Nga: tiến lên quá khứ (phần cuối)

Walter Mayr, Christian Neef, Matthias Schepp

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 09/2012

NOVOSIBIRSK, TRUYỀN THÔNG VÀ CÔNG CHÚNG

Đấy là ngày thứ sáu, 9 giờ 35. Trong studio của đài truyền hình và phát thanh Novosibirsk, phát ngôn viên đọc tin tức trong ngày: quân đội tháo ngòi nổ đạn dược cũ ở ngoại ô thành phố, có diễn tập quân sự trong vùng, tất cả các vật thể văn hóa trong Novosibirsk được đăng ký mới. Tiếp theo sau đó là một đoạn phim ngắn về việc xây dựng nhà máy xử lý rác thứ hai,

Có một cánh cửa sổ trong kênh thứ nhất của truyền hình nhà nước mở ra cho đài truyền hình này chín lần trong một ngày, tin tức địa phương cho một triệu rưỡi dân cư của Novosibirsk có chín lần. Vào ngày thứ sáu đó, người ta hoàn toàn không nói gì về lần bầu cử sắp tới.

Đài truyền hình ở trên đường Rinski Korsakov thuộc truyền hình nhà nước mà nhân danh nó trưởng phóng viên Andrej Kondrashov đã giải thích: "Khi 100.000 người biểu tình ở Moscow thì đấy là còn chưa đến 1% của dân số thành phố. Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là tham gia vào một cuộc cách mạng chống lại chính phủ đã được bầu lên một cách dân chủ."

Kondrashov được phép nói như thế, ông ấy đã cảm nhận được trong những tuần vừa rồi, rằng sẽ không có một bước ngoặc trong đường lối cho truyền thông, sẽ không có dưới Putin.

Ở đài Echo thường phê phán điện Kreml, tổng và phó tổng biên tập đã phải ra khỏi hội đồng giám sát do tập đoàn Gazprom kiểm soát, viện công tố tiến hành điều tra đài truyền hình tư nhân Dozhd – đài này truyền trực tiếp những cuộc biểu tình chống Putin. Cả tờ báo đối lập "Novaja gaseta" cũng bị áp lực.

Ở Novosibirsk, quyền lực nhà nước phải hành động một cách cẩn thận, đó là một thành phố có tinh thần tự do. Đô thị của Siberia này, nằm cạnh sông Ob hùng vĩ chảy ngang qua thành phố này rồi vào Bắc Băng Dương, có hàng chục trường đại học, 150.000 người trẻ tuổi đang theo học ở đấy, sau Moscow và St. Petersburg, Novosibirsk là thành phố sử dụng Internet nhiều nhất.Thật không ngạc nhiên khi ở đây chỉ có 27% bỏ phiếu cho đảng của Putin.

Truyền hình của Novosibirsk cũng đã cố phớt lờ bầu không khí đấy cả một thời gian dài. Mỗi một hoạt động ủng hộ Putin đều được đài truyền hình nhà nước phát sóng. Nhưng khi 3000 người về hưu chiếm cứ tòa đô chính để yêu cầu giảm giá vé xe buýt, tàu điện và tàu điện ngầm thì điều đấy không đáng để phát sóng đến một giây.

"Chúng tôi không thể nào tường thuật về mỗi một cuộc biểu tình nho nhỏ", nữ giám đốc Svetlana Voitovich, 51 tuổi, biện hộ. Nhưng người phụ nữ nhỏ bé tóc đen đấy, người đã nói rằng ba năm liền bà ấy đã không được nhận làm biên tập viên ở trong vùng Kemerovo lân cận vì gốc Do Thái của mình, cũng biết rằng "bầu không khí đã thay đổi".

Bà thuật lại rằng nhân viên nhà nước ở Novosibirsk đã gọi về thủ đô để làm áp lực với bà, để đài truyền hình của bà tường thuật ủng hộ nhà nước nhiều hơn nữa. "Tôi hy vọng rằng ở Moscow đến một lúc nào đấy họ sẽ hiểu được có những điều gì mới bây giờ đang xảy ra." Đấy là một lời thú nhận khá nhiều cho một người làm việc tại đài truyền hình nhà nước.

Việc truyền thông Putin cắt xén những người như mình không làm cho sinh viên Sử Stanislav Sacharkin ngạc nhiên. Anh ấy tổ chức phản đối trong Internet. Sau cuộc bầu cử Quốc Hội gian lận, anh ấy và những bạn đồng học xếp thành hàng để phản đối ở trạm tàu điện ngầm Oktjabrskaja; vào ngày 14 tháng 1, ở trừ 27 độ, anh ấy bắt đầu "màn kịch mỉa mai": anh ấy cùng với bạn bè quỳ trước văn phòng địa phương của đảng Putin và trình diễn những bài hát ca tụng đảng nhà nước "toàn năng và kính yêu" đấy. Chỉ riêng hoạt động này thôi đã mang lại cho anh ấy sáu giờ trong tòa án và hình phạt 1000 ruble.

Sacharkin, 22 tuổi, đang viết luận án tốt nghiệp về thời kỳ của Breshnev, "Định hướng đạo đức của dân cư thành thị Xô viết trong thời kỳ ngưng trệ" là đề tài. Anh ấy đã tự chọn nó, để đấu tranh với luận điểm của Putin, rằng những năm sáu mươi và bảy mươi trong Liên bang Xô viết là một thời gian tuyệt vời. Sacharkin đã phân tích sách và phim của những năm đấy, hỏi nhiều nhân chứng và nói: "Luận điểm đấy đơn giản là không đúng. Tính tập thể thường chỉ là vẻ ngoài, ngay thời đấy người Nga đã tìm tự do cá nhân rồi, cũng như các anh ở Phương Tây."

Có những nơi khác, những nơi mà có một cái gì đó giống như giới công chúng chống lại, nơi người ta nhận được những gì mà truyền thông nhà nước không đưa cho họ. Nhà hát "Ngọn Đuốc Đỏ" là một ví dụ, một trong những nhà hát nổi tiếng nhất trong nước Nga.

Vào những đêm sau lần bầu cử Quốc Hội, ban nhà hát nghệ nhân Moscow đã trình diễn trên sân khấu của nó, với vở "Otmoroski", những người chết rét. Đề tài trong đó là về thế hệ của những người lớn lên trong những năm 90, đi tìm sự thật và công bằng và trong lúc đó đã va chạm với quyền lực nhà nước. Gian phòng như muốn nổ tung vì tiếng vỗ tay, người Novosibirsk đã đứng lên cùng hát bài ca cuối cùng.

Vladimir Lemeshonok, 55 tuổi, diễn viên ngôi sao của Ngọn Đuốc Đỏ, thích những vai sâu sắc hơn. Như ông ấy đã diễn nó trong "Lịch sử thành phố Glopov" của Mikhail Saltykov-Shtshedrin. "Glupov" có thể được dịch như "thành phố của những kẻ ngu ngốc". Đó là một bức chân dung của một ngôi làng mà trong thế kỷ 18 quyền lực luôn được truyền từ một người thị trưởng bất tài này sang một người thị trưởng bất tài khác – "một châm biếm ác ý đến nước Nga cũ và mới", Lomeshonok nói. "Nhưng đấy cũng là một thử nghiệm, vì hầu như không có lời nào được nói ra qua ba giờ liền. Nhưng bây giờ thì ai cũng hiểu: đấy là về quan hệ của người Nga với quyền lực."

Cung cách điện Kreml đối xử với nhân dân chỉ còn là "làm nhục", Lemeshonok nói. "Quyền lực đã làm thay đổi Putin. Là diễn viên, tôi đã quen với việc nhập vai người khác - ở Putin thì tôi không còn có thể nữa."

"Lịch sử thành phố Glopov" nằm trong chương trình của Ngọn Đuốc Đỏ lần kế tiếp vào thứ sáu, hai ngày trước cuộc bầu cử tổng thống.

*

Một người có khả năng biến đổi cho tới đâu, người mà từ mười hai năm nay cầm quyền không ai tranh dành ở một đất nước to lớn như nước Nga? Và là người mà bây giờ phải nhìn nhận rằng ngay cả những người thân cận cũng đã đánh mất niềm tin vào mình? Putin lên cầm quyền năm 1999, khi sự thông hiểu chính trị của ông ấy trùng hợp với những nhu cầu của nước Nga. Khi ông ấy nói, người ta phải "giết chết người Chechen trong nhà cầu", thì đấy là ý kiến của phần lớn người Nga. Họ cũng tán thành cả việc bắt giam oligarch Mikhail Khodorkovsky, điều đấy đối với họ giống như một cân bằng cho những sự bất công của thời tư nhân hóa hậu Xô Viết. Nhưng người đi bầu của năm 2012 không còn là những người của 1999 nữa.

clip_image002

Vladimir Lemeshonok, 55 tuổi, diễn viên trong Novosibirsk. Ảnh: Der Spiegel.

Người Moscow Nikolai Slobin, 53 tuổi, là sử gia và nhà xuất bản, người từ năm 1993 giảng dạy ở Washington và Harvard, nhưng thường xuyên gặp Putin ở Moscow. Ông ấy phác họa một tính cách của Thủ Tướng Nga, một tính cách khiến cho người ta không còn có ảo tưởng nữa. Putin, theo Slobin, tự tin ở chính mình và tin rằng ông ấy luôn luôn đúng – ông ấy không phải là một người hay suy nghĩ cân nhắc. Ông ấy có cảm giác rằng ông ấy kiểm soát được toàn bộ hệ thống do ông ấy tạo ra và không có ông ấy thì hệ thống đấy không có khả năng sống còn. Ông ấy không quan tâm đến ý kiến từ người dân hay từ giới tinh hoa.

Từ những lần gặp gỡ gần đây nhất với Putin, Slobin đã nhận ra rằng người đàn ông mạnh mẽ của nước Nga đã đánh mất sự định hướng của mình. Ông ấy là một người giống như một vận động viên đang đi trong một cuộc chạy đua đường trường, nhà chính trị học nói: "Ông ấy chạy 100 mét, thêm 100 nữa, rồi ông ấy nhìn quanh, để xem mình phải tiếp tục chạy đi đến đâu. Ông ấy có thể có một mục đích, nhưng ông ấy không biết ông ấy phải làm thế nào để đến đó được." Và ngoài ra thì Putin, theo Slobin, là "một con người rất cô đơn."

Jurij Ryshov, lúc trước là đại sứ của Jelzin ở Pháp, biểu lộ sự phát hiện của mình mạnh mẽ hơn: thiết lập "người đàn ông đầy phức cảm này", người tin chắc vào "sự tự do tuyệt đối của tất cả các hành động của mình trước nhân dân", làm người kế nhiệm – đấy là lỗi lầm lớn nhất của Jelzin. Còn hơn thế nữa: "một tội phạm".

Putin không phải là một nhà cải cách, mà là một người bảo tồn, nhiều người cho rằng là như thế, những người quen biết ông ấy nhiều hơn. Ông ấy tin rằng "sự ổn định của nước Nga chỉ phụ thuộc vào một mình ông ấy", sử gia người Đức Alexander Rahr nói, nhưng ông ấy thiếu "một ý tưởng toàn cầu".

Cựu Bộ trưởng Bộ tài chính Kudrin từng là bạn bè của ông ấy đã ở chỗ của Thủ Tướng ba lần kể từ khi những cuộc biểu tình bắt đầu. Ông ấy cũng nói rằng Putin đầu tiên là phải "hiểu được" hiện thực mới, lời đề nghị của ông ấy, của Kudrin, tổ chức lại cuộc bầu cử Quốc Hội gian lận trong một năm rưỡi tới đây, đã bị Thủ Tướng từ chối thẳng thừng.

Tức là những gì sẽ đến với nước Nga?

Giới đối lập sẽ tiếp tục những cuộc biểu tình pohản đối của họ ngay vào ngày 5 tháng 3. Nếu như có nhiều người xuống đường hơn là trước đó, câu hỏi về tính hợp pháp hóa của cuộc bầu cử sẽ được đặt ra. Nếu có ít người hơn, Putin được phép xem mình là người chiến thắng.

Đó sẽ là một chiến thắng kiểu Pyrrhus.

Tất nhiên, trong hàng ngũ của giới đối lập cho tới nay không có ai có thể bước ra thay thế Putin. Còn chẳng có ý tưởng rõ ràng rằng cần phải làm gì sau khi Tổng Thống từ chức nữa.

Putin cũng sẽ không tự nguyện từ bỏ quyền lực, đấy chưa từng bao giờ là cung cách của các Nga hoàng cả, cho tới nay nó chỉ xảy ra có một lần – năm 1991, trong trường hợp của Gorbachev. Nhưng Gorbachev là một trường hợp đặc biệt, ông ấy không bám chặt vào quyền lực, ông ấy cũng không làm giàu cho cá nhân. Nhưng đứng sau Putin là một nhà nước mafia toàn với những người tin cậy, cái có nhiều thứ để mất.

Mặc dù vậy, nước Nga sau ngày 4 tháng 3 sẽ là một đất nước khác.

Phó Thủ Tướng thời trước Alfred Koch, người nhận nhiệm vụ của Putin tổ chức cho tập đoàn Gazprom tiếp nhận đài truyền hình độc lập NTW, đã phác thảo một kịch bản cho việc những tháng tới đây sẽ diễn ra như thế nào.

Putin đứng trước những cải cách không được nhiều người ưa chuộng, ông ấy nói. Nhưng người dân không còn tin vào ông ấy nữa, các con số thăm dò sẽ tiếp tục giảm. Phần thực dụng trong số những người theo ông ấy, đầu tiên là tư pháp và báo chí, sẽ tìm cách tiếp xúc với giới đối lập.

Vào cuối năm tới đây, Koch tin là như thế, sẽ chẳng còn có ai bỏ ra một đồng xu cho tiếng tăm của Putin, mọi tai họa của nước Nga sẽ được đổ về cho ông ấy, không còn ai tuân theo chỉ thị của ông ấy nữa.

Liệu Putin, như Koch nói, có chấm dứt vào năm 2013 hay không, người ta có thể tranh cãi về điều đấy. Điều nguy hiểm là ông ấy rõ ràng muốn ngăn chận sự suy tàn của mình bằng cách tăng cường đối đầu với Phương Tây.

Đến một lúc nào đấy thì có thể sẽ xảy ra như vào ngày 31 tháng 12 năm 1999: lúc đấy, một Boris Jelzin đã suy yếu nặng từ bỏ chức vụ của mình, hầu như là không tự nguyện. Và trước mắt những người Nga kinh ngạc đã giao nó lại cho một nobody: cho Vladimir Putin.

*

Đêm đã khuya trên ngôi nhà ở nông thôn của Boris Akunin. Nhà văn lên đường trở về Moscow. Chỉ còn có một vài ngày cho tới lần bầu cử. "Nghe có vẻ ngược đời", ông ấy nói, "nhưng tôi thích chính quyền Putin đừng sụp đổ quá nhanh chóng hơn", xã hội dân sự của nước Nga chưa sẵn sàng. "Nhưng kết thúc của Putin đã bắt đầu. Không ai có thể nói sự thống trị của ông ấy chấm dứt vào lúc nào và ra sao. Trong hai tháng tới đây hay năm năm nữa. Hòa bình hay có đổ máu."

W. M., C. N., M. S.

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn