Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa: Hoan nghênh bản đồ trực tuyến!

clip_image003

TS Nguyễn Nhã đã hơn 50 năm nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa.

“Tôi rất hoan nghênh việc công bố website chính thức về bản đồ trực tuyến Việt Nam. Tôi sẵn sàng chia sẻ không điều kiện tất cả tài liệu tôi đã nghiên cứu, đồng ý cho dịch chúng ra các thứ tiếng để quảng bá rộng rãi về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong nước và ngoài nước”.

“Cũng vào khoảng thời gian này năm ngoái, Hội Địa lý Quốc gia Mỹ đã công bố những bản đồ chưa đúng sự thật về chủ quyền Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị ghi chú trong ngoặc China.

Sự kiện xảy ra trên tưởng như không tốt cho Việt Nam, song thật sự đã đem lại nhiều ích lợi vì dường như từ những bài học như thế, Việt Nam biết rút kinh nghiệm”.

TS Nguyễn Nhã, tác giả luận án “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” đã có cuộc trao đổi với PV Bee sau khi biết tin Việt Nam sẽ sớm có trang web chính thống quảng bá thông tin bản đồ.

Trang web bản đồ trực tuyến nên có tiếng Anh và Trung Quốc

Cuối cùng, việc xây dựng một trang web chính thống quảng bá thông tin bản đồ của Việt Nam đã sắp thành hiện thực. Ông nghĩ thế nào về sự kiện này?

Tôi rất hoan nghênh việc công bố website chính thức về bản đồ trực tuyến Việt Nam. Theo tôi, ngoài những tư liệu bản đồ, nên công bố cả những tư liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam với những khu vực như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng nên có phiên bản tiếng nước ngoài, trước mắt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, để các cá nhân, tổ chức nước ngoài đọc và hiểu quan điểm chính thống về lãnh thổ của Việt Nam.

Sở dĩ Việt Nam vẫn hiên ngang tồn tại với thời gian bởi như GS Trần Văn Giàu đã viết chìa khóa lịch sử Việt Nam qua các thời đại là chủ nghĩa yêu nước!

Hoàng Sa – Trường Sa trong Biển Đông là yết hầu của Việt Nam. Tôi đã từng nói dù phải mất 1000 năm, như trước đây chúng ta vẫn đợi, vẫn kiên trì đấu tranh để Hoàng Sa Trường Sa vĩnh viễn là của Việt Nam.

GS Trần Văn Giàu từng nói rằng thời đại điện tử hiện nay không phải chờ lâu như trước nữa. Tôi cũng tin như vậy. Bản đồ trực tuyến là việc đáng làm và đáng mừng trong lộ trình đó.

Là một người nhiều năm nghiên cứu và thu thập tư liệu về vấn đề chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa, ông có sẵn sàng chia sẻ những tư liệu đó lên trang web bản đồ trực tuyến sắp tới, nếu được yêu cầu?

Tất nhiên. Tôi sẵn sàng chia sẻ không điều kiện tất cả những tài liệu mà tôi có. Tôi cũng đồng ý nếu ai đó muốn dịch những tài liệu đó sang các thứ tiếng để quảng bá rộng rãi về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa tới những người quan tâm ở các nước trên thế giới.

Như tôi đã phát biểu việc nghiên cứu về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của tôi, với tính cách một nhà nghiên cứu là con đường đi tìm sự thật và với tính cách một công dân là một cống hiến vô điều kiện cho Đất nước tôi.

Hoàng Sa và Trường Sa trước hết là vấn đề học thuật

Những tư liệu ông thu thập được về Hoàng Sa và Trường Sa cũng có nhiều bản đồ. Vậy bản đồ nào đáng chú ý nhất?

Có rất nhiều bản đồ của Phương Tây trong thế kỷ 18 nhất là ở thế kỷ 19. Trong đó,  đáng chú ý là bản đồ AN NAM ĐẠI QUỐC HỌA ĐỒ in năm 1838 của giám mục Taberd để trong cuốn Tự điển Latino-Anamiticum, dài 80, 5cm ngang 44cm in loại giấy thường để in họa đồ.

Nhan đề bản đồ này in bằng ba thứ tiếng: Hán, chữ quốc ngữ, chữ Latinh. Đặc biệt bản đồ vẽ các dấu chấm các đảo đề Paracel seu Cát Vàng ngay tọa độ hiện nay (Seu tiếng Latinh có nghĩa hay là), khoảng vĩ tuyến 17 o và kinh tuyến hơn 110 o.

Bản đồ ghi rõ tọa độ chứ không như các bản đồ cổ ở Phương Đông không vẽ tọa độ, làm các học giả Trung Quốc tưởng Cát Vàng hay Hoàng Sa của Việt Nam là những đảo ở ven bờ.

Vì nhận ra tính chất rất quan trọng của bản đồ này nên khi in Tập San Sử Địa số 29  (tháng 1/3/1975), đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa năm 1975, tôi đã cho in hàng ngàn tấm bản đồ y cỡ và đã tặng cho nhiều cơ quan.

Ông nghĩ sao nếu có ý kiến rằng, người làm sử cũng có lỗi trong việc thiếu quảng bá rộng rãi những tư liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa? Bởi những người làm sử là những người nắm giữ nhiều tư liệu nhất…

Đây trước hết là vấn đề học thuật. Các nhà sử học đã ghi lại những sự kiện về sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhiều nhà sử học nổi tiếng nhất của Việt Nam như Lê Quý Đôn thế kỷ 18, Phan Huy Chú, thế kỷ 19 và ngay những chính sử như Đại Nam Thực Lục Tiền biên, Chính Biên, Quốc Triều Chính Biên Toát yếu, Đại Nam Hội Điển Sự Lệ… đã ghi nhận sự kiện xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Suốt thế kỷ 20 không thiếu những nhà sử học trong đó có tôi đã bỏ ra nhiều công sức tập hợp các tư liệu, chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi đã nói về những tài liệu này nhiều trên báo chí trong nước.

Song phải nhìn nhận là những tư liệu này chưa được quảng bá rộng rãi, nhất là ở ngoài nước. Giới sử học cũng có trách nhiệm trong việc này, nhưng theo tôi không hẳn lỗi ở họ.

Tách bạch học thuật với ngoại giao

Ý ông là…?

Vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa đang là vấn đề tranh chấp giữa các nước trong đó có Trung Quốc, nên dĩ nhiên đó là vấn đề ngoại giao quốc gia. Nhưng cần phân biệt rõ ngoại giao với học thuật.

Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trước hết là vấn đề học thuật. Vì thế, việc thảo luận trong giới học thuật, giới nghiên cứu là bình thường.

Những cuộc hội thảo về Biển Đông được Học viện Ngoại giao tổ chức trong hai năm gần đây chứng tỏ, giới học thuật đang ngày càng bàn bạc về vấn đề này một cách rộng rãi hơn.

Hoàng Hạnh (thực hiện)

Nguồn: bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn