Blogger Mẹ Nấm: Ngăn chận dã ngoại nhân quyền chứng tỏ sửa đổi Hiến pháp chỉ là một trò diễn

Thụy My

clip_image001

Blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (trái) bị ngăn đến công viên, phải thảo luận về nhân quyền trong quán cà phê, 05/05/2013. Facebook Mẹ Nấm

Như chúng tôi đã loan tin, buổi dã ngoại vì nhân quyền hôm nay Chủ nhật 05/05/2013 tại ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Saigon và Nha Trang đã bị chính quyền ngăn chận bằng nhiều phương cách khác nhau.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra những hoạt động tập thể ở nơi công cộng, không phải với mục đích phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông, mà để đòi hỏi các quyền làm người căn bản đã được Liên Hiệp Quốc công nhận trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền từ năm 1948 như quyền tự do hội họp và lập hội, tự do di chuyển…

Trả lời RFI Việt ngữ từ Nha Trang qua một số máy khác vì số máy điện thoại chính thức đã bị chặn sóng, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức blogger Mẹ Nấm đã cho chúng tôi biết về các diễn tiến, cũng như những nhận định của chị về sự kiện này.

RFI: Kính chào chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, xin chị vui lòng cho biết buổi sinh hoạt dã ngoại vì nhân quyền hôm nay đã diễn ra như thế nào?

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Sáng nay ở ngay địa điểm tổ chức dã ngoại thì bên phía công an và an ninh họ chặn, cấm tất cả các loại xe đi vào công viên; chỗ đó được dành để sử dụng cho buổi dã ngoại của các bạn đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Tôi thì bị chặn từ đầu, tức là tôi ra khỏi nhà một đoạn thì đã bị chặn. Nhưng mà tôi không có đồng ý với cái việc mà cản tôi đi đến địa điểm dã ngoại. Sau đó thì lực lượng an ninh cũng đồng ý để tôi đến chỗ dã ngoại với điều kiện là tôi chỉ được ở đó đến quá giờ bắt đầu một chút, rồi thông báo cho những người đã có mặt ở đó để tham dự, và tôi phải rời khỏi chỗ đó. Thì tôi cũng đến đó và gặp các anh chị em đã có mặt, thông báo là tôi không lại công viên được.

Vì tôi không muốn to tiếng và gây ra xô xát với anh em an ninh nên tôi cùng với vài anh chị em nữa đã đi đến một địa điểm khác là một quán cà phê để tiếp tục trao đổi về quyền con người, dưới sự chứng kiến của hai anh an ninh mặc thường phục.

RFI: Thưa chị mục đích của buổi dã ngoại nhân quyền này là gì?

Thực ra với tất cả những tuyên bố công khai thì chúng tôi chỉ muốn rằng những buổi dã ngoại như thế này sẽ là những buổi gặp gỡ nhau, trao đổi để cho tất cả những công dân Việt Nam có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin, tìm hiểu về quyền con người có điều kiện ngồi lại và trao đổi với nhau, để hiểu rõ hơn là mình có quyền gì và mình nên làm gì trong tình huống nào. Việc này đã được công khai hơn hai tuần rồi.

RFI: Trước đó chị có bị áp lực gì không?

Thì cũng như mọi lần thôi, trước khi xảy ra một sự kiện gì thì sẽ có an ninh và công an theo dõi, canh gác ngay trước khu nhà mình ở. Ngay trước buổi dã ngoại thì cũng đã có người bảo với tôi rằng là tôi không được đi đến địa điểm đó, với lời nhắn là tôi đến đó thì không hay, sẽ nguy hiểm.

Với tôi, từ xưa giờ tôi luôn muốn đối thoại với lực lượng an ninh, cho nên tôi trả lời rất dứt khoát rằng, nếu có hẹn với an ninh trước thì tôi sẽ đi với an ninh, nhưng hôm nay tôi đã hẹn với anh em thì tôi đi với anh em trước. Và thực tế diễn ra là tôi bị ép phải đi cùng với an ninh để đến gặp anh em. Điều này không sao cả, vì mỗi bên đều có việc của mình.

Và tôi nghĩ là qua cái buổi ngày hôm nay, thì tất cả những người tham gia, cũng như những người theo dõi có thêm được thông tin, và biết rõ hơn về quyền tự do của con người, đặc biệt là quyền tự do đi lại.

Có một điều làm tôi cảm thấy bức xúc cho đến lúc này. Đó là cái điện thoại của tôi – tức là số điện thoại mà tôi công khai, nó bị chặn cả chiều đi và chiều gọi đến. Tôi có làm việc với bên tổng đài điện thoại thì họ trả lời là điện thoại tôi bị chặn vì lý do an ninh, và đến giờ vẫn chưa được mở, nên chị phải gọi tôi bằng số này.

Lúc sáng, khi tất cả mọi người báo là không gọi được, tôi mới kiểm tra điện thoại mình bằng thao tác trên điện thoại, thì mấy anh an ninh có mặt trên hiện trường nói với tôi là có khi do điện thoại tôi chưa thanh toán cước phí. Nhưng thực tế tôi biết rõ điện thoại của mình, không bao giờ trong tình trạng đó. Cho nên khi về nhà tôi đã thử, và gọi điện đến tổng đài – có cả ghi âm nữa, thì họ thừa nhận với tôi là điện thoại tôi bị chặn cả hai chiều theo yêu cầu, vì lý do an ninh.

Đây là bằng chứng rõ nhất về việc xâm phạm thô bạo quyền riêng tư của công dân. Mà tôi nghĩ rằng với những động thái diễn ra như hôm nay, thì các tuyên bố về việc nâng cao quyền con người trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ là cái trò diễn thôi.

RFI: Đây là lần đầu tiên tổ chức gặp gỡ nơi công cộng không phải để phản đối những hành động xâm lấn của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhưng có vẻ như cách xử sự của chính quyền cũng giống như trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây?

Dạ vâng. Ở hai đầu Saigon và Hà Nội thì có vẻ căng thẳng hơn. Bằng chứng là đến giờ hai hay ba trong số những người bạn mà tôi biết có tham gia đều đang bị bắt giữ.

Ở Saigon thì blogger Hoàng Vi, bạn Sĩ Hoàng tức blogger Hành Nhân, và bạn Quốc Anh bị bắt giữ và bị đánh đập tàn bạo sau khi các bạn ấy vừa phát Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế cho mọi người. Tôi nghĩ đây là một hành động đáng bị công luận lên án. Trong khi đó ở phía Hà Nội thì không có ai bị bắt, nhưng mà vẫn có xô xát với lực lượng an ninh thì phải.

Vẫn gay go lắm. Tôi không muốn để cho mọi chuyện căng thẳng lên, nhưng nhìn thái độ của an ninh và công an hôm nay, tôi biết là rất căng thẳng. Vì khi tôi định bước vào công viên thì họ nói là «sẽ to chuyện», và tôi nhìn thấy ở đó có rất nhiều côn đồ mặc thường phục, và tôi nghĩ cũng chẳng phải người lạ gì đâu. Công viên sáng nay không có một người dân nào hết!

RFI: Xin rất cám ơn chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tức blogger Mẹ Nấm, đã vui lòng nhận trả lời RFI Việt ngữ hôm nay.

T.M. – N.N.N.Q.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn