Sinh nhật 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Liam Chochrane

clip_image001

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã sống trọn một thế kỷ (Agencia Brasil-Ricardo Stuckert)

Viết cho Vietnam celebrates General Giap's 100th birthday

Hôm nay 25/8 là sinh nhật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của Việt Nam.

Tướng Giáp là nhân vật được biết tới nhiều nhất qua chiến tích đánh bại đạo quân Pháp tại Điện Biên Phủ hồi năm 1954, trận đánh quyết định số phận cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhì, thường được thế giới Phương Tây biết dưới tên ‘Chiến tranh Việt Nam’, ông Giáp cũng đã khiến người Mỹ thảm bại.

Mặc dù đã phải điều trị tại bệnh viện từ suốt thời gian 2 năm vừa qua, Đại tướng Giáp, người được xem như một anh hùng dân tộc, vẫn gặp gỡ nhiều người.

Nhân dịp này, phóng viên Liam Cochrane thuộc Radio Australia đã phỏng vấn ông Raymond Burghardt, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trong giai đoạn 2001-2004. Ông Burghardt hiện làm việc tại Trung tâm Đông Tây ở Hawaii, Hoa Kỳ.

Raymond Burghardt: “Chắc chắn tướng Giáp trong mắt của một số người trong chính quyền miền Bắc thời đó là vị anh hùng vĩ đại của họ. Hiển nhiên ông là vị anh hùng vĩ đại trong cuộc chiến chống Pháp”.

“Sau này, trong thời kỳ khi chính quyền Hà Nội ở miền Bắc chiến đấu chống lại chúng tôi và chính quyền chống cộng ở miền Nam trong cuộc nội chiến thì ông Giáp vẫn còn là nhân vật rất quan trọng và được nhiều người kính trọng. Tuy nhiên khác với giai đoạn chống Pháp trước đó, trong giai đoạn sau này ông phải chia sẻ nhiều quyền lực quân sự cho nhiều tướng lãnh khác. Thời gian chiến tranh sau này, ở miền Bắc có nhiều nhà lãnh đạo quân sự khác cũng giữ vai trò rất quan trọng”.

PV: Xin ông cho biết cảm tưởng của ông khi ông gặp ông Giáp.

Raymond Burghardt: “Tôi đã gặp ông Giáp nhiều lần khi tôi làm đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam trong giai đoạn 2001-2004. Ông ấy rất nhạy bén, rất vui lòng khi nói chuyện với chúng tôi. Tôi đã gặp riêng ông Giáp vài lần, và có những lần đi cùng với các tư lệnh quân đội Mỹ”.

“Tôi nhớ lần đi với Đô Đốc Dennis Blair, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương. Không hề có chút nét cay đắng do những năm tháng chiến tranh nào trong các cuộc nói chuyện này. Ông luôn luôn sắc sảo và cảnh giác”.

“Có một giai đoạn vào giữa nhiệm kỳ đại sứ của tôi ở Việt Nam, lúc đó ông Giáp không còn ‘nổi bật’ trước công luận. Tuy nhiên, điều lý thú trong một cuộc gặp gỡ sau cùng của tôi với ông Giáp trước khi tôi rời Việt Nam vào mùa Hè năm 2004 là mặc dù khi ấy bắt đầu có những tin cho rằng ông Giáp đứng đằng sau những chuyện chỉ ra rằng giới lãnh Việt Nam có liên quan tới vấn đề tham nhũng, lạm dụng quyền lực, ông Giáp rất thận trọng và không bao giờ muốn nói về những vấn đề này với người nước ngoài”.

PV: Có phải cách nay vài năm, ông Giáp quả có nói tới vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên và đưa ra những lời chỉ trích phản đối việc này?

Raymond Burghardt: “Quả đúng như vậy. Ông Giáp phản đối việc khai thác bauxite phần lớn vì theo ông đó là sự nhân nhượng với công ty Trung Quốc và cho họ nhiều đặc quyền hơn mức cần thiết. Nhiều người Việt Nam nghi ngờ việc khai thác bauxite là âm mưu của Trung Quốc”.

PV: Điều đó chắc hẳn khiến chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ gặp nhiều thách thức phải không thưa ông?

Ông Raymond Burghardt: “Đúng thế. Trước vụ bauxite còn có một số vụ khác nữa. Tôi nhớ là trước khi tôi nghỉ hưu vào năm 2004, có nhiều bức thư được truyền nhau trong nội bộ các nhà lãnh đạo Việt Nam và tôi đã được xem chúng”.

“Các bức thư đó do nhiều nhân vật kì cựu kí, trong đó có cả tướng Giáp, nhằm chỉ trích tệ nạn tham nhũng, việc sử dụng cơ quan tình báo của đảng để theo dõi các lãnh đạo khác trong đảng”.

“Tướng Giáp có lẽ không sợ hãi khi đặt bút ký vào những thư này vì ông là một đại anh hùng của Việt Nam nên không ai có thể làm ‘đụng’ đến ông”.

“Ông sống trong một biệt thự nằm ngay trong trung tâm thành phố Hà Nội - nơi chỉ có một số nhân vật cao cấp được cấp nhà”.

PV: Xin trở lại việc các cuộc gặp gỡ giữa Tướng Giáp và một vài quan chức Mỹ, một trong các cuộc gặp lý thú nhất sau chiến tranh Việt Nam hẳn là cuộc gặp với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Ông có thể cho biết về cuộc gặp gỡ đó?

Ông Raymond Burghardt: “Tôi không có mặt trong cuộc gặp đó. Nó xảy ra trước khi tôi được bổ nhiệm về Việt Nam”.

“Theo tôi có lẽ ông McNamara đã làm nhiều điều hơn các nhân vật Mỹ quan trọng khác từng can dự vào cuộc chiến Việt Nam. Ông cống hiến những năm tháng cuối đời để tạ lỗi và thể hiện nhiều cách thức ‘ăn năn’ khác nhau. Vì thế tôi nghĩ là cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật này rất tốt đẹp”.

PV: Trong cuộc gặp mặt này họ cũng đã đề cập đến vấn đề xảy ra năm 1964 và các cuộc tranh cãi liên quan đến sự kiện vịnh Bắc Bộ. Ông có thể cho biết họ đã trao đổi và xác nhận những gì?

Ông Raymond Burghardt: “Xin lỗi tôi không nhớ toàn bộ sự việc. Theo tôi nghĩ, ông McNamara cho rằng sự kiện Vịnh Bắc Bộ không hẳn là mối đe dọa cho các chiến hạm Mỹ”.

Radio Australia: Tướng Giáp là người ủng hộ việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ. Vậy theo ông Tướng Giáp nắm vai trò quan trọng đến đâu trong việc đem hai kẻ cựu thù lại với nhau?

Raymond Burghardt: “Tôi nghĩ ông ấy có giúp ích trong tiến trình này. Ông Giáp là nhân vật có tầm ảnh hưởng bên trong Đảng Cộng sản trong nhiều năm”.

“Bên trong nội bộ đảng có những sự bất đồng nhất định về việc nên giữ quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ đến mức độ nào. Một số người ở phe phái khác muốn duy trì sự gắn bó với Trung Quốc”.

“Sự chia rẽ đó cũng tương tự như sự chia rẽ giữa những người muốn cải cách mạnh mẽ về kinh tế đối nghịch với nhóm muốn duy trì sự kiểm soát của hệ thống nhà nước”.

“Với sự trợ giúp của Tướng Giáp, vốn là một công thần đã được xem là đánh bại cả hai nước Pháp và Mỹ, vào việc thúc đẩy quan hệ với Hoa kỳ thì rõ ràng đây là sự trợ giúp rất đắc lực. Sự trợ giúp của ông Giáp rất có ích cho phe lãnh đạo muốn xích gần lại với Mỹ”.

L.C.

Nguồn: bayvut.com.au

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn