EVN chê điện nội, chuộng điện Trung Quốc?

LH

(Dân trí) - Nợ PVN và TKV gần chục nghìn tỷ đồng rồi lại không mua đủ điện của 2 tập đoàn này. Trong khi đó, EVN vẫn mua đủ điện của các nhà đầu tư BOT và mua từ Trung Quốc theo các hợp đồng đã ký. Vì sao có sự phân biệt đối xử như vậy?

Còn nhớ, cuộc họp giao ban đầu tháng 8 tại Bộ Công Thương, lãnh đạo hai đơn vị là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phản ánh tình trạng ế điện do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) mua không đủ điện theo kế hoạch.

Cụ thể, trong tháng 7, lượng điện EVN huy động từ các nhà máy thuộc PVN chỉ đạt 91% của kế hoạch tháng mà hai bên đã đề ra. Tương tự, đại diện Vinacomin cũng cho hay, lượng điện EVN mua từ các nhà máy thuộc Vinacomin chỉ bằng 70% sản lượng của tháng 6. Dự kiến lượng điện EVN mua từ các doanh nghiệp thuộc ngành than sẽ còn giảm nữa trong tháng 8.

Lý giải về việc này, ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, do lượng nước về các hồ thủy điện nhiều nên tập đoàn đưa một số nhà máy nhiệt điện ra khỏi danh sách mua điện để các nhà máy này thực hiện đại tu bảo dưỡng. Vì vậy lượng điện mua từ các nhà máy nhiệt điện và khí của các đối tác có giảm.

Trả lời báo chí, ông Tạ Văn Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng khẳng định việc huy động sản lượng điện ở Việt Nam hiện theo nguyên tắc nguồn phát điện nào giá rẻ sẽ được ưu tiên. Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm bắt đầu vận hành từ ngày 1-7 vừa qua cũng thực hiện theo nguyên tắc chào giá cạnh tranh này.

Các nhà máy điện độc lập (IPP) của PVN và TKV là các nhà máy điện toubin khí, nhiệt điện dầu, nhiệt điện than, giá bán cao hơn thủy điện, do đó việc EVN giảm lượng huy động về nguyên tắc là hợp lý.

Vấn đề ở đây là EVN giảm sản lượng điện giá cao của các nhà đầu tư IPP trong nước nhưng vẫn duy trì kế hoạch mua điện giá cao từ Trung Quốc là 4,56 tỉ kWh (cho cả năm), từ nhà máy BOT Phú Mỹ 3 (5,88 tỉ kWh) và Phú Mỹ 2.2 (5,38 tỉ kWh ). Giá mua của EVN cũng dao động từ 6-8 cent/kWh, tương đương giá mua từ TKV và PVN. Vì sao lại có chuyện bất công như vậy?

Một chuyên gia chuyên xem xét các hợp đồng đàm phán trong ngành điện mới đây đã “bật mí” cho báo giới rằng, hợp đồng mà EVN đã ký mua của Trung Quốc hàng năm là hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo một sản lượng được xác định cụ thể.

clip_image002

EVN giảm mua điện trong nước nhưng vẫn mua đủ điện từ Trung Quốc với giá tương đương (Ảnh minh họa)

Theo nhu cầu của bên mua (EVN) hàng năm, phía Trung Quốc sẽ có giá bán phụ thuộc vào sản lượng bên mua yêu cầu, mua ít đi hay nhiều thêm so với cam kết trong hợp đồng đều bị phạt.

Bằng chứng là, do hạn hán kéo dài, thiếu nước cho thủy điện, quí 1/2010, EVN đã bị phía Trung Quốc phạt gần 900.000 đô la Mỹ vì tăng mua đột ngột. Trong khi đó, cùng thời điểm, Công ty Điện lực Vân Nam tự ý cắt giảm sản lượng điện cung cấp cho Việt Nam hơn 20 ngày mà không bị phạt gì.

Tương tự, các hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các chủ đầu tư BOT đã được đàm phán kín kẽ cho cả đời dự án, từ giá bán, mức huy động tối thiểu, tối đa hàng năm…

Ngược lại, các hợp đồng mua bán điện giữa TKV và PVN với EVN không phải là các hợp đồng bao tiêu nên chuyện huy động sản lượng điện nhiều hay ít không phạt được EVN.

Điều đó cho thấy, sự không rõ ràng trong hợp đồng giữa EVN với TKV và PVN chính là nguyên nhân dẫn đến việc bị đối xử thiếu công bằng của EVN. Sự việc này chắc hẳn EVN không phải không biết, vấn đề là họ có chịu điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho hai đối tác đồng thời cũng đang là chủ nợ với khoản nợ “khủng” lên tới gần cả chục nghìn tỷ đồng.

LH

Nguồn: dantri.com.vn

––––––––––––––––––––––––––––––

EVN có “khôn nhà, dại chợ” (!?)

(Dân trí) - Trong khi Chính phủ đang kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, thì một tập đoàn lớn của Nhà nước như EVN hình như vẫn tỏ ra "sính ngoại".

Nhiều câu hỏi nghi vấn

Điện là một trong những mặt hàng chủ chốt không thể thiếu trong đời sống cũng như trong sản xuất của người dân. Đặc biệt do EVN dường như luôn ở vị trí độc tôn, nên dù những vấn đề có liên quan tới điện đã gây không ít nỗi bức xúc cho người tiêu dùng nhưng vì chẳng thể sống mà không có điện nên tâm lý chung vẫn đành chịu "ngậm bồ hòn làm ngọt". Nhưng thông tin về việc EVN có vẻ chê điện nội, chuộng điện Trung Quốc khiến dư luận lại một lần nữa bùng nổ.

Cho rằng EVN quản lý không minh bạch Xuân Phúc nxphuc2210@gmail.com nghi vấn: “Cần đặt một dấu hỏi lớn về tình trạng quản lý chung hiện nay. Chúng ta đã sử dụng được hết nội lực của chính mình hay chưa? Phát triển của chúng ta có mang tính lâu dài hay chưa? Nếu như chúng ta cứ đi mua điện của nước ngoài mà đặc biệt là điện của Trung Quốc như vậy, thì vô hình trung đã thúc đẩy nền công nghiệp này ở Trung Quốc phát triển. Và vì thế thì chúng ta không thể trách ai được khi sông Hồng, sông Mekong cạn nước” 

clip_image004

EVN giảm mua điện trong nước nhưng vẫn mua đủ điện từ Trung Quốc với giá tương đương (Ảnh minh họa)

“... Theo tôi, lý do duy nhất là EVN được chiết khấu % cao trong các HĐ mua điện từ Trung Quốc. Các nhà máy thủy điện của Việt Nam do tư nhân  hay cổ phần nhà nước đều chạy cầm chừng, chỉ HĐ chạy giờ cao điểm, còn lại tắt máy. Trong khi đó điện TQ vẫn được mua đều, chỉ có 1 lý do đơn giản là không kéo được đường dây vào các thủy điện của ta. Tôi thấy thật là nghịch lý vì sự độc quyền này. Quê tôi ngay trên Ba Vì, hàng ngày vẫn luân phiên bị cắt điện, nồi cơm điện phải chuyển sang... đun củi” - phan tất muadulich@gmail.com chua chát.

Lên án hiện tượng để tiền “chảy” ra nước ngoài, gây thất thu lớn cho nhà nước, dương thuy duongthuy_beo@yahoo.com ngao ngán: “Theo như bài viết này thì tôi thật sự thấy thất vọng bởi quyết định của EVN. "Bằng chứng là, do hạn hán kéo dài, thiếu nước cho thủy điện, quí 1/2010, EVN đã bị phía Trung Quốc phạt gần 900.000 USD vì tăng mua đột ngột. Trong khi đó, cùng thời điểm, Công ty Điện lực Vân Nam tự ý cắt giảm sản lượng điện cung cấp cho Việt Nam hơn 20 ngày mà không bị phạt gì” (trích từ bài viết) - Nếu như hợp đồng chặt, tại sao phía Trung Quốc phạt EVN được mà EVN không phạt phía Trung Quốc được? Tại sao EVN không tạo điều kiện cho Cty trong nước nếu như cùng giá bán ? Hay đợi cho đến lúc Cty trong nước phá sản thì lúc đó phía Trung Quốc áp đặt giá bao nhiêu cũng phải chịu? Hay những tổn thất đấy đều đổ hết lên người dân nên EVN thích làm gì thì làm kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”? Tôi nghĩ, Thanh tra Nhà nước cần vào cuộc làm sáng tỏ, tránh để tình trạng chảy tiền ra nước ngoài gây khó khăn cho nền kinh tế, làm khổ người nghèo...”.

“EVN luôn là những phiền toái mà không một người dân nào không bức xúc. Những thời gian trước cũng vậy, nay cũng vậy. Mà ngay chuyện Nhà nước vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt cũng bị EVN xem nhẹ?”- Nguyên Lê nguyenle@gmail.com bức xúc.

“Tôi nghĩ, khuyến khích & bảo vệ hàng nội thì các cơ quan Nhà nước phải là đơn vị tiên phong, chứ chính phủ kêu gọi hoài nhưng “họ” đâu có để vào tai. Vậy thì dân biết ủng hộ hàng của ai đây...” - an hoa hoavmc@gmail.com băn khoăn.

Lợi bất cập hại

Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Hân miencattrang.2006@yahoo.com nêu thực trạng cùng dự báo: “Nhập khẩu điện thì ăn thua gì, người Việt Nam đang tính còn nhập khẩu cả nước sinh hoạt cơ mà. Cơ chế quản lý kinh tế của Việt Nam quá cồng kềnh, vòng vo. Quy định luật pháp thì vẫn còn sự lỏng lẻo nên khi làm ăn với nước ngoài thường bị phạt vi phạm hợp đồng, ta vi phạm thì bị phạt gần 1 triệu đô la trong khi họ vi phạm hợp đồng thì không sao? Tất nhiên trong việc họ không bị phạt hợp đồng đó còn phải xem xét vì biết đâu bên mua lại “cố tình” không phạt, nhưng đó cũng cho thấy sự yếu kém trong cách làm ăn của ta”.

Từ trước tới nay, chúng ta mới chỉ “giơ cao đánh khẽ” những vụ việc do các tập đoàn Nhà nước gây ra, có lẽ vì vậy mà họ đã “nhờn thuốc” và không biết sợ ai. Đa phần độc giả cho rằng chúng ta cần phải học tập các nước trên thế giới trong việc xử lý nghiêm, thậm chí buộc từ chức những trường hợp sai phạm do quan chức, tập đoàn Nhà nước gây ra.

Một trường hợp buộc phải từ chức mà tôi không thể nào quên, đó là vụ Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara từ chức vì nhận 600 USD từ một người quốc tịch Hàn Quốc thường trú tại Nhật. Dù đó không phải là tiền hối lộ, nhưng luật quản lý quĩ chính trị Nhật Bản có qui định cấm các chính trị gia nhận tiền ủng hộ từ các công dân không mang quốc tịch Nhật Bản.

Nên chăng đó là một bài học về tính nghiêm minh trong luật phát mà chúng ta cần sớm áp dụng, để góp phần giải quyết triệt để nạn tham nhũng, hối lộ mà theo đánh giá của rất nhiều người dân, là vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Trường hợp của EVN thì theo Hoàng Ngọc Sơn hoangsontund@gmail.com: “Cần làm rõ trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nguồn điện từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hay Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam đều sử dụng tài nguyên quốc gia, tiền điện các hộ sử dụng cũng đều là tài nguyên quốc gia. Vậy sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một doanh nghiệp nhà nước mà lại sử dụng nguồn lực quốc gia làm giàu cho một quốc gia khác. Điều đó có hợp lý không? Trách nhiệm của Tập đoàn đối với đất nước, nhân dân, dân tộc Việt Nam thế nào, cần phải được làm sáng tỏ. Lâu nay từ đầu tư nhà máy điện, mua điện, tôi thấy Tập đoàn đều quá lệ thuộc vào Trung Quốc, điều này là sao?” 

Trần Bách

Nguồn: dantri.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn