Nhân tài đất Việt kẹt ở đâu?

TS Phạm Huy Thông

clip_image001Nước ta tuy nhỏ, người không đông nhưng như Nguyễn Trãi viết “hào kiệt không lúc nào thiếu”. Ngay từ năm 1484, Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã khắc trên văn bia ở Quốc Tử Giám, Hà Nội rằng: “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo, nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài, bồi đắp nguyên khí”. Điều ấy chứng tỏ cha ông ta rất coi trọng việc phát hiện, sử dụng hiền tài để xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặc dù cũng có lúc “nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sáng” nhưng đất nước thời nào cũng sinh ra những hào kiệt để gánh vác trọng trách của lịch sử. Song hình như hiện nay hiền tài đất Việt đang có nhiều vấn đề bức xúc như hiện tượng chảy máu chất xám, nhân tài không thiếu nhưng phải đốt đuốc kiếm tìm và nhân tài đất Việt đang bị nghẽn kẹt ở đâu đó… Nhằm tìm kiếm những câu trả lời, ngày 27-9-2011, Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học “Nhân tài với thịnh suy đất nước” tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội. Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia khoa học, quan chức trung cao cấp. Gần 50 báo cáo tham luận và ý kiến đã được trình bày.

Có khá nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn, không né tránh sự thật. Ông Nguyễn Trung – nguyên Đại sứ Việt Nam đã nêu trực diện câu hỏi trong bài tham luận dài tới 34 trang A4: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, vì sao chế độ chính trị nước ta hiện nay không sử dụng được người tài?”. Tác giả cho rằng: “vấn đề mấu chốt cho mọi quốc gia để phát huy được và sử dụng được hiền tài là thực hiện dân chủ” (1). Thế nhưng hiện trạng của đất nước có nhiều vấn đề đáng suy nghĩ: “So với thiên hạ nước ta vẫn thua em kém chị nhiều mặt, khiến cho nước ta đến nay vẫn chưa có được chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Nhìn về thời cơ và thách thức đang đặt ra cho đất nước thì còn đau đầu hơn nữa. Trong những cái đạt được có không ít cái giả dối, cái phô diễn, cái hình thức chẳng những gây tốn kém mà còn là mầm mống cho những khó khăn mới” . Rồi: “tham nhũng là kẻ bóc lột ghê tởm nhất trong chế độ ta, băng hoại mọi giá trị đạo đức xã hội, làm nhụt nhuệ khí của nhân dân… Có thể nói, ngày nay tham nhũng làm cho đất nước nghèo đi và yếu hèn, đối kháng quyết liệt đối với mọi nỗ lực vì dân chủ và tiến bộ xã hội” . Ông cảnh báo: “tình hình rất nguy hiểm, Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trên con đường theo đuổi ý đồ chiến lược là tạo ra một Việt Nam lệ thuộc, èo uột và dễ bề khuất phục”. Ông cũng lo lắng về hiện tượng mà ông goi là “đảng hoá” hệ thống chính trị, xã hội: “Tình trạng mất dân chủ trong Đảng càng gia tăng thì cái cốt lõi, cái linh hồn cũ thời cách mạng vinh quang đáng tự hào xưa bây giờ càng biến tướng, càng tha hóa trong thời bình. Hôm nay cái tha hóa này nhảy lên thống soái ngay trong đảng, đồng thời nó thống soái mọi mặt phát triển và vận mệnh đất nước”. Ông đề nghị phải duy tân, duy tân triệt để: “Một nền dân chủ đích thực cho đất nước, một nền giáo dục tiên tiến, sàng lọc và rèn luyện để tạo lập nên một tầng lớp tinh hoa lèo lái con thuyền quốc gia trong đại dương thế giới hôm nay”.

GS Nguyễn Lân Dũng nêu trăn trở, việc chỉ giao cho đảng viên nắm giữ các trọng trách trong bộ máy công quyền là lãng phí chất xám rất lớn của nhân dân vì đảng viên chỉ có 3 triệu trong khi đó có tới 87 triệu người ngoài đảng.

Ông Nguyễn Vi Khải – nguyên Viện trưởng viện CNXHKH Học viện Chính trị HCM thì đưa ra nhiều tình huống có vấn đề trong đó có sự bất cập của hành lang pháp lý. Luật về Hội chưa được thông qua, luật về quyền tiếp cận thông tin, trưng cầu dân ý, quy chế giám sát phản biện… chưa được ban hành. Có văn bản gây ra băn khoăn như Quyết định 97/QĐ-Ttg ngày 19-9-2009 khiến cho Viện IDS – một think tank của TS Nguyễn Quang A phải tuyên bố giải thể.

GS TS Dương Phú Hiệp đưa ra con số cả nước có trên 36.000 cán bộ có trình độ trên đại học trong đó có 14.000 TS, 1.131 GS, 5.253 PGS nhưng “nhân thì có còn tài thì rất ít”, bằng chứng là Việt Nam thua xa các nước trong khu vực về bằng sáng chế phát minh, về các công trình khoa học trên tạp chí quốc tế. Có nhiều nguyên nhân từ quan niệm đến chính sách sử dụng, đãi ngộ người tài chưa thyết phục nên có tình trạng cán bộ giỏi xin chạy khỏi cơ quan Nhà nước, 80% thủ khoa được tuyên dương ở Văn miếu đi tìm việc khác chứ không vào cơ quan Nhà nước mặc dù được mời chào.

Trong bài tham luận: “Đào tạo, tuyển chọn, sử dụng nhân tài”, GS TS Chu Hảo cho rằng: “Không một nền KH-CN nào, không một nền VH-NT nào có thể phát triển trên cơ sở một nền giáo dục quốc dân bất cập như của chúng ta hiện nay. Cũng không thể có hàng ngũ lãnh đạo các cấp xuất sắc và tầng lớp doanh nhân giỏi giang với một nền giáo dục xuống cấp từ mấy chục năm qua. Sự không trung thực ở đâu cũng là tai họa nhưng ở ngành giáo dục là tai họa khôn lường. Nền giáo dục này đã dạy trẻ con và buộc phụ huynh phải chấp nhận sự dối trá ngay từ khi lần đầu cắp sách tới trường. Không thể để mãi tình trạng thi cử nặng nề và bằng cấp rởm”. GS Hảo nói thêm: “Quy trình tuyển chọn công chức, viên chức của nước ta hiện nay có nhiều bất cập đặc biệt là việc tuyển chọn người vào biên chế của các cơ quan quản lý khoa học mà bản thân tôi được biết rất rõ. Với quy trình như hiện nay, thay vì phải chọn những người có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, chúng ta buộc phải nhận những người có khiếu học thuộc lòng nội dung các tài liệu phục vụ kỳ thi tuyển”.

GS TS Hồ Sĩ Quý – Viện trưởng Viện Thông tin KHXH nhận xét rằng : nhân tài chỉ ra đời trong những môi trường nhất định: “Không thể mơ đến sự xuất hiện tài năng ở những nơi mà điều kiện không cho phép tài năng xuất hiện. Đại học đẳng cấp quốc tế không thể xuất hiện ở những nơi mua bằng, bán điểm. Nhà nghiên cứu tầm cỡ không xuất hiện từ những người làm khoa học nhưng quay lưng lại với thành tựu bên ngoài. Tác phẩm có giá trị không ra đời từ môi trường vi phạm trắng trợn tác quyền. Nhà quản lý tài ba không thể trở tay trong thiết chế gồm toàn những người chú tâm đến lợi ích nhóm”. Ông cho rằng môi trường ở Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết như tình trạng xin – cho, tham nhũng, cơ chế ban ơn – hàm ơn, cạnh tranh thiếu lành mạnh, giáo dục xuống cấp, giá trị đạo đức xã hội lệch lạc như học thiên về “làm quan” chứ không phải để phục vụ cộng đồng… Ông viết tiếp: “Điều đó có nghĩa rằng, nếu muốn đề cao, tôn vinh hay phát huy tính tích cực xã hội của nhân tài thì chưa chắc đã cần đến lương bổng hay đãi ngộ mà chỉ cần đặt nhân tài vào đúng chỗ của họ, tạo mọi điều kiện để họ được tự do thiết lập những liên kết tất nhiên của họ với môi trường, tự khắc tài năng của họ sẽ được nhân lên”.

TS Hồ Bá Thâm cũng không đồng tình với cách tuyển chọn cán bộ hiện nay. Ông viết: “Nhìn chung cơ chế trong hệ thống chính trị, lựa chọn cán bộ của nhà nước còn mang tính nội bộ khép kín, kém năng động, bao cấp, quan liêu, ít có thử thách, xuôi chiều, trọng tình, hạn chế tài năng, bỏ sót tài năng, không ít kẽ hở cho kẻ bất tài, cơ hội, vô luân, thủ đoạn, khéo luồn lách, nịnh hót vươn lên quyền cao chức trọng”.

Ông Vũ khoan – nguyên Phó Thủ tướng cũng băn khoăn về việc tuyển chọn cán bộ quá chú trọng vào lý lịch nên bỏ sót nhiều người tài trong khi những năm đầu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã có nhiều nhân sĩ, trí thức, đại diện các tôn giáo. Hơn nữa: “Không thể phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài nếu không kiên quyết đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, thoái hóa biến chất, quan liêu, tham nhũng… tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp không giảm…”

Ban tổ chức Hội thảo đã cử ra một tổ để tập hợp các kiến nghị báo cáo với lãnh đạo Trung ương. Như vậy các thày thuốc đã tìm ra bệnh và kê đơn cho căn bệnh: Nhân tài đất Việt đang bị kẹt ở đâu? Vấn đề là người ta có dũng cảm điều trị cho dứt bệnh không mà thôi.

P.H.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Chú thích:

1 – Các trích dẫn trong bài theo Kỷ yếu của Hội thảo ngày 27-9-2011 “Nhân tài với thịnh suy đất nước” – Tài liệu tham khảo, Hà Nội tháng 9-2009.

Ảnh minh hoạ: Việt Nam có tới hơn 36.000 người có trình độ sau đại học nhưng “nhân thì có mà tài thì ít”.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn