Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam – không chỉ áp lực từ bên ngoài

Viện Friedrich Naumann vì tự do

Phan Ba dịch

Cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về các quần đảo ở biển Đông thống trị những cuộc thảo luận ở Việt Nam. Áp lực nặng nề của láng giềng to lớn cũng thúc đẩy cuộc tranh cãi nội bộ về những cải cách cần thiết và để cho người ta nhận ra được sự hình thành phe phái trong Đảng Cộng sản.

clip_image002

Tàu Trung Quốc trước giàn khoan, tháng Năm 2014. Hình: Asia Pacific Defense Forum

Leo thang trên biển

Từ ngày 1 tháng Năm, Trung Quốc đã đặt giàn khoan HD-981 to lớn vào vùng biển 200 hải lý được Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Sự kiện này đã dẫn tới bước leo thang lớn nhất lâu nay trong quan hệ vốn cũng đã căng thẳng giữa hai đất nước cộng sản. Hiện giờ, Trung Quốc đã gởi sáu tàu chiến, 36 tàu cảnh sát, 21 tàu vận tải và 44 tàu đánh cá tới vùng biển tròn mười hải lý quanh giàn khoan. Ở phía Việt Nam có 63 tàu cảnh sát và đánh cá. Việt Nam cáo buộc Trung Quốc đã đâm va vào tàu thuyền của họ và đã tấn công bằng súng phun nước mạnh. Qua đó 24 tàu cảnh sát Việt Nam được cho là đã bị hư hỏng nặng và hàng chục người đã bị thương. Một tàu đánh cá Việt Nam bị chìm. Ngược lại, Trung Quốc cáo buộc Việt Nam đã đâm húc tàu của họ 1416 (!) lần. Trong một kháng thư gửi lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc cáo buộc Việt Nam tiến hành một chính sách thù địch đối với Trung Quốc và người Trung Quốc. Có ý muốn nói tới là những cuộc biểu tình bạo lực ở miền Nam và Trung Việt Nam trong tháng Năm mà trong đó hàng trăm xí nghiệp Trung Quốc và nước ngoài khác đã bị phá hủy, bốn người Trung Quốc bị giết chết và hơn một trăm bị thương.

Phản ứng trên đất liền

Kể từ lúc đó, bước leo thang này là tâm điểm trong các truyền thông Việt Nam do nhà nước định hướng. Nhiều trí thức Việt Nam và cựu quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), những người thường được gọi là “nhà cải cách”, nhìn tình huống này không chỉ là một mối đe dọa mà còn là cơ hội, để giải phóng Việt Nam ra khỏi “ách Trung Quốc” và cải tổ đất nước theo hướng dân chủ. Vì trước sau thì đất nước này vẫn đứng dưới sự thống trị của một đảng và mặc cho sự phát triển hết sức nhanh chóng về kinh tế vẫn chiếm những thứ hạng sau cùng trong các chỉ số như Freedom Barometer Asia.

Bức thư ngỏ của giới trí thức gởi Đảng

Vào ngày 25/5/2014, hàng trăm nhà trí thức đã viết một bức thư ngỏ gởi ĐCSVN. Lá thư này được đăng trong diễn đàn Internet boxitvn.net từ nhiều tuần nay. Giới trí thức và khoa học đã thành lập diễn đàn này năm năm trước, để phản đối các dự án bôxít của chính phủ, cộng tác với công ty Trung Quốc tại Lâm Đồng trên cao nguyên Việt Nam. Hiện nay đã có hàng ngàn người Việt ký tên, các nhà trí thức nổi tiếng của Việt Nam trong và ngoài nước. “Tình thế hiểm nghèo … đòi hỏi phải phân tích, dự báo diễn biến và có đối sách chủ động ứng phó. Trách nhiệm này được đặt ra trước hết cho cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)”. Những phản ứng dè dặt như phản ứng của tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng bị phê phán là “vô trách nhiệm”. Ngược lại, các hành động của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại nhận được nhiều khen ngợi. Trong một bài diễn văn ở Manila vào ngày 22/5, thủ tướng đã nói: “Chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi … nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.”

clip_image004

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Manila , 22/5/2014. Hình: Sikarin Thanachaiary

Phe phái hình thành trong ĐCSVN

Những lời đồn đại về sự chia rẽ trong ĐCSVN đã có từ lâu. Người ta cho rằng có một cánh theo phương Tây với thủ tướng Dũng và một cánh theo Trung Quốc với sếp ĐCSVN Trọng. Người ta cũng có thể nhận ra phỏng đoán này trong bức thư ngỏ của giới trí thức gởi ĐCSVN. Trong đó có viết: “Tình hình hiện nay đòi hỏi và tạo cơ sở cho các cán bộ, đảng viên trung thành với tâm nguyện vì dân vì nước cùng với nhân dân vạch rõ và đấu tranh không khoan nhượng chống lại những quan điểm và thái độ nhu nhược đối với kẻ xâm lược…đặc biệt là những kẻ có quan hệ mờ ám với nhà cầm quyền Trung Quốc.” Cuối cùng, bức thư đi tới thông điệp chính, rất đáng để chú ý: “Chúng tôi tin tưởng rằng cuộc đấu tranh nêu trên của những đảng viên vì nước vì dân của Đảng CSVN sẽ được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, góp sức. Mọi người Việt Nam hãy đồng lòng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia bằng nhiều hình thức thể hiện rõ tính chính nghĩa và nhân văn, hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn kích động của thế lực bành trướng Trung Quốc và tay sai, hết lòng cổ vũ, hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ biển đảo và ngư dân bám biển, đồng thời góp phần tích cực thúc đẩy cải cách chính trị, xây dựng nền dân chủ và pháp trị thực sự, đổi mới và phát triển kinh tế, văn hóa để bảo vệ chủ quyền, đưa đất nước thoát khỏi lệ thuộc và tụt hậu.”

“Làm thế nào để thoát Trung?”

Trong một hành động hết sức đáng chú ý, nhà xuất bản Tri Thức (Knowledge Piblishing House) đã cùng với quỹ Phan Chu Trinh tổ chức một cuộc hội thảo công khai vào ngày 5/6/2014 với đề tài “Làm sao để thoát Trung?” Người tổ chức là giáo sư Chu Hảo nổi tiếng, giám đốc nhà xuất bản Tri Thức. Chu Hảo, sinh năm 1940, đã từng là thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từ 1996 đến 2005. Cha ông, Chu Đình Xương, là một nhà cách mạng trước đây đã thuộc giới thân cận nhất xung quanh Hồ Chí Minh (Chu Đình Xương là sếp công an của miền Bắc Việt Nam trong năm 1945). Trong những năm 1950, Chu Hảo là học trò được gởi sang Trung Quốc, rồi ông học đại học ở Liên Xô trong những năm 60 và hoàn thành luận án tiến sĩ trong những năm 70 ở Paris. Năm 2005, ông lui ra khỏi tất cả các chức vụ chính trị và thành lập nhà xuất bản Tri Thức nằm dưới sự bảo trợ của Hội Khoa học và Kỹ thuật. Từ đó, ông đã xuất bản hàng trăm quyển sách cổ vũ khai trí, nhà nước pháp quyền và dân chủ, một phần cũng được Viện Friedrich Naumann vì tự do hỗ trợ, ví dụ như Chủ nghĩa Tự do của Ludwig von Mises.

Từ một vài năm nay, nhiều nhà trí thức nổi tiếng đã tụ tập quanh nhà xuất bản Tri Thức, quỹ văn hóa Phan Chu Trinh và diễn đàn Bauxite, ví dụ như khoa học gia và nhà phê phán Nguyễn Quang A (ông bị ĐCSVN nhìn như là một nhà bất đồng chính kiến), tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (cựu đại sứ tại Trung Quốc) hay triết gia, người dịch Kant Bùi Văn Nam Sơn. Cho tới nay, các diễn đàn này được ĐCSVN khoan dung cho, có lẽ vì những người trí thức này không trực tiếp chống lại quyền lực của ĐCSVN (phần lớn họ là đảng viên), mà ủng hộ một cuộc cải cách từng bước một.

clip_image006

Tiến sĩ Chu Hảo (đứng) tại hội thảo “Làm thế nào để thoát Trung?”. Hình: Nguyen Duc Thanh, VEPR

Ba tiên đề và bảy trụ cột

Đã có nhiều mong đợi hội thảo này, nhưng đáng tiếc là ít nghe được những điều gì thật sự mới. Hai đề tài được những người tham dự thảo luận: sự phụ thuộc về ý thức hệ và về kinh tế vào Trung Quốc. Từ nhiều thập niên nay, ĐCSV nhìn mô hình Trung Quốc và thành công kinh tế như là một tấm gương và cố gắng sao chép càng nhiều càng tốt từ Trung Quốc. Nhưng đó là một sai lầm, theo thảo luận, vì qua đó, Việt Nam tiếp tục đi sau Trung Quốc cả về kinh tế lẫn ý thức hệ. Liệu đó có là một luận cứ thuyết phục và nên theo đuổi hay không thì vẫn còn là câu hỏi. Nhưng rất đáng tiếc là cho tới nay vẫn chưa được thảo luận một cách hợp lý. Người ta đơn giản chấp nhận nó và nhanh chóng đi đến những giải pháp mang tính hời hợt, truyền thống.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người được mời đến để diễn thuyết và cũng là nhà thành lập học viện trực tuyến độc lập đầu tiên ở Việt Nam (GiapSchool), ngược lại đã giải thích rõ ràng: Giải pháp duy nhất cho câu hỏi “Làm sao để thoát Trung?” là: Việt Nam phải phát triển nhanh hơn và bền vững hơn Trung Quốc! Làm thế nào để đạt được điều đó? Bằng cách là giới lãnh đạo Việt Nam tuân theo ba tiên đề: (1) Ưu tiên cho lợi ích quốc gia (chứ không cho lợi ích ý thức hệ), (2) Phát triển tốt hơn và bền vững hơn trên cơ sở chất lượng của các thể chế và nguồn nhân lực, và (3) Ổn định qua phát triển (chứ không phải phát triển qua ổn định).

Trong đó, xã hội Việt Nam cẩn phải đứng trên bảy trụ cột, tức là (1) Con người tự do, (2) Giáo dục khai phóng, (3) Xã hội dân sự, (4) Hành chính chuyên nghiệp, (5) Mô hình dân chủ (6) Kinh tế thị trường tự do, (7) Nhà nước pháp quyền.

Tất nhiên là các giải pháp do tiến sĩ Giáp Văn Dương đưa ra được những nhà cải cách và đấu tranh cho dân chủ ủng hộ. Tuy vậy, chúng không phải là mới và trước hết là trong hình thức này thì không đủ cụ thể. Những giải pháp tương tự như vậy, đặc biệt là về việc cải cách chính trị ý thức hệ của đất nước, đã được thảo luận từ nhiều năm nay trong các diễn đàn khác nhau. Thế nhưng hiện thực cho tới nay là: giới lãnh đạo ĐCSVN không muốn lắng nghe bất cứ điều gì từ đó và ngay cả khi họ có nghe điều gì từ đó thì họ cũng không muốn thảo luận.

“Làm thế nào để thoát Trung? Thưa quý vị, câu hỏi tốt hơn là: Làm thế nào để thoát ĐCSVN?”, tiến sĩ nguyễn Quang A nói với tính hài hước vốn có của ông. Những người tham dự cười to. Nhưng không có câu trả lời cho câu hỏi này.

clip_image008

Hội thảo “Làm thế nào để thoát Trung?”. Hình: Nguyen Duc Thanh, VEPR

Cũng là thời gian sôi động cho đề tài công đoàn tự do

Câu hỏi cải cách và dân chủ hóa đất nước cho tới nay không được thảo luận công khai ở Việt Nam. Các nhà phê phán Đảng và hệ thống bị lực lượng an ninh giám sát chặt chẽ. Mỗi năm có hàng chục người và nhóm, trong đó có nhiều blogger, bị tuyên xử án tù nhiều năm vì có những “hành động trái pháp luật” như “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”, “phổ biến tài liệu phản cách mạng”, “mưu đồ lật đổ chính quyền nhân dân” hay “trốn thuế”. Việt Nam vẫn còn chưa có các đạo luật cho hội họp nơi công cộng (như biểu tình), công đoàn độc lập hay tổ chức phi chính phủ.

Mối đe dọa Trung Quốc, láng giềng “không ưa thích” với cùng một mô hình chính trị, có thể sẽ trở thành một cơ hội được chào đón để thúc đẩy Việt Nam phát triển theo hướng dân chủ Phương Tây. Các quan hệ mật thiết hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản đang được thảo luận sôi nổi. Việt Nam cần đồng minh và đối tác mới. Nhưng giá phải trả cho việc đó là sự thay đổi của Việt Nam.

Vào ngày 8/6/2014, đại diện của 17 “tổ chức dân sự” Việt Nam đã hội họp tại thành phố Hồ Chí Minh – tất cả đều không được nhà nước công nhận – để đưa ra một tuyên bố chung về “Sự cần thiết của công đoàn độc lập ở Việt Nam”. Lần này thì tiếng nói của họ có được ĐCSVN lắng nghe hay không? Hay họ lại bị truyền thông nhà nước mắng chửi hạ thấp là “vô lý” và “không đúng lúc” như các nhóm khác trong quá khứ (Nhóm 8406, Nhóm 72)?

Kết luận

Liệu mối đe dọa từ bên ngoài có dẫn tới các cải cách chính trị trong nước hay không, điều này khó mà tiên đoán được. Kinh nghiệm của quá khứ thường hay minh chứng cho điều ngược lại. Hans Georg Jonek, giám đốc văn phòng Viện Friedrich Naumann ở Việt Nam, cho rằng mặc dù vậy, người ta có thể nhận thấy rõ tại các cuộc thảo luận này, rằng sự việc giàn khoan Trung Quốc không chỉ là một vấn đề chưa được giải quyết về tranh chấp lãnh thổ mà còn dẫn tới các câu hỏi về ý thức hệ và hệ thống. “Cuộc xung đột một phần được sử dụng trong chính trị đối nội một cách rõ ràng đến mức đáng ngạc nhiên”, theo Jonek.

Đội ngũ văn phòng Viện Friedrich Naumann tại Hà Nội, Việt Nam.

Phan Ba dịch từ freiheit.org

Nguồn bản dịch: phanba.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn