Tính pháp lý của việc kế thừa hai quần đảo (*)

Phạm Thanh Vân và Dương Danh Huy

clip_image001

Khi trả lời câu hỏi nước Việt Nam là gì, chúng ta sẽ nghĩ về nó dưới nhiều phương diện khác nhau.

Về phương diện lịch sử, văn hóa, dân tộc, có thể cho rằng đất nước Việt là nước bắt đầu từ thời các Vua Hùng, đi qua các thời kỳ của An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, vv, các triều đại sau đó, qua giai đoạn cận đại cho đến tận ngày nay. Phương diện này xem những lần chia cắt đất nước chỉ là nhất thời và nhấn mạnh đến kết quả là đất nước hiện tại là thống nhất.

Trên phương diện chính trị, có quan điểm cho rằng quốc gia ngày nay có tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) chính là quốc gia ra đời ngày 2/9/1945 khi Việt Minh tuyên bố Việt Nam là một nước độc lập với tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Tiếp theo, quan điểm này có thể cho rằng từ đó đến nay từ Bắc tới Nam luôn luôn chỉ có duy nhất một quốc gia Việt Nam, hoặc ở một thời điểm nào đó sau Hiệp định Genève, VNDCCH trở thành một quốc gia phía Bắc vĩ tuyến 17, nhưng tới 30/4/1975 thì bao gồm cả phía Nam, và sau đó đổi tên thành CHXHCNVN.

Tuy nhiên, về phương diện pháp lý, CHXHCNVN hiện tại được cấu thành từ hai quốc gia có tên VNDCCH và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN), trước đó có tên Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Quan điểm này dựa trên luật quốc tế và sự công nhận của cộng đồng quốc tế, và tách rời khỏi những yếu tố tình cảm, ý thức hệ và các mục đích chính trị.

Cách nhìn pháp lý này bị né tránh vì nó liên quan nhiều đến hình thức, thủ tục khô khan, và vì trên thực tế vai trò của nó có vẻ đã là hạn chế trong ứng xử chính trị giữa người Việt với nhau. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có vai trò quan trọng trong việc CHXHCNVN quyết định tiếp nối thế nào đối với những nghĩa vụ và quyền lợi của hai quốc gia trước, và đặc biệt là nó có vai trò quan trọng trong cuộc tranh biện về Hoàng Sa, Trường Sa.

Lý do là, trong lập luận của họ, Trung Quốc mặc nhiên bỏ qua các tuyên bố và hành động của VNCH trong việc bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, mặc nhiên cho rằng CHXHCNVN là VNDCCH trước 1976, và dùng công hàm của thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng, cũng như các hành vi liên quan của VNDCCH, để diễn giải rằng CHXHCNVN đã công nhận chủ quyền Trung Quốc trên hai quần đảo này.

Trước 1976: có hai quốc gia

clip_image003

Trước 1976, Việt Nam có hai quốc gia khác biệt trong tình trạng chiến tranh

Vấn đề ở đây là nếu chính phủ VNCH không phải đã từng là đại diện của một quốc gia thì những tuyên bố và hành động của chính phủ đó để duy trì chủ quyền sẽ không có giá trị.

Theo luật quốc tế, để là một quốc gia, cần có (i) lãnh thổ, (ii) dân cư, (iii) chính phủ, và (iv) khả năng có quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác. Phần lớn các nhà luật học viết về tính quốc gia trong trường hợp Việt Nam đều cho rằng VNDCCH và VNCH/CHMNVN là hai quốc gia.

Tuy Hiệp định Genève 1954 chỉ chia Việt Nam thành hai vùng tập kết với ranh giới là vĩ tuyến 17, nhưng do các yếu tố thực tế (de facto), có thể cho rằng bắt đầu từ một thời điểm nào đó sau Hiệp định, ở Việt Nam có hai quốc gia: quốc gia phía Bắc với tên VNDCCH, và quốc gia phía Nam với tên VNCH. Ranh giới vĩ tuyến 17 trong Hiệp định Genève 1954 đã trở thành biên giới de facto giữa hai quốc gia. Mỗi quốc gia có lãnh thổ, nhân dân, chính phủ và quân đội riêng và đều được công nhận bởi nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tới năm 1966, VNCH cũng có tư cách quan sát viên thường trực tại LHQ. Trong một số nghị quyết của LHQ vào năm 1973 cũng đã chỉ rõ VNDCCH là một quốc gia.

Khi Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN ra đời năm 1969, Chính phủ VNDCCH công nhận đó là đại diện hợp pháp của quốc gia phía Nam. Trung Quốc cũng công nhận đó là đại diện hợp pháp của miền Nam. Như vậy, không nước nào, kể cả Trung Quốc, có thể nói rằng chính phủ VNDCCH luôn luôn cho rằng mình là chính phủ hợp pháp duy nhất cho toàn bộ Việt Nam.

Sau 30/4/1975, khi Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN thay thế chính phủ VNCH, tư cách pháp lý của hai quốc gia ở hai bên vĩ tuyến 17 tiếp tục được khẳng định bởi một số thực tế ngoại giao, thí dụ như,

Tháng 10/1975, Bộ trưởng Ngoại giao Úc viết có ít nhất 75 nước công nhận cả hai chính phủ VNDCCH và CHMNVN như hai chính phủ của hai quốc gia độc lập. Trong số 75 nước đó bao gồm cả Trung Quốc, và những nước không thuộc khối XHCN như Thụy Điển, Ấn Độ, Úc, Nhật, Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Canada v.v...Hai quốc gia VNDCCH và CHMNVN đã tham gia hai tổ chức WHO và WMO với tư cách là những thành viên độc lập. Cả hai đều có tư cách quan sát viên thường trực riêng biệt ở LHQ.

"VNCH/CHMNVN có thẩm quyền trong việc duy trì chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. VNDCCH là bên thứ ba trong tranh chấp và các tuyên bố hay sự im lặng của VNDCCH không ảnh hưởng gì đến chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa của VNCH/CHMNVN."

Các văn kiện chính thức của VNDCCH và CHMNVN cũng ghi nhận đó là hai Nhà nước và hai Chính phủ khác biệt.

Như vậy, rõ ràng VNDCCH và VNCH/CHMNVN là hai quốc gia khác biệt.

Vì thế, VNCH/CHMNVN có thẩm quyền trong việc duy trì chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. VNDCCH là bên thứ ba trong tranh chấp và các tuyên bố hay sự im lặng của VNDCCH không ảnh hưởng gì đến chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa của VNCH/CHMNVN.

Sau 1976: quốc gia thừa kế được công nhận

Vấn đề ở đây là nếu cho rằng CHXHCNVN là quốc gia phía Bắc vĩ tuyến 17 thụ đắc lãnh thổ của quốc gia phía Nam bằng bạo lực thì, với Nghị quyết 2734 (XXV) của LHQ cấm thụ đắc lãnh thổ của quốc gia khác bằng bạo lực, CHXHCNVN sẽ không có chủ quyền hợp pháp với bất cứ vùng lãnh thổ nào phía Nam vĩ tuyến 17, bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa.

clip_image004 Với quan điểm sai lầm đó thì sau ngày 30/4/1975 tính pháp lý của quốc gia VNCH không còn tồn tại, trong khi CHXHCNVN không được thừa kế chủ quyền, cho nên Hoàng Sa, Trường Sa đã thuộc về một trong những quốc gia khác đã đòi chủ quyền trước đó. Và với quan điểm sai lầm đó thì không có chính phủ Việt Nam hay quốc gia Việt nào trong tương lai sẽ có chủ quyền đối với hai quần đảo này - trừ khi các quốc gia kia từ bỏ tuyên bố của họ.

Trên thực tế, vì mỗi chính phủ CHMNVN và chính phủ VNDCCH đều được cộng đồng thế giới công nhận là đại diện hợp pháp của một quốc gia, quyết định của hai chính phủ đó để thống nhất hai quốc gia CHMNVN (vốn được đổi tên từ VNCH) và VNDCCH, qua quá trình pháp lý từ 25/4/1976 đến 2/7/1976, bắt đầu bằng cuộc tổng tuyển cử toàn quốc để bầu ra Quốc hội thống nhất, dẫn đến (a) một quốc gia thống nhất và (b) một chính phủ đại diện cho quốc gia đó.

Trên thực tế, sự tồn tại của quốc gia thống nhất đó, và thẩm quyền của chính phủ đó trên toàn bộ lãnh thổ, đã không bị LHQ hay quốc gia nào lên tiếng phản đối. Một năm sau, năm 1977, quốc gia thống nhất, CHXHCNVN, được chấp nhận tham gia LHQ, với chính phủ CHXHCNVN được công nhận là đại diện cho quốc gia đó.

Vì thế, trên phương diện luật quốc tế, CHXHCNVN, là quốc gia thừa kế không bị phản đối của hai quốc gia trước, mặc nhiên thừa kế tất cả các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền VNCH/CHMNVN.

"Việc công nhận trên phương diện luật quốc tế rằng CHXHCNVN là sự thống nhất của hai quốc gia trước, VNDCCH và VNCH/CHMNVN, sẽ là nền tảng cần thiết cho việc phản biện lập luận của Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa."

Trên thực tế, CHXHCNVN đã kế thừa vai trò của VNCH/CHMNVN trong các hiệp định và các tổ chức quốc tế như WHO, WMO, ILO, ITU, UPU, UNESCO hoặc IAEA, IMF. Và CHXHCNVN cũng mặc nhiên thừa kế các yêu sách chủ quyền và thềm lục địa của VNCH/CHMNVN trong các tranh chấp với Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Tương tự, CHXHCNVN mặc nhiên thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa từ VNCH/CHMNVN.

Theo một số phân tích, Công hàm Phạm Văn Đồng và các hành vi liên quan của VNDCCH không hội tụ đủ các điều kiện pháp lý để gây ra nghĩa vụ ràng buộc cho VNDCCH cho nên những gì CHXHCNVN thừa kế từ VNDCCH không ràng buộc CHXHCNVN không được thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa từ VNCH/CHMNVN

Không nên nhập nhằng các phương diện

Việc công nhận trên phương diện luật quốc tế rằng CHXHCNVN là sự thống nhất của hai quốc gia trước, VNDCCH và VNCH/CHMNVN, sẽ là nền tảng cần thiết cho việc phản biện lập luận của Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa.

Thế nhưng trên thực tế đã tồn tại một sự nhập nhằng giữa quan điểm trong phạm trù luật quốc tế và các quan điểm khác nhau trong phạm trù chính trị. Sự nhập nhằng đó, cộng với mâu thuẫn có thể có giữa quan điểm pháp lý và một số quan điểm chính trị nào đó, có thể sẽ dẫn tới những phát biểu, tuyên bố và hành động trái ngược nhau về tính pháp lý của quốc gia CHXHCNVN. Điều đó làm xói mòn vị trí pháp lý “CHXHCNVN là do hai quốc gia khác biệt thống nhất lại” và sẽ thiệt hại cho Việt Nam trong cuộc tranh biện pháp lý và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế về Hoàng Sa, Trường Sa.

VNDCCH, VNCH và CHMNVN là quá khứ. Cuộc chiến tranh trước 30/4/1975 cũng là quá khứ. Nước Việt Nam thống nhất và sự vẹn toàn lãnh thổ, bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, là hiện tại và tương lai. Sự vẹn toàn lãnh thổ, bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, phải được dân tộc Việt cho là ưu tiên.

Nguồn: bbc.co.uk

(*) Tác giả gửi trực tiếp cho BVN và qua BVN gửi lời cám ơn ông Lê Minh Phiêu và GS. Ngô Vĩnh Long.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn