Nữ danh ca Bạch Yến: 51 năm trở lại với Lời buồn thánh

Kim Yến

Rất quý trọng giọng ca Bạch Yến, nhưng Bạch Yến vẫn không thể thay thế Khánh Ly trong tâm hồn mỗi chúng ta khi ta chợt bồi hồi thức dậy nỗi ám ảnh Trịnh Công Sơn.

Nguyễn Huệ Chi

clip_image002

Nữ danh ca Bạch Yến trong lễ kỷ niệm sinh nhật của NS Trịnh Công Sơn ở quán Hội Ngộ ngày 28.2.2011.

 

SGTT.VN - Đêm 28.2.2011, giữa thiên nhiên đầy gió của Hội Ngộ, nữ danh ca Bạch Yến đã làm thức dậy bao hồi ức ngọt ngào về Trịnh Công Sơn khi chị cất lên những cung bậc chất ngất của Lời buồn thánh.

Cùng với lá thư Trịnh Công Sơn viết gửi Dao Ánh trong tác phẩm Thư tình gửi một người, chúng ta lại một lần nữa thấu hiểu hơn nỗi u sầu của một con người đã yêu thương cuộc đời, yêu thương tình yêu của mình bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng...

“Tiếng hát Bạch Yến đã nuôi anh trong một nỗi bàng hoàng”

Trịnh Công Sơn đã thổ lộ như thế trong lá thư gửi Dao Ánh ngày 18.10.1964, khi anh nghe Bạch Yến hát lần đầu tiên Lời buồn thánh ở phòng trà Tự Do. Bài hát này đích thân anh tập cho Bạch Yến, và đã từ Blao xuống Sài Gòn suốt cả tuần để nghe Bạch Yến hát. Khi ấy, anh chỉ là một giáo viên nghèo, chưa nổi tiếng, cũng không đủ tiền để đến phòng trà coi Bạch Yến hát. Chính Bạch Yến đã mời anh đến nghe suốt nhiều đêm, và rồi anh đã chọn chị để công diễn Lời buồn thánh lần đầu tiên.

Bạch Yến xúc động nhớ lại: “Khi anh đưa cho tôi Lời buồn thánh, một bài hát cấu tứ rất lạ, 4 khung nhịp 3, 4 khung nhịp 4, trở lại 4 khung nhịp 3, 4 khung nhịp 4, không giống một bài hát nào hết. Không gian vời vợi buồn của những buổi chiều và những lời thật đẹp đã cuốn hút tôi rất mạnh: Chiều chủ nhật buồn nằm trong căn gác đìu hiu. Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều. Trời mưa trời mưa không dứt, ô hay mình vẫn cô liêu... Tôi ngạc nhiên là sau này các ca sĩ đều biến thành nhịp 4 hết. Nay trở lại Sài Gòn, lại được hát Lời buồn thánh trong đêm sinh nhật của anh, giữa những người bạn, những người thân, cảm giác như anh đang trở về, mỉm cười ấm áp. Nụ cười thật hiền, như xưa”.

Người con gái trong Lời buồn thánh và bàng bạc trong những tình khúc sáng tác trong giai đoạn này không ai khác chính là Dao Ánh, với đôi tay thiên thần và bóng dáng lụa là trắng sáng thủy tinh. Hãy lắng nghe những lời anh viết cho Dao Ánh: “Những lần về đây đi ngang qua khoảng rừng cao su im tối anh như bao giờ cũng thấy bóng Ánh trắng sáng thủy tinh chập chờn trong vùng cây đen và bãi cỏ xanh màu an nghỉ. Những thân cây bổ nghiêng về phía đường che tối một khoảng dài mà ánh sáng là khoảng trời hẹp và dài giữa hai hàng lá. Anh đã nghĩ đến một hành lang giáo đường trên vùng ăn năn, những thân cây đen là những kẻ hành hương trùm áo sẫm, bãi cỏ non xanh, anh nghĩ rằng Ánh có thể mặc áo trắng lụa là đi bằng những bước chân nhỏ nhẹ trên đó. Anh đã cúi mình xuống ý nghĩ và hình ảnh ấy thật lâu như một ám ảnh...”

Danh ca Bạch Yến biểu diễn tại Việt Nam vào năm 2009.

 

Chọn Bạch Yến, giọng hát nổi tiếng với tình khúc Đêm đông, và đang rất ăn khách tại phòng trà Tự Do lúc ấy, Trịnh Công Sơn và những người bạn của anh như họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung đã thật sự choáng váng khi nghe Lời buồn thánh cất lên giữa Sài Gòn.

Trịnh Công Sơn viết: “Đã hai đêm ở dancing Tự Do, tiếng hát Bạch Yến đã nuôi anh trong một nỗi bàng hoàng. Tôi xin năm ngón tay em thiên thần. Lời buồn thánh đó Bạch Yến đã nhắm trùng mắt lại đưa tiếng hát cắt khoảng đêm hồng trước mặt thành những trũng sân cuốn hút. Tiếng hát đã ngưng rồi đó Ánh ạ. Anh thấy mình lan man trong một vùng nhỏ hẹp buồn bã. Anh Cung ngồi im chết nhìn bàn tay nhỏ nhắn của Bạch Yến đưa cao về phía trên như gói lại một vùng âm thanh còn lãng đãng ở đó. Đầu cúi xuống thật lâu và những tiếng ngân của đàn clavioline cũng tắt ngúm. Anh Cung mang ly sữa đưa cho Bạch Yến. Anh Cường nói: “Je suis très ému”. Bạch Yến nhướng mắt thật sáng: "Vraiment?" Anh: “Je ne sais comment vous dire merci. C’est tellement écrasant!” Mỗi đêm Bạch Yến sẽ hát bản đó ở trong không khí này. Anh đã tập cả những bản Tiếng hát dạ lanXin mặt trời ngủ yên nhưng Yến chưa thuộc. Sẽ lần lượt hát sau. Bản Xin mặt trời ngủ yên Minh Tuyết hát ở dancing Mỹ Phụng tuần trước. Anh định viết thư về xúc động của mình cho Ánh nghe nhưng lại thôi và chờ thư....”

Từ đua motô bay, hát rock, đến hát... dân ca

clip_image005

Bạch Yến thời trẻ.

 

Ba chia tay, để lại cho mẹ năm đứa con nheo nhóc, một trận hỏa hoạn xảy ra đã khiến cho mấy mẹ con lâm cảnh màn trời chiếu đất. Bạch Yến phải ra đời kiếm sống từ năm 12 tuổi với đủ mọi nghề. Khán giả mộ điệu của Sài Gòn xưa dường như chưa ai quên được hình ảnh cô gái nhỏ nhắn, đẹp rực rỡ với những màn phóng mô-tô đầy mạo hiểm theo các đoàn xiếc đi diễn khắp miền Nam, từ Quảng Trị xuống Cần Thơ, Cà Mau đên Năm Căn... Hai lần tai nạn thảm khốc đã khiến cho cô không thể tiếp tục nghề đua xe mạo hiểm.

Với giọng hát trầm đặc biệt, chị đã nổi tiếng từ năm 15 tuổi qua ca khúc Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Nhưng bản tính sôi động và thích chinh phục những điều mới lạ, Bạch Yến tự học năm thứ tiếng mỗi ngày, để có thể diễn đạt tốt các ca khúc tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Do Thái... Năm 21 tuổi, chị được mời qua Mỹ biểu diễn và trở thành người Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên chương trình truyền hình Mỹ đầu 1965. Trong Environment Show, với mái tóc đen dài và tà áo dài trắng, chị đã sánh vai một cách tự tin bên cạnh các tên tuổi lừng danh như Beatles, Bob Hoge, Bing Crosby, Pat Boone, Rolling Stones...

12 năm sống trên đất Mỹ, đi diễn khắp 46 tiểu bang, những tưởng chị đã hoàn toàn hòa nhập vào thế giới âm nhạc Mỹ, cuộc gặp gỡ định mệnh với Giáo sư Trần Quang Hải, con trai Giáo sư Trần Văn Khê đã mang lại cho chị một “hạnh phúc nhân đôi”, đó là tình yêu lâu bền suốt bao năm nay giữa hai người, và sự cộng hưởng để gìn giữ và nuôi dưỡng dòng nhạc cồ truyền dân tộc. Đến nay, Bạch Yến và Giáo sư Trần Quang Hải đã thực hiện được 10 CD về âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

clip_image007

Vợ chồng danh ca Bạch Yến - giáo sư Trần Quang Hải.

 

Từ khi lấy chồng, chị nghỉ diễn, suốt 15 năm không nghe một thứ nhạc nào hết, để chỉ tập trung vào nghiên cứu dân ca cùng chồng. Học hát ru từ những người bà, người mẹ quê trong những lần trở về, đến tận quê hương quan họ để tìm nghe những làn điệu gốc, chị còn cùng chồng mang lời ru đến các bệnh viện, đề góp phần cứu chữa những bệnh nhân tâm thần.

Hỏi chị điều gì đã giúp chị giữ được sức hút lâu bền bất chấp thời gian như thế, chị cười hạnh phúc: “Tình yêu ngắn ngủi lắm. Giữa hai người phải có tình bạn để hiểu nhau hơn, không bị tình yêu làm cho mình ích kỷ, và biết chia sẻ người bạn đời với nhiều người khác. Giữa chúng tôi còn có một tình bạn khác, đó là âm nhạc. Tình yêu âm nhạc đôi khi còn lớn hơn cả tình yêu với anh Hải nữa, nên đâu có lo mất nhau. Khi có niềm tin, khi biết khám phá nhau, sẽ yêu nhau nhiều hơn mà không ràng buộc. Nhiều người nói tôi tuy... bớt trẻ, nhưng giọng hát hay hơn. Có một cuộc sống đẹp, khi hát, sẽ chạm được vào tâm hồn người nghe”.

K.Y.

Dưới đây là nguyên văn bức thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh

Sài Gòn 18 October 1964

Dao Ánh

clip_image009

NS Trịnh Công Sơn và bà Dao Ánh, một trong những nguồn cảm hứng để nhạc sĩ họ Trịnh viết ra nhiều nhạc phẩm hay.

Bức thư anh gửi sau cùng cho Ánh anh đã chờ tin Ánh ngút ngàn bằng hai chuyến đi Đà Lạt và ba lần về Sài Gòn. Như thế là đã mất hẳn tin của Ánh rất lâu. Anh mong là Ánh không phải bệnh, - cũng không có điều gì đáng cho Ánh giận hờn anh - anh không đoán ra sự vắng mặt đó.

Những lần về đây đi ngang qua khoảng rừng cao su im tối anh như bao giờ cũng thấy bóng Ánh trắng sáng thủy tinh chập chờn trong vùng cây đen và bãi cỏ xanh màu an nghỉ. Những thân cây bổ nghiêng về phía đường che tối một khoảng dài mà ánh sáng là khoảng trời hẹp và dài giữa hai hàng lá. Anh đã nghĩ đến một hành lang giáo đường trên vùng ăn năn, những thân cây đen là những kẻ hành hương trùm áo sẫm, bãi cỏ non xanh, anh nghĩ rằng Ánh có thể mặc áo trắng lụa là đi bằng những bước chân nhỏ nhẹ trên đó. Anh đã cúi mình xuống ý nghĩ và hình ảnh ấy thật lâu như một ám ảnh.

Anh đã có mặt ở đây trưa thứ Sáu. Tuần trước cũng thế. Có thể thứ Ba hay thứ Tư anh trở lại Blao. Mỗi lần nhớ bạn bè như anh Cường, anh Cung anh lại lao về đàn đúm. Chúng anh mừng rỡ trong từng buổi họp mặt ngắn ngủi đó. Còn gì hơn nữa đâu.

Đã hai đêm ở dancing Tự Do tiếng hát Bạch Yến đã nuôi anh trong một nỗi bàng hoàng. Tôi xin năm ngón tay em thiên thần. Lời buồn thánh đó Bạch Yến đã nhắm trùng mắt lại đưa tiếng hát cắt khoảng đêm hồng trước mặt thành những trũng sân cuốn hút. Tiếng hát đã ngưng rồi đó Ánh ạ. Anh thấy mình lan man trong một vùng nhỏ hẹp buồn bã. Anh Cung ngồi im chết nhìn bàn tay nhỏ nhắn của Bạch Yến đưa cao về phía trên như gói lại một vùng âm thanh còn lãng đãng ở đó. Đầu cúi xuống thật lâu và những tiếng ngân của đàn clavioline cũng tắt ngúm - Anh Cung mang ly sữa đưa cho Bạch Yến. Anh Cường nói: “Je suis très ému". Bạch Yến nhướng mắt thật sáng "Vraiment?" Anh: “Je ne sais comment vous dire merci. C’est tellement écrasant!”. Mỗi đêm Bạch Yến sẽ hát bản đó ở trong không khí này. Anh đã tập cả những bản Tiếng hát dạ lanXin mặt trời ngủ yên nhưng Yến chưa thuộc. Sẽ lần lượt hát sau. Bản Xin mặt trời ngủ yên Minh Tuyết hát ở dancing Mỹ Phụng tuần trước. Anh định viết thư về xúc động của mình cho Ánh nghe nhưng lại thôi và chờ thư.

Cuối cùng thì anh vẫn phải viết thư vì thấy cần. Nếu Ánh không trả lời thì anh cũng sẽ chấm dứt ngang đây là vừa. Bây giờ mùa thu ở Huế, anh nói thầm với mình rằng Ánh mặc áo lụa đi qua những con đường, những công viên giăng giăng lá úa. Anh đã viết thư cho Người . yêu . chim . nhỏ của Cung như thế này: Có tuổi nào mang lá ướp vào sách. Có tuổi nào nhặt lá vàng đếm cho đủ tuổi mình. Có tuổi nào nhặt lá vàng rồi ngồi khóc. Có tuổi nào giữ lá vàng trong tay mà bâng khuâng. Còn có tuổi nhìn đá sỏi, nhìn tường quách, rêu phong, nhìn dã tràng, sò ốc, - ôi có bao nhiêu tuổi trên cuộc đời này để nhìn cho hết thiên nhiên.

Ánh ơi,

Cơn buồn đã đi qua rồi phải không. Anh cũng mong điều đó. Mong rất ít, bởi vì Ánh sẽ còn trở về...

Nguồn: sgtt.vn

BVN có chỉnh lý lại các câu tiếng Pháp.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn