Độc quyền lúa gạo: cái ách đang quàng lên cổ nông dân

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

image Tổng công ty Lương thực miền Nam có vị trí thống lĩnh thị trường lúa gạo

Điều 11 khoản 1 của Luật Cạnh tranh qui định: “ Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể”.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam Online “Tổng công ty Lương thực miền Nam (TCty LTMN) là đơn vị chủ lực trong XK gạo của nước ta, hàng năm XK hơn 3 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 2 tỷ USD, tức chiếm tới hơn 60% lượng gạo XK của cả nước.” (1)

Như vậy: Tổng công ty Lương thực miền Nam được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường.

VFA là nhóm doanh nghiệp Nhà nước có vị trí thống lĩnh thị trường

Điều 11 khoản 2 mục c qui định: “Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây: c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.”

VFA có số lượng gạo xuất khẩu “chiếm trên 90% tổng số lượng gạo xuất khẩu chung của cả nước.”(2)

Dù có nhiều hơn 4 thành viên, nhưng hầu hết thành viên của VFA là các doanh nghiệp có chung chủ sở hữu là Nhà nước, cho nên căn cứ vào điều 11 khoản 2 mục c của luật cạnh tranh: VFA là nhóm doanh nghiệp của Nhà nước có vị trí thống lĩnh thị trường lúa gạo.

Tổng công ty lương thực miền Nam và VFA độc quyền trong mua bán lúa gạo

Ông Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng là Chủ tịch VFA.

Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA muốn bán gạo xuất khẩu của nông dân với giá bao nhiêu thì bán, muốn mua lúa của nông dân với giá bao nhiêu thì mua, nông dân chỉ bán lúa cho Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA mà không thể bán cho ai khác.

Điều 12 của Luật Cạnh tranh quy định: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.”

Như vậy căn cứ vào điều 12 của Luật Cạnh tranh, Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA là doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp có vị trí độc quyền trong mua bán lúa gạo của nông dân.

Tóm lại: lúa gạo của nông dân đang chịu sự độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước. Hay nói cách khác lúa gạo thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước.

Việc ấn định giá lúa gạo của Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA vi phạm Luật Cạnh tranh

Điều 15 khoản 1 mục a của Luật Cạnh tranh qui định: Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng các biện pháp: “Quyết định giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước”.

Hiện nay, Nhà nước không quyết định giá bán gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa cho nông dân mà giao cho VFA toàn quyền quyết định. Điều này vi phạm Điều 15 khoản 1 mục a của Luật Cạnh tranh.

VFA chỉ là một hiệp hội ngành hàng, tập hợp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hoạt động vì lợi nhuận, cho dù là doanh nghiệp Nhà nước, cũng không có quyền quyết định thu nhập của nông dân chúng tôi bằng cách ấn định giá thu mua lúa.

Thật là hết sức phi lý, khi một hiệp hội của những doanh nghiệp xuất khẩu gạo, lại ấn định thu nhập cho hàng triệu nông dân.

Do độc quyền, Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA luôn bán gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới

Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong VFA = giá bán gạo xuất khẩu – (giá thu mua gạo trong nước + phí xuất khẩu). Lợi nhuận này không phụ thuộc vào giá gạo xuất khẩu mà chỉ phụ thuộc vào sự chênh lệch giá.

Do đó, nếu ký bán gạo xuất khẩu giá thấp thì các doanh nghiệp sẽ ép giá mua lúa của nông dân và họ vẫn có lời.

Lợi nhuận độc lập với giá gạo xuất khẩu nhưng lại được giao ấn định giá bán gạo xuất khẩu, vì vậy từ trước đến nay VFA luôn bán gạo xuất khẩu với giá rẻ nhất thế giới.

“Trong vòng 5 năm 2001-2005 “giá của chúng ta chỉ bằng gần 80% giá bình quân thế giới (220USD/tấn). Đó là giá bán “bèo” nhất trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới (xét theo khối lượng) theo thứ tự là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan”. (3)

Năm 2006, trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo VnExpress, ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc công ty Lương thực miền Nam kiêm Chủ tịch VFA, cho biết: “Chỉ trong một thời gian ngắn từ mức giá hơn 260 USD/tấn, loại gạo 5 % tấm liên tục rớt giá và hiện được doanh nghiệp ký bán với giá chỉ 242 – 245 USD/tấn. trong khi giá thành loại gạo này lên đến 248 USD/tấn.” (4)

Năm 2008, ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực, giá gạo xuất khẩu giảm, theo các chuyên gia nông dân thiệt khoảng 400 triệu đô la Mỹ.

Ngày 21.8.2009 báo Lao Động Online cho biết: “Nghịch lý ở chỗ "làm chủ" thị trường gạo, nhưng hiện giá gạo của ta vẫn thấp nhất thế giới...”. (5)

Bán gạo của nông dân chúng tôi rẻ nhất thế giới, đồng nghĩa với việc mua lúa của nông dân chúng tôi rẻ nhất so với nông dân các nước.

Do độc quyền, năm 2010 Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA tung tin thất thiệt để ép giá lúa của nông dân

Trong 7 tháng đầu năm 2010, Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA bán gạo với giá bình quân 489 đô la Mỹ/ tấn, tháng 7 bán gạo thấp nhất cũng với giá 420 đô la Mỹ/ tấn.

Với giá thấp nhất 420 đô la Mỹ/ tấn VFA vẫn có lời khi mua lúa giá 4100 đồng/ kg (qui ra giá bán gạo khoảng 360 đô la Mỹ/ tấn) để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cho nông dân lời tối thiểu 30%.

Vậy mà vì quá tham lam, vì lợi ích riêng của mình mà tung tin bán gạo xuất khẩu giá thấp hơn 400 đô la Mỹ/ tấn để ép giá nông dân, mua lúa của nông dân vụ đông xuân 4.000 đồng/ kg (tương đương 350 đô la Mỹ/ tấn gạo) vụ hè thu chỉ có 3.500 đồng/ kg.

Do độc quyền, Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA không quan tâm đến việc nâng cao giá trị hạt gạo

Do độc quyền mua bán lúa gạo, Tổng công ty lương thực miền Nam và VFA chọn vị trí cuối cùng ở khẩu phân phối để ăn chênh lệch giá tính trên đầu tấn.

Mua lúa từ nông dân rồi chở về nhà máy xay, xay bóc vỏ thành gạo thô, có thương lái lúa. Chà bóng gạo thô thành gạo xuất khẩu rồi đóng bao, có thương lái gạo. Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA đảm nhận công đoạn cuối cùng là chở gạo ra cảng và xuất đi rồi lấy lời từ chênh lệch đầu tấn!

Vì được độc quyền và ăn chênh lệch đầu tấn nên Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA không hề đầu tư nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu: Không đầu tư kho chứa lúa, không đầu tư nhà máy xay lúa, không tạo thương hiệu cho hạt gạo VN, và tệ nhất là không biết chính mình xuất khẩu gạo loại gì, do trộn lẫn các loại gạo với nhau.

Không có đủ kho nên không điều tiết được quá trình xuất khẩu gạo, phải xuất khẩu theo kiểu sang tay nên dễ bị khách hàng ép giá. Không có nhà máy xay lúa hiện đại nên chất lượng gạo xuất khẩu thấp. Không có thương hiệu nên bán gạo cùng loại rẻ hơn nước khác. Không biết chính mình xuất khẩu gạo loại gì nên hiện nay nông dân chọn giống theo kiểu hên xui, may nhờ rủi chịu.

Xin hỏi các nhà lãnh đạo xuất khẩu gạo: Xuất khẩu gạo mà không có đủ kho bãi thì làm sao mà điều tiết quá trình xuất khẩu? Làm sao giữ giá gạo khi giá thị trường thế giới xuống thấp?

Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA đang là cái ách quàng lên cổ nông dân

Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA ăn theo lúa gạo nhưng lại toàn quyền ấn định giá bán gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa cho nông dân. Nghĩa là VFA ấn định thu nhập của nông dân và tự để lại lợi nhuận từ lúa gạo cho mình.

Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA được tự ý để lại lợi nhuận nên thường giành lấy phần nhiều, đôi khi giành hết lợi nhuận từ lúa gạo, làm cho nông dân thua lỗ.

Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA không hề đầu tư để nâng cao giá trị lúa gạo, biến gạo Việt Nam thành loại hàng thứ phẩm trên thị trường thế giới.

Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA bán lúa của nông dân ra thị trường thế giới với giá rẻ như bèo, rồi trở về trong nước mua lúa của nông dân với giá rẻ như lấy không.

Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA đang là cái ách quàng lên cổ nông dân, đang tước đoạt lợi nhuận vốn đã còm cõi của nông dân.

Tổng công ty Lương thực miền Nam và VFA đang vi phạm luật cạnh tranh và đang xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của nông dân.

Ngày 14/09/2010

H. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BNV

(1) Bài “Tổng công ty lương thực miền Nam: Nhiều thành tích từ phong trào thi đua yêu nước”

http://www.nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/57731/Default.aspx

(2) báo điện tử Hiệp hội lương thực Việt Nam phần giới thiệu.

http://www.vietfood.org.vn/vn/default.aspx?c=47

(3) Bài: “Xuất khẩu gạo: Tấn nhiều, đô ít”

http://tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=193763&ChannelID=11

(4) Vnexpress. Bài: “Gạo ngon, bán rẻ”

http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2006/03/3B9E760D/

(5) Lao Động Online. Bài: “Vì sao giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn thấp nhất thế giới?”

http://www.laodong.com.vn/Home/Vi-sao-gia-gao-xuat-khau-Viet-Nam-van-thap-nhat-the-gioi/20098/152198.laodong

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn