Khó hiểu hay dễ hiểu

Nguyễn Thông

Đúng là như người ta thường bảo, cái gì càng cấm thì càng dễ gây tò mò.

Xưa nay, từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, mình chưa bao giờ đọc cái trang mạng nào có tên Biển Đông. Họa chăng chỉ tìm đọc những bài của các tác giả là thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông như Dương Danh Dy, Lê Minh Phiếu... và rất cảm phục. Họ có tấm lòng với đất nước, hiểu biết sâu sắc, lý luận chặt chẽ, và đặc biệt ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo Việt Nam rất cao. Chỉ biết biển Đông trên mạng vậy thôi.

Ai ngờ, đọc cái thông báo của Văn phòng chính phủ bữa qua, nội dung nói Thủ tướng chỉ đạo phải điều tra, xử lý mấy trang mạng phản động Quan làm báo, Dân làm báo, Biển Đông... mình mới té ra, mấy thứ đó là phản động. Thì quan và dân phản động đã đi một nhẽ, nhưng Biển Đông là cái chi chi mà cũng phản động. Giá không có chỉ đạo của thủ tướng thì mình và vài chục triệu người cầm chắc chả biết Biển Đông mặt mũi nó như thế nào, tốt hay xấu, phản động ra sao. Nhưng được thủ tướng gợi ý nên nổi máu tò mò, tìm coi thử. Ôi giời, thật tình mà nói, nếu trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo mà những tờ báo chính thống của nhà nước làm được như cái trang "phản động" này thì quá tốt. Mình đọc từ đầu đến cuối mấy bài gần đây thấy hừng hực tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức chống bọn Tàu bành trướng xâm lược, bẻ tơi bời lý sự của bọn học giả Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa, đường lưỡi bò... Chẳng khác gì bác Dy, chú Phiếu. Thế thì nó phản động ở chỗ nào?

Không cần phải chứng minh nhiều, chỉ cần dẫn ra đây bài Lời giới thiệu của trang yêu nước (phản động?) này là đủ nói lên thật giả, trắng đen.

Tự dưng lại nghĩ, thủ tướng cần lưu ý mấy ông soạn cái công văn chỉ đạo trên, xem Trung Quốc nó có cài cắm người vào nội bộ ta không. Nếu không, sao lại cấm đoán người dân đọc những bài viết chống Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền. Nếu không, sao lại quy kết một trang tích cực với đất nước như thế là phản động?

Cứ tưởng khó hiểu, hóa ra cũng dễ hiểu.

Sau đây là bài Lời giới thiệu nguyên văn (bản gốc ở đây) của trang mạng Biển Đông:

Lời giới thiệu

Chào các bạn,

Như các bạn đã biết, thời gian qua tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp do các bên liên quan triển khai nhiều hoạt động củng cố yêu sách chủ quyền của mình. Đặc biệt, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các hoạt động gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Họ tăng cường hiện đại hoá quân đội, nhất là lực lượng hải quân, xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Hải Nam; thành lập thành phố “Tam Sa” và mới đây là thông qua Luật bảo vệ hải đảo.

Đặc biệt, từ tháng 5/2009, Trung Quốc cho lưu hành bản đồ về “đường lưỡi bò” tại Liên Hợp Quốc, chiếm đến 80% diện tích Biển Đông và đang ra sức đẩy mạnh các hoạt động nhằm từng bước khẳng định trên thực tế yêu sách “đường lưỡi bò”; đưa nhiều tàu, kể cả tàu khu trục xuống tuần tiễu dọc theo “đường lưỡi bò”, tiến hành tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông…. Những hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tác động tiêu cực đến hoà bình ổn định trên Biển Đông, gây mối lo ngại đối với các nước ven Biển Đông về “một nguy cơ Trung Quốc”. Dư luận quốc tế bất bình trước những hoạt động có nguy cơ gây mất ổn định ở khu vực của Trung Quốc. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã lên tiếng phê phán yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Đáp lại những việc làm sai trái của Trung Quốc, Chính quyền Việt Nam đã có một số biện pháp khẳng định chủ quyền và bảo vệ lợi ích trên biển của Việt Nam như trình lên Uỷ ban Thềm lục địa Liên Hợp Quốc Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam; tiến hành Hội thảo quốc tế về Biển Đông; lập trang web về biên giới lãnh thổ, trong đó cung cấp nhiều tư liệu chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Nhà nước đầu tư tăng cường khả năng phòng thủ, giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, chúng ta cần có những hành động, việc làm mạnh mẽ hơn góp phần thiết thực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển của Việt Nam.

Ban Biên tập chúng tôi gồm những người nắm vững về luật pháp quốc tế và hiểu rõ thực chất về vấn đề Biển Đông quyết định xây dựng trang web này để cùng nhau trao đổi những thông tin, tư liệu, chứng cứ lịch sử một cách khách quan về tình hình tranh chấp Biển Đông hiện nay, qua đó vạch trần những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc trước công luận quốc tế. Ban Biên tập mong trang web này trở thành diễn đàn để mọi người có thể nêu lên những suy nghĩ và ý kiến xây dựng thúc các giải pháp đa phương trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trong bối cảnh, chủ quyền và lợi ích trên biển của Việt Nam đang đứng trước những thách thức và nguy cơ mới, Ban Biên tập kêu gọi tất cả những ai tâm huyết với vấn đề biển đảo của đất nước cùng góp tiếng nói chung để dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ thực chất về những căn cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của các bạn để trang web này thực sự trở thành diễn đàn đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta trên Biển Đông.

Xin chân thành cảm ơn sự hợp tác của các bạn. Nhân dịp Năm mới 2010, Ban Biên tập xin chúc các bạn một năm mới an khang thịnh vượng và tràn đầy niềm vui.

Ban Biên tập Biendong.net

N.T.

Nguồn: thongcao55.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn