Trao đổi với Đại tá Bùi Quang Tiến

TS Nguyễn Thành Sơn

Theo đề xuất của anh Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng của Bộ Công thương ngày 4/6 vừa qua: “Thôi, xin bạn đừng nóng nảy, đao to - búa lớn quá mức để làm gi??? Không giải quyết vấn đề gì cả”, nên tôi đã không cho đăng – mặc dù đã có lời đề nghị được đăng – những nhận xét đánh giá của tôi về các dự án bauxite sau chuyến đi Tây Nguyên cuối tháng 5 vừa qua. Nay (ngày 7/6) vì Đại tá Bùi Quang Tiến đã cố ý nhắc đến tôi trên báo Thanh niênSài Gòn tiếp thị (xin xem: http://sgtt.vn/Thoi-su/178390/%E2%80%9CRat-muon-tranh-luan-voi-cac-nha-khoa-hoc%E2%80%9D.html), tôi đành phải nhờ báo Thanh niênSGTT chuyển đến Đại tá Bùi Quang Tiến nội dung tranh luận của mình như sau:

clip_image001

TS Nguyễn Thành Sơn vững tin vào quan điểm nhất quán của mình khi đối chiếu với thực tế tại Tây Nguyên. Ảnh: giaoduc.net.vn

1. Trước hết, Đại tá Bùi Quang Tiến nói “rất muốn tranh luận với các nhà khoa học”. Tôi xin bình luận: (i) Từ những năm 20 của thế kỷ trước, Lê Nin đã đưa ra ý tưởng về một xã hội dân sự, mà trong đó việc tranh luận là rất cần thiết, nên tôi nghĩ các nhà khoa học đã từ lâu cũng mong được tranh luận như anh Tiến; (ii) Tranh luận để thúc đẩy sự tiến bộ, vì vậy, điều quan trọng là phải “tranh luận khoa học”, chứ không phải “tranh luận với các nhà khoa học” cho oai (hết bức xúc cá nhân).

2. Việc Đại tá Bùi Quang Tiến “hỏi đội ngũ cán bộ của mình, hơn 100 con người, trong đó có cả Tiến sĩ khoa học là sao không nói lại”, tôi xin bình luận: (i) Đại tá đã nói không đúng sự thật với các nhà báo, trong TKV hiện không có ai là “Tiến sỹ khoa học” cả, dưới quyền của Đại tá Bùi Quang Tiến chắc càng không có ai. (ii) Có thể người ta “không nói lại” vì chính bản thân Đại tá, tuy nói “muốn tranh luận với các nhà khoa học” bên ngoài, nhưng lại chưa có cơ chế để tạo ra một xã hội dân sự trong cơ quan mình để “100 con người” “nói lại”.

3. Đại tá Bùi Quang Tiến thừa nhận là “nói rất nhiều nhưng không bao giờ được đăng”. Nhân dịp sắp đến ngày 21/6 – ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin trao đổi như sau: Tôi đã từng làm nhà báo, tôi biết Lê Nin đã dạy, báo chí có 3 chức năng cơ bản là thông tin, tuyên truyền và cổ động. Theo đó: (i) Thông tin phải chính xác và đầy đủ. Nếu thông tin chính xác nhưng không đầy đủ chưa phải là thông tin (giống như ½ sự thật không thể gọi là sự thật). Tương tự, thông tin đầy đủ, nhưng không chính xác càng không phải là thông tin; (ii) Tuyên truyền phải khách quan và kịp thời. Tuyên truyền khách quan nhưng không kịp thời thì chỉ tốn giấy, mực, lời nói. Còn tuyên truyền kịp thời nhưng không khách quan (không khoa học) thì chẳng ai nghe; (iii) Cổ động phải đúng mục đích và đúng đối tượng. Cổ động đúng mục đích nhưng không đúng đối tượng thì giống như trong tiếng Việt có câu “đàn gảy tai trâu”. Còn cổ động đúng đối tượng nhưng không đúng mục đích thì như “gió vào nhà trống”. Vì vậy, tuy Đại tá có “nói rất nhiều” nhưng với những thông tin sai sự thật như nêu trên thì chẳng báo nào dám đăng.

4. Đại tá Bùi Quang Tiến đã nói “những người nói nhiều thì chẳng thấy đến đây bao giờ”. Tôi xin trao đổi như sau: (i) Như trên đã nói, với các cơ quan ngôn luận, điều cấm kỵ nhất là nói sai sự thật. Tôi, được Đại tá ám chỉ là một trong số “những người nói nhiều”, đã đến Nhân Cơ nhiều lần và có lẽ còn trước cả Đại tá Bùi Quang Tiến. (ii) Không phải ai đến Nhân Cơ cũng cần gặp Đại tá Bùi Quang Tiến vì Đại tá Bùi Quang Tiến không phải là Nhân Cơ; (iii) Có thể có những người chưa đặt chân đến Nhân Cơ nhưng nói sự thật, còn đáng trân trọng hơn nhữnng người ‘ăn nằm’ mấy năm ở Nhân Cơ mà không nói đúng sự thật về Nhân Cơ.

5. Đại tá nói là tôi “lấn sân sang nhiều vấn đề”. Tôi xin trao đổi như sau: (i) Đại tá Bùi Quang Tiến chưa đủ sao/vạch và tư cách để nhận xét về việc làm của tôi; (ii) Trong những vấn đề “lấn sân”, tôi chưa bao giờ sai (tôi thấy không cần giải thích vì Đại tá cũng không đủ trình độ để hiểu); (iii) Đại tá Bùi Quang Tiến đã tự cho mình quyền “lấn sân” khi đưa ra nhận xét rất rằng “sau khi khai thác quặng, lấy bôxít đi, hoàn thổ xong, đất sẽ tốt lên và đương nhiên sẽ có lợi cho cây trồng”. Tôi nghĩ Đại tá nên nhường lời cho các nhà thổ nhưỡng và các nhà nông học. (iv) Tôi không rõ Đại tá đã phục vụ trong quân đội như thế nào, nhưng tôi biết những gì Đại tá nói về nước trên Tây Nguyên (tuy không “lấn sân” vì thuộc chuyên ngành địa chất được đào tạo) là rất tào lao; (v) Việc TKV giao cho Đại tá “lấn sân” phụ trách một dự án mà trước đó chính Đại tá cũng chẳng có khái niệm gì (về alumina) có thể là một trong những lý do dẫn đến tình trạng “chết mà không chôn được” hiện nay của dự án Nhân Cơ.

6. Là một đảng viên, Đại tá Bùi Quang Tiến đã công khai nói ngược và làm ngược với chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Thông báo 245, khi tuyên bố với báo chí rằng “Vinacomin sẽ xây dựng một hồ chứa có dung tích 9 triệu m3”. Tôi xin lưu ý Đại tá Bùi Quang Tiến, đối với các dự án bô xít Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã yêu cầu các dự án hạ tầng (trong đó có nước và GTVT) phải được đẩy mạnh. Đại tá Bùi Quang Tiến đã và đang làm ngược lại, những gì liên quan đến “chùm khế ngọt” alumina thì được đẩy mạnh (92/93), còn nước thì “sẽ” và GTVT thì chưa biết đến bao giờ (không thấy nhắc đến).

7. Là một Đại tá quân đội, nhưng anh Bùi Quang Tiến lại nói ra những điều mà ai hiểu thế nào cũng được: “Chúng tôi mà nói như anh Sơn thì “về” (hưu) lâu rồi”. Tôi, vẫn thừa nhận mình dốt văn, hiểu “khẩu lệnh” của Đại tá Bùi Quang Tiến theo 2 nghĩa: (i) Có thể Đại tá muốn gợi ý để lãnh đạo TKV cho “anh Sơn” về hưu; và (ii) Có thể Đại tá tự biết nên sớm đóng cửa dự án Nhân Cơ, nhưng không dám nói ra vì sợ phải “về” hưu. Nếu theo nghĩa thứ nhất, thì Đại tá yên tâm, chỉ hơn 1 năm nữa, tôi sẽ về hưu rồi. Còn theo nghĩa thứ hai, thì Đại tá nên sớm trả lại cho quân đội cả 4 sao và 2 vạch.

8. Khi được hỏi cụ thể về những phát biểu của tôi, Đại tá Bùi Quang Tiến nói: “Tôi cảm giác những phát biểu đó chưa có trách nhiệm”. Tôi xin trao đổi như sau: (i) Bạn đọc có thể sẽ hỏi “cảm giác” của một Đại tá có giá trị như thế nào nếu anh Bùi Quang Tiến nói đến hiệu quả kinh tế-tài chính của dự án Nhân Cơ? (ii) Tôi cũng như Đại tá, cũng là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là một Giám đốc đơn vị thành viên của TKV. Tôi không rõ “trách nhiệm” của Đại tá Bùi Quang Tiến cao hay thấp, chỉ mong Đại tá báo cáo bằng văn bản với Đảng, với lãnh đạo TKV và với lãnh đạo Bộ Quốc phòng rõ trách nhiệm của mình về hiệu quả kinh tế của dự án Nhân Cơ đã giảm (so với dự kiến ban đầu do vốn đầu tư đã tăng lên chóng mặt) vì quản lý kém.

9. Có thể Đại tá Bùi Quang Tiến đã đúng khi nói rõ: “Vinacomin chưa bao giờ khẳng định dự án có hiệu quả kinh tế cao”. Còn nói “nhưng (Viacomin) vẫn đảm bảo (dự án) có hiệu quả” thì rất mập mờ. Để dự án alumina Nhân Cơ vận hành được bình thường, sẽ phải đầu tư tổng cộng gần 1 tỷ U$. Những yếu tố khẳng định dự án không có hiệu quả (lỗ 2.500 tỷ đồng) đã rõ. Còn cái gì “đảm bảo có hiệu quả” thì chưa ai nhìn ra, chỉ thấy nhiều người nói mồm như Đại tá. Đấy không phải là cách nói duy vật biện chứng.

clip_image003

Đại tá Tiến khẳng định việc khai thác bauxite là một biện pháp cải tạo đất. Ảnh: SGTT

10. Đại tá Bùi Quang Tiến đã nói: “Tất nhiên là chủ đầu tư, khi dự án không hiệu quả như kỳ vọng ban đầu thì chúng tôi không vui vẻ gì, nhưng tôi đảm bảo dự án vẫn có hiệu quả”. Để thay cho lời kết, tôi xin nhận xét như sau: (i) Đây không phải là lời nói của người có trách nhiệm (Giám đốc); (ii) Đại tá Bùi Quang Tiến hơi lạm dụng câu “đảm bảo có hiệu quả” càng không phải là lời nói của một người cộng sản (đảng viên không nói suông); (iii) Tất nhiên “văn mình, vợ người”, nhưng nếu là tôi, tôi sẽ nói “vì dự án không hiệu quả như kỳ vọng ban đầu, nên chúng tôi đã phải rà soát lại để tìm ra nguyên nhân, nay đã tìm ra nguyên nhân rồi nên…”./.

N.T.S.

Bài vẫn chưa được đăng trên Thanh niênSGTT nên tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn