Văn hóa vốn dĩ hiền hòa và không ma giáo

Phạm Toàn

Ở vùng lúa nước cứ hình thành dần các làng với một nền văn hóa làng xã quá đẹp! Dân làng sống chung với nhau theo hương ước (đừng chê người ta không biết luật!). Hãy về làng quê và xem xét những con đường lát gạch nghiêng chẳng hề vay mượn vốn ODA mà chỉ nhờ cậy vào đóng góp công sức của người dân và tiền bạc từ những người có máu mặt, và những sự do vi phạm hương ước như đánh nhau, chửi nhau, bất hiếu với cha mẹ già, thậm chí cả từ các vụ "ăn cơm trước kẻng"...

LTS: Ngày 22-1-2011, Tuần Việt Nam đăng tải bài viết của Giáo sư Trần Hữu Dũng "Thời thiếu những nhà văn hóa lớn"- một chủ đề hấp dẫn, đặt ra biết bao điều day dứt về văn hóa, về trí thức trong tiến trình phát triển của dân tộc. Mới đây, Tuần Việt Nam chúng tôi nhận được bài viết của nhà giáo- nhà văn Phạm Toàn. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam trân trọng đăng tải bài viết. Và mong mỏi nhận được nhiều ý kiến trao đổi, tham góp xung quanh chủ đề này.

"Giữ im lặng trước một sai phạm bao giờ cũng chỉ có nghĩa là nấp sau sự câm lặng để khiến cho sai phạm được trường tồn" (...) "Bưng tai bịt mắt trước một thất bại còn tồi tệ hơn là chịu thất bại, không dám nhìn nhận thẳng thắn một sai phạm còn tồi tệ hơn là phạm sai lầm"

Louis Althusser (Lời tựa sách "Lyssenko - Chuyện thật về một "nền khoa học vô sản").

Ở thập niên cuối của thế kỷ trước (ôi, nghe sao có vẻ xa xưa quá đỗi!) bạn Nguyễn Chí Tình soạn cuốn sách Số phận các nền văn minh và thế giới ngày nay với ý thức "cãi nhau" với Samuel Huntington, tác giả luận thuyết về sự đụng độ giữa các nền văn minh.

Bài viết này không nhằm đánh giá 1 trong 2 hoặc cả 2 cuốn sách đó. Ở đây sẽ chỉ nhắc lại 1 chi tiết có tính gợi ý liên quan đến những điều đang bị than phiền không phải là không có lý, chẳng phải là thiếu cơ sở, về việc chúng ta mất gốc rồi và nhất là về việc chúng ta không có nhà văn hóa lớn.

Chi tiết đó nằm trong cái nụ cười mỉm đầy hồ nghi khi Nguyễn Chí Tình đặt ra với tôi một câu hỏi và anh không đợi tôi trả lời: "Thế nào nhỉ, loài người có hay không một nền văn minh xã hội chủ nghĩa?"

Nhớ lại điều gợi ý thú vị đó, bài viết này tự đặt ra 1 câu hỏi cho những câu hỏi: Đã có chưa 1 nền văn hóa mang tính thời đại, cái thời đại được đặt tên từ sau năm 1917 là xã hội chủ nghĩa, và từ đó, đã có chưa nhà văn hóa lớn, dĩ nhiên là nhà văn hóa của chủ nghĩa xã hội?

clip_image001

Văn hóa là mọi thứ gì con người làm ra đối lập với tự nhiên. Ảnh minh họa

Văn hóa vốn dĩ hiền hòa ...

Có lẽ ta nên bắt đầu từ khái niệm tổng quát, ấy là đặt câu hỏi gốc văn hóa là gì? Để không dềnh dàng, xin phép đưa ra nghĩa sau đây, hy vọng đó có thể là dạng tổng quát nhất để dựa vào mà bàn tiếp mọi chuyện định bàn

Định nghĩa: Văn hóa là mọi thứ gì con người làm ra đối lập với tự nhiên.

Trong định nghĩa này, có các yếu tố mọi thứ chứ không phải là vài ba dăm bảy thứ; do con người làm ra chứ không phải là do những "tác giả" vô tri vô giác tựa quả núi con sông, hoặc những "tác giả" không được trang bị ngôn ngữ giống như con người. Và yếu tố quan trọng cuối cùng nữa: Đối lập với...

"Đối lập với..." mọi thứ do con người làm ra đều khác hẳn với cách làm ra của thiên nhiên. Mọi thứ của cải bắt gặp trong thiên nhiên chỉ là những thứ tự nhiên mà có: Những dòng sông, những trái núi, những cánh đồng, những đầm nước, những con vật và những thứ sinh sản tự nhiên trên cái Tự Nhiên mà nếu không có bàn tay con người đụng vào thì vĩnh viễn chỉ được gọi là "tự nhiên hoang dã".

Xin hãy hiểu đúng cách nói "đối lập với..." Đó chỉ là một cách định nghĩa để thấy 2 phạm trù, bên này là cái tự nhiên hoang dã và bên kia là cái văn hóa - một cái không có bàn tay con người và một cái có bàn tay con người. Sự "người hóa" đó hoặc khái niệm "văn hóa" đó được gửi trong từ culture cũng là khái niệm chỉ sự "trồng trọt" - và theo ngôn ngữ phương Tây, ta có agriculture như là "văn hóa ruộng đồng" hoặc nông nghiệp, sylviculture như là "văn hóa rừng" hoặc lâm nghiệp, sériciculture như là "văn hóa tằm tang" hoặc nghề chăn tằm... thậm chí cả puériculture như là "văn hóa con trẻ" hoặc nghề nuôi nấng dạy dỗ trẻ nhỏ...

Ta cũng đừng nghĩ rằng việc "người hóa" cái tự nhiên ban đầu cũng hùng hổ và vũ phu như những thành tích cải tạo thiên nhiên về đời sau. Vì những hành động của con người khi mó máy vào cái thiên nhiên hoang dại ban đầu ấy cũng mang tính chất tự nhiên nốt. Sự can thiệp vào thiên nhiên cũng mang cái tính bản thiện của con người từ xa xưa. Nói cho chính xác, những việc làm văn hóa đó luôn luôn mang tính chất thuận với lẽ phát triển tự nhiên của sự vật.

Vào những tháng năm con người hành động thuận với "lẽ trời" hoặc lẽ tự nhiên ấy, chưa khi nào thấy những khẩu hiệu ngạo mạn như nghiêng đồng đổ nước ra sông, hoặc vắt đất ra nước thay trời làm mưa...

clip_image002

Núi rừng Tây Nguyên

Vào những thời đó, cũng không xa hôm nay bao nhiêu, đầu mùa đốt rẫy ở Tây Nguyên, các già làng dắt cả làng lên rừng, chỉ chỗ cho nhà nào đốt chỗ nào. Không tận diệt rừng mà ăn rừng, vì vậy phải biết cách nuôi dưỡng cho rừng mọc lại, và đó chính là văn hóa rừng. Khi cư xử như vậy, cái văn hóa và cái tự nhiên không đối lập nhau. Hãy nghe nhà văn hóa Nguyên Ngọc cùng Jacques Dournes và Condominas:

Không hiểu rừng, ý nghĩa và vai trò của nó trong đời sống con người ở đây thì rất khó, hoặc hầu như không thể hiểu gì về con người Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên.

Khi anh hỏi một đôi vợ chồng Mnông Gar họ đã cưới nhau vào năm nào, họ sẽ trả lời anh: "Năm làng chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô". Ấy là cái năm làng làm rẫy ở khu rừng có tên như vậy. Trong cách nói đó (mà nói, như ai cũng biết, đã là văn hóa), có rất nhiều điều có thể nhận ra.

1 - Ở đây người ta "ăn rừng" (...) như ta nói ta bú sữa mẹ, mẹ cho ta cái ăn, cho ta máu thịt. Ta là một phần không thể tách rời của mẹ rừng. Ta từ mẹ rừng mà ra. 2 - Rừng không chỉ là không gian, rừng còn là thời gian. Người ta lấy không gian để đo thời gian. (...) Cuộc đời con người ấy được tính bằng chu kì mẹ rừng cho họ máu thịt qua từng mùa rẫy. (...) ["Rừng và văn hóa Tây Nguyên - Chúng tôi ăn rừng... - Rừng, đàn bà ..."]

Cái làng văn hóa Tây Nguyên cộng sinh với rừng có những nét giống nhau vô cùng với cái làng văn hóa lúa nước Việt Nam cộng sinh với 2 mùa con nước, nước trời mưa xuống và phù sa quánh ngọt của nước các dòng sông. Trong công cuộc văn hóa này, cuộc vật lôn để thuần hóa tự nhiên cũng diễn ra vui vẻ, cả làng cùng vui, Sơn Tinh được lấy con gái vua, Thủy Tinh hậm hực đôi chút, nhưng ngẫm ra cũng vẫn lịch sự chán, chỉ dứ dứ nắm đấm bằng nước dọa "sang năm"...

Và ở vùng lúa nước cứ hình thành dần các làng với một nền văn hóa làng xã quá đẹp! Dân làng sống chung với nhau theo hương ước (đừng chê người ta không biết luật!). Hãy về làng quê và xem xét những con đường lát gạch nghiêng chẳng hề vay mượn vốn ODA mà chỉ nhờ cậy vào đóng góp công sức của người dân và tiền bạc từ những người có máu mặt, và những sự do vi phạm hương ước như đánh nhau, chửi nhau, bất hiếu với cha mẹ già, thậm chí cả từ các vụ "ăn cơm trước kẻng"...

Văn hóa không thể ma giáo

Dĩ nhiên, cuộc sống không thể bằng lặng êm ả mãi mãi. Sự xâm nhập, giao thoa văn hóa rồi sẽ diễn ra. Từ những khu vực đã công nghiệp hóa, hàng hóa sẽ xâm lăng vào bên trong các lũy tre làng với sức mạnh hơn những viên đạn đồng rất nhiều.

Bên cạnh xâm lăng là những áp đặt đủ kiểu. Khoan hãy nói về những ý đồ xấu của một ý muốn áp đặt một trình độ văn hóa trịch thượng. Hãy nói về những ý đinh tốt đẹp của những sứ mệnh "khai sáng" vô tình áp đặt những đổi thay khiên cưỡng lên một nền văn hóa gốc hồn nhiên.

Ta hãy nghe Nguyên Ngọc mô tả cái gốc gác hiền hòa kia: "Các già làng là lịch sử sống của làng. Bok Deh kể: Đây là chuyện tôi được nghe cha của cha tôi truyền lại, còn cha của cha tôi thì được nghe từ cha của cha ông." (...) Vậy đó, Tây Nguyên, dường như chỉ cần ngồi nhích qua một chút, thay đổi góc nhìn vài độ, lập tức có thể bất ngờ rơi ngược vào một quá khứ hằng mấy trăm năm, huyền ảo mà hiển hiện đâu đó sau đôi mắt chưa mờ của vị già làng đang ngồi trước mặt ta kia." (...)

Ấy thế nhưng, cũng vẫn theo lời Nguyên Ngọc, "Chúng tôi đang trở thành những đứa con hoang của một thứ mà chúng ta cũng gọi vống lên là rừng: Rừng cao su. Cao su thì độc canh. Dưới tán cao su không còn bất cứ cây gì sống được. Tuyệt không có, không còn rau tập tàng! Cao lương mỹ vị mấy cũng có thể có, nhưng một nồi canh rau tập tàng thì nhất định không. Không chỉ một văn hóa ẩm thựckhác đâu; một văn hóa sống khác, độc canh, đơn nhất, khô cằn... (Nguyên Ngọc, "Rau tập tàng").

Hình như cái văn hóa hiền hòa trong bát canh rau tập tàng kia cũng có một người anh em hay chị em song sinh ở làng xã miền lúa nước có tên gọi là bát canh láo nháo - người ta bòn mót trong mảnh vườn mấy ngọn rau đủ loại, cây rau má, lá rau muống, cuộng rau đay... thêm cả mấy đơm hoa mướp, một quả mướp bánh tẻ, vài ngồng rau bí đang bò trong vườn... và chẳng cần thêm bột ngọt Vedan ta cũng có một bát canh không sơn hào hải vị nào mát ruột hơn - ai giỏi ngôn ngữ, xin dịch thử hai tiếng "mát ruột" này đi...

Những thay đổi mang tính phá hoại khi thì được gọi một cách mềm mỏng là "duy ý chí", khi thì diễn ra với một "quyết tâm cao", với một "trình độ lý luận sáng tạo và sắc bén". Trong tủ sách "Lý thuyết" do nhà Marx-học Louis Althusser chủ trì, có cuốn sách của Dominique Lecourt nhan đề là Lyssenko - Lịch sử có thật của một "nền khoa học vô sản" (Lyssenko - Histoire réelle d'une "science prolétaire") - (Francois Maspéro xuất bản, Paris 1976). Nói vắn tắt về cuốn sách này hẳn là bổ ích cho chuyện chúng ta đang bàn.

clip_image003

Nhà văn Nguyên Ngọc

Nay thì chúng ta đã biết rằng vào cuối những năm 1920 sang đầu những năm 1930 thế kỷ trước, ở "thiên đường mơ ước" của loài người - Liên bang các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết - đã xảy ra nạn đói kinh hoàng. Thế rồi vào năm 1933, một "nhà bác học nông nghiệp" âm thầm đã nổi lên thành một anh hùng- ông Lyssenko.

Ông này vốn là một cán bộ kỹ thuật nông nghệp giản dị, mặt mày cau có chẳng thích chơi với ai. Ông đã có một số thành công trong canh tác, mà một thành tựu vô cùng to tát là xuân hóa lúa đông.

Xuân hóa là những tiến trình sinh lý học ở những loài cây đòi hỏi được chuẩn bị cho sự nảy mầm và trổ hoa kết trái, quá trình có khi kéo dài vài ba ngày cho tới vài ba tháng. Nói một cách dễ hiểu, kỹ thuật ba sôi hai lạnh ở nước ta, ngâm thóc giống vào nước nóng 70 độC trước khi gieo, sẽ thúc hạt giống nảy mầm nhanh, cây khỏe, chịu đựng giỏi. Ông Lyssenko cũng làm như thế: Đem hạt giống lúa mùa đông ủ kín và tưới nước đều suốt mùa đông giá lạnh, đợi tới mùa xuân đem gieo, hạt giống khi đó sẽ cho kết quả vô cùng tốt.

Thành tích về kỹ thuật nông nghiệp đó chẳng nói làm gì: Nông dân mừng, mà các cán bộ thống kê cũng nở mày nở mặt, con số phần trăm nâng cao cứ như thể do các đồng chí đó làm ra vậy!

Điều đáng trách, ấy là có những anh thầy dùi và có ông Stalin đã nhân cơ hội đó phát động một cuộc "cách mạng khoa học vô sản" chống lại cả thuyết tiến hóa của Darwin lẫn thuyết di truyền của Mendel-Morgan. Năm 1934, bắt đầu phát động cuộc cách mạng khoa học vô sản đó trong cả nước, một tiến trình cách mạng được hỗ trợ cả bằng đòn roi và nhà tù nữa dưới thời Stalin.

Vụ Lyssenko nếu chỉ diễn ra ở Liên bang Xô viết trước đây thì chẳng nói làm gì. Từ năm 1948, ở giữa thủ đô văn minh tráng lệ của loài người, các nhà "trí thức vô sản" Pháp cũng tuyên truyền rầm rộ cho Lyssenko và nền khoa học vô sản. Có thể lý giải hiện tượng đó bằng "ý thức hệ" - bảo vệ Liên Xô (kể cả bảo vệ bằng sự dối trá) là bảo vệ tương lai loài người! Có thể lý giải một cách khó thuyết phục bằng hiện tượng thiếu thông tin (kể cả ở Paris) vào thời kỳ "tiền Internet".

Kết luận gì?

Kết luận, xin tự bạn rút ra!

Chuyện "chúng ta" (chúng ta nào?) đã mất gốc (mất gốc gì?) là chuyện "tào lao" của người chép sử không thích viết sử!

Còn chuyện vì sao "chưa có nhà văn hóa lớn" là chuyện bắt nguồn từ một cách nêu ra cho cuộc sống một vấn đề chính cuộc sống chẳng hề đặt ra!

P. T.

Nguồn: Tuanvietnam.vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn