Uỷ ban nhân dân TP HCM gặp các nhân sĩ trí thức

Thanh Trúc, Phóng viên RFA, Bangkok

Sau gần hai tuần, từ lúc văn bản yêu cầu tổ chức biểu tình chống Trung Quốc được 42 nhân sĩ trí thức thành phố Hồ Chí Minh gởi lên cấp lãnh đạo thành phố, đến ngày 7 tháng Tám Uỷ ban nhân dân thành phố mời 3 trong số 42 người ký tên vào thỉnh nguyện thư đến họp để trả lời rằng bây giờ không phải là lúc có thể tổ chức biểu tình.

clip_image001

Uỷ ban Nhân dân Thành phố HCM. RFA file

Bây giờ chưa phải là lúc có thể tổ chức biểu tình

Trong bài do Thanh Trúc thực hiện hôm nay, ba người được mời trình trình bày rõ hơn về tình hình và nội dung buổi họp, được ghi lại trong một bản báo cáo đưa lên mạng mấy hôm nay:

Trong số 42 người ký tên vào văn bản đề nghị biểu tình chống Trung Quốc, ba người được mời gồm ông Lê Công Giàu, ông Nguyễn Quốc Thái và ông Cao Lập.

Những người phiá chính quyền thành phố có mặt trong buổi họp này gồm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Minh Trí, chuyên viên cao cấp Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Thành Tài, Chủ nhiệm Phòng Tiếp dân Phạm Văn Thành, Phó Văn  phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Lâm Văn Ba. Ngoài ra còn có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, đại diện Sở Tư pháp, các nhân viên trong Văn phòng Tiếp dân ở thành phố Hồ Chí Minh.

“Do lãnh đạo Thành phố chỉ mời chúng tôi nên chúng tôi thấy có trách nhiệm phải báo cáo những nội dung chủ yếu đến các anh chị không tham dự cuộc họp nói trên”.

Đó là phần mở đầu văn bản báo cáo, được  ông Lê Công Giàu gởi đến các nhân sĩ trí thức đã ký tên vào  kiến nghị tổ chức biểu tình nhưng không được mời đến cuộc họp hôm thứ Năm tuần trước.

Với câu hỏi vì sao những bốn mươi hai người ký tên mà chỉ ba vị được mời, ông Cao Lập cho biết:

Tôi nói những người đứng cùng chiến tuyến với chúng tôi ngày xưa bây giờ lại cử người đi theo dõi chúng tôi thì chuyện đó chẳng hay ho gì cho họ cũng chẳng hay ho gì cho tôi. Họ cũng chẳng trả lời gì.

ông Cao Lập

VIETNAM-CHINA-MARITIME-PROTEST

Cụ Lê Hiền Đức có mặt trong đoàn biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 22-07-2012. AFP

Khi lãnh đạo Thành phố mời có ba người chúng tôi thôi thì tôi rất ngạc nhiên. Thật ra đầu tiên tôi không có ý định đến gặp vì trong giấy mời chỉ thấy có ông Phó Chủ tịch Lê Minh Trí tiếp chúng tôi thôi, trong khi thơ gởi thì gởi lên ba cơ quan là Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.  Nhưng sau khi tham khảo nhiều anh  em trong 42 người ký tên thì anh em động viên tôi tới vì đây là dịp để bày tỏ ý kiến của chúng tôi với lãnh đạo Thành phố.

Trong lúc phát biểu thì tôi có nói tôi cám ơn về cuộc họp mà tôi gọi là không khí của những người cùng hội cùng thuyền chống lại Trung Quốc. Tôi cũng nói với họ là tại sao họ lại cử người theo dõi từ ngày 14 tháng Bảy công an an ninh theo dõi chúng tôi. Tôi kể lại cho họ những chiếc xe những số xe ghi nhận được từ những người theo dõi chúng tôi, thì họ chỉ cười thôi. Tôi nói những người đứng cùng chiến tuyến với chúng tôi ngày xưa bây giờ lại cử người đi theo dõi chúng tôi thì chuyện đó chẳng hay ho gì chọ họ cũng chẳng hay ho gì cho tôi. Họ cũng chẳng trả lời gì.

Được hỏi ông nghĩ sao về  câu trả lời của lãnh đạo thành  phố là không thể tổ chức biểu tình chống Trung Quốc lúc này, ông Cao Lập nói  tiếp:

chúng tôi cảm giác rằng những vấn đề nào đụng chạm tới Trung Quốc được xem là những vấn đề nhạy cảm, thậm chí là những vấn đề cấm kỵ.

ông Cao Lập

Chúng tôi có đề xuất nhưng tôi biết chắc chắn không bao giờ có chuyện đó xảy ra. Tại vì chúng tôi cảm giác rằng những vấn đề nào đụng chạm tới Trung Quốc được xem là những vấn đề nhạy cảm, thậm chí là những vấn đề cấm kỵ.

Một buổi nói chuyện thẳng thắn

Theo nhà báo Nguyễn Quốc Thái, đây là một buổi nói chuyện thẳng thắn:

VIETNAM-CHINA-MARITIME-PROTEST

Các nhân sĩ trí thức trong một lần biểu tình chống Trung Quốc năm 2011. AFP

Thẳng thắn, chân tình, rất tôn trọng nhau, cùng tìm và muốn tìm ra hướng giải quyết. Qua cuộc nói chuyện đó, giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố và chúng tôi khá đồng thuận với nhau, nhưng cách thể hiện lòng yêu nước khác nhau. Chúng tôi có cách thể hiện theo suy nghĩ, hiểu biết và định hướng của chúng tôi. Tôi có nói với họ rằng quí vị có thật lòng vui khi chúng tôi gởi cho quí vị thư ngỏ này, quí vị có vui khi quí vị lãnh đạo một thành phố mà nhân dân thành phố đó tỏ ra vô cảm trước hoàn cảnh hiện nay của đất nước.

Họ ghi nhận những việc làm của chúng tôi thể hiện trong thời gian qua không có gì sai trái nhưng cũng xin thông cảm với hoàn cảnh hiện nay của Thành phố mà họ là người lãnh đạo thì có những cái không thể công bố rộng rãi được. Chúng tôi có đưa ra một ý kiến là nếu quí vị thấy cuộc biểu tình về vấn đề an ninh không bảo đảm bởi có thể có những người xấu lợi dụng vào mục đích và ý đồ của họ thì chúng tôi đề nghị tại sao chúng ta không meeting tại các giảng đường đại học, tại các sân vận động, tại các trường học cho con em của chúng ta có điều kiện có cơ hội biểu hiện tình cảm của mình trước những hành  động sai trái của quốc gia phương Bắc?

Về phần ông Lê Công Giàu, cảm giác đầu tiên là Ủy ban Nhân dân thành phố cũng có thiện chí muốn nghe ba người  trình bày, dù như câu hỏi tại sao 42 người mà chỉ 3 người không được trả lời:

Tức là có trao đổi. Như vậy cũng tốt bởi vì đây là đối thoại giữa nhà nước với công dân và nếu nhà nước làm được cái việc này không chỉ với ba chúng tôi mà còn với những anh em khác trong số 42 người kể cả với rất nhiều người hiện nay bức xúc, đảng viên có, ngoài đảng có, công dân bình thường có.

Về phía Uỷ ban thì câu trả lời chính thức là bây giờ chưa phải lúc tổ chức biểu tình. Đó là câu trả lời rất rõ ràng. Còn những vấn đề khác thì ghi nhận rồi sẽ trả lời sau.

ông Lê Công Giàu

Về phía Ủy ban thì câu trả lời chính thức là bây giờ chưa phải lúc tổ chức biểu tình. Đó là câu trả lời rất rõ ràng. Còn những vấn đề khác thì ghi nhận rồi sẽ trả lời sau. Đại diện Ủy ban không nói nhiều, từ một giờ rưỡi đến bốn giờ mới kết thúc mà phần lớn là tôi nói vì anh em phân công tôi nói chứ còn Ủy ban không nói nhiều đâu.

Ông Lê Hiếu Đằng, một trong số 42 trí  thức ký tên vào bản yêu cầu tổ chức biểu tình mà không được mời đi họp  hôm thứ Năm tuần trước, phát biểu rằng việc chỉ có ba người trong nhóm được mời đi không gây ra sự chia rẽ hay nghi kỵ lẫn nhau trong nhóm như một số người đã suy nghĩ:

Cái thứ nhất việc ba vị đi gặp Ủy ban thì cũng có ý kiến là nên đi gặp hay không nên đi gặp, nhưng cuối cùng chúng tôi có bàn là nên mặc dù biết rằng việc họ mời chỉ ba trong bốn mươi hai người là không đúng.

Thay vì Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân là cả ba cơ quan mời bốn mươi hai vị trực tiếp đến cơ quan đàng hoàng chứ không phải là hạ thấp xuống chỗ tiếp là phòng tiếp công dân bình thường. Thành ra việc gặp đó ý kiến chung là tán thành.

Nhưng tôi nghĩ vấn đề gặp không quan trọng bằng cái nội dung mà mấy anh đã trao đổi với Ủy ban như thế nào. Nội dung trong bản ghi chép đó thì chúng tôi hoàn toàn tán thành, thậm chí có những nội dung rất là mạnh mẽ. Thành ra vấn đề là vấn đề nội dung. Một số comments trên mạng nói như vậy thì đâu có đối thoại nữa, chúng ta là những người đấu tranh cho dân chủ thì chúng ta phải tôn trọng, không nên buộc những người khác làm theo ý mình.

Nhân đây tôi cũng nhắn một số comments trên mạng là chúng ta phải đặt lợi ích chung của đất nước lên trên. Những comments quá khích sẽ phương hại đến cuộc đấu tranh xây dựng đất nước. Những vấn đề, những nội dung mà ba vị đã tiếp xúc, tuy là ba người nhưng mà đó là ý kiến của bốn mươi hai người tập trung, những ý kiến đó là tiêu biểu và chúng tôi nhất trí với những ý kiến đó.

Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Nhuận, vốn là dân biểu nhiều nhiệm kỳ ở miền Nam trước 1975,  sau 30 tháng Tư 1975 là Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng ông đã gởi một email nhắc nhở ba người được mời là phải thận trọng trong lời ăn tiếng nói:

Đó là điều khi tôi nhận được những ghi chép của anh Giàu thì tôi có nói mấy lời như thế với anh em trước nhất. Nhưng mà tôi cho rằng đó cũng là tiếng nói của chúng tôi, vì đó là tiếng nói của lòng yêu nước gởi đến toàn thể đồng bào yêu nước ở trong cũng như ngoài nước. Tôi xin một lần nữa cám ơn ba anh em, tuy không đại diện nhưng đã nói lên được tiếng nói chung nhất của nhiều người.

Sẵn đó tôi cũng xin cám ơn đại diện của Ủy ban Nhân dân Thành phố đã vui lòng lắng nghe những lời khí khái của ba anh em chúng tôi, và đã vui lòng vi chứng cho những lời nói của ba anh em chúng tôi. Gởi đến đồng bào.

Bản báo cáo, mà ông Lê Công Giàu soạn thảo, đã nhắc lại đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố, Thành ủy là cần quan tâm lắng nghe tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, cần tổ chức các cuộc gặp gỡ với các công dân chưa được mời họp và mở rộng ra  mời nhiều vị khác.

Báo cáo cũng nói ông Lê Minh Trí và ông Nguyễn Thành Tài đã ghi nhận và chia sẻ tinh thần yêu nước của các trí thức, nhân sĩ. Những ý kiến đóng góp là tích cực và hứa sẽ chuyển lên trên việc tiếp tục mời các công dân chưa được mời trong lần này.

T. T.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn