Hải giám - tàu quân sự trá hình

(PL)- Đó là những tàu được trang bị vũ khí và được huấn luyện bởi hải quân Trung Quốc, chuyên quấy nhiễu vùng biển thuộc chủ quyền nước khác

Gần hai thập niên trở lại đây, nhằm mở rộng chiến lược năng lượng và tìm mọi cách để bành trướng trên biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh đội tàu mang tên Trung Quốc Hải Giám (thuộc Cục Hải dương Trung Quốc - China Marine Surveillance). Thực chất đây là phương tiện quân sự giả danh tàu dân sự thực hiện các nhiệm vụ quấy nhiễu và xâm phạm vào vùng biển của các nước khác.

Được trang bị vũ khí và huấn luyện bởi hải quân

Đội tàu hải giám được chính thức thành lập năm 1998 và bắt đầu triển khai các hoạt động quấy nhiễu trên biển từ năm 1999. Đó là loại tàu bán quân sự nhằm mục đích tuần tra các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và bờ biển của Trung Quốc, bảo vệ môi trường biển, các nguồn tài nguyên, các thiết bị dẫn đường và công trình biển, khảo sát biển và trong trường hợp khẩn cấp tham gia việc tìm kiếm và cứu trợ.

Nếu đội tàu này hoạt động trong các vùng nước của Trung Quốc phù hợp với UNCLOS 1982 thì có lẽ không có gì đáng nói nhưng chúng đã hoạt động ra ngoài phạm vi vùng nước phù hợp UNCLOS 1982, quấy nhiễu và cản trở các hoạt động khai thác tài nguyên biển của các nước khác.

clip_image001

Tàu hải giám 84 đang ở trên đà, sắp hạ thủy.

Với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật đóng tàu và sự đầu tư của chính quyền Trung Quốc, đội tàu hải giám đã liên tục tăng trưởng. Tính đến thời điểm năm 2011 có 300 tàu với 30 tàu có trọng tải từ 1.000 đến 4.000 tấn và 10 máy bay (trong đó có bốn máy bay trực thăng). Cơ quan hải giám có mục tiêu tăng thêm 36 tàu trong năm năm tới. Năm 2011, đội tàu hải giám này tuyển thêm 1.000 nhân viên mới nâng số nhân viên làm việc lên tới trên 10.000 người có kỹ năng sử dụng vũ khí.

Lực lượng tàu hải giám được phân thành bốn cấp bao gồm ba đội tàu cấp khu vực, 10 đội tàu cấp tỉnh, 46 đội cấp TP và 142 đội cấp quận, huyện. Ba đội tàu cấp khu vực bao gồm: Đội tàu Bắc Hải (hoạt động trong các vùng biển phía Đông Bắc của Trung Quốc), Đội tàu Đông Hải (hoạt động trong các vùng biển phía Đông và Đông Nam Trung Quốc) và Đội tàu Nam Hải (hoạt động ở vùng biển phía Nam Trung Quốc - biển Đông Việt Nam). Trong đó ba tàu 17, 72, 84 đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, quấy nhiễu và cắt cáp thăm dò tàu Bình Minh 02.

Tàu hải giám 84 được đóng mới năm 2009, lượng dãn nước 1.740 tấn, dài 88 m, rộng 12 m, vận tốc 18 hải lý/giờ. Nó có tầm hoạt động 5.000 hải lý, 40 ngày liên tục. Đây là chiếc tàu có tính năng điều động khá tốt với mũi thon hình quả lê, chân vịt phụ mũi và lái cùng hệ thống vây giảm lắc ngang cho phép hoạt động trong vùng nước có sóng gió lớn.

clip_image002

Tàu hải giám 83 (3.000 tấn) trang bị máy bay trực thăng.

Các tàu hải giám thực chất không phải là tàu dân sự làm nhiệm vụ điều tra, khảo sát và nghiên cứu cũng như tìm kiếm và cứu trợ. Các tàu hải giám được trang bị vũ khí và máy bay trực thăng, làm các nhiệm vụ của một tàu cảnh sát và tuần tra biển. Nhiều tàu có khả năng chạy với tốc độ cao, trên 30 hải lý/giờ. Các tàu cỡ nhỏ 500, 600 tấn được cải trang giống tàu đánh bắt cá nhưng cơ cấu tổ chức trên tàu như là một tiểu đội hải quân, thuyền viên được huấn luyện bởi hải quân Trung Quốc, được trang bị súng AK 59 và 81 và cả súng trường tự động.

Ngoài các tàu mang tên Trung Quốc Hải Giám, Trung Quốc còn có các tàu khác giống hệt tàu dân sự nhưng thực hiện các hoạt động điều tra, giám sát các vùng biển không thuộc về Trung Quốc. Ví dụ các tàu mang tên Hướng Dương Hồng. Trong đó, tàu Hướng Dương Hồng 09 vào điều tra thăm dò vùng biển quần đảo Senkaku thuộc tỉnh Okinawa của Nhật.

Xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền nước khác

Hoạt động của đội tàu hải giám nằm trong chiến lược năng lượng của Trung Quốc và đồng thời với hoạt động của các cơ quan khác. Vì là tàu quân sự trá hình, các tàu hải giám được lệnh đi sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác để quấy nhiễu và phá hoại thiết bị khai thác tài nguyên khoáng sản. Chúng hoạt động rộng khắp ở nhiều vùng biển mà Trung Quốc đơn phương cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc. Ví dụ vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (được cho là có tranh chấp giữa ba nước Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc), đảo Okinotori (Nhật) và vùng biển Đông (Philippines, Việt Nam và các nước khác).

clip_image003

Vũ khí trang bị trên tàu hải giám (súng 14,5 ly).

clip_image004

Binh lính tàu hải giám luyện tập bắn súng.

Tháng 8-2001, tàu Hướng Dương Hồng 09 xâm nhập vào khu vực biển xung quanh quần đảo Senkaku thuộc tỉnh Okinawa của Nhật. Những năm gần đây, các tàu hải giám, ngư chính và đánh cá Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, gây ra nhiều sự kiện liên tiếp. Mới đây nhất là sự kiện tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên của Nhật vào ngày 7-9-2010.

Ở vùng biển Đông Việt Nam, các tàu hải giám Trung Quốc liên tục quấy nhiễu. Ví dụ đầu năm 2011, tàu hải giám Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm vùng biển của Philippines xung quanh khu vực bãi đá ngầm Iroquois chỉ cách bờ Palawan 125 hải lý. Đội tàu hải giám và ngư chính (kể cả tàu hải quân) Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam từ vùng biển vịnh Bắc Bộ cho đến các vùng biển khác thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Trong cuộc tọa đàm giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cho rằng hai bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn kiện khác. Tuy nói là tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 nhưng thực tế Trung Quốc đơn phương coi biển Đông như là “ao nhà” và có những hành động gây hấn.

Ông Liệt còn nói thêm: “Chúng tôi xin nói rõ là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa diễn ra” (tức sự kiện tàu hải giám Trung Quốc quấy nhiễu và cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam). Cách nói này là cách từ chối trách nhiệm của Trung Quốc.

Bằng việc sử dụng các tàu thuyền vỏ bọc dân sự, Trung Quốc dùng thủ thuật tạo một bộ mặt hòa bình để phục vụ những mục đích bành trướng của mình. Những quốc gia liên quan cần có những đối sách thích hợp để tránh sự bất cân xứng khi Trung Quốc lạm dụng đội tàu hải giám cho những mục đích quân sự. Việt Nam cần có những biện pháp đối phó bao gồm cả một chiến lược lâu dài và trước mắt nhằm bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ các nhà đầu tư và ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển Đông.

Trong các trường hợp như vừa qua, cần đặc biệt chú ý đến việc dùng thiết bị ghi lại các sự xâm phạm vùng biển chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; hồ sơ hóa các vụ xâm phạm của tàu nước ngoài (nhất là các tàu hải giám, quân sự) để dùng cho các công bố quốc tế, đàm phán, tranh cãi, kiện tụng sau đó.

Ngoài lực lượng hải quân trực thuộc Bộ Quốc phòng, Trung Quốc có năm cơ quan thực hiện việc tuần tra trên biển có quan hệ mật thiết với lực lượng hải quân và quốc phòng Trung Quốc, gồm:

- Cảnh sát biển (Bộ Công an) là cảnh sát tuần tra biển, liên quan đến các vấn đề dân sự.

- Tổng cục An toàn Hàng hải (Bộ Giao thông) - chịu trách nhiệm an toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn trên biển.

- Ngư chính (Bộ Nông nghiệp) - quản lý các hoạt động đánh bắt cá.

- Hải quan (Tổng cục Hải quan - Hải quan Tổng thự) - giám sát ngăn chặn buôn lậu, và giám sát, kiểm tra, theo dõi các vùng biển, hải phận thuộc Trung Quốc.

- Hải giám.

Ngoài ra, Bộ Đất đai Tài nguyên Trung Quốc còn tổ chức các đội tàu khác như đội tàu điều tra tài nguyên hải dương và tàu nghiên cứu của ĐH Hải dương Thanh Đảo.

NHÓM TÁC GIẢ (*)

(*) Nhóm tác giả Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Trọng Bình, Dư Văn Toán và Lê Vĩnh Trương.

Nguồn: Phapluattp.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn