Hội thảo về Biển Đông tại Đại học Berkeley

Nhà báo tự do Bùi Văn Phú

Gửi cho BBCVietnamese.com từ ĐH Berkeley

Viện Nghiên cứu Đông Á (Institute of East Asian Studies, IEAS) và Trung tâm Nghiên cứu Trung Hoa (Center for Chinese Studies) của Đại học Berkeley đã phối hợp tổ chức hội thảo liên quan đến Biển Hoa Nam, Việt Nam gọi là Biển Đông, vào hai ngày 7 và 8 tháng Chín 2012 vừa qua.

clip_image001

Với chủ đề The South China Sea: Re-assessing Regional Order in Asia – Biển Đông: Tái thẩm định trật tự khu vực ở châu Á, chương trình hội thảo chia làm 5 phần, gồm 12 bài nghiên cứu được trình bày và thảo luận.

Ngoài học giả trình bày, tham luận đoàn gồm các giáo sư Đại học Berkeley là Wen-hsin Yeh giám đốc IEAS, TJ Pempel cựu giám đốc IEAS, Lowell Dittmer chủ biên tạp chí Asian Survey, Penny Edwards, Richard Buxbaum, Harry Scheiber, Alex Wang và Su Lin Lewis.

Những nghiên cứu đưa ra dữ kiện về pháp luật, hoạt động thương mại, ngư nghiệp, địa chất từ nhiều thế kỉ trước cho đến những căng thẳng tranh chấp gần đây mà theo tiên đoán từ hai thập niên trước, đáng ghi nhất là của Michael Klare, là có thể sẽ có “chiến tranh tài nguyên” trên Biển Hoa Nam.

Tuy nhiên nhận định của các diễn giả đều cho rằng dù có những xung đột, một phần bị truyền thông gần đây thổi phồng quá mức, và vì những ngôn ngữ mang tính dân tộc cực đoan, hiếu chiến của Trung Quốc nhưng một mặt khác đã có rất nhiều nỗ lực của các bên nhằm giải quyết tranh chấp trong tinh thần hoà bình.

Nỗ lực gìn giữ hòa bình

Giáo sư Chong-pin Lin, cựu thứ trưởng quốc phòng Đài Loan, dẫn chứng Việt Nam và Trung Quốc có đụng độ trên biển, nhưng hai quốc gia đã mở diễn đàn tiếp xúc ở các cấp, lập đường dây nóng giữa hai bộ quốc phòng để giải quyết trong tinh thần hoà bình. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật về đảo Điếu Ngư cũng thế, ông tin là sẽ được giải quyết ôn hoà.

Hoa Kỳ giờ chú trọng đến châu Á nhiều hơn, nhưng chính sách của Trung Quốc không đổi, theo giáo sư Lin đó là “tranh đấu quyết liệt nhưng không làm đổ vỡ quan hệ hai nước, một chính sách có từ thời Đặng Tiểu Bình nay vẫn được lãnh đạo Trung Quốc áp dụng”.

Về những động thái gần đây, ông cho rằng khi nội bộ lãnh đạo bị coi là yếu kém thì Trung Quốc thường hung hăng trong đối ngoại. Ông nói: “Vụ Bạc Hy Lai đã được giải quyết, việc chuyển giao quyền hành sẽ tốt đẹp trong những tháng tới. Đó là dấu chỉ Trung Quốc sẽ bớt hung hăng”.

clip_image002

Giáo sư Lin nhận định: “Các nước trong khu vực cần Trung Quốc để phát triển kinh tế nhưng về an ninh cần Hoa Kỳ” và các quốc gia trong vùng phải can dự để giảm nguy cơ chiến tranh.

Ông dẫn chứng sự trừng phạt của Trung Quốc đối với Philippines trong tranh chấp trên vùng bãi cạn Scarborough qua việc đưa du khách về và hủy bỏ các hợp đồng nhập cảng chuối và xoài từ Philippines đã ảnh hưởng nặng đến kinh tế.

Trường hợp Việt Nam, ông tiết lộ: “Lãnh đạo Việt Nam đã bí mật đi Washington ba lần. Tuy nhiên trước và sau những chuyến đi Mỹ, lãnh đạo Việt Nam lại đều phải qua Trung Quốc bàn thảo về quan hệ”.

Liệu Hoa Kỳ sẽ có can thiệp quân sự vào khu vực? Bài thuyết trình của giáo sư Micah Muscolino từ Đại học Georgetown bàn về xung đột năng lượng trong vùng từ 1975 đến 1980 cho thấy Hoa Kỳ không muốn can thiệp quân sự. Qua tranh chấp tại Reed Bank giữa Philippines và Trung Quốc vào cuối thập niên 1970 – Việt Nam và Đài Loan cũng có can dự – khi Philippines cho công ty Thụy Điển vào khoan giếng dầu khiến tình hình căng thẳng, nhưng khi lãnh đạo Philippines yêu cầu xác định thì Hoa Kỳ nói sẽ không can thiệp quân sự.

Tại sao gần đây Trung Quốc trở nên hung hăng ở Biển Hoa Nam là điều mà giới nghiên cứu quan tâm. Giáo sư David Rosenberg của Đại học Middlebury cho rằng vì nhu cầu xăng dầu của nước này tăng vọt. Số liệu được dẫn chứng từ năm 2000 đến năm 2020 số người sử dụng xe ô-tô tại Trung Quốc sẽ tăng từ 5 người trong 1.000 lên 52 trong 1.000 tức là gấp hơn 10 lần nên Trung Quốc sẽ cần nhiều xăng dầu.

Lượng dầu dưới Biển Hoa Nam là bao nhiêu, theo giáo sư Donald K. Emmerson từ Đại học Stanford thì có khác biệt về số liệu do Hoa Kỳ và Trung Quốc đưa ra. Ước tính của Mỹ là 28 tỉ thùng, Trung Quốc đưa ra con số 213 tỉ. Lượng hơi đốt, Trung Quốc ước tính cũng cao hơn Hoa Kỳ gấp ba, bốn lần.

Trung Quốc có đủ kỹ thuật để khai thác hay không là một phần của bài toán về tài nguyên thiên nhiên khu vực. Giáo sư Ben Purser, cựu nhân viên tình báo hiện giảng dạy tại Đại học Colorado cho biết “giàn khoan HYSY-981 không phải là vũ khí chiến lược của Trung Quốc vì khai thác dầu trên biển rất khó và tốn kém mà chỉ có một số ít công ty hiện có kỹ thuật này”.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng ngoài dầu khí còn là hải sản. Giáo sư Purser nói “Đội thuyền đánh cá của Trung Quốc không phải chỉ hơn 225 nghìn con tàu đăng ký hay treo cờ Trung Quốc mà thực sự là 675 nghìn, trong đó có những con tàu khổng lồ là những nhà máy sản xuất hải sản ngay trên biển”. Tuy nhiên những thuyền đánh cá liên quan đến xung đột trong Biển Hoa Nam là con số rất nhỏ, chỉ 0,01% của đội ngư thuyền Trung Quốc. Dù rất ít, nhưng đó là cách xác định chủ quyền trong vùng biển tranh chấp.

Chưa có giải pháp

Bài nghiên cứu của giáo sư Ramses Amer từ Đại học Stockholm gửi đến hội nghị, vì ông không thể đến dự, cho rằng các hiệp ước về biên giới và Vịnh Bắc Bộ năm 2000 là cách giải quyết tốt đẹp, trong tinh thần 16 chữ vàng được ông nhắc đến.

"Công ty khai thác bô-xít ở Tây nguyên không phải của nhà nước Trung Quốc mà là một công ty độc lập. Nhưng vì ông Dũng cho phép vào khai thác nên từng bị mang tiếng là phe thân Trung Quốc".

GS Donald Emmerson

Về phương diện văn bản luật pháp liên quan đến chủ quyền trên biển của từng quốc gia cũng như quốc tế, các diễn giả nhắc đến đường lưỡi bò hay 9-đoạn mà Trung Quốc đưa ra cùng những đường phân định của các nước tranh chấp mà có chỗ chồng đè lên nhau đến 6 lớp. Như thế để thấy sự phức tạp của vấn đề và cách giải quyết.

Theo giáo sư Emmerson hiện nay vùng quần đảo Trường Sa với 250 đảo, bãi đá, cát ngầm thì Việt Nam kiểm soát nhiều nhất với 29, Trung Quốc 8, Philippines 8, Malaysia 5, Brunei 2 và Đài Loan 1. Từ 2002 đến nay có tất cả 17 lần xung đột, trong đó có Trung Quốc can dự 12 lần, Philippines 12, Việt Nam 8, Malaysia 1 và Đài Loan 1.

Ông không tin là chiến tranh sẽ xảy ra, nhưng giải quyết những tranh chấp kéo dài này ra sao thì chưa có câu trả lời. Giáo sư dẫn chứng việc lãnh đạo Trung Quốc từ trước đến nay không muốn giải quyết theo luật pháp quốc tế và tiên đoán “Quy tắc ứng xử trong vùng Biển Hoa Nam sẽ không được ký vào cuối năm nay”.

Giáo sư Emmerson có một nhận định đáng chú ý về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Công ty khai thác bô-xít ở Tây nguyên không phải của nhà nước Trung Quốc mà là một công ty độc lập. Nhưng vì ông Dũng cho phép vào khai thác nên từng bị mang tiếng là phe thân Trung Quốc”.

Trong phần thảo luận, vấn đề chủ nghĩa yêu nước và tiến trình dân chủ được nêu lên.

Giáo sư Lowell Dittmer của Đại học Berkeley cho rằng việc biểu tình bài Nhật, đốt xe hay bẻ cờ từ xe của Đại sứ Nhật không phải là tự phát mà có chỉ đạo vì thế cho thấy những cuộc biểu tình bài ngoại không thể đưa đến những thay đổi dân chủ ở Trung Quốc.

Với những động thái của Hoa Kỳ trong hai năm qua, tuy có xoay qua châu Á nhiều hơn nhưng khả năng can thiệp quân sự khó xảy ra vì “chính sách của Mỹ là điều chỉnh, phù hợp và thích nghi – adjust, adapt and accommodate”. Đó là nhận định của giáo sư Lin.

Còn giáo sư David Rosenberg đề nghị cách giải quyết việc khai thác tài nguyên trong Biển Hoa Nam theo kế hoạch quản lý chung – Joint Resource Management – như đã có ở Biển Bắc Hải hay vùng eo biển Malacca. Kế hoạch này cần sự hợp tác của nhiều nước và các tổ chức quốc tế, NGOs để các quốc gia liên quan vừa chia nhau tài nguyên và tài nguyên cũng được bảo vệ.

B.V.P.

Tác giả hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco. Bài viết phản ánh cách nhìn của riêng ông.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn