Mối nguy hiện thực của Trung Quốc – Đây là lúc Washington phải lo lắng

Avery Goldstein, Foreign Affairs, September/October 2013

Trần Ngọc Cư dịch

Avery Goldstein là Giáo sư Chính trị Toàn cầu và Bang giao Quốc tế [ngạch giáo sư để vinh danh David M. Knott] và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại tại Đại học Pennsylvania. Bài tiểu luận này dựa vào bài báo của ông nhan đề “Những ưu tiên hàng đầu cần phải đưa lên hàng đầu: Mối nguy bức bách do sự bất ổn có khả năng đưa đến khủng hoảng trong các quan hệ Mỹ-Trung”, International Security, mùa Xuân 2013

Phần lớn cuộc tranh luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm gần đây đã tập trung vào nguy cơ tiềm năng là cuối cùng Trung Quốc có thể trở thành một đối thủ ngang hàng với Mỹ, có quyết tâm thách thức trật tự quốc tế hiện hữu. Ít ra trong vòng một thập niên tới, mặc dù Trung Quốc còn tương đối yếu kém so với Mỹ, nhưng có một mối nguy thực sự là Bắc Kinh và Washington sẽ tự dẫn mình vào một cuộc khủng hoảng có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột quân sự. Khác hẳn với một cuộc cạnh tranh đại cường dài hạn có thể hoặc không có thể phát triển ở cuối đường, nguy cơ về một khủng hoảng có sự tham dự của hai cường quốc nguyên tử này là một mối lo ngại rõ nét trong tương lai gần – và những biến cố trong vài năm qua cho thấy rủi ro này có thể đang gia tăng.

Kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, Bắc Kinh và Washington đã tránh né được những đối đầu nguy hiểm trong một số trường hợp sau đây: vào những năm 1995-96, khi Mỹ phản ứng lại các vụ thử tên lửa của Trung Quốc để cảnh báo cử tri Đài Loan về mối nguy trong việc họ đòi độc lập; vào năm 1999, khi máy bay Mỹ dội bom lầm Sứ quán Trung Quốc trong một cuộc không kích của NATO tại Serbia; và vào năm 2001, khi một máy may thám thính của Mỹ đụng phải một phản lực cơ chiến đấu của Trung Quốc, đưa đến cái chết của viên phi công Trung Quốc và việc Bắc Kinh bắt giữ chiếc máy bay Mỹ và phi hành đoàn. Nhưng dù những vụ việc trên không đưa đến leo thang nghiêm trọng, chúng ta cũng không nên có thái độ tự mãn. Vì không một biến cố nào nói trên hội đủ định nghĩa của một cuộc khủng hoảng đích thực, tức là một cuộc đối đầu đe dọa lợi ích sinh tử [vital interests] của cả hai phía và do đó nhanh chóng gia tăng rủi ro chiến tranh. [Nhưng với tình hình hiện nay], nếu Bắc Kinh và Washington bị đẩy đến những biến cố tương tự trong một tương lai gần, thì cả hai Chính quyền đều có động lực mạnh mẽ để dùng tới vũ lực. Hơn nữa, những cám dỗ và sức ép leo thang xung đột sẽ có khả năng xảy ra cao nhất trong những giai đoạn đầu của cuộc đối đầu, khiến việc thực hiện nỗ lực ngoại giao để ngăn ngừa chiến tranh trở nên khó khăn hơn.

Các giới tuyến mong manh

Những viễn cảnh cho một cuộc khủng hoảng thuộc loại này trong quan hệ Mỹ-Trung có vẻ đã giảm thiểu khi những căng thẳng về đảo quốc Đài Loan lắng dịu, lấy mất ngòi nổ của thùng thuốc súng đã từng thúc đẩy phần lớn việc làm kế hoạch quân sự của Trung Quốc và Mỹ tại Đông Á kể từ giữa thập niên 1990. Nhưng những mồi lửa chiến tranh khác lại bắt đầu xuất hiện. Khi Trung Quốc và các nước láng giềng tranh cãi về chủ quyền biển đảo tại các biển Hoa Đông và Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam], Mỹ đã lặp lại những cam kết bảo vệ hai trong số những nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc (Nhật Bản và Philippines) và nuôi dưỡng những quan hệ ngày càng thân thiết với một nước thứ ba (Việt Nam). Hơn thế nữa, chiến lược “xoay trục”, hoặc “tái quân bình lực lượng” hướng về châu Á, một động thái ngoại giao được đi kèm với các kế hoạch triển khai quân sự, đã báo hiệu rằng Washington sẵn sàng can thiệp trong trường hợp có xung đột vũ trang ở khu vực này.

Mỹ còn nhấn mạnh rằng luật pháp quốc tế cho phép mình có quyền tự do thông thương trên vùng trời và vùng biển quốc tế, được định nghĩa nằm ngoài giới hạn 12 hải lý của một nước. Trái lại, Trung Quốc quyết đoán rằng tàu và máy bay quân sự của nước khác không được phép đi vào “khu đặc quyền kinh tế” cách bờ biển của mình 200 hải lý mà không được Trung Quốc cho phép – một sự cấm đoán, nếu dựa vào các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, sẽ đặt phần lớn biển Hoa Nam [biển Đông Việt Nam] và vùng trời trên đó ra ngoài phạm vi hoạt động của tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ. Những tranh chấp về tự do thông thương đã tạo ra những đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, và chúng vẫn còn là một ngòi nổ tiềm năng cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Đúng là, hiện nay Trung Quốc và Mỹ không phải là những nước thù địch – chắc chắn không phải là thù địch theo cung cách của Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh lạnh trước đây. Nhưng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung có thể thực sự nghiêm trọng hơn người ta tưởng nếu Bắc Kinh và Washington lâm vào một cuộc chiến đấu sinh tử, một còn một mất. Là hai địch thủ có vũ trang ở trong tình trạng báo động đường tơ kẽ tóc về chiến tranh hạt nhân [hair-trigger alert], Liên Xô và Mỹ đều hiểu rằng những lợi ích xung khắc nhau từ cơ bản của hai nước có thể đưa đến chiến tranh. Sau khi trải qua những cuộc đối đầu căng thẳng ở Berlin và Cuba, hai nước mới hiểu được lợi ích sinh tử của nhau – những lợi ích không thể bị thách đố mà không có nguy cơ đưa đến một cuộc khủng hoảng – và xây dựng được những cơ chế để tránh leo thang. Trung Quốc và Mỹ cho đến nay vẫn chưa đạt được một sự hiểu biết tương tự về lợi ích sinh tử của nhau hoặc phát triển được các phương tiện đáng tin cậy để quản lý khủng hoảng.

Cả Trung Quốc lẫn Mỹ vẫn chưa định nghĩa rõ ràng lợi ích sinh tử của mình trên những vùng rộng lớn của Tây Thái Bình Dương. Những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa ra nhiều tuyên bố không chính thức về “lợi ích cốt lõi” [core interests] của mình, đôi khi đi ra ngoài việc đơn thuần là đảm bảo sự vẹn toàn lãnh thổ và chính trị của lục địa và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về Đài Loan. Bắc Kinh đã gợi ý, chẳng hạn, Trung Quốc có thể coi những vùng tranh chấp tại biển Hoa Đông và biển Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam] là lợi ích cốt lõi.

Washington cũng thiếu rõ ràng về những gì mà Mỹ coi là lợi ích sinh tử ở trong khu vực. Mỹ không trả lời thẳng thắn câu hỏi là liệu Đài Loan có nằm dưới chiếc dù an ninh của Mỹ hay không. Và lập trường của Mỹ về các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có phần khó hiểu: Washington duy trì thái độ trung lập đối với các tuyên bố chủ quyền của các phe tranh chấp và nhấn mạnh rằng các tranh chấp này phải được giải quyết bằng đường lối hòa bình, nhưng đồng thời Mỹ cũng tái khẳng định cam kết là sẽ đứng bên cạnh đồng minh của mình trong trường hợp một cuộc xung đột vũ trang nổ ra. Thái độ hàm hồ này của Trung Quốc và của Mỹ, về “các giới tuyến” [red lines] không thể vượt qua mà không gây ra nguy cơ xung đột, sẽ làm tăng thêm các rủi ro là, hai bên có thể dùng những biện pháp mà họ tưởng là an toàn nhưng hóa ra là có tính khiêu khích bất ngờ.

Nguy hiểm hơn chiến tranh lạnh?

Tình trạng thiếu rõ ràng về các động lực có thể dẫn Bắc Kinh hoặc Washington đến chỗ liều lĩnh gây chiến khiến một cuộc khủng hoảng dễ dàng diễn ra hơn nhiều, vì cả hai bên đều không biết chắc khi nào, ở đâu, hay với cường độ nào họ có thể lấn tới mà không bị bên kia đẩy lui. Tình hình này có phần tương tự như tình hình trong giai đoạn đầu của Chiến tranh lạnh, khi mà cả hai bên phải kinh qua một số khủng hoảng nghiêm trọng để thăm dò ý đồ của nhau và biết được luật đi đường [để tránh leo thang xung đột]. Nhưng bối cảnh quốc tế ngày nay thậm chí còn nguy hiểm hơn.

Ví dụ, cán cân lực lượng quân sự hạt nhân và qui ước giữa Trung Quốc và Mỹ là nghiêng lệch hơn nhiều so với cán cân lực lượng giữa Liên Xô và Mỹ trước đây. Nếu Bắc Kinh và Washington bất đắc dĩ lâm vào một cuộc xung đột, lợi thế khổng lồ của Mỹ trong các lực lượng qui ước sẽ tăng thêm sự cám dỗ khiến Washington có thể đe dọa sử dụng hoặc thực sự sử dụng vũ lực. Nhận thấy Washington đứng trước cám dỗ này, về phần mình Bắc Kinh có thể cảm thấy một sức ép là phải tức khắc sử dụng các lực lượng qui ước của mình trước khi chúng bị đối phương tiêu hủy. Mặc dù Trung Quốc không thể đảo ngược tình trạng bất quân bình lực lượng quân sự, nhưng Bắc Kinh có thể tin tưởng rằng nhanh chóng áp đặt những tổn thất to lớn cho Mỹ sẽ là phương thức tối ưu để buộc đối phương phải xuống nước.

Sự thể cả hai bên đều có những kho vũ khí hạt nhân sẽ giúp cho tình hình được chế ngự, vì cả hai bên đều muốn tránh những hành động có thể rước lấy một cuộc trả đũa hạt nhân. Thật vậy, nếu chỉ có những cân nhắc về vũ khí hạt nhân là đáng kể, thì những khủng hoảng Mỹ-Trung sẽ rất bình ổn và không đáng lo ngại quá nhiều. Nhưng các lực lượng qui ước của hai bên sẽ làm phức tạp vấn đề và phá hoại sự ổn định được cung ứng bởi sự ngăn ngừa sử dụng vũ khí hạt nhân [nuclear deterrence]. Trong một cuộc khủng hoảng, cả hai bên có thể tin tưởng rằng việc sử dụng các lực lượng qui ước sẽ đem lại lợi thế mặc cả cho mình, bằng cách thao túng sự sợ hãi leo thang chiến tranh của đối phương, thông qua điều mà nhà kinh tế Thomas Schelling gọi là một “cuộc thi đua làm liều” [competition in risk-taking]. Trong một cuộc khủng hoảng, Trung Quốc hoặc Mỹ có thể tin tưởng rằng mình đánh giá quyền lợi đang tranh chấp cao hơn cách đánh giá của đối phương nên sẽ sẵn sàng chấp nhận một mức độ rủi ro cao hơn. Nhưng bởi vì việc sử dụng các lực lượng qui ước mới chỉ là bước đầu trong một tiến trình không thể tiên liệu – một tiến trình chịu nhiều rủi ro do những nhận thức sai lầm, những biện pháp lệch lạc, và tính toán sai lầm – nên không có gì đảm bảo rằng hành động tháu cáy bên miệng hố chiến tranh [brinkmanship] sẽ chấm dứt kịp thời trước khi nó dẫn đến một đại họa hạt nhân ngoài dự kiến mọi người.

Hơn nữa, Trung Quốc rõ ràng tin tưởng rằng sự ngăn ngừa sử dụng vũ khí hạt nhân [nuclear deterrence] sẽ mở cửa cho việc sử dụng an toàn các lực lượng qui ước. Vì cả hai nước đều sợ tiềm năng một cuộc pháo kích lẫn nhau bằng đầu đạn hạt nhân, phía Trung Quốc có vẻ tin tưởng rằng cả họ lẫn người Mỹ sẽ không cho phép một cuộc xung đột vũ trang leo thang quá xa. Trái lại, các lãnh đạo Xô viết trước đây cho thấy họ sẽ dùng bất cứ phương tiện quân sự cần thiết nào nếu chiến tranh xảy đến – đấy là lý do vì sao chiến tranh Nga-Mỹ không bao giờ diễn ra. Ngoài ra, chính sách công khai “không sử dụng hạt nhân trước” của Trung Quốc, một chính sách chỉ đạo việc chuẩn bị và huấn luyện quân đội Trung Quốc nhằm đối phó các cuộc xung đột, có thể tăng cường sự tin tưởng của Bắc Kinh là một cuộc chiến tranh giới hạn với Mỹ sẽ không dẫn đến một cuộc leo thang bằng vũ khí hạt nhân. Do những tin tưởng này, Bắc Kinh có thể ít thận trọng hơn về việc sử dụng những biện pháp có nguy cơ gây khủng hoảng. Và nếu một cuộc khủng hoảng diễn ra sau đó, Trung Quốc cũng có thể ít thận trọng hơn về việc bắn phát đạn hạt nhân đầu tiên.

Những tin tưởng này là đặc biệt đáng lo ngại, căn cứ vào những phát triển công nghệ gần đây đã nhanh chóng hoàn thiện độ chính xác và sự hữu hiệu của các vũ khí qui ước. Sức tàn phá của chúng có thể mang lại một lợi thế ngoạn mục cho bên nào tấn công trước, một điều nói chung là khác với các hoạt động quân sự qui ước tại địa bàn chính ở châu Âu trong cuộc đối đầu Mỹ-Liên Xô. Hơn nữa, những hệ thống điện toán và vệ tinh dùng để điều khiển các vũ khí đương đại rất dễ trở thành mục tiêu của các cuộc đánh phá quân sự qui ước hay các cuộc tấn công xi-be [cyberattack = tấn công mạng], do đó những vũ khí ngày nay với độ chính xác cao có thể hữu hiệu chỉ với điều kiện chúng được sử dụng trước khi đối phương ra tay hoặc có những biện pháp chống trả. Nếu sự tự chế trong thời bình phải nhường bước cho nỗ lực tìm kiếm lợi thế trong một cuộc khủng hoảng, thì cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều không thể tin tưởng vào sự vững vàng của các hệ thống quản lý vũ khí qui ước tiên tiến của mình.

Trong hoàn cảnh như vậy, cả Bắc Kinh lẫn Washington sẽ có động lực tấn công trước. Trung Quốc sẽ cảm thấy sức ép đặc biệt năng nề, vì các vũ khí qui ước tiên tiến của nước này hoàn toàn lệ thuộc vào các mạng lưới vi tính dễ bị tấn công, vào các đài ra-đa cố định, và các vệ tinh, hơn cả đối phương. Sự hữu hiệu của các lực lượng quân sự tiên tiến của Mỹ ít lệ thuộc vào những hệ thống rất dễ bị tấn công này. Tuy nhiên, cái lợi thế mà Mỹ nắm giữ có thể sẽ gia tăng cám dỗ để Mỹ tấn công trước, đặc biệt đánh vào các vệ tinh Trung Quốc, vì Mỹ sẽ đủ sức đối phó một cuộc trả đũa tương tự của Trung Quốc.

Truyền thông bị gián đoạn

Một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung cũng có thể nguy hiểm hơn những cuộc đối đầu Chiến tranh lạnh vì tính cách bấp bênh của các kênh truyền thông hiện có giữa Bắc Kinh và Washington. Sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Liên Xô và Mỹ đã nhìn nhận tầm quan trọng của việc truyền thông trực tiếp giữa các lãnh đạo cao nhất của hai nước và đã thiết lập đường dây nóng Moscow-Washington. Năm 1998, Trung Quốc và Mỹ cũng thiết lập một đường dây nóng cho việc truyền thông trực tiếp giữa Chủ tịch nước và Tổng thống của hai nước. Nhưng dù đã có đường dây nóng, Nhà Trắng vẫn không thể tiếp xúc kịp thời các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc sau vụ dội bom Sứ quán [Trung Quốc] tại Belgrade năm 1999 hoặc vụ máy bay thám thính năm 2001. Việc Trung Quốc không sử dụng đường dây nóng có lẽ đã phản ánh sự ngần ngại của giới lãnh đạo Trung Quốc, không dám trả lời trước khi đạt được một sự đồng thuận trong nội bộ Đảng hay trước khi tham khảo ý kiến rộng rãi với giới quân sự. Sự trì hoãn có lẽ cũng phản ánh những khó khăn của Trung Quốc trong việc phối hợp chính sách, vì Trung Quốc thiếu một cơ quan tương đương đáng tin cậy như Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ [the U.S. National Security Council]. Dù với bất cứ lý do gì, kinh nghiệm cho thấy rằng những trì hoãn đáng thất vọng trong kênh truyền thông trực tiếp có thể xảy ra trong thời gian được coi là những giờ phút nghiêm trọng đầu tiên khi một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung đang diễn ra.

Thay vì trực tiếp trao đổi, truyền thông giữa lãnh đạo hai nước trong giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng có thể chỉ giới hạn vào những tuyên bố công khai hay những tín hiệu ngầm thông qua hành động. Nhưng những tuyên bố công khai lại được nhắm vào nhiều khối thính giả khác nhau, và tình cảm yêu nước của người Trung Quốc hay của người Mỹ, cũng như sức ép từ các đồng minh, có thể buộc cả hai bên chọn một lập trường công khai hiếu chiến hơn lập trường mà lẽ ra họ thực sự cảm thấy chính đáng. Vì thiếu một kênh truyền thông trực tiếp và bảo mật, hai nước sẽ không thể bàn bạc những đề xuất nhạy cảm về mặt chính trị. Hai nước cũng không thể chia sẻ những thông tin có thể giúp chặn đứng một cuộc leo thang nguy hiểm, như những chi tiết bí mật về các khả năng quân sự hay các cuộc điều quân đã được tiến hành.

Truyền thông xuyên qua hành động cũng rất rắc rối, với nhiều khả năng các thông điệp bị bóp méo khi gửi đi và giải thích sai lạc khi nhận được. Các nhà phân tích Trung Quốc có xu thế đánh giá quá cao sự dễ dàng trong việc gửi tín hiệu xuyên qua các hành động quân sự và đánh giá quá thấp những rủi ro đưa đến leo thang xung đột do truyền thông sai lạc [miscommunication]. Chẳng hạn, các học giả Andrew Erickson và David Yang đã dẫn chứng một số báo chí quân sự Trung Quốc từng đề nghị sử dụng hệ thống tên lửa đạn đạo chống chiến hạm của Trung Quốc, vốn được thiết kế để pháo kích các tàu sân bay của Mỹ, vào mục đích truyền đạt quyết tâm của Bắc Kinh trong một cuộc khủng hoảng. Một số học giả quân sự Trung Quốc từng đề nghị rằng Trung Quốc có thể gửi một tín hiệu bằng cách bắn đạn pháo cảnh báo nhắm vào vị trí gần một tàu sân bay Mỹ đang di chuyển hay thậm chí bằng cách cẩn thận đánh ngay vào tháp chỉ huy của tàu sân bay đó trong khi không đụng đến phần còn lại của chiếc tàu. Nhưng như nhà nghiên cứu chính trị Owen Coté đã nhận xét, ngay cả một hệ thống tên lửa đạn đạo rất chính xác chắc chắn cũng sẽ có một biên lỗi [magin of error] nào đó. Vì vậy, ngay cả một loạt đạn khiêm tốn nhất của loại vũ khí này cũng có thể vô tình gây ra nguy cơ tổn thất nghiêm trọng và đưa đến việc leo thang xung đột ngoài ý muốn.

Một yếu tố quan trọng sau cùng có thể làm cho một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung nguy hiểm hơn những cuộc khủng hoảng thời Chiến tranh lạnh là địa lý. Trung tâm của những cuộc đối đầu Chiến tranh lạnh chủ yếu nằm trên đất liền, nhất là tại Trung Âu, trong khi một cuộc đối đầu trong tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ gần như chắc chắn sẽ bắt đầu ngoài biển. Sự khác biệt này sẽ ảnh hưởng sâu sắc lên một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung trong một số cung cách, đặc biệt do việc hai bên bị thúc bách phải làm một số lựa chọn bấp bênh vào lúc đầu. Đội tàu ngầm nhỏ bé trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) và đội tàu ngầm to lớn hơn trang bị vũ khí tấn công qui ước của Trung Quốc được an toàn nhất khi chúng ở trong vùng biển cạn gần lục địa Trung Hoa, nơi mà độ truyền âm yếu ớt [poor acoustics] sẽ làm giảm hiệu năng các hoạt động chống tàu ngầm dưới biển của Mỹ. Việc các đội tàu ngầm này ở gần các sân bay và hệ thống phòng không trên đất liền Trung Quốc cũng giảm bớt khả năng của Washington trong việc dùng không lực và tàu chiến Mỹ để chống lại chúng. Nhưng, nếu muốn giữ được một vai trò trong một cuộc đối đầu với Mỹ, các lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc phải rời khỏi các vùng biển an toàn nói trên. Viễn cảnh các đội tàu ngầm Trung Quốc được triển khai ra vùng biển sâu sẽ nhanh chóng gia tăng tính bất ổn của một cuộc khủng hoảng. Mặc dù công nghệ chiến tranh chống tàu ngầm của Mỹ sẽ có hiệu quả hơn trong việc chống các tàu ngầm Trung Quốc hoạt động trong vùng biển ít tiếng động ở ngoài khơi (cũng là nơi Mỹ giữ ưu thế không quân), nhưng một số chiến cụ của hải quân Mỹ vẫn có thể gặp rủi ro nếu đi vào trong tầm ngắm của những tàu ngầm còn sống sót của Trung Quốc. Vì thế, ngay từ buổi đầu của một cuộc khủng hoảng, Mỹ sẽ bị cám dỗ phải giảm thiểu rủi ro này bằng cách đánh chìm những tàu ngầm tấn công [attack submarines] Trung Quốc khi chúng cố gắng rời ao nhà. Nhất là vì chỉ có vài tuyến đường nhỏ hẹp để tàu ngầm Trung Quốc có thể ra vùng nước sâu, Mỹ sẽ bị cám dỗ phải tấn công trước thay vì chấp nhận một rủi ro lớn hơn cho các lực lượng hải quân của mình. Bất chấp quyết định này của Mỹ, bất cứ tàu ngầm tấn công nào của Trung Quốc tìm cách ra được vùng biển sâu xa bờ cũng phải đối diện một tình trạng nan giải là “cần phải được sử dụng hay sẽ bị tiêu diệt” [use them or lose them], vì chúng rất dễ bị tấn công bởi các lực lượng chống tàu ngầm của Mỹ – đây là một cú hích tiềm năng cho việc leo thang chiến tranh.

Các tàu SSBN [tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân] của Trung Quốc còn đặt ra nhiều rủi ro khác. Theo chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước của mình, Trung Quốc rõ ràng đã tuyên bố rằng bất cứ một cuộc tấn công nào nhắm vào các lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc đều biện minh cho một cuộc trả đũa bằng hạt nhân, khiến cho việc Mỹ tấn công vào các tàu SSBN của Trung Quốc gần như không thể xảy ra. Do đó, vào giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng, gần như chắc chắn Bắc Kinh sẽ tin tưởng rằng Trung Quốc có thể triển khai an toàn các tàu SSBN của mình vào vùng biển sâu xa bờ, ở đó chúng sẽ giữ được vị trí tối ưu để thi hành lệnh bắn. Nhưng, một cuộc triển khai tàu ngầm vào vùng nước sâu như thế sẽ đặt ra nhiều rủi ro mới. Một nguy cơ là khả năng các lực lượng hải quân Mỹ có thể nhầm một tàu SSBN Trung Quốc với một tàu ngầm tấn công qui ước [conventional attack submarine] và nổ súng tấn công nó, đưa đến việc Trung Quốc trả đũa bằng vũ khí hạt nhân. Một nguy cơ khác là, một tàu SSBN Trung Quốc có thể tự mình leo thang xung đột mà không cần có lệnh rõ ràng từ Bắc Kinh, do truyền thông hạn chế mà các tàu ngầm này cần phải duy trì với đất liền nhằm tránh bị phát hiện.

Quản lý rủi ro

Các khả năng đưa đến một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung trong những năm tới là thấp, nhưng không thể bỏ qua, và chúng đã trở nên đáng lo ngại hơn vì rủi ro về một cuộc đối đầu như thế đang ngày một gia tăng. Những bước quan trọng nhất mà Bắc Kinh và Washington có thể thực hiện là những biện pháp có thể giúp ngăn chặn không cho các khủng hoảng diễn ra ngay từ đầu. Vì thái độ thiếu rõ ràng về phạm vi lợi ích sinh tử của mỗi bên có thể châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng này, nên hai nước cần phải đẩy mạnh các trao đổi chính trị và quân sự tập trung vào vấn đề này. Ngay cả nếu hai bên không thể đạt được một một sự quán triệt hoàn toàn, thì các cuộc thảo thuận cũng có thể giúp nêu bật những gì mà mỗi bên cho là đã đặt ra những rủi ro lớn nhất.

Mặc dù triệt tiêu các khả năng đối đầu Mỹ-Trung sẽ là một điều khó khăn, nhưng hai nước có thể nỗ lực hơn nữa để đối phó những nguồn gốc có tiềm năng đưa đến bất ổn định và cải thiện khả năng quản lý những rủi ro mà hai nước sẽ gặp phải trong một cuộc khủng hoảng. Các lãnh đạo tại Washington có thể chia sẻ kinh nghiệm phong phú của mình trong việc quản lý khủng hoảng với các lãnh đạo Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chính sách. Thêm vào đó, Mỹ cần phải nhấn mạnh nhu cầu là Trung Quốc cần phải sử dụng đường dây nóng hiện có cho việc truyền thông trực tiếp và kịp thời giữa các lãnh đạo chóp bu của hai nước trong một cuộc khủng hoảng.

Trung Quốc và Mỹ cũng phải tăng cường các trao đổi hiện còn rất khiêm nhượng giữa hai quân đội [military-to-military exchanges]. Với điều kiện là không gây thiệt hại cho các bí mật quan trọng, việc hai nước tăng cường tìm hiểu các hệ thống và các thủ tục quân sự của nhau sẽ làm giảm bớt rủi ro về việc vô tình leo thang trong một cuộc đối đầu. Hai bên sẽ có đủ khôn ngoan, nếu nuôi dưỡng được một sự quen biết thân thiện giữa các sĩ quan tham mưu của hai nước – một sự quen biết mà khi khi khủng hoảng xảy ra, có thể tạo được một chút niềm tin hữu ích nếu các lãnh đạo chính trị muốn tìm cách xuống thang xung đột.

Thúc đẩy Bắc Kinh và Washington đối phó với nhiệm vụ khó khăn trong việc ngăn ngừa một khủng hoảng tương lai sẽ không dễ dàng. Rốt cuộc, có lẽ phải cần đến kinh nghiệm sống qua một cuộc đối đầu hãi hùng ở dạng thức đã từng đánh dấu buổi đầu của Chiến tranh lạnh. Nhưng không nên để cho tình hình đi đến chỗ đó.

A.G.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn