Trung Quốc – Từ lời kêu gọi trên mạng đến những cuộc biểu tình theo gương Cách mạng Hoa nhài

1. Trung Hoa: trên mạng internet xuất hiện nhiều kêu gọi biểu tình ủng hộ Cách mạng Hoa nhài

clip_image001Nhiều thông điệp được tung lên mạng Internet bên Trung Quốc kêu gọi ngày chủ nhật mọi người đi biểu tình tại mười ba thành phố lớn để ủng hộ cuộc Cách mạng Hoa nhài và gợi hứng từ cuộc cách mạng đó, sự kiện này đã khiến Bắc Kinh phải kiểm duyệt từ khóa “Hoa Nhài” trên hệ thống mạng internet của họ.

"Chúng tôi mong các bạn lao động đang không có việc làm và những ai là nạn nhân của những vụ trục xuất hãy tham gia vào các cuộc biểu tình, hãy hô những khẩu hiệu và đòi tự do, dân chủ và đòi những cải cách chính trị để chấm dứt chế độ độc đảng”, một thông điệp trên mạng tuyên bố như vậy.

Những thông điệp này chắc là được tung lên mạng từ những người bất đồng và đối kháng nằm ở nước ngoài, đã kêu gọi biểu tình ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông và mười thành phố lớn khác trong cả nước.

Nguyên văn - Chine: appels à manifester sur le net pour soutenir la Révolution de jasmin

Des messages ont été postés sur l'internet en Chine, appelant à des manifestations dimanche dans treize grandes villes du pays pour soutenir la Révolution de jasmin et à s'en inspirer, poussant apparemment Pékin à censurer le mot "jasmin" sur le net.

"Nous encourageons les travailleurs sans emploi et les victimes des expulsions forcées à participer à des manifestations, crier des slogans et réclamer la liberté, la démocratie et des réformes politiques pour mettre fin au parti unique", déclare un message sur le net.

Ces messages, sans doute postés par des dissidents réfugiés à l'étranger, appellent à des manifestations à Pékin, Shanghai, Canton et dix autres grandes villes du pays.

Nguồn: Bản tin của đài TFI (Pháp) sáng chủ nhật 20-2-2011 hồi 6 giờ sáng.

2. Cảnh sát Trung Quốc dẹp biểu tình

Cảnh sát được điều động trong các thành phố lớn ở Trung Quốc hôm 20/02 sau khi có thông điệp lan tỏa trên mạng internet kêu gọi một cuộc "cách mạng hoa nhài".

Thông điệp kêu gọi người dân ra đường biểu tình với các khẩu hiệu "Chúng tôi muốn có lương thực, chúng tôi muốn có công ăn việc làm, chúng tôi muốn có nhà ở, chúng tôi muốn công bằng" được truyền qua các microblog.

Thoạt tiên thông điệp này được đăng tải trên một website bằng tiếng Trung đặt tại Hoa Kỳ.

Một số nhà vận động nhân quyền đã bị bắt từ trước khi có các hoạt động tụ họp biểu tình vào Chủ nhật và ba người bị bắt tại Thượng Hải, thế nhưng lời kêu gọi biểu tình nói trên không được phản hồi một cách tích cực lắm.

Tin từ Thượng Hải và Bắc Kinh cho hay có nhiều người hiếu kỳ đứng lại xem tại sao cảnh sát và báo chí lại tụ tập đông như vậy tại các địa điểm đã được hoạch định trên internet, trong các khu vực mua sắm bận rộn.

Hiếu kỳ

Cảnh sát tại hai thành phố trên đã giải tán một số đám đông nhỏ. Không có tin tức gì về 11 thành phố khác, mà thông điệp trên mạng hôm Chủ nhật cũng kêu gọi biểu tình.

Phóng viên BBC Chris Hogg tại Thượng Hải nói những người bị bắt đã bị đối xử thô bạo, kéo lê đi trong khi có người tiếp tục kêu lớn: "Tại sao lại bắt tôi, tôi có làm gì đâu".

Phóng viên của chúng tôi nói hiện chưa rõ tại sao những người này lại bị bắt vì họ không hò hét bất cứ thông điệp chính trị nào.

Nhà chức trách Trung Quốc đã dựng tường lửa chặn các phương thức tìm kiếm với từ khóa "hoa nhài" trên mạng internet.

Người biểu tình tại Tunisia, vốn lật đổ Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali hồi tháng Một đã gọi phong trào của họ là Cách mạng Hoa nhài.

Hôm thứ Bảy, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi kiểm soát mạng internet chặt chẽ hơn nhằm "hướng dẫn dư luận" và "giải quyết các vấn đề nổi cộm có thể gây đe dọa cho sự hài hòa ổn định trong xã hội".

Cũng trong ngày Chủ nhật 20/02, một số người tại Hong Kong, trong có dân biểu Leung Kwok-hung, cũng đã tụ tập trước Trụ sở Văn phòng Liên lạc Hoa lục để kêu gọi ủng hộ Cách mạng Hoa nhài.

Nguồn: bbc.co.uk

3. Trung Quốc muốn 'diệt mầm mống xung đột'

clip_image002

Cảnh sát ở Bắc Kinh kêu gọi người dân hãy giải tán và đi về nhà

Lãnh đạo Trung Quốc họp khẩn cấp để ra lệnh tìm cách giải tỏa những căng thẳng xã hội trước diễn biến dồn dập tại Trung Đông.

Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh nhưng cũng có nhiều dấu hiệu mất cân bằng với giá cả tăng, và hiện tượng một số cuộc xuống đường nhỏ cuối tuần đã khiến chính quyền lo ngại về mô hình 'Cách mạng Hoa nhài'.

Hôm thứ Hai 21/2, báo Công an Trung Quốc trích lời Ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang nói với các quan chức Đảng và chính quyền rằng họ "cần thích ứng với các trào lưu phát triển kinh tế và xã hội mới", nhằm "giải tỏa bất ổn ngay từ trong trứng nước".

Là người phụ trách an ninh và nội chính của hệ thống quyền lực Trung Quốc, lời ông Chu Vĩnh Khang được cho là mệnh lệnh cao nhất và là dấu hiệu cho thấy chính quyền phản ứng nhanh chóng trước tình hình Trung Đông.

Được biết, cuộc họp cao cấp tại Bắc Kinh cuối tuần là do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ra lệnh triệu tập.

Thông điệp biểu tình

Cùng ngày, có tin rằng tại các thành phố lớn ở Trung Quốc hôm 20/02 có tuần hành hòa bình sau khi người ta nhận được thông điệp lan tỏa trên mạng Internet kêu gọi 'Cách mạng Hoa nhài'.

Thông điệp kêu gọi người dân ra đường biểu tình với các khẩu hiệu "Chúng tôi muốn có lương thực, chúng tôi muốn có công ăn việc làm, chúng tôi muốn có nhà ở, chúng tôi muốn công bằng" được truyền qua các microblog.

Tin từ Thượng Hải và Bắc Kinh cho hay có nhiều người hiếu kỳ đứng lại xem tại sao cảnh sát và báo chí lại tụ tập đông như vậy tại các địa điểm đã được hoạch định trên Internet, trong các khu vực mua sắm đông người.

Hôm thứ Hai, một số nhà vận động nhân quyền cho BBC Tiếng Trung hay qua điện thoại từ Trung Quốc rằng họ không thất vọng về việc các cuộc xuống đường chưa lớn như mong đợi.

Các tin tức nói dù có lời kêu gọi xuống đường ở 13 thành phố, tin tức chỉ nói về các cuộc tụ tập ở Bắc Kinh và Thượng Hải mà thôi.

Nhưng chính phản ứng của Nhà nước, điều rất đông công an vào vây chặn, cho thấy chính quyền lo ngại về mô hình 'Cách mạng Hoa nhài'.

Ngay từ ngày đầu tiên, khi cuộc biểu tình nổ ra ở Tunisia, chính quyền Trung Quốc đã quan sát rất kỹ và điều khiển chính sách thông tin về chủ đề này.

clip_image003

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã lên tiếng nói về 'các vấn đề xã hội'

Truyền thông Trung Quốc chỉ đưa tin ít bình luận về các cuộc biểu tình làm lãnh đạo Tunisia và Ai Cập phải ra đi, và sau đó là biểu tình ở Bahrain và Libya.

Chỉ sau khi Tổng thống Ai Cập, ông Hosni Mubarak, từ chức, báo Đảng ở Trung Quốc mới chính thức nêu quan điểm, kêu gọi ổn định ở quốc gia Bắc Phi này.

Nhưng tờ China Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói nước ngoài không được can thiệp vào chuyện nội bộ của Ai Cập.

Bài xã luận trên tờ China Daily bằng tiếng Anh viết: "Theo sau diễn biến đặc biệt này, hy vọng rằng quân đội, Chính phủ và người dân Ai Cập cố gắng hết sức để giữ ổn định xã hội và khôi phục trật tự".

"Ổn định xã hội phải là yếu tố quan trọng đầu tiên. Mọi thay đổi chính trị sẽ không có ý nghĩa gì nếu như đất nước cuối cùng lại rơi vào hỗn độn".

Cần đẩy mạnh quản trị xã hội để diệt trừ xung đột ngay từ trong mầm mống

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào

Sẽ kiểm soát được?

Dù vậy, giới quan sát truyền thông Trung Quốc cho rằng ngay từ cuối tháng 1/2011, khi biến động tại Tunisia nổ ra, công an mạng ở Trung Quốc đã kiểm duyệt nhiều từ khóa.

Ngoài tên của các nhân vật Ả Rập như Mubarak, các từ "hoa nhài", "ngọc trai" (chỉ tên Pearl Square ở Bahrain), cũng bị chặn.

Điều này cũng phản ánh một tâm lý trong chính giới Trung Quốc là dù bề ngoài tỏ ra rất tự tin, họ vẫn theo dõi các cuộc tranh luận trên mạng, và thậm chí "dễ tin vào lời đồn thổi".

Theo bà Thôi Vệ Bình, một học giả tại Bắc Kinh theo dõi tình hình thì "Sự kiểm soát của chính quyền còn rất mạnh".

Bên cạnh các chỉ số kinh tế tăng nhanh, một sự thực là căng thẳng xã hội cũng tăng lên.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói với quan chức trung ương và các tỉnh dự họp ở Bắc Kinh rằng họ phải "tìm ra cách xử lý các vấn đề xã hội".

Trong bài diễn văn hôm thứ Bảy vừa qua, ông Hồ được trích lời nói về "các vấn đề về phát triển thiếu cân bằng, thiếu điều phối tốt và không bền vững".

Bên cạnh sự thừa nhận này, ông cũng cho rằng cần "đẩy mạnh quản trị xã hội để diệt trừ xung đột ngay từ trong mầm mống".

Hiện chưa rõ các biện pháp mới chính quyền đưa ra là gì để ổn định xã hội và ngăn ngừa bất ổn.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Mẫn Hân, (Pei Minxin), một nhà phân tích chính trị tại Claremont McKenna College ở California cho Reuters hay thì Trung Quốc có thể kiểm soát mạnh mẽ toàn xã hội nhưng lại có vấn đề "kiểm soát chính các quan chức chính quyền".

Những người này có thể trở thành đối tượng cho quần chúng bức xúc trước các vấn đề kinh tế.

clip_image004

Thông điệp mời gọi người dân 13 thành phố ở Trung Quốc xuống đường 'làm Cách mạng Hoa nhài' được đăng trên miniblog

Nguồn: bbc.co.uk

4. Bắc Kinh thừa nhận có biểu tình theo gương Cách mạng Hoa nhài tại Trung Quốc

Đức Tâm

clip_image005

Một thanh niên bị công an bắt giữ trước rạp hát Hòa Bình tại Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là một điểm tập hợp của những người được kêu gọi biểu tình ngày 20/02/2011 để ủng hộ cuộc Cách mạng Hoa nhài. REUTERS/Aly Song

Hôm nay, 21/02/2011, báo chí chính thức Trung Quốc cho biết là ngày hôm qua, «một vài phần tử bị kích động» ở Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố khác tại Trung Quốc đã cố gắng bắt chước cuộc Cách mạng Hoa nhài tại Tunisia. Thế nhưng, theo các tờ báo này, một cuộc cách mạng như vậy không thể xảy ra tại Trung Quốc

Xã luận của Hoàn cầu thời báo, một tờ báo nổi tiếng có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, được AFP trích dẫn, viết, «Không có quyết tâm tập thể thực hiện một cuộc cách mạng tại Trung Quốc». Chỉ có «một vài người ở Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố khác tại Trung Quốc đã cố gắng bắt chước cuộc Cách mạng Hoa nhài».

Tờ báo chỉ trích gay gắt, coi những người biểu tình như hiện tượng có những người ăn mày, không bao giờ biến mất, trong lúc Trung Quốc vẫn tiến về phía trước. Theo Hoàn cầu thời báo thì một vài người hô khẩu hiệu, ném hoa nhài ra đường phố không làm giảm nhịp độ tiến bước của đất nước.

Trong khi đó, Nhân dân nhật báo, kêu gọi người dân hãy tỏ thái độ «chín chắn» và thúc đẩy «tình liên đới gắn bó xã hội». Theo tờ báo, các nhà trí thức nghĩ rằng nhiệm vụ của họ là phê phán. Quan điểm này là phiến diện và bị những kẻ vô trách nhiệm lợi dụng.

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định là đất nước vẫn tiến về phía trước cho dù còn nhiều vấn đề và không một ai trong số người dân được phép sử dụng luận điểm đòi xem xét lại cách thức lãnh đạo xã hội.

Ngày hôm qua, một lực lượng công an đông đảo đã được triển khai ở 13 thành phố nhằm ngăn chặn mọi cuộc biểu tình, sau khi trên mạng internet xuất hiện một thông điệp kêu gọi biểu tình, theo gương Cách mạng Hoa nhài. Trước đó, nhiều nhà tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ đã bị bắt, hoặc quản thúc tại gia trên thực tế, điện thoại của họ bị cắt.

Theo giới quan sát, làn sóng đấu tranh chống các chế độ chuyên quyền, độc đoán tại nhiều nước Bắc Phi và Cận Đông đang làm cho chính quyền Bắc Kinh lo ngại, cho dù, nguy cơ một cuộc nổi dậy tương tự tại Trung Quốc chưa thể xảy ra.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn