Lại bàn về cái Gốc (Phần III) – Trung Quốc không đáng sợ, và TQ để người ta sợ là một sai lầm chiến lược

Vũ Duy Phú

Cho đến giờ phút này (8- 2014), theo dư luận rộng rãi, hầu hết các nước trên thế giới đều thấy Trung Quốc là một nước lớn “có vấn đề”, một số nước đã khá cảnh giác với các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến nước họ, còn một số không nhỏ các nước bắt đầu chống đối thực sự với mọi âm mưu của Trung Quốc, sau cùng là nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á bị buộc phải coi Trung Quốc là thù địch, dù họ có muốn hay không. Trong nhiều tâm trạng khác nhau mà các nước trên thế giới nhìn nhận những hành vi xấu xa, thậm chí ngày càng thâm độc mà Trung Quốc giao lưu quan hệ với thế giới, có một thứ biểu hiện hầu như rất giống nhau, là tâm trạng “sợ’ Trung Quốc. Chính thái độ “sợ” này đối với Trung Quốc đã vô tình làm cho nhân dân Trung Quốc lầm tưởng rằng mình vô địch thế giới đến nơi, càng tạo ra một sự khuyến khích tư tưởng xô vanh nước lớn, thậm chí khuyến khích thái độ bành trướng rất hung hãn, tàn bạo và dã man của nước này. Người Trung Quốc hầu như rất căm hận Mao Trạch Đông, nhưng có một số tư duy của lãnh tụ họ Mao này lại rất kích động lòng tự hào dân tộc cực đoan trong dân chúng và lãnh đạo nước này cho đến tận ngày hôm nay.

Lấy ví dụ:

Trước đây, Mao Trạch Đông nói với các nguyên soái, tướng lãnh, tư lệnh các đại quân khu của Trung Quốc: “Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta”!

Câu ấy Mao phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương tháng 9.1959 và lần khác tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng CS TQ ba năm trước đó (1956) Mao đã khơi mào: “Không thể chấp nhận rằng sau một vài chục năm nữa, chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số một trên thế giới”. (Thực tế: “Đại nhảy vọt” cộng thêm “Cách mạng văn hóa vô sản” rất sai lầm nóng vội của Mao Trạch Đông đã đẩy Trung Quốc trượt dốc xuống rất xa mục tiêu chiến lược ấy)” (*).

Có thể bình luận ngay: Chính ý đồ tham lam gian ác “Chinh phục thế giới” của Mao Trạch Đông đã tạo ra tư duy chiến lược của “Phần còn lại của Thế giới” là phải luôn luôn cảnh giác và ngấm ngầm “bao vây” ngăn chặn TQ ngay từ thưở ấy (đặc biệt trong đó là “Con hổ giấy”). Thật là một lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng rất nham hiểm và ... “dại”. Còn Kissinger bây giờ đã hoàn toàn thể hiện là một chiến lược gia tồi của Mỹ, với việc tư vấn Mỹ giúp TQ thực hiện “4 hiện đại hoá” nên cuối cùng đã làm hại thế giới văn minh. Sau này Đặng Tiểu Bình, do đã đi đây, đi đó, biết mình, biết người hơn nên lại có một câu trăn trối nổi tiếng ngược lại: “Hãy dấu mình chờ thời”! Giá kể, (lại còn mơ hồ hơn Kissinger) tại dãi đất Trung Hoa từ thưở cách mạng TQ thành công đã vang lên lời kêu gọi và những việc làm chân thành vì hoà bình hữu nghị hợp tác phát triển với thế giới thì bộ mặt châu Á ngày nay có lẽ đã khác xa !

Để bình luận về câu chuyện “sợ” hay không “sợ” TQ (ở tầm tư duy chiến lược), ta cần đề cập đến cái Gốc của vấn đề, nó nằm ở chỗ: “Mục tiêu chinh phục thế giới”, “trở thành cường quốc số một thế giới” của Trung Quốc là để làm cái gì ? Nếu TQ nhằm mục tiêu đó vì nền hoà bình hạnh phúc lâu bền của nhân dân TQ và của toàn Nhân loại thì có gì cần phải sợ, thậm chí cần phải hoan nghênh. Nhưng nếu vì mục tiêu đó mà đàn áp cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ nhân quyền của nhân dân TQ, tàn phá cả đất nước và xã hội TQ bằng cách khai thác tài nguyên bừa bãi và sản xuất các sản phẩm dởm và độc hại, rồi làm lan toả (xuất khẩu) những điều bất cập tai ác đó ra khắp thế giới… thì lại là vấn đề nghiêm trọng.

Để làm sáng tỏ vấn đề này ta cần dựa vào một số căn cứ: Một là, suy ra từ truyền thống hàng ngàn đời nay của TQ; Hai là, suy ra từ sự chuyển biến, tiến hoá trên cơ sở những lý luận, học thuyết cách mạng trong nhiều năm qua của TQ; Ba là, Căn cứ hành động cụ thể hiện nay của TQ (vì nhiều người “không tin lời Trung quốc nói”); Bốn là, dựa vào sự tiến hoá theo quy luật tất yếu khách quan của lịch sử Loài người.

Có lẽ chúng ta không cần mất nhiều thời gian vào ba căn cứ đầu. Vì để làm rõ, có thể nói ngắn gọn như sau:

1. Từ hàng ngàn đời nay, truyền thống bành trướng bá quyền và đồng hoá lẫn nhau đã hoành hành trên dãi đất Trung hoa và nó đã trở thành cái gen di truyền, làm cho từ một tập hợp mấy chục nước độc lập đã nhập thành một nước lớn phong kiến duy nhất mà dấu vết của sự chinh phục đồng hoá còn dang dở cho đến tận hôm nay là Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông… Trong lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam bị nạn ngoại xâm 21 lần, thì 17 lần là từ phong kiến phương Bắc.

2. Trung Quốc đã chuyển từ lý luận cách mạng dân tộc dân chủ, với “Đại nhảy vọt” và “Cách mạng văn hoá” với mục tiêu “chinh phục thế giới” đã làm chết hơn 50 triệu người, sang lý luận cách mạng vô sản mang mầu sắc Trung Quốc với vụ tàn sát tại Thiên An Môn nổi tiếng, sau đó chuyển sang lý luận “Mèo trắng cũng như mèo đen, miễn là bắt được chuột”, nghĩa là phát triển bằng mọi mưu mô thủ đoạn, dù cần bành trướng tàn bạo dã man… miễn là “trở thành cường quốc số một thế giới” và “chinh phục được trái đất”.

3. Căn cứ việc làm, thì trong mấy ngàn năm, phong kiến phương bắc xâm chiếm Việt Nam có 17 lần, mà chỉ riêng có hơn 60 năm tồn tại gần đây, dù là “đồng chí ý thức hệ và là anh em “môi hở răng lạnh”, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã đánh chiếm Việt Nam các kiểu đến 4 lần. Hiện nay Trung Quốc hầu như đang đối đầu với hầu như tất cả các nước chung quanh, và đang bị cô lập trên dư luận thế giới. Mọi người dân trên hành tinh hiện đang rất lo sợ “Cái chết đến từ Trung Quốc” (sách do một học giả phương Tây tổng hợp).

Vậy là đã rõ, TQ có cái yếu nhất là không có chính nghĩa và rất tàn bạo. Nên ta chỉ cần tập trung phân tích thêm nội dung cuối: Sự phát triển của Trung Quốc có tuân theo sự tiến hoá tất yếu khách quan của Loài người hay không ? (Hầu như mọi người trên thế giới đã thừa nhận, Loài người đã trải qua các chế độ: nô lệ, phong kiến, tư bản và đang tiến hoá tới một xã hội mới, mà một số nước gọi là XHCN, một số nước khác gọi là Hậu tư bản chủ nghĩa). Sau khi tiên đoán của Lênin: “Với sự giúp đỡ của các nước XHCN đi trước, các nước lạc hậu (như VN và TQ) có thể tiến lên XHCN bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN” đã trở thành ảo tưởng, thì sau thất bại của “cách mạng văn hoá” và “Đại nhảy vọt”, Trung Quốc đã thật sự phải chuyển đổi sang phát triển tiền TBCN. Cho đến những năm gần đây, về kinh tế xã hội, rõ ràng Trung Quốc đã đi gần đúng theo sự tiến hoá chung của Loài người, do đó nền kinh tế của TQ đã có sự phát triển nhảy vọt. Tuy chưa thừa nhận chính thức, TQ đã đi vào giai đoạn đầu phát triển TBCN như các nước TBCN phương Tây đã trải qua trước đây gần 2 thế kỷ, và Trung Quốc đã trở thành một cường quốc TB mới của thế giới. Vậy chừng nào các giai đoạn phát triển những năm vừa qua trong sự tiến lên của TQ là đã quay lại tuân theo quy luật tiến hoá của loài người? Hiện nay và sắp tới có chắc chắn quy luật tiến hoá ấy nó cũng vẫn chi phối hành vi của Trung Quốc?

Xin nhắc lại: Trong khi các nước Tư bản tiên tiến đi trước đã trải qua các bước thăng trầm vinh quang và khốn đốn tệ hại kéo dài gần 2 thế kỷ (bành trướng tranh giành thuộc địa, chủ nghiã thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít, đại chiến thế giới…) để thu được những bài học lịch sử giúp Nhân loại trưởng thành, để ngày nay đang từng bước tiến hoá tới giai đoạn cao hơn là xã hội hậu tư bản, thì hiện nay Trung Quốc mới đang bước vào giai đoạn của một cường quốc TBCN đang phát triển bồng bột. Do đó những hành vi của TQ vừa qua và hiện nay là không có gì là lạ, nó theo đúng quy luật tiến hoá của một nước tiền TBCN, nên những gì sắp tới sẽ diễn ra thì chắc chắn chúng ta cũng có thể dự báo được: Tiếp tục hung hăng bành trướng, gây chiến như những nước TB phát triển muộn và rồi sẽ bị thế giới lên án mạnh mẽ, bị cô lập, cùng với sự tỉnh ngộ của hầu hết các quốc gia trên hành tinh, kể cả Nga, nên thậm chí có thể bị thế giới xúm vào tiêu diệt, kiểu như phát xít Đức, Ý, Nhật giữa thế kỷ XX.

Cái khác là điều kiện của thế giới hiện nay đã khác hẳn thời các cường quốc thế giới Bồ Đào Nha (thế kỷ 16), Hà Lan (thế kỷ 17), Anh quốc (thế kỷ 18, 19) và Đức , Ý, Nhật (thế kỷ vừa qua). Khi Trung Quốc có ý đồ “chinh phục Trái đất” thì thế giới đã hiểu rất rõ các món võ của một nước TBCN đang hùng hổ vươn lên để trở thành siêu cường, và là khi siêu cường Hoa Kỳ (con “Hổ giấy”) đã và đang tồn tại, nhưng do nhiều sai lầm chết người nên đã suy yếu đi nhiều so với chính nó, nhưng – theo tư liệu, thống kê và đánh giá chuyên gia - vẫn còn hùng mạnh hơn TQ hẳn một cái đầu. Điều quan trọng là nước nào muốn “chinh phục trái đất” thì phải là nước có thể chế chính trị xã hội tiên tiến nhất. Mỹ hiện nay cũng chưa làm được điều đó, mặc dầu, ai cũng thừa nhận rằng, Hoa Kỳ hiện nay vẫn đang là mảnh đất hấp dẫn nhất đối với đa số cư dân Trái đất (Hiện nay theo báo chí, có khoảng 65% đại tư bản TQ – có vốn từ 1,5 triệu đô la trở lên) – đang chuyển gia đình ra nước ngoài định cư, trong đó đa số là xin nhập cư vào Hoa Kỳ. Lại nữa: Chỉ một người da đen tại Mỹ bị cảnh sát giết mà hàng ngàn người dân Mỹ biểu tình phản đối, lên án, trong khi hàng trăm người dân tộc thiểu số TQ bị hãm hại, mà xã hội TQ vẫn lặng lẽ như không; hàng ngàn sinh viên thanh niên TQ bị sát hại tại Thiên An Môn, thế rồi câu chuyện cũng qua đi, chẳng ai bị kết tội ! Với nội tình TQ tồi tệ như hiện nay, bao giờ thể chế chính trị của TQ được thế giới thừa nhận là tiên tiến ? Ngay hiện nay, ai cần và có thể “chinh phục” được ai trên thế giới này ?

Cái khác của giải pháp giải quyết sự hỗn loạn xã hội của Trung Quốc hiện nay so với Liên Xô thời Gorbachev là ở chỗ, Gorbachev thì muốn tiêu diệt các tệ nạn xã hội bằng cách cải cách thể chế chính trị, dân chủ hoá đất nước, nhưng đã quá vội vàng, thiếu chuẩn bị đảng trí, quan trí và dân trí. Còn Tập Cận Bình lại muốn dựa vào tiêu diệt tham những để trừ khử các đối thủ chính trị để độc quyền, tập trung độc đảng lãnh đạo chặt hơn nữa, tức là tăng thêm thù bên trong. Ngoài ra, Gorbachev không bị những vấn đề dân tộc nặng nề nguy hiểm như Tân Cương, Nội Mông và Tây Tạng tại TQ (thù trong), lại không bị đụng đầu với nhiều nước chung quanh (thù ngoài) như TQ hiện nay. Một đặc điểm nữa là, sản xuất của TQ đã tồi tệ đến mức, rất nhiều nước hiện không muốn dùng hàng hoá của nước này, đặc biệt là hàng thực phẩm. Tóm lại, nếu trước đây Yeltsin nói rằng, không thể nào cải tạo được đảng CS Liên Xô, thì nay Tập Cận Bình còn nằm trong “mê hồn trận” gấp nhiều lần Yeltsin và Gorbachev của Liên Xô cũ. Vì vậy nếu Liên Xô tự tan rã là chính, thì TQ liệu có thoát khỏi con đường này ? Có thể bằng chuyên chế đàn áp khốc liệt mọi mầm mống nổi dậy để tồn tại, song cách đó càng nung nấu thêm ngọn lửa căn hờn trong các dân tộc, nghĩa là chẳng trước thì sau, TQ sẽ bị buộc phải quay trở lại con đường chính của Nhân loại.

Nói như vậy là để thấy TQ hiện nay thực sự là ốm yếu hơn thời Liên Xô của Gorbachev, chứ không phải là hùng mạnh đến mức mọi người phải lo sợ. Chiến thuật “đổ lửa sang hàng xóm” và “quân đội lâu nay đã chứng minh kỳ được sự cần thiết phải đầu tư ngân sách cho họ nhiều hơn nữa” là cái vỏ bề ngoài bao bọc những sự bế tắc khó giải quyết cận kề sự tan rã bên trong. Gorbachev từ bỏ độc tài toàn trị để chuyển hẳn sang Tự do dân chủ đa nguyên, sau đó tiến tới (bị động) giải phóng các dân tộc đã sáp nhập vào với nước Nga cách mạng trước đây, đó là đi theo con đường chính của Nhân loại. Đấy chính là giải quyết tận Gốc rễ của vấn đề, nên dù có khó khăn bước đầu, khi Dân trí, Quan trí và Đảng trí chưa thích nghi kịp. Nhưng Tập Cận Bình lại quyết liệt chống tham nhũng để triệt tiêu các tư tưởng chống đối, để củng cố thể chế chính trị cũ lạc hậu và giữ “toàn vẹn và mở rộng lãnh thổ”, nên phải đem chiêu bài “Giấc mộng Trung Hoa” ra để kích động tinh thần dân tộc, sô vanh nước lớn. Vậy là khó khăn và sự đối kháng lại tăng lên gấp bội, và hơn thế, TQ còn đang phải đối đầu với các lực lượng chống trả từ nước ngoài, cái mà chính Mao Trạch Đông đã tự nhen nhóm lên.

Tuy nhiên, trước khi gạt bỏ được tận gốc tư tưởng “sợ” TQ, cũng không thể bỏ qua những khía cạnh “thận trọng” đáng nói khác sau đây đang tồn tại trong một bộ phần giới quyền lực VN:

Mỗi quốc gia, có lúc yếu, lúc mạnh, là quy luật. Tốt nhất là chúng ta phải giữ quan hệ lâu dài đề phòng khi rồi sau đây TQ lại sẽ mạnh lên, còn Mỹ thì yếu đi.

Dù quan hệ giữa ta và TQ có lúc thăng trầm, dù TQ đã nhiều lần xâm lược VN, thậm chí đã có lúc TQ bán đứng VN cho Mỹ, và ngược lại, cũng có lúc VN bị Mỹ bán rẻ cho TQ theo một cái nghĩa nào đó, nhưng không phải vì vậy, mà ta không tính đến một láng giềng TQ to lớn còn tồn tại lâu dài bên cạnh.

Đấy quả thật là những lo xa, thận trọng mang tính chiến lược. Nhưng có một tư duy chiến lược còn bao quát và sâu xa hơn, là Việt Nam muốn độc lập tự do dân chủ và hạnh phúc thật sự, thì chính VN phải mạnh lên tự đấu tranh để giành lấy, chứ không thể nhu nhược mà cầu xin, hay trông chờ may rủi. Hiện nay, do TQ tự mình đẩy VN ra xa (**), còn Mỹ, do đã nhận ra sai lầm chiến lược cùng Pháp đánh phá VN tệ hại trước đây, nay vì lợi ích bản thân, và cũng vì quyền lợi của đồng minh và tầm nhìn toàn cầu, đang giơ tay ra liên kết ngày càng sâu hơn với VN. Vậy liên kết đồng minh sâu hơn với Mỹ để đi vào TPP phát triển kinh tế và từ đó tạo sức mạnh quốc phòng, há chẳng phải là một việc mà bất cứ một nước tự do độc lập sáng suốt nào cũng có thể làm ?! Hơn thế, VN cũng cần học tập TQ, ở chỗ, Mao Trạch Đông, và các thế hệ lãnh đạo tiếp theo của ông, đã từng chuyển thù (Mỹ) thành bạn để phát triển, theo phương châm: Không có bạn và thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi quốc gia dân tộc là vĩnh cửu.

Vậy bây giờ, rõ ràng sự lo sợ TQ là có thể gạt ra, còn cái gì cản trở VN liên minh chiến lược với Hoa Kỳ ? Đó là vấn đề nhân quyền. Về thực chất, giải quyết tốt vấn nạn nhân quyền ở VN hiện nay chính là để củng cố chế độ chính trị đang cải cách hiện hành (quay về với chính mình trước khi sa vào vòng tay của Liên Xô và Trung Quốc từ 1950 thế kỷ trước do sai lầm chiến lược của Pháp và Mỹ gây ra). Thực ra, khối lượng những vi phạm nhân quyền ngày càng tăng ở VN hiện nay, ngoài nguyên nhân là do chế độ độc quyền đảng trị sâu rộng khắp cả nước kéo dài mấy chục năm gây ra, còn là do sức ép của TQ buộc VN phải thực thi các giải pháp kinh tế chính trị mất lòng dân theo chỉ đạo vì quyền lợi của họ, mà vì sự lo sợ quá mức mà lãnh đạo VN đã phải chấp nhận. Vì vậy, nếu bây giờ giải được một cách thực chất nỗi sợ TQ , thì cũng sẽ giải được vấn đề nhân quyền của VN, trước hết vì bản thân nhu cầu của nhân dân VN, và đồng thời cũng đáp ứng được theo yêu cầu của phía nhân dân Mỹ, nếu VN và Hoa Kỳ muốn là đồng minh chiến lược của nhau.

Tóm lại, là láng giềng hữu nghị với nhân dân TQ, nhưng không “sợ” TQ. Về thực chất đó là lời giải Gốc cấp tập cuối cùng còn lại của bài toán quốc gia đại sự trước mắt cũng như lâu dài của VN hiện nay, vì mọi vấn đề lý luận vân vi khác thì toàn dân và toàn đảng (và thế giới) đã bàn thảo, tranh luận lâu nay, đã phơi bày ra cặn kẽ hết và quá kỹ rồi... Đó (sợ TQ) cũng chính là một trong những cái sức cản lớn nhất về tư duy mà VN hiện nay cần vượt qua để quay trở lại “Con đường chính của Loài người” trước khi bước vào Đại hội 12 của Đảng CSVN. Thế giới đang trông chờ vào sự thức tỉnh của lãnh đạo Việt Nam.

Hà Nội, ngày 25 tháng 8, 2014

V.D.P.

(*) Trên các trang mạng điện tử

(**) Ở đây tôi muốn nói tới một sai lầm rất tổng quát của giới lãnh đạo TQ (đã quá khôn, mà chưa “ngoan”), là đã quan tâm quá lớn về tiếng tăm danh dự hình thức quanh chữ “vĩ đại”, “Chinh phục thế giới “, “Con sư tử đang ngủ, đã vùng dậy”, “Giấc mộng Trung hoa”, hay gọi Mỹ là “Con hổ giấy”, v.v. và v.v. còn rất kém về tính toán hiệu quả tổng thể và tiến hoá toàn cầu của Loài người).Trong khi bên CN Tư bản, cái quan trọng nhất của họ là tính “Hiệu quả” (hoà bình, hạnh phúc). Chiến tranh hay hoà bình, bạn hay thù, đều xoay quanh chủ đề “Hiệu quả”, chứ họ không màng những cái danh hão (ví dụ bé nhất là các nước còn tư duy “phong kiến” là yêu cầu đón tiếp theo nghi thức nguyên thủ quốc gia, nổ 21 phát đại bác, chẳng hạn). Nếu TQ cũng muốn phát triển theo con đường TBCN trước đã, thì cần quan tâm đến tính hiệu quả thật sự. Ví dụ vấn đề dầu khí Biển Đông và kiểm soát hàng hải quốc tế, thì chi phí dùng vũ lực để đánh chiếm và bảo vệ, về tổng thể, có hiệu quả và chắc chắn bằng hợp tác hoà bình đầu tư khai thác ? Hay “Chinh phục thế giới” để chiếm đoạt không của người ta có đủ tiềm lực của cải hay không và chắc được hay sao ? Ngay trên thế giới hiện nay, cũng rất nhiều nước, rất nhiều người nhầm lẫn sa lầy vào những chuyện vô bổ và rất tầm thường hình thức ngớ ngẩn này khác để tạo ra mâu thuẫn, sung đột và chiến tranh. Nếu quan tâm đến tính hiệu quả thật sự, thì những việc mà TQ đã và đang làm là trái với tính toán hiệu quả thực chất. Nói khác đi là rất mơ hồ, bồng bột, mù quáng và rất kém hiệu quả. Tôi mà được quyền lớn như ông Tập Cận Bình, thì lúc này, tôi rút kinh nghiệm sai lầm triển khai của Gorbachev, nhưng vẫn thực hiện mục tiêu như của ông ta: Đưa TQ trở về phát triển theo con đường chính của Nhân loại, lấy hiệu quả thực tế làm đầu, khi đó sẽ được chính nhân dân TQ và thế giới hoàn toàn ủng hộ (trừ một bộ phận của tầng lớp tư bản đỏ), Cộng đồng Trung Hoa khi đó (theo thời gian) sẽ có thể thực sự trở thành một cộng đồng các cường quốc hoà bình vĩ đại đặc sắc nhất thế giới, và Hoa Kỳ cũng như phương Tây sẽ phải kiêng nể thực lòng. Làm được như vậy, chưa biết chừng Tập Cận Bình sẽ có thể trở thành một huyền thoại của Nhân loại, trùm lên lãnh tụ (mặt trời mọc) thuần nông Mao Trạch Đông cổ xưa.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn