Quán triệt cái gì đây?

Chu Hảo

Như thường lệ, thời gian tới các cuộc hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 9 sẽ rầm rộ diễn ra từ trung ương, các Bộ, Ngành đến các địa phương. Nghị quyết này có 9 vấn đề. Trong tình trạng nước sôi lửa bỏng này của đất nước thì vấn đề được xếp cuối cùng lại là vấn đề quan trọng nhất. Có thể vấn đề Biển Đông nằm ngoài chương trình nghị sự của Hội nghị Trung ương 9, nhưng nó đang nằm trong con tim khối óc của mỗi người Việt Nam yêu nước. Và vì vậy nó đáng được quán triệt nhất trong đợt sinh hoạt chính trị thường kỳ này. Nhưng quán triệt gì đây với những nội dung không đủ mạnh mẽ trong văn kiện như dưới đây: “9. Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.”

Khi kẻ dụng tâm xâm lược mang cả khí tài khai thác tài nguyên lẫn khí tài quân sự hộ tống, đi vào và neo đậu sâu vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta đến 80 hải lý mà chỉ phản ứng yếu ớt như vậy là rất không thoả đáng. Không mắc mưu khiêu khích tạo cớ trả đũa bằng quân sự của đối phương thì ít nhất cũng phải tố cáo, lên án mạnh mẽ kẻ có hành vi ngỗ ngược xâm phạm chủ quyền của mình. Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cao cấp ASEAN ngày 11 tháng 5 năm 2014 không thể thay thế được một tuyên bố chính thức của Nhà nước. Một lời lên án mạnh mẽ để nhân dân toàn thế giới biết rằng chúng ta có thể yếu nhưng không hề run sợ. Những người chính trực xưa nay không ưa hào hiệp với kẻ hèn nhưng luôn sẵn sàng bênh vực người yếu thế; huống hồ chính nghĩa đang ở phía nhân dân ta, còn kẻ có dã tâm xâm lược đang yếu thế cả về pháp lý lẫn đạo lý. Rõ ràng một tuyên bố chính thức của Nhà nước lên án hành động xâm lược của Trung Quốc hiện vẫn là một yêu cầu cấp thiết. Đây không phải là quán triệt tinh thần không đủ mạnh mẽ của Nghị quyết, mà là quán triệt tinh thần quật khởi của dân tộc.

Khi Tổ quốc lâm nguy, lòng dân bao giờ cũng dễ dàng kết thành một khối. Chính lúc này chúng ta đang có thời cơ lớn để tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc, không phân biệt chính kiến hay ý thức hệ, chỉ cùng nhau một ý chí chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chưa lúc nào thuận lợi bằng lúc này chính quyền có thể có những bước đi cụ thể trong quá trình hoà hợp dân tộc và hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự. Đã đến lúc phải sẵn sàng cho việc hình thành một phong trào tựa như Mặt trận cứu nguy dân tộc. Đây cũng không phải là quán triệt nội dung kêu gọi chung chung của Nghị quyết, mà là quán triệt tinh thần đại đoàn kết dân tộc: Một Hội nghị Diên Hồng của thời hiện tại. Tại sao không? Nhưng trước đấy có lẽ đã đến lúc phải minh bạch hoá “những thoả thuận cấp cao Việt Nam-Trung Quốc” mà Nghị quyết nhắc tới, ngoài những điều đã công bố, cho toàn dân được biết.

Những ngày giữa tháng 5 sôi sục khí thế tuần hành biểu tình chống hành vi ngỗ ngược bất chấp đạo lý và pháp lý của phía Trung quốc đã dịu đi trong lo lắng. Những cuộc mít tinh hay biểu tình do chính quyền đứng ra tổ chức thì có vẻ hình thức, chiếu lệ, không phản ánh được khí thế sôi sục sẵn sàng chống ngoại xâm của quần chúng. Những cuộc biểu tình thực sự của quần chúng thì hoặc là bị kẻ xấu lợi dụng kích động với ý đồ phá hoại, hoặc là bị các lực lượng an ninh của chính quyền khống chế. Ngăn cấm quyền được tự do biểu tình là vi hiến. Chậm trễ ra luật về quyền được tự do biểu tình là lỗi của lãnh đạo quốc gia. Nếu có Luật về biểu tình thì nhà nước không phải tổ chức các cuộc mít tinh “quốc doanh” và không kẻ xấu nào lợi dụng được các cuộc biểu tình tự phát và tự giác của quàn chúng. Đây cũng không phải là quán triệt nội dung còn thiếu của Nghị quyết, mà là quán triệt tinh thần thế trận của lòng dân.

Tóm lại, dân chúng đang yêu cầu lãnh đạo quốc gia quán triệt những vấn đề nêu trên để:

1. Ra ngay một Tuyên bố chính thức của Nhà nước lên án mạnh mẽ hành vi xâm lược của phía Trung Quốc và khẳng định sẽ kiện họ ra Tòa án quốc tế về Luật biển. Đồng thời nêu rõ lập trường liên minh chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước có quyền lợi ở Biển Đông để bảo vệ môi trường phát triển hòa bình tại đây.

2. Kêu gọi thành lập Mặt trận đoàn kết chống xâm lược nhằm huy động sức mạnh của toàn dân, trong đó có cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài.

3. Trong khi chờ Quốc hội ban hành Luật về quyền được tự do biểu tình, chính phủ cần phải ban hành ngay Nghị định mới thay thế Nghị định 38/2005 /CP – một Nghị định vi hiến đã góp phần làm bất ổn tình hình xã hội trong thời gian vừa qua. Đồng thời chấm dứt các hành vi đàn áp, giam giữ những người dấn thân vì sự nghiệp bảo vệ nhân quyền và tự do ngôn luận theo đúng các điều khoản được ghi trong Hiến pháp hiện hành.

C. H.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn