ra, không khỏi giật mình. Cứ tưởng việc đổi mới quản lý, việc nâng cao chất lượng đào tạo là việc năm học nào cũng phải làm chứ, thậm chí phải làm hàng ngày, hàng giờ, hóa ra lại là việc nhất định phải làm trong năm nay, và có thể... chỉ làm trong năm nay mà thôi. Đọc tiếp nội dung đại diện các trường ĐH, CĐ cả công lập lẫn dân lập bàn thảo trong hội nghị, lại càng hoảng hơn, vì bàn thì nhiều chuyện ra phết: có người đòi tăng quyền tự chủ cho các trường trong khi người khác lại kêu ca nhà nước cấp kinh phí cho trường như thế là... ít quá (chết thật, không biết đến khi được quyền tự chủ, họ còn tiếp tục đòi không?), có người đề nghị Bộ bỏ điểm sàn, giao hoàn toàn việc tuyển sinh cho các trường...

Nhưng những chuyện được bàn có gì là mới đâu? Bàn xong lại ai về nhà nấy, năm học mới chắc chắn chưa thể có gì thay đổi ở những vấn đề "to như trái núi" này. Còn chuyện năm học mới sẽ làm gì, giáo dục ĐH - CĐ Việt Nam năm nay sẽ phát triển ra sao, thì thôi lại chờ một hội nghị khác? Hoặc các trường cứ về mà "mạnh ai nấy làm", cho nó... tự chủ!

Học sinh than chuyện của học sinh, phụ huynh xót con than kiểu phụ huynh, lãnh đạo trường bận "đề nghị" những chuyện lãnh đạo trường quan tâm, còn lãnh đạo Bộ thì khẳng định "Không phải Bộ kể công nhưng Bộ không thiếu tiền để phải bán đề thi và phải chịu trách nhiệm" (lời Vụ trưởng Vụ GD Đại học Trần Thị Hà), rồi "Cần tránh tình trạng quyền thì trường nhận còn trách nhiệm thì đổ lên Bộ" (lời Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khi nhấn mạnh giao quyền tự chủ thì quyền phải đi liền với trách nhiệm). Cứ theo ý của các vị này mà suy thì Bộ có công với giáo dục, tiền ngân sách bộ cũng không thiếu, trách nhiệm của các trường Bộ cũng không bắt các trường gánh... thế thì chất lượng giáo dục bị xã hội kêu là kém, là nặng nề là tụt hậu v.v. và v.v. thì đương nhiên các trường cũng sẽ lập luận: Cần tránh tình trạng quyền thì Bộ nhận còn trách nhiệm thì đổ xuống trường hay đẩy sang cho toàn xã hội".

Năm học mới cứ bắt đầu đi đã, mọi chuyện... tính sau vậy.

K. L.

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn