MỘT SỐ LÝ DO TƯ PHÁP VIỆT NAM CẦN THAY ĐỔI

Hà Huy Sơn

Ở một nền dân chủ, pháp luật được thượng tôn. Ở Việt Nam, pháp luật là sự thể chế hóa cương lĩnh của Đảng cộng sản.

1. Từ chối đơn khởi kiện

Trong thực tế tại tòa án các cấp, người khởi kiện các vụ án dân sự, vụ án hành chính nếu vì một lý do chủ quan nào đó thẩm phán có thể viện ra đủ mọi lý do để trả lại đơn khởi kiện. Người khởi kiện không đồng ý thì có thể khiếu nại đến chánh án tòa án hoặc chánh án tòa án cấp trên là hết. Trường hợp chánh án tòa án thông đồng với thẩm phán hoặc chánh án tòa án cấp trên thông đồng với chánh án tòa án thì quyền khởi kiện của công dân coi như bị tước đoạt mà không có cách nào để thực hiện. Nếu người khởi kiện có sử dụng đến quyền tố cáo thì cũng không khả thi.

2. Không có cơ chế kiện tòa án

Trong các vụ án hành chính, dân sự nếu người bị kiện là thẩm phán và hội đồng xét xử thì không có cơ chế để thụ lý, xét xử. Vì kiện thẩm phán và hội đồng xét xử chính là kiện tòa án, hiện không có cơ chế tòa án xét xử chính mình hoặc tòa án cấp trên xét xử tòa án cấp dưới. Thực tế này là một khoảng trống của pháp luật để cho tòa án nằm ngoài vòng pháp luật trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

3. Viện kiểm sát vừa thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự

Nguyên tắc này làm cho viện kiểm sát trở thành “người vừa đá bóng vừa là thổi còi”. Do viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, nên đã dẫn đến một thực tế là không ít trường hợp viện kiểm sát không độc lập mà thống nhất với các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Nên các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không còn khả năng khách quan khi giải quyết vụ án. Đây là một trong số các nguyên nhân chính dẫn đến các vụ án oan sai trong ngành tư pháp của Việt Nam.

4. Tòa án thực hiện cơ chế tố tụng xét hỏi thay cho tố tụng tranh tụng

Cơ chế tố tụng xét hỏi của các phiên tòa đã đặt ra cho tòa án trách nhiệm cuối cùng phải ra các bản án hoặc quyết định đối với vụ án. Tố tụng xét hỏi đã triệt tiêu khả năng tranh tụng tại tòa giữa viện kiểm sát và luật sư trong các vụ án hình sự; triệt tiêu vai trò tranh tụng giữa bên khởi kiện và bên bị kiện trong vụ án dân sự, hành chính. Cơ chế tố tụng xét hỏi là nguyên nhân dẫn đến việc hội đồng xét xử áp đặt chủ quan lên các bản án, quyết định của tòa.

Cơ chế tố tụng xét hỏi đã hạn chế vai trò của luật sư tham gia giải quyết các vụ án. Vì vật không ít các luật sư đã trở thành vệ tinh, môi giới cho chính các cơ quan tiến hành tố tụng. Nó cũng được phản ảnh bởi một hiện tượng là các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán sau khi mãn việc chuyển sang làm nghề luật sư rất “đắt xô” và có mặt không thiếu trong các vụ án đình đám. Để hạn chế thực trạng này pháp luật nên có quy định các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán sau khi mãn việc phải có khoảng thời gian nhất định là một số năm cấm hành nghề luật sư.

Cơ chế tố tụng xét hỏi làm cho hội đồng xét xử không còn khách quan mà thường có quan điểm nhận định, kết luận nghiêng về cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Đặc trưng này cùng với các đặc trưng (2 và 3) nêu ở trên dẫn đến tòa án đã ra không ít các bản án, quyết định oan sai.

Một nguyên nhân của mọi nguyên nhân là các cơ quan điều tra, kiểm sát tố tụng và công tố, xét xử không độc lập mà thống nhất trong quá trình giải quyết vụ án. Đó chính là một trong các lý do tư pháp Việt Nam cần thay đổi để xây dựng một Nhà nước pháp quyền thực chất.

Hà Nội 24/04/2014

H.H.S.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn