Ôn hòa nhưng không nhân nhượng

Nguyễn Trọng Bình - Lê Vĩnh Trương - Phạm Thu Xuân

(Quỹ Nghiên cứu biển Đông)

clip_image001

 

Máy bay tuần thám Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để thu thập tin tức về tàu Bình Minh 02 ngày 21-5 - Ảnh: TS

 
TT - Từ ngày 3 đến 5-6-2011, Hội nghị an ninh châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10) tại Singapore có nhiều quan điểm, chủ yếu tập trung vào ba nội dung chính:

+ Mặc dù không lên án hay ủng hộ cụ thể nước nào về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, nhưng Mỹ và các nước khác trong khu vực tỏ thái độ quan ngại về những va chạm gần đây tại khu vực có thể gây ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại của tàu bè quốc tế ở eo biển Malacca. Do đó vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông là một vấn đề đa phương và phải được giải quyết hòa bình bằng đàm phán, hạn chế sử dụng vũ lực quân sự gây xung đột tại khu vực.

+ Diễn biến phức tạp trong tranh chấp biển Đông nhưng một số nước Đông Nam Á đã không trực diện phản đối Trung Quốc. Các diễn biến trên ngày càng cho thấy Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) gần như vô hiệu vì không có biện pháp chế tài đối với các nước đã tham gia ký kết.

+ Trung Quốc một mặt kêu gọi kiên trì đàm phán để giải quyết vấn đề tranh chấp, nhưng lại cố tình đưa những vụ việc xảy ra tại khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp (như vụ tàu Bình Minh 02 và Viking 2), tiến hành đàm phán song phương với các nước ASEAN nhằm thực hiện chiến lược chia để trị, bẻ gãy sự liên kết trong khối ASEAN rồi từ đó đi đến thỏa thuận song phương với từng nước theo giải pháp gác tranh chấp, cùng khai thác tại những khu vực chồng lấn có lợi cho Trung Quốc.

Thủ đoạn leo thang của Trung Quốc

Nhiều ý kiến đề nghị đưa vấn đề biển Đông ra Tòa án quốc tế. Tuy nhiên việc kiện ra tòa không hề đơn giản vì thẩm quyền xét xử của Tòa án quốc tế theo quy định được xác lập trên cơ sở đồng thuận của các bên tranh chấp. Như vậy, nếu phía Trung Quốc không đồng ý thì tòa án cũng không đủ cơ sở để xác lập quyền tài phán.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa là một vấn đề song phương giữa hai nước có yêu sách là Việt Nam và Trung Quốc. Vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa là liên quan đến yêu sách của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Trung Quốc do vậy cần đàm phán đa phương. Còn vấn đề chủ quyền trên biển Đông thì liên quan đến quyền lợi của cả những nước khác trên thế giới.

Để bảo vệ tối đa lợi ích của mình, Trung Quốc sử dụng nhiều thủ đoạn để làm phức tạp tình hình như cử tàu chiến và máy bay ra Bãi Cỏ Rong để răn đe Philippines. Trước đây Trung Quốc cũng đã đâm tàu và cắt cáp tàu Việt Nam rồi, nhưng khu vực xảy ra là ở vùng ngoài 200 hải lý hoặc vùng tranh chấp. Khi Việt Nam tiến hành khảo sát để lập hồ sơ báo cáo Liên Hiệp Quốc về ranh giới ngoài của thềm lục địa thì tàu khảo sát của Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc cắt cáp.

Sự kiện Bình Minh 02 cũng như phá cáp tàu Viking 2 là do tàu Trung Quốc dấn sâu hơn vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Đó cũng là lý do trước khi diễn đàn Shangri-La diễn ra thì dư luận nhận định đây là một động thái của Trung Quốc nhằm răn đe Việt Nam cùng các nước trong khu vực ASEAN và Mỹ, tỏ rõ lập trường của Trung Quốc là không bao giờ nhân nhượng và từ bỏ tấm bản đồ “đường lưỡi bò” vốn kiểm soát phần lớn diện tích biển Đông.

Trong bài phát biểu sáng 5-6 tại diễn đàn an ninh cấp cao Shangri-La, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh “chỉ bằng cách ủng hộ dân chủ trong quan hệ quốc tế và tôn trọng lợi ích cốt lõi, cũng như những mối quan tâm lớn của nhau” mới có thể khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương “thật sự tìm thấy hòa bình lâu dài, ổn định và hòa hợp”.

Tuy nhiên, xâu chuỗi hàng loạt vụ việc xảy ra từ tháng 3 tới nay trong vấn đề chủ quyền biển Đông, người ta đã không còn ngạc nhiên hay thắc mắc chuyện Trung Quốc nói vậy mà không phải vậy. Việc này đã được chứng minh một cách không thể chối cãi khi bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tuyên bố bằng lời hay chữ đẹp thì các tàu Trung Quốc lại phá hoại tàu Viking 2.

Vấn đề leo thang tranh chấp tại khu vực quần đảo Trường Sa có thể là một ngòi nổ cho xung đột tại khu vực, nếu có xảy ra thì thiệt hại trước hết cho các nước tham gia xung đột và ảnh hưởng đến tất cả những nước có lợi ích ở khu vực.

Nhưng không có nghĩa vì điều này mà Việt Nam phải nhân nhượng với Trung Quốc, bởi vì trong không gian phát triển của Trung Quốc, phía nam là hướng tương đối ổn định, khu vực ASEAN là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra xa hơn. Vậy liệu Trung Quốc có thể “cắt” cái cửa này được không, làm cho khu vực này có những quốc gia không bằng lòng với chính sách của Trung Quốc được không?

Những việc cần làm ngay

Giải pháp hòa bình trên biển Đông vẫn là mục tiêu Việt Nam theo đuổi, tuy nhiên hiện nay DOC chưa có chế tài nào để các nước cam kết thực thi thì việc ra đời Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) là việc làm cần thiết nhằm duy trì trật tự và hòa bình trên biển Đông. Cuộc họp cấp cao ASEAN vừa qua ở Jakarta (Indonesia) cũng đặt ra mục tiêu kêu gọi các bên sớm đạt được COC vào năm 2022 nhưng thời hạn này là quá lâu. Vì lẽ Trung Quốc liên tục quấy phá các vùng biển trong khu vực và họ sẽ đưa giàn khoan lớn đến khoan tại các vùng nước sâu ở biển Ðông vào tháng 7 năm nay.

Do đó giải pháp trước mắt của Việt Nam là:

(1) Kiên quyết trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ khi đàm phán với Trung Quốc và ASEAN, để có được sự ủng hộ cần thiết nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của mình tại đây. Quốc hội cần nhanh chóng hoàn chỉnh và ban hành luật biển. Chuẩn bị sẵn sàng đối phó, chủ động trong mọi tình huống bất ngờ về xung đột vũ trang có thể xảy ra.

(2) Việt Nam cần gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế.

(3) Mời gọi và bảo vệ các công ty dầu khí nước ngoài, thí dụ như Mỹ, Anh, Nga, thăm dò và khai thác tài nguyên vùng đặc quyền kinh tế.

(4) Mặt khác, với chiến lược biển đến năm 2020 thì ngư dân Việt Nam cần vươn ra khơi xa với sự bảo vệ của lực lượng kiểm ngư (đã có đề án thành lập). Các tàu của ta trong vùng biển Ðông cần có đủ phương tiện ghi lại các hành động vi phạm, cản trở, uy hiếp... của tàu Trung Quốc làm bằng chứng và lập thành hồ sơ để công bố chứng cứ với quốc tế về các vi phạm những thỏa thuận song phương, đa phương và luật pháp quốc tế.

N. T. B. – L. V. T. – P. T. X.

Nguồn: Tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn