Bắc Triều Tiên: chạy trốn nạn dối trá quá liều lượng

Bài của Valérie SIMARD (báo La Presse)

clip_image002

Valérie SIMARD

La Presse

 

Phạm Toàn dịch

clip_image003

Kim Jong-un (bên phải) ngày 15 thángTư vừa rồi trong lễ kỷ niệm một trăm năm sinh Kim Il-Sung, người sáng lập Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên). Đứng bên nhà lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên là Phó Nguyên soái Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Ảnh tư liệu của hãng AP

(Séoul) Choi Song-min rời bỏ Bắc Triều Tiên để qua ở Nam Triều Tiên đã gần một năm. Tự cho là mình đã bị chế độ Bình Nhưỡng phản bội, cựu quân nhân này hiện đang tìm cách làm cho thế giới biết rõ chuyện gì đang xảy ra ở bên trong «Vương quốc nhà tu kín» này. Phóng viên báo La Presse đã gặp ông tại văn phòng của ông ở Séoul.

«Khi nhìn các hình ảnh phát tán trên truyền hình Trung Quốc, tôi thấy đầu óc mình quay cuồng lên. Tôi thấy muốn nôn ọe. Tôi nhận ra rằng mọi điều chính quyền cho chúng tôi biết về thế giới bên ngoài chỉ rặt là dối trá».

Cho đến tận bây giờ Choi Song-min vẫn thấy xúc động khi ông nhắc nhớ lại những giây phút trước khi ông đào thoát. Trái ngược với rất nhiều đồng bào của mình, con người 56 tuổi này đã không bỏ đất nước ra đi vì bị đói. Ông bỏ đi vì đã chán ngấy những điều dối trá.

Sau 22 năm phục vụ trong quân ngũ Bắc Triều Tiên, trở thành quản đốc xí nghiệp ở thành phố Chongjin, ông Choi Song-min là người trong tầng lớp trung lưu có cuộc sống dễ chịu. Nhân một chuyến công tác sang Trung Hoa mấy năm trước đây, ông bắt đầu nhận thấy công việc tuyên truyền mà chế độ Bắc Triều Tiên tiến hành có quy mô vô cùng to lớn.

Rồi đến năm 2010, vụ đánh ngư lôi làm chìm một con tàu Nam Triều Tiên đã như là chiếc đanh đóng vào cỗ quan tài đang giữ lại đôi chút niềm tin của ông vào Đảng Lao động Triều Tiên. «Tôi ở trong bộ đội nên tôi biết rất rõ rằng cuộc tiến công đã do Bắc Triều Tiên thực hiện trước, ông nói. Thế nhưng, trên báo chí, chính phủ Bắc Triều Tiên lại nói vụ việc do Nam Triều Tiên thực hiện trước. Người ta vẫn dạy chúng tôi từ khi còn đi học rằng chính phủ bao giờ cũng lương thiện và chính phủ làm gì thì cũng chỉ để bảo vệ nhân dân mà thôi. Nói láo».

Vào hồi đó, hai con trai ông đã đào tẩu rồi. Người con trai trưởng bỏ trốn vì muốn tránh cái án tám năm tù ngồi vì đã bị bắt khi đang đọc một tờ báo Nam Triều Tiên đăng truyện dài kỳ. Choi Song-min, rồi vợ ông và cậu con trai thứ ba đã lần lượt trốn sang Trung Hoa. Tất cả bây giờ đang sống ở ngoại ô Séoul.

Ông muốn thông tin cho cả thế giới biết về tình hình bên trong Bắc Triều Tiên, và ông đã trở thành nhà báo. Ông là một trong sáu người Bắc Triều Tiên đào tẩu đang làm việc cho trang mạng Daily NK, một trang thông tin chuyên về thời sự Bắc Triều Tiên chống Bình Nhưỡng ra mặt. Tháng Giêng vừa rồi, nhờ các thông tin nhận được từ một nguồn nằm bên trong Bắc Triều Tiên, Choi Song-min cho biết những ai không tham gia các cuộc tụ tập tổ chức sau khi Kim Jong-il qua đời (tháng Chạp 2011) hoặc những ai tham dự nhưng không khóc đều bị tống ít nhất là sáu tháng vào trại lao động cải tạo. Tin này sau đó đã được truyền đi rất rộng trên các trang mạng.

Choi Song-min tin chắc rằng đại đa số dân Bắc Triều Tiên chỉ giả vờ trung thành với chế độ này thôi. «Tỷ lệ trung thành đã sụt thảm hại những năm vừa rồi, ông nhận xét vậy. Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc cải cách tiền tệ». Tiếp sau cuộc đổi tiền theo tỷ giá mới của đồng won hồi năm 2009, rất nhiều công dân tầng lớp trung lưu trong đó có Choi Song-min đã bị mất phần lớn những gì họ dành dụm được.

Theo Tổng biên tập trang Daily NK Nam Triều Tiên - Shin Ju-hyun, chỉ có 30% dân Bình nhưỡng và khoảng 10% đến 20% những người sống bên ngoài thủ đô Bắc Triều Tiên là thực sự trung thành với chế độ. «Còn những người khác thì chỉ giả vờ trung thành để khỏi bị trừng trị», ông khẳng định.

***

BẮC TRIỀU TIÊN XIẾT CHẶT KIỂM SOÁT

Năm tháng sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền lực, đất nước Bắc Triều Tiên trong suốt 64 năm dưới bàn tay sắt của triều đại họ Kim đã chẳng thay đổi gì mấy. Rất nhiều nhà quan sát đã trông chờ mở cửa mạnh hơn. Nhưng nhà lãnh đạo trẻ tuổi này đã xiết chặt kiểm soát để quyền lãnh đạo của mình được củng cố yên vị, Tổng biên tập Daily NK ông Shin Ju-hyun nhận xét.

«Bình Nhưỡng tiến hành kiểm soát nhân dân ngặt nghèo hơn để ngăn chặn những vụ đào thoát, Shin Ju-hyun nhận xét dựa theo những thông tin nhận được từ những nguồn khác nhau đang sống ở Bắc Triều Tiên mà ông cùng các đồng nghiệp vẫn liên hệ được qua hệ thống điện thoại di động của Trung Hoa. Chính phủ cảnh báo dân Bắc Triều Tiên rằng nếu họ bỏ trốn thì cả gia đình họ sẽ bị giết».

Nhà báo ban tiếng Anh của trang Daily NK, ông Chris Green, tin chắc rằng thế nào rồi Kim Jong-un cũng phải mở cửa mạnh vì chẳng có lựa chọn nào khác cho ông ta hết. «Kim Jong-un mới chỉ trên dưới 29 tuổi (tuổi thật của ông ta chẳng ai biết cả, Biên tập La Presse chú thích), ông nhấn mạnh. Khó mà tin nổi rằng ông ta có thể tại vị thêm 50 năm nữa mà lại chẳng thay đổi gì cả».

Shin Ju-hyun thuộc loại người tin rằng Kim Jong-un sẽ còn cầm quyền rất lâu. Theo ông, khả năng tới 60% hay 70% chính quyền hiện thời của Bắc Triều Tiên sẽ sụp đổ trong vòng năm mười năm nữa. «Nhưng điều đó không có nghĩa là Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên sẽ trở thành một quốc gia dân chủ, ông nói thêm cho rõ ý. Nhưng điều chắc chắn là nếu Kim Jong-un bị đổ thì đất nước này sẽ thay đổi rất nhanh chóng».

***

23.100 là con số người Bắc Triều Tiên trốn khỏi nước này và sinh sống ở Nam Triều Tiên tính đến 31 tháng 12 năm 2011, con số do Bộ Thống nhất đất nước của Nam Triều Tiên cung cấp.

V.S.

Nguồn: báo La Presse (Canada) ngày 21 tháng 5-2012: lapresse.ca

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn