Thế hệ chúng tôi

Trần Anh Tuấn

Hôm nay ngồi uống cà phê, anh bạn tôi có hỏi rằng (đại thể): “Những biến đổi cơ bản của đất nước sắp tới đây sẽ bắt đầu từ đâu?”

Câu hỏi rộng quá, biến đổi cái gì? Lên hay xuống? Kinh tế? Chính trị? Khoa học? Văn hóa – Xã hội? Con người? Hay...thiên tai?, v.v. Tương ứng với những cái đó sẽ là những giải thích không giống nhau dù cách nào cũng có thể đúng.

Và tôi trả lời: “Bắt đầu từ Thế hệ chúng tôi – Những người sinh ra những năm 80 của thế kỷ XX!”

Ừ thì về thành tích chính trị, thế hệ chúng tôi chưa có những Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc. Về tư duy kinh tế cũng chưa thấy xuất hiện những cá nhân như ông Kim Ngọc. Về nghiên cứu khoa học lại thua đứt các anh 7X với điển hình là giải Fiels lừng danh Ngô Bảo Châu... Nhưng đó là “Chưa” chứ chắc gì đã là “Không”!

Tiền đề cho khả năng sáng tạo và phát triển của con người luôn luôn khởi nguồn từ sự TỰ DO. Tự do trong nhận thức, tự do trong tư duy, tự do trong phát biểu, tự do trong hành động,... Và khi khả năng sáng tạo phát huy, chắc chắn sẽ chắp cánh cho toàn bộ thực tiễn bay lên.

Không chịu sự ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa lý lịch kìm kẹp nhân tài (Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt – “Con hùm xám đường 4” mãi không lên nổi quân hàm chỉ vì thành phần gia đình là ví dụ mới nhất). Thế hệ chúng tôi cũng không chịu sự trói buộc tư tưởng một cách khắt khe, cứng nhắc như những người đi trước (Bác Hồ, người một thời đầu tàu của dân tộc Việt Nam còn nói “Tôi không có tư tưởng gì ngoài tư tưởng Marx – Lê” cơ mà). Những “vòng kim cô” trong cách hành xử nhẫn nại chịu đựng và chấp nhận như thế nay không thể có nữa, tôi dám nói quyết như vậy. Tất nhiên chúng tôi có sự gắn bó mật thiết với một truyền thống đạo đức dân tộc, được rèn cập từ trong gia đình, để không trở nên những kẻ vô chính phủ, coi trời bằng vung, , hoặc không như ai, rất liều lĩnh trong điều hành đất nước, vì rất thiếu học, tưởng có quyền trong tay thì muốn làm gì thì làm.

Thế hệ chúng tôi cũng đã trải qua thời non nớt, thỏa mãn sự (tưởng là) sung sướng như 9X (Xin lỗi nhé, ấy là nhiều báo nhà mình nói thế).

Chúng tôi cũng là những người chứng kiến sự chuyển giao giữa “đóng” và “mở” cửa hội nhập nên vẫn còn nhớ lại nhiều ấn tượng thích thú một cách ngây thơ khi moi một củ khoai, miếng sắn trong nồi cơm độn, cũng như không quên những ngày đầu háo hức tìm vào Internet mà biết được thế giới đổi thay như thế nào, Việt Nam mình đang ở đâu?

Khi đã thấm thía quá khứ và cháy bỏng khát vọng hướng tới tương lai thì không gì có thể cản nổi chúng tôi đi tìm cho mình một mục tiêu lý tưởng nhưng không phải là không tưởng, trong buổi lắm biến động tốt, xấu này. Giống nhiều người, chúng tôi đọc, tìm hiểu, tiếp thu và biến những điều cần thiết thành giá trị của mình. Khác nhiều người thuộc thế hệ khác có nhiều ưu thế hơn chúng tôi là ở chỗ, chúng tôi vừa đủ độ chín của một cánh cung kéo căng hết mức.

...

Mấy ý nghĩ ngẫu hứng trong một quán cà phê nhỏ nhằm trả lời câu hỏi của ông bạn: “Những biến đổi cơ bản của nước mình bắt đầu từ đâu?”. Tôi cứ tạm tếu táo gọi đó là “Sứ mệnh của thế hệ 8X” đi... Tín hiệu đầu tiên mà tôi có thể thấy là một “cơn bão phản hổi” trên một số diễn đàn tự do bình luận về vụ xử án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Mà chủ nhân những ý kiến ấy có rất nhiều người lứa tuổi tôi. Đấy! Thế là cũng “được nói” rồi đấy, dù chưa chính thức. Rồi dần dần chúng tôi sẽ tự tin hơn và biết cách nắm lấy cái quyền tự do được phát ngôn của mình....

Đất nước có biến đổi lớn chắc sẽ xảy ra trong nhiều lĩnh vực, trong tương lai gần hay xa, dễ dàng hay chông gai. Nhưng từ vụ xử Tiến sĩ Vũ thì có vẻ thấy thấp thoáng một cái Nobel Hòa bình (giống ông Lưu Hiểu Ba, ông Nelson Mandela) có thể được trao vào tay thế hệ chúng tôi.

Trả lời thế cứ tưởng ông bạn có ý kiến, ai ngờ hắn im lặng, móc ví ra trả tiền nước. Ai về nhà nấy.

T.A.T.

H.C. biên tập

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn