Đường sắt cao tốc: “ác mộng” của người nghèo

Thanh Vân

clip_image001(VEF.VN) - Hiện nay, cụm từ "bị đi tàu cao tốc" đang rất thịnh hành trong cư dân mạng ở Trung Quốc, mỉa mai tình cảnh buộc phải mua vé tàu đắt vì không mua nổi vé tàu thường.

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, khoảng 230 triệu lao động Trung Quốc từ các thành phố, khu công nghiệp đổ về các miền quê ăn tết và tuyệt đại đa số đều đi tàu hỏa. Để mua được vé tàu là chuyện không hề đơn giản, có người phải xếp hàng chầu trực hai ba ngày, hoặc ngủ luôn tại nhà ga.

Năm nay, tại Trung Quốc, một bộ phận người lao động đã có thêm một sự lựa chọn mới : Đó là đi tàu cao tốc, tiện nghi và nhanh hơn. Thế nhưng giá vé lại đắt gấp ba lần vé tàu thường và chính điều này làm dấy lên những lo ngại là chỉ có người nghèo là tầng lớp bị thiệt thòi nhiều nhất.

Hãng tin AFP dẫn lời giáo sư Zhao Jian thuộc Viện quản lý kinh tế, trường đại học Giao thông Bắc Kinh, nhận định, tàu cao tốc không phục vụ cho tầng lớp dân có thu nhập trung bình và thấp. Chỉ có người giàu hưởng lợi, cho phép họ có thêm một sự lựa chọn khác khi di chuyển.

Ông nhấn mạnh, Trung Quốc xây dựng mạng lưới đường sắt là để thúc đẩy phát triển kinh tế chứ không phải để phục vụ một nhóm dân cư nào đó.

Mạng lưới tàu cao tốc Trung Quốc, rộng lớn nhất thế giới, đã phát triển nhanh chóng. Trong năm 2011, Trung Quốc dự tính đầu tư khoảng 106 tỷ USD. Tháng trước, Bộ trưởng phụ trách đường sắt Lưu Chí Quân nói rằng, tổng số chiều dài tuyến đường tàu cao tốc của Trung Quốc có thể lên tới 13.000 km trong năm nay, tăng hơn 50% so với năm ngoái.

Theo một quan chức cao cấp trong ngành đường sắt Trung Quốc, vào dịp Tết năm nay, gần 20% số hành khách đã lựa chọn đi tàu cao tốc.

Thế nhưng, nhiều người dân, giới chuyên gia và thậm chí ngay cả báo chí cũng bày tỏ lo ngại là việc phát triển hệ thống tàu cao tốc dồn ép những người có thu nhập thấp vào tình cảnh không có một sự lựa chọn nào khác là phải chi ra rất nhiều tiền để mua vé tàu khi đi lại.

Tân Hoa Xã trích đăng lời than phiền của một công nhân, quê ở phía đông Hàng Châu. Anh cho biết là phải chi thêm 400 Nhân dân tệ (khoảng 60 USD) để mua vé tàu cho cả nhà, tức là chi thêm 1/3 lương tháng. Bình thường ra, với số tiền này, anh có thể mua được rất nhiều thứ để ăn Tết.

Hiện nay, cụm từ "bei gao tie", tức "bị đi tàu cao tốc", đang rất thịnh hành trong dân cư mạng, để mỉa mai tình cảnh buộc phải mua vé tàu đắt vì không mua nổi vé tàu thường. Họ phàn nàn chính phủ chỉ chú trọng phát triển tàu cao tốc, giá vé quá cao so với mức lương người lao động.

Trang tin The Canadian Press trích dẫn lời giáo sư Patrick Chovanec, thuộc đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, cho rằng sự ùn tắc hành khách và nạn khan hiếm vé tàu thường cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã tính toán sai lầm.

Đối với người lao động có thu nhập thấp thì tiền bạc quan trọng hơn thời gian. Trong khi giới lãnh đạo thì luôn bị ám ảnh bởi việc phải tạo dựng được hình ảnh về đất nước Trung Hoa hiện đại ở trong và ngoài nước và không tính toán đầy đủ xem công nghệ mới này có phù hợp với hoàn cảnh của đất nước hay không.

Đối với ông Gerald Ollivier, chuyên gia về cơ sở hạ tầng làm việc cho Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc thì nhờ có tàu cao tốc, một bộ phận dân chúng sẽ sử dụng phương tiện này, qua đó, bớt đi lượng khách ở tàu bình thường. Nói một cách khác, tàu cao tốc chủ yếu làm tăng thêm khả năng lựa chọn phương tiện vận tải cho người dân.

Để đánh giá sự cần thiết của tàu cao tốc, thì nên xem xét số lượng hành khách vào các dịp cao điểm như lễ hội, Tết Nguyên đán. Nếu đông khách thì có nghĩa là dự án đáp ứng nhu cầu vận tải.

Trong khi đó, giáo sư Zhao Jian nhấn mạnh, nạn khan hiếm vé tàu thường vào dịp Tết là do khả năng chuyên chở của ngành đường sắt thấp kém. Đây là hậu quả của chính sách đầu tư sai. Giải pháp hiện nay là cải thiện, nâng cấp hệ thống tàu thường hiện có. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn tiếp tục đi lệch hướng và đó là một vấn đề lớn.

T. V.

Nguồn: VEF

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn