Quyền lực mềm Trung Quốc: Một nạn nhân khác của bão Hải Yến

James R. Homes, The Diplomat, 14 tháng Mười Một 2013

Trần Ngọc Cư dịch

clip_image002

Món tiền cứu trợ nhỏ nhoi ngoài mức tưởng tượng mà Bắc Kinh gửi cho Manila đánh dấu một kỷ nguyên ngoại giao chế nhạo mới [a new era of sneer diplomacy].

Trung Quốc không bao giờ hết làm cho thế giới sững sờ. Lãnh đạo Trung Quốc không những hủy hoại cả một chiến dịch quyền lực mềm đầy hứa hẹn được thai nghén trong nhiều năm. Nó còn san bằng cả nền móng quyền lực mềm của chính mình, rồi đổ muối lên trên tàn tích khiến cho không có gì cỏ thể bén rễ trở lại được. Lý do tại sao vẫn còn là một điều bí ẩn.

Dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc có vấn đề hiện ra sau khi trận bão Hải Yến đánh vào Philippines cuối tuần qua, giết chết ít nhất trên 1.800 người, tính cho đến hôm nay [tức ngày 14 tháng Mười Một]. Giáo sư [Walter Russell] Mead đăng một bài trên blog bày tỏ sự ngạc nhiên về số tiền bé tẹo mà Bắc Kinh dành cho việc cứu trợ thiên tai tại Philippines. Khi đọc bài báo, tôi tin chắc Mead đã bỏ sót hai hay ba số zê-rô. Nhưng đối chiếu bài bình luận của ông với một bản tin của hãng Reuters, thì y như rằng, con số ông ta viết ra là đúng: 100.000 USD tiền cứu trợ trực tiếp, và thêm 100.000 USD nữa thông qua Hội Chữ thập đỏ. [Thật ra, về sau Trung Quốc tăng thêm 1.620.000 USD nữa – DG.] Những con số chiếu lệ này làm ô danh chủ nghĩa chiếu lệ.

Ta hãy quên đi cái ngoại giao bằng nụ cười. Đây là cái ngoại giao bằng sự nhạo báng. Nhiều nhà quan sát, trong đó có tôi, gán sự bất động của Trung Quốc tiếp theo sau thảm họa tsunami Ấn Độ Dương 2004 cho khả năng còn non nớt của nước này. Lúc đó, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) chưa sử dụng được những khả năng viễn chinh cần thiết để cứu trợ ở những nơi xa bờ biển Trung Quốc. Bắc Kinh làm ít vì nó chỉ đủ sức làm ít vậy thôi. Tuy nhiên, các lực lượng Trung Quốc hiện nay đã có những phương tiện cứu hộ như tàu bệnh viện Peace Ark [Tàu Nô-ê Hoà bình]. Nhưng các lực lượng này vẫn bất động, không chịu làm gì cả. Thật khó mà không kết luận rằng Bắc Kinh từ chối giúp đỡ nạn nhân trận bão chỉ vì có thù oán với Philippines. Dẫu sao, Manila dám liều lĩnh lặp đi lặp lại rằng khu đặc quyền kinh tế của mình, vâng, là khu đặc quyền kinh tế của mình. Thái độ trả đũa chính trị của Trung Quốc có vẻ đã vượt lên trên việc xoa dịu nỗi đau khổ của con người.

Cách đây không lâu, ít ai nghĩ rằng cách ứng xử này có thể xảy ra, khi Trung Quốc khôn khéo gắn liền khuôn mặt của các nhân vật như Khổng Tử và Đô đốc Trịnh Hoà của Nhà Minh với sự trỗi dậy của một đại cường. Với thông điệp: Trung Quốc là một đại cường nhân ái duy nhất, không có khả năng ngược đãi các tiểu quốc láng giềng.

Những mời gọi này có hiệu quả bao lâu mà Bắc Kinh theo đúng những điều mình rêu rao. Quyền lực mềm chính là “sức thu hút,” theo Giáo sư Joe Nye, cha đỡ đầu của khái niệm này. Đồng tác giả Toshi Yoshihara trên Naval Diplomat Blog thích đặt câu hỏi, liệu quyền lực mềm là một loại hương thầm [pheromone] hay chỉ là một thoáng nước hoa. Trả lời: một hương thầm.

Văn hóa, định chế, và chính sách – những suối nguồn của quyền lực mềm – cần phải giữ được tính nhất quán qua những quãng thời gian dài để tạo được sự chờ đợi nơi những khối thính giả trong tầm ngắm. Hành vi bất nhất, hay cách ứng xử mâu thuẫn với hình ảnh mà một nước muốn trưng ra, nhất định sẽ gây ấn tượng giả dối trong mắt người quan sát. Hay nói đúng ra, loại hành vi này sẽ bôi bác chính những điều mà nước ấy rêu rao. Một chuẩn mực ứng xử xuống cấp thì chẳng còn gì là chuẩn mực. Chủ nghĩa hoài nghi, nếu không phải là sự mất niềm tin, sẽ đón chào chính sách ngoại giao Trung Quốc trong tương lai cứ mỗi lần Bắc Kinh cố xức lên mình một chút nước hoa. Một mùi hôi thối sẽ thoang thoảng bay qua.

Từ quan điểm của Mỹ, cách ứng xử của Trung Quốc vẫn có mặt tốt của nó: Trung Quốc đã làm cho mình nom giống một tên tiểu nhân, một đứa keo kiệt, chứ không phải là một cường quốc cao thượng đáng vai lãnh đạo khu vực. Đây là hành vi tự hại mình ở mức xuẩn động cao. Việc chi mà ta phải can ngăn một đối thủ chiến lược có ý định cầm súng tự bắn vào chân mình. Mày cứ bắn đi!

J. R. H.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn