Trung Quốc từ bỏ "quyền lực mềm"

Danh Đức

clip_image001

 

Biếm họa trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đề nghị tham gia quản lý eo biển Malacca, hiện thuộc lãnh hải chung của ba nước Indonesia, Malaysia và Singapore

 

TTCT - “Quyền lực mềm” là khả năng đạt được điều mình muốn bằng cách hấp dẫn thỏa thuận, trái với “quyền lực cứng” vốn chủ trương cưỡng đoạt. Định nghĩa này của Joseph Nye (ĐH Harvard) từ năm 1990 đã được nhân rộng vào năm 2004 như một “mốt” thời thượng trong quan hệ quốc tế.

Trung Quốc nhận rằng đó chính là một tư tưởng thuần túy Trung Quốc phát xuất từ Lão Tử (1), để rồi kẻ khẩu hiệu “thế giới hài hòa” sau khi từng hô hào “xã hội hài hòa” trong nội bộ của mình.

Thế giới hài hòa nhé!

Báo chí Trung Quốc chép rằng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên nêu thuyết này trong một bài diễn văn đọc ở Viện Quan hệ quốc tế Matxcơva ngày 28-5-2003: “Nhằm đạt đến hòa bình vững bền và thịnh vượng toàn cầu, cộng đồng quốc tế nên cộng tác trọn vẹn với nhau bằng những nỗ lực không ngừng, nhằm xây dựng một thế giới hài hòa” (2).

Hai năm sau, ngày 15-9-2005, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Liên Hiệp Quốc, ông Hồ Cẩm Đào dõng dạc đề xuất “bốn điểm xây dựng thế giới hài hòa”, trong đó nổi bật nhất là điểm 1: nâng tính đa phương nhằm đạt đến an ninh chung, trong đó Liên Hiệp Quốc đóng vai trò không thể thay thế được, chỉ có thể được tăng mạnh chứ không thể bị suy yếu.

Ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối mọi hành vi xâm lấn chủ quyền nước khác, can thiệp vũ lực vào công việc nội bộ nước khác, tự ý sử dụng hay đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự”. Nhân Dân Nhật Báo bình rằng “tư tưởng xây dựng thế giới hài hòa là điểm nhấn cốt lõi của quan điểm Hồ Cẩm Đào” (3).

Đó là giai đoạn mà “thế giới hài hòa” hiển hiện nhất, đến nỗi các học giả Mỹ phải e dè lo sợ ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ tại Đông Nam Á. Tháng 1-2008, ba chuyên gia về châu Á gồm Thomas Lum, Wayne M. Morrison và Bruce Vaughn đã phải tả oán như sau:

“Việc Trung Quốc tăng cường sử dụng quyền lực mềm ở Đông Nam Á, các động tác khuyến dụ phi - quân sự như văn hóa, ngoại giao, viện trợ, thương mại, đầu tư chính là những thách thức mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Bằng cách giảm cường độ các lợi ích xung đột và bằng cách cộng tác với các nước cùng các tổ chức khu vực về những tranh chấp lãnh thổ và thương mại, Bắc Kinh đã làm giảm bớt được những lo ngại của Đông Nam Á về một mối đe dọa quân sự hay kinh tế là Trung Quốc.

Những gắn bó ngoại giao của Trung Quốc, so với những cảm nhận về sự giảm sút quan tâm của Mỹ, đã đem lại cho Trung Quốc một sự nể vì lớn hơn trong khu vực. Sự trỗi lên của Trung Quốc như là một nước cung cấp viện trợ cỡ lớn và thị trường cho hàng hóa các nước Đông Nam Á cũng đã làm tăng mạnh các quan hệ của Trung Quốc với các nước này. Nhiều nhà quan sát cho rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ gây phương hại đến thế lực và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực” (4).

Ngã rẽ năm 2008

2008 là năm của Olympic Bắc Kinh, cao điểm ngoại giao và đánh bóng thanh danh. Càng dễ hiểu tại sao Trung Quốc lại “hài hòa” với Đông Nam Á và Đông Nam Á lại buôn may bán đắt với Trung Quốc. Nếu nhìn thấy Olympic là lễ đăng quang của một quốc gia bước vào hàng ngũ phát triển, như Nhật Bản năm 1964 với Olympic Tokyo, Hàn Quốc năm 1988 với Olympic Seoul, thì sẽ thấy Trung Quốc đã sốt ruột và trân trọng cơ hội này đến chừng nào. Thế nhưng, những diễn biến trước Olympic lại không như ý nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Tờ Băng Điểm, một phụ trương hằng tuần của Thanh Niên Trung Quốc Nhật Báo, thuật lại: “Trong hơn 20 năm, tác động của vụ Thiên An Môn đã tan và sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất đã là một điều kỳ thú trên trường quốc tế. Sau thất bại trong cuộc tranh quyền đăng cai Olympic 2000, Trung Quốc trở thành ứng cử viên sáng giá cho Olympic 2008 và đã giành thắng lợi.

Đường đường Trung Quốc cũng là một quốc gia hơn 1 tỉ dân, một thành viên (thường trực) của HĐBA Liên Hiệp Quốc và của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc đâu thể bị xem nhẹ hơn chế độ quân sự ở Hàn Quốc năm 1988 để không được trao quyền đăng cai”.

Cuộc rước đuốc Olympic bị đứt quãng ở Anh, Pháp và một số nước khác, có đôi lúc biến thành hỗn loạn. Chính phủ Trung Quốc đâu có ngờ sự thể lại diễn ra như thế. Nói cho ngay, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đã cải thiện nhiều so với năm 1989 và tốt hơn bao giờ hết, tính từ năm 1949 đến giờ. Đó là lý do tại sao Chính phủ Trung Quốc cảm thấy đã bị đối xử quá bất công. “Sao chẳng ai nói gì đến những thành tựu của chúng tôi?” - chính phủ tự hỏi (5).

Bắc Kinh đã quay ngoặt như thế nào, trang web quốc phòng Trung Quốc đã giải thích như sau: “Đặc biệt sau Olympic Bắc Kinh, việc xác quyết chủ quyền bằng ngoại giao và quân sự của Trung Quốc đã được hỗ trợ đầy đủ bởi sức mạnh kinh tế của mình. Đối với những nước phản đối việc chọn Bắc Kinh làm nơi đăng cai, như Pháp từng có kế hoạch tẩy chay Olympic, Trung Quốc đã trả đũa lại bằng những đe dọa kinh tế từng nước một, thế là tất cả đầu hàng.

Thành công của chiến thuật áp lực đó đã thuyết phục Trung Quốc về tính hiệu quả của nó và điều này thể hiện trong nhiều động thái. Cuộc biểu dương lực lượng nhân 60 năm thành lập Trung Quốc đã là một hội hè cho quân đội nhân dân Trung Quốc và là một mối đe dọa giáng cho phương Tây” (6).

Tháng 12-2010, Giả Khánh Quốc – Phó Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế, ĐH Bắc Kinh – bổ sung: “Một số nhà quan sát cảm nhận thấy trong năm qua đã có một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Từ nhãn quan Trung Quốc, câu trả lời ngắn gọn là vừa tiếp tục như trước, vừa thay đổi. Trung Quốc vẫn tiếp tục tin rằng quyền lực cứng đã chẳng có mấy thay đổi.

Là một nước đang phát triển với cả trăm năm chịu nhục trong lịch sử hiện đại của mình, Trung Quốc đã vỡ lẽ ra thế nào là tầm quan trọng sống còn của quyền lực cứng (của sức mạnh quân sự) trong việc bảo vệ chủ quyền của một nước, và do đó Trung Quốc đã cật lực đạt đến sức mạnh đó qua phát triển kinh tế và hiện đại hóa quân sự” (7).

Không chỉ Biển Đông

Những hành vi cậy sức lấn phá của Trung Quốc trong thời gian qua, cả với Philippines lẫn Việt Nam, chẳng qua đến từ tập quán quyền lực cứng muôn thuở của Trung Quốc, nhất là sau cả trăm năm bị ức chế như thừa nhận của GS Giả Khánh Quốc.

Không dừng ở Biển Đông 3,5 triệu km2, đến chủ nhật 12-6, Trung Quốc còn đòi thọc chân xuống đến tận eo biển Malacca: “Trong một thời gian dài, eo biển này do ba nước Indonesia, Malaysia và Singapore cùng quản lý. Các nước này từ khước những nước khác trực tiếp tham gia quản lý an ninh hành trình trong eo biển. Đến nay, các nước không ven bờ eo biển chỉ có thể tham gia một cách gián tiếp như cung cấp ngân quỹ, kỹ thuật, phương tiện vận tải... Trung Quốc cần đóng một vai trò tích cực hơn trong việc quản lý eo biển Malacca”.

Y hệt trường hợp lấn phá Biển Đông, bỗng xuất hiện một nhà “nghiên cứu” Viện Kinh tế & Chính trị học Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc đánh tiếng trong mục “Ý kiến” tờ Hoàn Cầu Thời Báo, giở luật biển UNCLOS theo cách của mình: “Lập trường hiện nay của các quốc gia ven eo biển này không được luật pháp quốc tế thừa nhận!” (8).

Quyền lực mềm hay cứng, cũng từ một bản chất!

D. Đ.

Nguồn: Tuoitre.vn

__________

(1) “Soft power” From Wikipedia

(2) President Hu elaborates the theory of harmonious world People's Daily November 26, 2009

(3) Hu Makes 4 - point Proposal for Building Harmonious World, Xinhua News Agency September 16, 2005

(4) China’s “Soft Power” in Southeast Asia, Foreign Affairs January 4, 2008

(5) China's soft-power failure, Li Datong, 19 May 2008

(6) http://www.china-defense-mashup.com/stop-appeasing-china-now.html

(7) China’s Attitude toward Hard Power and Soft Power, Brookings Northeast Asia Commentary | Number 44

(8) China can help guard lifeline through Strait of Malacca, Global Times 12 June

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn