Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 20)

(Negotiating Radical Change: Understanding and Extending the Lessons of the Polish Round Table Talks)

Dịch giả: Nguyễn Quang A

Giải quyết Xung đột Bàn Tròn Ba Lan: Đàm phán sự Thay đổi Hệ thống?

Mark Chesler

Trong bài báo này, tôi áp dụng tài liệu và kinh nghiệm trong những nghiên cứu về xung đột xã hội leo thang và sự giải quyết xung đột vào lịch sử của Bàn Tròn Ba Lan. Kinh nghiệm Bàn Tròn Ba Lan, cũng như những sự kiện dẫn đến sự hình thành của nó và tổng quan vể tác động của nó mười năm sau, đại diện cho một cơ sở dữ liệu hữu ích cho việc xem xét các lý thuyết và các nguyên lý thực tiễn hiện có trong tài liệu nghiên cứu về giải quyết xung đột. Cũng thế, tài liệu và kinh nghiệm về giải quyết xung đột trình bày một điểm thuận lợi độc nhất mà từ đó để xem xét Bàn Tròn Ba Lan. Cả tài liệu này và kinh nghiệm Bàn Tròn chắc hẳn được lợi từ sự kết hợp của chúng.

Vì các mục đích hiện tại, tôi định nghĩa xung đột như một tình huống mà trong đó hai hay hơn hai bên bận rộn và tương tác với nhau có một sự bất đồng quan trọng và thích đáng về các mục tiêu hay các lợi ích mà không thể đạt được đồng thời. Những từ khóa ở đây được in nghiêng, bởi vì nếu các bên thôi tương thuộc vào nhau (không cần đến nhau cho sự tồn tại, cho hiệu suất, hay cho gì đi nữa) hoặc không còn bất đồng (về các vấn đề quan trọng) thì xung đột hoặc hết hoặc trở nên không thích đáng. Muộn hơn tôi sẽ quay lại các điều kiện này chi tiết hơn, nhưng là rõ, rằng tình huống ở Ba Lan thỏa mãn các điều khoản định nghĩa.

Hơn nữa, tuy tôi đã chọn các thuật ngữ “giải quyết xung đột,” “Bàn Tròn Ba Lan” và “thay đổi hệ thống” như tiêu đề và các tiêu điểm của phân tích này, mỗi trong các thuật ngữ này có nhiều ý nghĩa hay có ý nghĩa không rõ ràng, và mỗi thuật ngữ có một lịch sử lôi thôi. Thí dụ, các nhà phân tích khác nhau về các quá trình xung đột thích không nghĩ về các cuộc xung đột nghiêm trọng như có bao giờ được giải quyết hoàn toàn, mà như được “kiềm chế,” dàn xếp,” “xử lý,” vân vân. Trong trường hợp của Bàn Tròn Ba Lan, là rõ rằng các xung đột cốt lõi và cơ bản đã chẳng hề được giải quyết tại hay bởi Bàn Tròn. Đúng hơn, một quá trình đàm phán đã được đưa ra mà trong đó những người bất đồng mạnh mẽ và chiến đấu chống lại nhau đã đi đến một số thỏa thuận cho phép họ sống cùng nhau và cho phép hệ thống xã hội, mà họ đã sống trong đó, tiếp tục vận hành mà không có chiến tranh hay sự phân ly. Bản thân Bàn Tròn Ba Lan là một thuật ngữ được áp dụng cho nhiều hơn một phiên đơn nhất hay một loạt phiên tại Bàn Tròn; nó bao phủ một chuỗi toàn bộ các cuộc gặp mặt và các quá trình thương lượng chính thức và phi chính thức đã xảy ra trong một thời kỳ đáng kể. Và nó không thể được hiểu mà không có sự xem xét nào đó về cả tiền-sử tạo ra khung cảnh lẫn sự cần thiết đến Bàn Tròn và mười năm hậu-sử mà cho phép chúng ta xem xét lại các thành tựu của nó. Cuối cùng, liệu một sự thay đổi hệ thống đã diễn ra ở Ba Lan hay không, liệu nó diễn ra như kết quả của Bàn Tròn hay không, và liệu sự thay đổi nhiều hơn và tốt hơn đã có thể xảy ra giả như đã không có Bàn Tròn hay không, là các vấn đề của cuộc tranh luận tiếp tục.

Đây là nhiều khung cảnh cho bài báo này. Ngay từ đầu, tôi khẳng định rằng phần lớn những gì chúng ta biết về sự hình thành, sự vận hành và những kết quả được cho là của Bàn Tròn Ba Lan hợp khéo với những sự hiểu biết được thấu hiểu một cách rộng rãi trong lĩnh vực giải quyết xung đột. Đồng thời, thí dụ Ba Lan làm sâu sắc và mở rộng hiểu biết của chúng ta về một số nguyên lý và thực hành được hiểu thấu này và cung cấp một khung cảnh lý thú độc nhất để xem xét lại chúng trong đó. Tôi đã tổ chức bài báo này xung quanh sáu vấn đề hay câu hỏi then chốt mà là đặc thù đối với hầu hết những thảo luận về xung đột và giải quyết xung đột; tất cả chúng đều hiện diện trong thảo luận về Bàn Tròn Ba Lan.

I. Loại các vấn đề gì có thể được thương lượng?

II. Khi nào các cuộc đàm phán là hữu ích (nhất) như một chiến lược?

III. Cần những gì cho các cuộc đàm phán tiến triển tốt?

IV. Các vai trò của bên thứ ba hay “người can thiệp” hữu ích là gì?

V. Làm sao các bên xung đột đi đến tin nhau đủ để đàm phán?

VI. Các cuộc đàm phán có thể, và làm sao có thể dẫn đến sự thay đổi hệ thống?

Tôi kết thúc phần phân tích của bài báo này với vài suy ngẫm về việc sử dụng học thuật và chính trị của ký ức được tổ chức như một phần của kinh nghiệm Bàn Tròn và với vài gợi ý cho những phân tích so sánh mà có thể mở rộng việc nghiên cứu. Cuối cùng, tôi nêu lên một loạt câu hỏi mà có thể hữu ích trong hướng dẫn các cuộc thảo luận lớp học mà có thể bắt nguồn từ cơ sở dữ liệu và phân tích này.

I. Những Loại Vấn đề nào Có thể được Thương lượng?

Vấn đề sống còn thứ nhất, trong phân tích xung đột này và các xung đột khác, phải là bản chất và mức độ của các mục tiêu hay lợi ích khác nhau của các bên. Chúng có thực sự không tương thích với nhau? Có các vấn đề nơi những thỏa hiệp hay đàm phán có thể xảy ra, hay chiến tranh và thắng/thua là mô hình thích hợp? Đây có là tình huống tổng-bằng-không – kẻ thắng lấy hết – hay không?

Hầu hết tài liệu đề cập đến những câu hỏi này nêu ra một sự phân biệt giữa các vấn đề dính líu đến: (1) các giá trị cốt lõi hay thiêng liêng, như những quan niệm về các quyền cơ bản, sự thật và công lý xã hội; và (2) các nguồn lực có thể chia sẻ, như quyền lực, tiền bạc và các hàng hóa vật chất.[1]

Quả thực, Fiss cho rằng các quyền hợp hiến là không thể thương lượng được, trong khi các miếng của chiếc bánh thì rất có thể.[2] Fisher và Ury, khi tư vấn cho các bên về làm thế nào để bắt đầu một tình huống đàm phán, gợi ý rằng các bên xung đột đừng tuyên bố “các lập trường” hay “ý thức hệ” không thể vi phạm và hãy tập trung vào việc diễn đạt rõ ràng “các lợi ích”: những cái sau là có thể thương lượng được về mặt tiềm năng trong khi những cái trước thì không.[3] Trong một bối cảnh tương tự, Susskind và Cruikshank gợi ý rằng khi có vẻ dính líu đến các giá trị thiêng liêng, thì các chiến sỹ những người muốn đàm phán phải đóng gói lại, xác định lại hay định khung lại các vấn đề sao cho cuộc đàm phán (và hy vọng thỏa hiệp) có thể xảy ra.[4]

Trong bối cảnh của Bàn Tròn Ba Lan, nhiều người tham gia đồng ý dứt khoát rằng nó đã không là nơi để tìm “chân lý” hay “công lý.” Bujak lưu ý rằng, theo quan điểm của ông, cuộc chiến đấu cho tự do và dân chủ đã không hệt như cuộc chiến đấu vì công lý, và rằng ngay cả các nạn nhân của các tội ác chế độ “đã không chiến đấu vì công lý một trăm phần trăm và xóa bỏ cái xấu. Họ đã chiến đấu vì tự do và dân chủ.”[5] Thực vậy, ông cho rằng, từ quan điểm công lý cho các nạm nhân hay sự trừng trị những kẻ phạm tội, “các nhà đàm phán Bàn Tròn (được nghĩ đến) như là tồi.”[6] Một số tranh luận hiện tại về Ủy Ban Sự thật và Hòa giải ở Nam Phi (như ở các nơi khác) là bao nhiêu “sự thật” (và công lý) đối lại bao nhiêu “hòa giải” đã xảy ra hoặc đã có thể xảy ra hoặc thậm chí phải xảy ra.[7] Nếu các Ủy ban (hay Bàn Tròn) này là cho sự hòa giải, chứ không phải cho công lý, thì điều đó là gì đối với sự thật? Pinochet (và các thành viên khác của chế độ của ông ta) sẽ có nhận được sự “xét xử ông bằng” ở Tây Ban Nha – “sựu thật” sẽ nổi lên hay “công lý” sẽ thắng? Điều đó sẽ có xảy ra ở Chile, hay kết quả sẽ là một sự thỏa hiệp? Phe đối lập Chile của Pinochet sẽ nói gì về sự hòa giải như một mục tiêu?

Nếu sự bất đồng cốt lõi về các giá trị như chân lý và công lý đã không được tranh luận ở Bàn Tròn, thì cái gì đã được? “Các nguồn lực có thể chia sẻ được” hay các vấn đề có thể thỏa hiệp được mà xung quanh đó các cuộc đàm phán có thể xảy ra đã là những gì? Nằm dưới các lập trường đã thay đổi của các nhà hoạt động Đoàn kết và các quan chức Chính phủ đã là một sự quan tâm cho, và quả thực một sự cam kết với, sự chia sẻ quyền lực và quyền uy hợp pháp. Và đây là nguồn lực làm chủ trong bất kỳ hệ thống xã hội nào, hệ thống quản trị sự phân bổ các nguồn lực khác, và quả thực sự phân bố của các quyền và các đặc ân.

Như thế, nói chung đã được kết luận rằng Bàn Tròn Ba Lan đã là về một loạt các thỏa hiệp được thương thuyết nhằm duy trì một xã hội ổn định và tương đối yên bình, một xã hội mà trong đó quyền lực hợp pháp của cấu trúc nhà nước được duy trì, mặc dù với những dàn xếp khác nhau liên quan đến những ai sẽ chia sẻ trong việc thực hiện quyền lực hợp pháp này. Chẳng bên chủ chốt nào tại bàn đã muốn thả sức mạnh hủy hoại của bạo lực – bạo lực nhà nước hay bạo lực thách thức – (hoặc nhìn thấy nó được thả). Các vấn đề trên bàn, những sự bất đồng và các thỏa hiệp, đã được biểu thị bằng những mục tiêu cụ thể hơn, như sự công nhận các nghiệp đoàn tự do, không gian cho sự phát triển nền dân chủ, và khả năng về cải thiện kinh tế. Vì sao thỏa hiệp? Michnik biện minh rằng thỏa hiệp là cốt yếu cho dân chủ, “…tự do còn chưa phải là dân chủ. Dân chủ là tự do được thể chế hóa, phải chịu các thủ tục của nhà nước pháp quyền. Dân chủ không chỉ là sự cai trị của đa số, mà nó cũng là các quyền cho các thiểu số. Nói cách khác, bánh mỳ và rượu của dân chủ là sự thỏa hiệp.”[8] Michnik gợi ý thêm rằng các nhà hoạt động Đoàn kết nói chung đã không muốn lật đổ chính phủ cộng sản; không chỉ bạo lực mà (cả) “sự chinh phục lại” là sai về mặt đạo đức và phi dân chủ (như bản thân sự chinh phục). Vì sự tái chinh phục hoặc sự hòa giải đã là các lựa chọn duy nhất hiển nhiên sẵn có, rõ ràng đã phải lựa chọn sự hòa giải. Staniszewska diễn đạt còn rõ hơn, lưu ý rằng sự tháo dỡ hệ thống đã không là mục tiêu: “Nếu bất cứ ai đã nghĩ rằng hệ thống được tháo dỡ thì Bàn Tròn đã chẳng hề xảy ra.”[9] Reykowski cho biết rằng mọi người đã thử quên đi quá khứ (áp bức) và không thảo luận “các vấn đề biểu tượng.” Và Rakowski cho biết rằng ông, “đã coi Bàn Tròn như một sự khởi đầu của một sự thay đổi tiến hóa của hệ thống,”[10] không như một cố gắng để đạt điểm cuối. Hall cung cấp một đoạn đuôi hữu ích cho sự thảo luận này, lưu ý rằng Bàn Tròn đã là một lựa chọn chính trị thực dụng cho tất cả mọi người.

Một cách tiếp cận thực dụng đến sự thương lượng về các lợi ích khác nhau phải nhận diện một số lợi ích chung nào đó giữa các bên. Những gì các bên của Bàn Tròn Ba Lan đã công nhận, và những gì đã cho phép họ cùng đến bên bàn, đã là lợi ích chung của họ trong sự “sống sót của cái toàn thể” hay “lợi ích của cái toàn thể” (toàn thể xã hội trong trường hợp này, toàn bộ công ty trong các cuộc đàm phán nghiệp đoàn lao động, toàn bộ gia đình trong các cuộc đàm phán hôn nhân/ly hôn chính thức hay phi chính thức). Một số nhà quan sát thảo luận điều này như sự bày tỏ hay sự diễn đạt sự quan tâm cho một “mục tiêu cấp bậc trên [superordinate],”[11] mà tạo thành một mục tiêu cả hai bên (tất cả các bên) cùng nhau có được, nhưng nó không thể có được bởi hoạt động một mình của bất cứ bên nào. Đây là tiêu chuẩn sống còn mà cho phép những người có lập trường đối nghịch mạnh để đi đến bàn đàm phán. Trong trường hợp Ba Lan, sự ổn định và sự sống sót của xã hội và trật tự dân sự đã đang bị đe dọa đã như một mục tiêu cấp bậc trên, như tính bền vững kinh tế đã là, và cả hai bên (Chính phủ và Đoàn kết) đã thống nhất rằng họ cần phải làm việc với nhau để đạt những mục tiêu này. Quả thực, Michnik cho biết rằng cái đã là giá trị tối cao đối với ông trong các cuộc Đàm phán Bàn Tròn đã là “lợi ích quốc gia quan trọng trên hết.”[12]

Nhiều người tham gia Bàn Tròn thảo luận về cách, khi họ đã thử đại diện cho cả cử tri của họ (các lợi ích cá biệt) và cố gắng cho lợi ích chung (các lợi ích chung), đôi khi họ đã bị coi như phản bội sự nghiệp chính đáng của họ và hợp tác với kẻ thù. Michnik nhận diện vấn đề này như một phần bị coi như “bọn hồng,” khi ông lưu ý rằng đó là “số phận của các nhà cải cách” để bị “cáo buộc về sự phản bội cộng đồng riêng của họ.”[13] Ở bên kia, Reykowski cho biết rằng ông cũng đã bị những người Cộng sản trung thành lên án là phản bội và rằng những người trong Đảng đã bị sốc trước thái độ không thành kiến của ông đối với Đoàn kết và các cuộc đàm phán. Một cách để đối phó với vấn đề này được gợi ý bởi Staniszewska, người lưu ý rằng các đại biểu cần cởi mở và kiểm tra thường xuyên với nhóm cử tri của mình. Nhưng chẳng sự kiểm tra nào trong những sự kiểm tra này bảo vệ hữu hiệu chống lại những cảm nhận về phản bội. Sự căng thẳng giữa việc là một người vận động cho nhóm cử tri của chính mình và các lập trường hay lợi ích cá biệt của nó, và việc là một người tìm kiếm các giải pháp thỏa hiệp trong lợi ích chung, là một kinh nghiệm chung của các nhà đàm phán đại diện.

Những sự chia rẽ bên trong các nhóm cử tri riêng của họ đã làm giảm nhẹ động lực này, và đã nêu lên câu hỏi về lợi ích của những người đại diện trong sự sống sót của chính bên họ như một tổng thể, và của vai trò lãnh đạo liên đới của họ. Rõ ràng rằng cả Chính phủ lẫn Đoàn kết đã không đại diện cho tất cả nhân dân và các lợi ích bên trong nhóm cử tri chung của họ. Davis lưu ý rằng đã không chỉ có hai bên tại Bàn Tròn, hay trong xã hội, và rằng không phải tất cả các bên này đã được đại diện và được đại diện tốt tại các cuộc đàm phán. Cả Kaczyński và Hall cũng gợi ý rằng đã có nhiều cộng đồng đối lập không nhất thiết được đại diện bởi Đoàn kết, và chắc chắn không (được Đoàn kết chọn để) hiện diện tại Bàn Tròn; ngụ ý là họ đã “quá cực đoan” trong quan điểm của họ hay đã không đủ sẵn sàng để từ bỏ bạo lực và nắm lấy khả năng thỏa hiệp. Hơn nữa, và quan trọng, đã được giả thiết (hay hy vọng) rằng các nhóm không được đại diện không đủ mạnh để ngăn chặn các cuộc đàm phán hay cản trở sự thực hiện các thỏa thuận.

II. Khi nào Đàm phán là Hữu ích (nhất) Như một Chiến lược?

Những thảo luận chiến thuật về khi nào, trong tiến trình của một tình huống hay quá trình xung đột, việc đàm phán là thích đáng, hay khi nào các bên “sẵn sàng để thương lượng,” là chuyện tầm thường trong tài liệu về giải quyết xung đột. Như thế vấn đề sống còn thứ hai trong phân tích xung đột này và các xung đột khác, là mức độ mà theo đó các bên đã thực sự tương thuộc vào nhau, đối đầu với nhau một cách không thể tránh khỏi, và tương tác với nhau. Rõ ràng rằng các bên của Bàn Tròn, thực tế là các bên của xã hội Ba Lan, đã đối đầu với nhau và tương tác với nhau theo nhiều cách khác nhau và sẽ tiếp tục làm vậy. Một khi điều đó đã rõ, các cuộc đàm phán phụ thuộc vào sự sẵn sàng của mỗi bên, và khả năng của họ để thuyết phục bên kia, rằng họ sẽ bác bỏ (hay từ chối) sự phá hủy hệ thống hay bạo lực và sự áp bức, và như thế có thể hợp pháp hóa sự tồn tại của nhau, sự phụ thuộc lẫn nhau, và mong muốn của họ để làm việc cùng nhau. Điều đó mở ra khả năng của một “thỏa thuận giao dịch” hay một giải pháp thỏa hiệp.

Việc này nêu lên một câu hỏi chiến lược cũng như đạo đức. Khủng hoảng hệ thống – bạo lực và sự áp bức hay sự đe dọa như vậy – có thể làm mềm các đối thủ và đưa họ đến bàn đàm phán. Nhưng những đe dọa được tiếp tục về bạo lực và áp bức cũng có thể đem lại kết quả ngược lại, làm cứng rắn các đối thủ trở thành các kẻ thù và cũng đánh mất sự ủng hộ công khai từ những người cam kết hời hợt. Sự tính toán có ý nghĩa nhất cho các bên tại bước ngoặt chiến lược này được gọi là BATNA: Best Alternative to a Negotiated Agreement (Khả năng Thay thế Khả dĩ Tốt nhất đối với một Thỏa thuận được Thương lượng).[14] Nếu một bên có thể cải thiện vị thế của mình và đạt các mục tiêu của nó bằng việc sử dụng các chiến thuật khác với đàm phán, thì không chắc đi đến bàn thương lượng. Tất nhiên, một bên có thể đi đến bàn với “ý xấu,” có vẻ tham gia đàm phán nhưng lợi dụng tình thế để thu thập thông tin chiến lược về các đối thủ, tạo ra sự trì hoãn và sự lẫn lộn, vân vân. Tuy vậy, Susskind và Cruikshank cho rằng sớm hay muộn, “Khi sự tranh chấp tiếp tục và tiền cược tăng lên, hầu hết các nhóm cuối cùng đều đến gần việc cân nhắc BATNA của họ, hơn là chịu đựng một kết quả cực đoan,” một kết quả gây ra bởi hành động đơn phương hay áp bức.[15]

Như thế, ngoài sự thảo luận trước về bản chất của những vấn đề đang lâm nguy như một cân nhắc xác đáng trong những quyết định để đi đến đàm phán, là quan trọng để xem xét Bàn Tròn như một chiến lược thay đổi xã hội trong bối cảnh của những phương thức khác về sự thay đổi và sự kháng cự mà đã hoặc đã có thể sẵn có.[16] Thí dụ, Chrzanowski gợi ý rằng đã tồn tại nhiều mô hình thay thế khả dĩ về sự kháng cự lại chế độ độc đoán: nổi dậy (như trong các cuộc đình công quốc gia, các cuộc biểu tình và việc sử dụng vũ lực), phòng thủ tích cực (như trong việc sử dụng áp lực chính trị và kinh tế mềm hơn lên chế độ, bao gồm việc sử dụng báo chí và giáo hội), tương tác trực tiếp (như trong các nỗ lực để có được những nhượng bộ), và cuối cùng là đàm phán (như trong Bàn Tròn).[17] Bujak bày tỏ quan điểm rằng các cuộc đình công được dự trù để dẫn đến đàm phán, chứ không phải đến bạo lực, và rằng, “các cuộc đàm phán như một phương thức để giải quyết xung đột đã là nguyên tắc hiến định bên trong Đoàn kết.”[18] Hơn nữa, bạo lực đã không có kết quả! Staniszewska đồng ý rằng, “Bạo lực đã là vô nghĩa và bạo lực chẳng sinh ra cái gì ngoài bạo lực và chẳng có gì mang tính xây dựng có thể nổi lên từ nó.”[19] Có lẽ Hall tóm tắt quan điểm này khéo nhất dưới dạng chiến lược, biện luận rằng, nói một cách thực dụng, các lựa chọn khác với đàm phán và Bàn Tròn, “đối với tôi đã có vẻ thậm chí rủi ro hơn cho Ba Lan, nguy hiểm hơn,”[20] về mặt các kết quả không kiểm soát được của áp lực trực tiếp và bạo lực và sự không thể tiên đoán được của các hành động Soviet. Từ phía chính phủ, Ciosek lý lẽ tương tự, hay có lẽ có đi có lại, cho biết rằng, “Chúng tôi đã không sợ bản thân Đoàn kết mà chính là sợ Đoàn kết sẽ không có khả năng nhốt thần lại vào chai,”[21] rằng Đoàn kết đã có thể không kiểm soát được người của nó và rằng sự phản kháng của quần chúng sẽ nổ ra. Là rõ rằng đã có các yếu tố Đoàn kết thích các lựa chọn khác với đàm phán và đã tìm kiếm các mục tiêu thách thức cơ bản hơn cho quá trình thay đổi. Nhưng như đã nhắc tới ở trên, nhiều trong số họ đã không (được chọn để) có mặt tại Bàn Tròn.

Bối cảnh bên ngoài của tình huống xung đột là một nhân tố có tính quyết định khác, ảnh hưởng đến khả năng các bên khác nhau sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán, và như thế là một biến số nữa trong việc tính toán BATNA của các bên. Trong ngữ cảnh Ba Lan, các lực lượng bên ngoài đã thay đổi đã làm tăng mức đe dọa liên quan đến sự tồn tại của xã hội hay mức lạc quan về những khả năng thay đổi. Cả hai cách, chúng đã làm tăng sự cần thiết đối với nhiều người để xem xét lợi ích chung. Thí dụ, một phần của tác động ngoại xác đáng liên quan đến cái khác xảy ra ở Ba Lan lúc đó. Những người tham gia khác nhau nói về khủng hoảng kinh tế hay vật chất đang xảy ra, và sự thất vọng và “áp lực từ dưới lên” gây ra bởi những lời hứa không được thỏa mãn về sự thịnh vượng lớn hơn. Những người khác gợi ý rằng Ba Lan đã trải nghiệm rồi nhiều tự do hơn các nước khác trong khối Soviet và, như thế, đã sẵn sàng hơn cho sự thay đổi, sự thỏa hiệp, và các cuộc đàm phán như Bàn Tròn. Tương tự, chúng ta có thế thấy tình trạng của nền kinh tế quốc gia và sự thay đổi văn hóa chính trị chắc chắn tác động thế nào đến các mối quan hệ công đoàn-lao động hay những sự điều đình giữa các chủng tộc ở Hoa Kỳ.

Một tập hợp khác của các lực lượng bên ngoài liên quan đến thực tế – và, không kể thực tế khách quan, mà là nhận thức của người dân về thực tế – về các ý định Soviet và khả năng can thiệp Soviet, chế độ Cộng sản Ba Lan phải “nhường quá nhiều” cho các nhà đàm phán Đoàn kết. Chẳng hạn, Rakowski lưu ý (và Ciosek đồng ý) rằng các nhà lãnh đạo cộng sản, bản thân họ đã có gốc rễ trong một thời gian và kinh nghiệm lịch sử nhất định, đã cảm thấy rằng họ có lẽ đã cường điệu nỗi sợ của họ về sự can thiệp Soviet, ngoài “nỗi sợ hãi và sự tôn trọng tuyệt đối cường quốc phía Đông sông Bug.”[22] Davis, ngay cả không có trải nghiệm cá nhân đó, tường thuật rằng ông, “tôi ngờ mạnh mẽ rằng cuối cùng Liên Xô sẽ can thiệp, nếu, trên thực tế, Đoàn kết nắm quyền ở Ba Lan ... …(và như thế) đã cảnh báo bạn bè Đoàn kết của tôi phải cẩn trọng… (và) đã thử để gây ảnh hưởng đến phe đối lập…rằng đó là vì lợi ích của họ để nói chuyện với chính phủ.”[23] Mặt khác, Chrzanowski gợi ý những người Nga đã quá yếu để can thiệp vào cuối các năm 1980, mặc dù không rõ là bao nhiêu người đã muốn đánh bạc trên sự đánh giá đó.

Ngoài ra, có bình luận quan trọng về vai trò của Hoa Kỳ, các quốc gia phương Tây khác và những người Ba Lan di cư ở Hoa Kỳ. Rakowski gợi ý rằng Ba Lan đã độc nhất có khả năng chuyển theo hướng Bàn Tròn bởi vì các mối liên hệ của nó với Hoa Kỳ thông qua những người di cư Ba Lan. Quan điểm này đã được Davis ủng hộ, khi ông thảo luận cả “sự hăng hái” của chính quyền Reagan “để đè bẹp chế độ Ba Lan… (lẫn việc nhờ ra sao đến) cộng đồng Ba Lan-Mỹ, sự điều độ của họ, sự khôn ngoan của họ và sự ủng hộ chính trị của họ, chúng tôi đã có thể đạt được một sự cân bằng”[24] trong nỗ lực để tác động (một cách nhẹ nhàng) lên chế độ. Orszulik nói thêm rằng những sự cấm vận của phương Tây “thực sự đã hóa ra rất hiệu quả”[25] để giúp làm mềm chế độ, mặc dù chúng cũng đã gây ra đau khổ cho nhân dân Ba Lan. Chúng ta có thể hình dung động lực tương tự của ảnh hưởng bên ngoài trong các hoạt động của cộng đồng Do thái Mỹ đối với chính phủ Israel trong các cuộc đàm phán của nó với các chính khách Palestin (và Syri bây giờ) theo (cả hai chiều – làm cứng rắn và làm mềm); vai trò của các cộng đồng Irish-Mỹ trong việc ủng hộ và phản đối các sự kiện ở Bắc Ireland; vai trò của sự tẩy chay kinh tế phi chính phủ Mỹ trong việc ủng hộ để thách thức chế độ Apartheid ở Nam Phi; hoạt động của C.I.A. trong việc ủng hộ hay phản đối các chế độ ở Mỹ Latin và những nơi khác. (Không việc nào trong những việc này bàn hoặc về tính hiệu quả hay tính không hiệu quả của bất kỳ tác động nào trong số những tác động này, mà chỉ nêu sự tồn tại của chúng.)

Vai trò của Giáo hội Công giáo (và Giáo hoàng hiện thời) cũng được dẫn ra nhiều lần, cả theo nghĩa Giáo hội Ba Lan như người ủng hộ Đoàn kết và các cuộc đàm phán, lẫn về tác động lên chế độ của Giáo hội Công giáo quốc tế dưới dạng các cuộc viếng thăm và tuyên bố của Giáo hoàng.

III. Cần Những gì cho các cuộc Đàm phán Tiến triển?

Tài liệu cho biết rằng một khi là rõ rằng các bên sẵn sàng để thương lượng, các cuộc đàm phán thành công đòi hỏi sự hiện diện của nhiều thứ nhân tố hay điều kiện. Một số của những điều kiện này bản thân chúng là bối cảnh tự nhiên mà thúc đẩy các bên đến bàn đàm phán (căn cứ vào BATNA của họ) trong khi các điều kiện khác có thể được tạo ra hay được tạo thuận lợi bằng những cách mà theo đó các cuộc đàm phán được cấu trúc hay được tổ chức. Để cho thuận tiện, chúng tôi đã gắn nhãn cho các điều kiện trước là các điều kiện bên ngoài và các điều kiện sau là các điều kiện bên trong.

Các điều kiện bên ngoài. Như được thảo luận ở trên, bối cảnh xã hội bên ngoài của các tình huống xung đột là một nhân tố có tính quyết định ảnh hưởng đến chính khả năng hay sự tồn tại của các cuộc đàm phán (và giúp các bên để tính BATNA của họ). Trong bối cảnh Bàn Tròn, một phần của tác động ngoại xác đáng liên quan đến những thứ khác xảy ra ở Ba Lan, trên vũ đài lớn hơn của Đông Âu, và trong thế giới nói chung lúc đó.

Các cuộc đàm phán thành công nhìn chung đòi hỏi các bên liên quan có sức mạnh ngang nhau tương đối, hay chí ít đủ sự ngang hàng sức mạnh để tạo ra một tình huống của sự dễ bị tổn thương và răn đe lẫn nhau, hay chí ít sự dễ bị tổn thương được cảm nhận: “mỗi bên phải có chí ít đòn bẩy nào đó mà nó có thể sử dụng, nếu cần, để gây bất lợi cho bên kia.”[26] Như Wehr chỉ ra, thường việc thương lượng chỉ có thể bắt đầu khi, “các nhóm bị áp bức …giảm sự không cân bằng sức mạnh thông qua đối đầu đến điểm nơi sự hòa giải và mặc cả có thể xảy ra.”[27] Ở mức vĩ mô hay xã hội ở Ba Lan, nguyên lý này được phản ánh trong lý lẽ rằng, vào lúc xây dựng Bàn Tròn, cả hai bên đã khá yếu…và mỗi bên đã biết điều đó. Như Staniszewska nói rõ, “Bàn Tròn đã thực sự tiến hóa từ sự yếu của cả hai bên.… Nếu lúc đó ít nhất một trong các bên, mà cuối cùng đã ngồi xuống Bàn Tròn, giả như đã cảm thấy mạnh và đã mạnh, đã cảm thấy rằng nó thực sự có quyền lực trên linh hồn và tâm trí của người dân, thì tôi chắc chắn rằng đã không có Bàn Tròn nào cả.”[28] Cho nên sự yếu chung là một thí dụ cũng rõ về nguyên lý “cân bằng sức mạnh” như sự mạnh mẽ chung.[29] Nhưng sức mạnh chẳng bao giờ thực sự bằng nhau, và Jankowska cho rằng Đảng Cộng sản và Đoàn kết “đã không thật sự là các đối tác đầy đủ”[30]; Đảng đã có quyền lực để kiểm soát TV và báo chí, và Đoàn kết đã phải chạy theo và sửa “các nhà báo chế độ” những người đã kể chuyện về các sự kiện theo cách của đảng của họ.

Đã là có ích cho việc tạo ra và tiến hành Bàn Tròn Ba Lan vì tất cả các thành viên đầu tiên và trên hết đều đã xem mình là “những người Ba Lan.” Trong chừng mực mà các xung đột chính về chủng tộc/sắc tộc, giai cấp và văn hóa bùng nổ theo cùng cách như các xung đột về quyền lực và đặc ân, quyền lực ít có khả năng được cân bằng, những ý thức hệ khác nhau căn bản có lẽ có nhiều khả năng đang bị đe dọa, và những lời phàn nàn lịch sử và sự bất công có lẽ có nhiều khả năng là phần của sự tranh đua. Điều này có thể làm cho sự liên kết đa bản sắc như vậy là một chiến thuật huy động tốt cho việc tập hợp các nhóm lại với nhau và tiếp sinh lực cho các nhóm thách thức. Nhưng việc huy động và đàm phán là các chiến thuật thay đổi đặc biệt, cho dù thường xuất hiện nối đuôi nhau. Khi các cuộc đàm phán được tiến hành, các bên phải có khả năng để tách biệt – về mặt trí tuệ, cảm xúc và thực tiễn – các vấn đề về bản sắc và các vấn đề về lợi ích ra khỏi nhau, hệt như họ phải có khả năng tách biệt các lợi ích và các lập trường. Các lợi ích là có thể thương lượng được, trong khi các lập trường ý thức hệ và các bản sắc cốt lõi là không. Nếu những sự tách bạch đó không được tiến hành, thì các cuộc đàm phán có lẽ ít có khả năng xảy ra, và khi chúng xảy ra, có nhiều khả năng chúng hết sức gây tranh cãi và không thành công. Hãy xem xét bản chất bị sắc tộc hóa và bị làm nổi bật bản sắc nhóm của các xung đột dựa trên tài nguyên ở Israel-Palestine, Bắc Ireland, Nam Tư trước đây, vân vân.

Các điều kiện bên trong. Một số điều kiện bên trong cũng phải được thỏa mãn cho các cuộc đàm phán thành công. Chủ yếu trong số chúng là “các vấn đề quá trình,” như sự ngang bằng sức mạnh,[31] khả năng của mỗi bên để làm việc hiệu quả với nhóm cử tri riêng của mình, cũng như để phát triển sự truyền thông hiệu quả với các đối thủ và với các đồng minh, và các kỹ năng giữa cá nhân của các đại diện (thí dụ, kỹ năng giao tiếp, kiểm soát xúc cảm, xử trí sự giận dữ). Tài liệu về đàm phán đầy ứ sự hỗ trợ lý thuyết cho sự cần thiết cá biệt của sự góp phần vào làm ngang bằng sức mạnh tương đối và chứa nhiều gợi ý cho những can thiệp quá trình mà có thể ít nhiều (hoặc thậm chí tạm thời) tạo ra sự cân bằng sức mạnh.

Sự ngang bằng sức mạnh, hay sự bình đẳng sức mạnh tương đối, đã được thúc đẩy ở mức vi mô hay quá trình bên trong Bàn Tròn bởi các thứ như số người đại diện bằng nhau cho mỗi bên, chủ tọa luân phiên của các cuộc họp, tiêu chuẩn về những người phát biểu luân phiên của mỗi bên (Reykowski), sự tự trị trong việc lựa chọn các đại diện, và sử dụng “các bàn nhỏ” nơi mọi người có thể tiến hành các cuộc trò chuyện và đàm phán trực tiếp một đối một, thoát được tư thế công khai biểu thị trong một số cuộc bàn cãi toàn bộ Bàn Tròn và những sự sử dụng quyền lực bởi vài lãnh đạo chi phối của mỗi bên (có lẽ để giữ những người của chính họ “theo đường lối”). Một điều kiện làm cân bằng quan trọng của Bàn Tròn đã là, mỗi bên quyết định ai đại diện cho chính nó; nói chung những người Cộng sản đã không quyết định ai sẽ đại diện cho Đoàn kết (một điều kiện được Susskind và Cruikshank lưu ý như cốt yếu).

Chrzanowski đã cho biết rằng tại một thời điểm các nhà chức trách đã muốn chọn các đại diện của Đoàn kết cho Bàn Tròn, nhưng việc này đã không xảy ra. Như chúng ta thấy, những người đã đại diện cho Đoàn kết (hay cho chế độ) đã có đủ rắc rối để giữ sự tín nhiệm của họ bên trong nhóm cử tri của họ như đã có; nó sẽ bị mất hoàn toàn giả như sự tự chủ lựa chọn đã bị tổn thương.

Khó khăn mà mỗi bên của Bàn Tròn đã trải nghiệm trong quản lý những sự chia rẽ và những tranh luận nội bộ của chính họ đã gây áp lực lên khả năng của họ để xây dựng và vận hành các cuộc đàm phán. Thí dụ, Michnik cho rằng cả Đoàn kết và Đảng Cộng sản (chính phủ) đã bị chia rẽ, rằng đất nước đã bị chia rẽ ngay cả trong cuộc bầu cử tiếp sau, và Janas lưu ý rằng đã là rõ với ông, khi ông đã thử tổ chức phe đối lập trong các nhà máy, rằng tất cả những người Ba Lan đã không phản đối Đảng Cộng sản và ủng hộ Đoàn kết. Bujak nhận thấy dứt khoát rằng duy trì Đoàn kết đã là chìa khóa, nhưng điều đó, vì nó đã là một phong trào phân tán, phi tập trung, không có hệ thống giám sát trực tiếp, điều đó đã rất khó khăn. Tiền đặt cọc đã trở nên đặc biệt cao khi một số bên trong hàng ngũ của Đoàn kết (theo Janas, những người cấp tiến trẻ) đã quay sang bạo lực, hay đã làm nhòe ranh giới giữa các cuộc biểu tình hòa bình và chủ nghĩa khủng bố (tất nhiên, như đã lưu ý trước đây, Đảng đã hết sức sẵn sàng giúp đỡ để làm nhòe sự phân biệt này). Các bên những người biết về các nhóm cử tri chia rẽ của nhau có thể chọn để tăng cường vị thế đàm phán bằng cách phớt lờ chúng, hoặc họ có thể thử làm yếu đối thủ của họ (và như thế làm thay đổi cán cân sức mạnh trong bản thân thương lượng) bằng khai thác hay lôi cuốn những sự chia rẽ này. Vấn đề về làm việc với các nhóm cử tri tạp nham của chính mình chắc chắn là một chủ đề chung trong chính trị phong trào, và đã được viết rất nhiều về những cuộc đấu tranh nội bộ này (vì sự thống nhất, vì quyền lực giữa các nhóm phong trào phụ khác nhau, về các sở thích chiến thuật) trong các phong trào lao động, sinh viên, quyền dân sự và phụ nữ ở Hoa Kỳ và các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi, Trung Đông, vân vân.

Vấn đề về giữ và tiếp tục giữ quan hệ tốt (và thái độ tốt) với nhóm cử tri của chính mình, sao cho có thể là một “người phát ngôn hợp pháp” của họ, đã cũng được nhiều người tham gia nêu lên. Tôi đã nhắc trước đây đến những cách mà theo đó Michnik và những người khác thảo luận các phản ứng của họ với lời cáo buộc rằng họ đã phản bội các đồng chí Đoàn kết của họ. Reykowski tường thuật rằng sự thống nhất bên trong chính phủ đã có lẽ có khả năng hơn, căn cứ vào những ràng buộc và sự thưởng công có hiệu lực đối với các lãnh đạo Đảng, trừ phi, một số người trong chính phủ “đã thực hiện một số nỗ lực để hạn chế hoặc xóa bỏ những cái xấu nhất định mà chế độ đã tạo ra … đã tự nguyện tiến hành các hành động hướng tới chuyển đổi cơ bản của hệ thống.”[32] Ông cho rằng ông và một số người khác đã muốn sự thay đổi và làm việc với Đoàn kết, trong khi những người khác đã muốn đáp lại phe đối lập bằng vũ lực, bằng hủy bỏ các cuộc bầu cử, vân vân. (Những người tham gia từ phía Đoàn kết đã không vui lòng đồng ý rằng những thái độ như vậy là “tự nguyện” hoặc rằng các đảng viên “đã muốn sự thay đổi,” ám chỉ để thấy những thái độ như vậy như kết quả của áp lực của họ và của tình thế thay đổi). Reykowski nhận diện bản thân mình như một “đảng viên phóng khoáng,” kỳ vọng “sẽ gặp kháng cự rất lớn bên trong bộ máy đảng, đặc biệt là ở Ban Chấp hành Trung ương, đối với các cuộc đàm phán và thỏa thuận.”[33] Ông cũng nhận diện mình như là bộ phận của “cánh cải cách,” một cánh mà đã là thiểu số bên trong Đảng và “đã không thể có đủ khả năng để nói không một cách công khai và để tổ chức mình bên trong đảng”[34] bởi vì áp lực cho sự thống nhất của Đảng. Bất chấp những kỳ vọng này, ông tường thuật rằng ông đã thấy sự ủng hộ đáng ngạc nhiên giữa nhiều Đảng viên trẻ hơn. Tất cả các phong trào giải phóng hay kháng chiến thiết tha cố tìm cho được “những người cải cách” hay “các đồng minh” bên trong chính phủ và đội ngũ của chế độ; cũng là phổ biến, sau sự kiện, đối với nhiều tác nhân chính phủ/chế độ để nhận diện bản thân họ như các bạn hữu “được che dấu trước đây” của một sự cố gắng thay đổi thành công.

Bất chấp mọi sự cố gắng … Bất chấp mọi sự cố gắng để tạo ra những điều kiện mà dưới đó các cuộc đàm phán có thể thành công, không có cách nào để kiểm soát tất cả các lực và các điều kiện đang hoạt động. Trong bối cảnh Bàn Tròn, chẳng hạn, có một câu chuyện tinh tế nói về thái độ thương lượng phút chót của công đoàn theo định hướng chính phủ và việc tập thể dục tâm thần và chính trị của nhiều thành viên Đoàn kết và Giáo hội để làm việc ngoài Bàn Tròn với các tác nhân chính phủ nhằm tạo ra một thông cáo báo chí mà không nhấn chìm thỏa thuận Bàn Tròn. Có nhiều thí dụ về hiện tượng này của sự không thể kiểm soát được trong những khung cảnh khác. Như một thí dụ, hãy xem cuộc đình công và các cuộc đàm phán [của] Memphis Public Employees (những người thu gom rác) đã rẽ ngoặt đột ngột thế nào khi Martin Luther King, Jr., người đã đến Memphis để chứng tỏ sự ủng hộ cho những người đình công, đã bị ám sát trong thời gian các cuộc đàm phán.[35]

(Phần này còn tiếp)

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN

[1] M. Deutsch, “Equity, Equality and Need: What Determined Which Value Will Be Used as the Basis of Distributive Justice,” Journal of Social Issues 31 (1975): 137-150; D. Luban, “The Quality of Justice,” Denver University Law Review 66 (3) (1989): 381-418

[2] O. Fiss, “Against Settlement,” Yale Law Journal 93 (1984): 1073-90.

[3] R. Fisher and W. Ury, Getting to Yes: Negotiating Agreement Without Giving In (Boston: Houghton-Mifflin, 1981).

[4] L. Susskind and J. Cruikshank, Breaking the Impasse: Consensual Approaches to Resolving Public Disputes (New York: Basic Books, 1987).

[5] Communism’s Negotiated Collapse: The Polish Roundtable, Ten Years Later. A Conference at the University of Michigan. April 7-10, 1999. English Transcript of the Conference Proceedings, do Kasia Kietlinska dịch, Donna Parmelee biên tập (Ann Arbor: The University of Michigan Center for Russian and East European Studies, 1999). 63. Các dẫn chiếu đến bản nghi gỡ băng Bàn Tròn tương ứng với phiên bản in gốc của ghi chép, được cung cấp cho những người đóng góp cho tài liệu hướng dẫn này. Chúng có thể không tương ứng với các phiên bản hiện có sẵn trên web hay được in sau đó

[6] Ibid., 62.

[7] D. Bronkhuorst, Truth and Reconciliation: Obstacles and Opportunities (Amnesty International, 1995); M. Minow, Between Vengeance and Fairness (Boston: Beacon Press, 1998).

[8] Communism’s Negotiated Collapse, 234.

[9] Ibid., 144.

[10] Ibid., 189.

[11] R. Lewicki and J. Litterer, eds., Negotiations: Readings, Exercises and Cases (Homewood, IL: Irwin, 1985); J. Rubin, D. Pruitt, and S. Kim, Social Conflict: Escalation, Stalemate and Suppression (New York: McGraw-Hill, 1994); P. Wehr, Conflict Regulation (Boulder: Westview Press, 1979).

[12] Communism’s Negotiated Collapse, 234.

[13] Ibid., 16.

[14] Fisher and Ury; H. Raiffa, The Art and Science of Negotiation (Cambridge: Harvard University Press, 1982).

[15] Susskind and Cruikshank, 117.

[16] J. Crowfoot, “Negotiations: An Effective Tool for Citizen Organizations?” Northern Rockies Action Group Papers 3-4 (1980): 22-44.

[17] Communism’s Negotiated Collapse, 26.

[18] Ibid., 36.

[19] Ibid., 242.

[20] Ibid., 106.

[21] Ibid., 173.

[22] Ibid., 22.

[23] Ibid., 61.

[24] Ibid., 95.

[25] Ibid., 135.

[26] Susskind and Cruikshank, 190.

[27] Wehr, 38.

[28] Communism’s Negotiated Collapse, 242.

[29] L. Kriesberg, The Sociology of Social Conflicts (Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall, 1973).

[30] Communism’s Negotiated Collapse, 83.

[31] A. Davis and R. Salem, “Dealing with Power Imbalances in the Mediation of Interpersonal Disputes,” Mediation Quarterly 6 (1984): 17-26; B. Mayer, “The Dynamics of Power in Mediation and Negotiation,” Mediation Quarterly 6 (1987): 75-86; L. Susskind, “Power and Power Imbalance,” in Removing the Barriers to the Use of Alternative Methods of Dispute Resolution (Burlington: University of Vermont, 1984); Susskind and Cruikshank.

[32] Communism’s Negotiated Collapse, 112.

[33] Ibid., 138.

[34] Ibid., 165.

[35] R. Marshall and A. Adams, “The Memphis Public Employees’ Strike,” in W. Chalmers and G. Cormick, eds., Racial Conflict and Negotiations (Ann Arbor: University of Michigan and Wayne State University, 1971).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn