Thư gửi Quách Tiên sinh IT – Bộ GD&ĐT

Hiệu Minh Blog

24-8-2015

clip_image001

Quách Tiên sinh. Ảnh: Internet

Thưa Tiên sinh,

Lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau bởi Tiên sinh đã lên chức Cục trưởng Cục CNTT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ít có thời gian cho đồng nghiệp từng viết thuê chương trình bằng ngôn ngữ Pascal cho phông chữ tiếng Việt trên máy in laser cho bộ BKED.

Không cần giới thiệu chi tiết thì hàng triệu thanh niên trẻ xứ Việt đều biết danh rồi, bởi Tiên sinh là chuyên gia IT nổi tiếng cuối thế kỷ 20, tác giả BKED – bộ gõ chữ Việt trên máy tính, là thầy IT của anh Tử Quảng BKAV hiện đang có BPhone nổi tiếng khắp thế giới theo quảng cáo.

BK là viết tắt của Bách Khoa, nơi cả thầy trò đều học hành và thành đạt. BKED và phần mềm chống virus BKAV từng được chính Tiên sinh áp đặt cho các trường, các cơ quan trong ngành phải dùng, dường như trở thành chuẩn quốc gia.

Nhưng tôi viết thư này vì một lý do khác liên quan tới nghề nghiệp đi theo chúng ta, đó là nghề IT và những gì có thể giúp cho xã hội văn minh ở thế kỷ 21 này.

Số là vừa qua Bộ GD&ĐT (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức kỳ thi PTTH “hai trong một – thi tốt nghiệp và đại học”, một bước dự định là cải tiến  thi cử vốn là đề tài tranh luận suốt chiều dài lịch sử của quốc gia này. Có lẽ ý tưởng này không phải của Tiên sinh, thực hiện ý tưởng đó cũng ngoài tầm tay của giới IT vốn logic và quen với If … Then (nếu…thì).

Vào những ngày hè 2015 với cái nắng kinh người, có lúc nhiệt độ lên tới trên 40oC, nửa thế kỷ mới thấy, thì có khoảng 1 triệu chàng trai và cô gái bước vào phòng thi, trong đó khoảng 300.000 thí sinh thi ở địa phương và 700.000 khác ở các cụm thi liên tỉnh. Nếu một triệu em cộng với bố mẹ, ông bà, họ hàng …nghĩa là 2-3 triệu người di chuyển trong những ngày lều chõng ấy.

Thế rồi kỳ thi cũng qua dù đôi chút lời ong tiếng ve. Nhưng bất cập bắt đầu khi các em xem điểm, hệ thống đã nghẽn mạng vì hàng chục vạn người cùng truy nhập vào cùng một cơ sở dữ liệu do Cục Khảo thí quản lý.

Chuyện này xảy ra khắp thế giới, kể cả Hoa Kỳ. Ngày 11-9-2001, toàn bộ nước Mỹ tắc nghẽn thông tin bởi ai cũng cố gọi người nhà qua phone hay internet vào lúc tòa tháp đôi sụp đổ và sau đó là Pentagon bị máy bay lao vào.

Là Cục trưởng Cục IT, Tiên sinh thừa biết thế nào là tính toán phân tán, đặt máy chủ ở nhiều nơi, học sinh truy nhập vào nơi gần nhất, thay vì hỏi máy chủ ở phố Đại Cồ Việt (Hà Nội), nơi có văn phòng của Tiên sinh và Cục Khảo thí. Hiện nay Cloud Computing ứng dụng cũng đơn giản, phần an ninh mạng được đảm bảo bởi Tiên sinh có đệ tử là anh Quảng Bphone.

Hạ tầng CNTT của Việt Nam thuộc vào mạnh nhất khu vực, nhưng để xử lý một lúc cho hàng trăm ngàn người vào đồng thời thì chưa có giải pháp nếu như không phân tán các máy chủ. Nếu tính trước những khó khăn thì hệ IT của Bộ Giáo dục không đến nỗi dặt dẹo như từng xảy ra. Xem website của Bộ GD cũng thấy thiết kế đã cổ lỗ lắm rồi.

Không tin là ngành IT của Bộ được đầu tư nhỏ giọt vì tòa nhà IT cạnh Bộ GD đứng từ xa vẫn thấy lừng lững trên đường Tạ Quang Bửu. Dùng tiền thuế của dân mà không phục vụ dân sẽ phải nghe lời oán thán thấu trời xanh.

Chuyện IT chưa dừng ở đó. Sau cuộc thi kết thúc là cuộc đua theo kiểu “chứng khoán” vào cửa các trường đại học, giấc mơ đổi đời của mỗi gia đình người Việt có con đến tuổi trưởng thành. Việc Cục Khảo thí bắt buộc các trường ĐH phải dùng phần mềm xét tuyển chung thay vì để các trường tự chủ theo cách của mình đã “giúp cho thị trường chứng khoán thi cử” nóng dần lên từng giớ.

Lẽ ra mỗi thí sinh có một tài khoản riêng dùng ngay số CMT với một số thông tin như họ tên, ngày sinh, quê quán, trường,  ngồi tại nhà hay một trạm internet xem điểm, rồi xin online (trực tuyến) vào các trường, các ngành, hệ thống phần mềm quản lý số lượng thí sinh in/out, điểm chuẩn hay mức trần cho phép.

Làm được thế thì chẳng xảy ra việc các em cùng phụ huynh đội nắng kinh người, lên xe máy, xe ôm, xích lô, taxi và cả đi bộ để chạy lòng vòng. Các trường thừa sức tạo ra các trạm internet miễn phí cho thí sinh, trừ các em ở miền núi hay nơi xa internet, phải dùng đôi chân đi tới nơi có internet hay nộp hồ sơ bằng…tay.

Dân Việt hay nghe theo tin đồn, nghe nói trường này còn dư mươi suất, thế là phóng sang đó xem dù nơi ấy cách hàng trăm km. Không ngạc nhiên khi một ông bố thuê xe cấp cứu, còi hụ đưa con đi nộp hồ sơ từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Hệ thống tuyển sinh online của Hoa Kỳ đã giúp cho 22.000 sinh viên Việt hiện đang du học bên đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu các em phải xin visa sang tận trường để nộp hồ sơ?

Thật đáng tiếc, qui trình đăng ký vào các trường đại học được làm theo kiểu “automat-tay”. Hệ thống tra cứu điểm thi online không làm việc như dự định, nộp hồ sơ bằng đôi chân của thí sinh và phụ huynh. Dường như IT đã không giúp gì cho hàng triệu thí sinh và cha mẹ. Bộ trưởng Luận đã lên tiếng nhận trách nhiệm bởi cách quản lý giáo dục centralized (tập trung) và IT cũng thích … tập trung dân chủ thay vì cơ sở dữ liệu phân tán.

Trong khi chờ đợi “hệ thống chính trị vào cuộc” để cái cách giáo dục thêm N lần nữa, và vào một ngày đẹp giời, bỗng nhiên Bộ GD&ĐT tuyên bố để các trường có quyền tự chủ, tự lo từ A-Z như Hoa Kỳ, thì việc tổ chức kỳ thi “hai trong một” sẽ còn tiếp tục.

Bộ GD còn can thiệp chương trình học, thầy cô bắt học sinh thuộc lòng những số liệu vô hồn, kể cả việc bỏ áo trong quần, tóc tai hay mầu váy của học trò, thì còn lâu mới có cuộc cách mạng trong giáo dục. Thay vì cấm cậu học trò mặc quần short vào phòng thi, Bộ nên tạo ra hệ thống thi cử thuận tiện và tuyển sinh online cho hàng triệu thí sinh nếu còn muốn ôm đồm tất cả.

clip_image003

Giải pháp luôn là người đóng thuế cần. Ảnh: Internet

Kết thúc thư ngắn này, muốn thêm số liệu mà Tiên sinh khá rõ. Đó là Việt Nam có  tới 30 triệu tài khoản Facebook, giá smartphone chỉ khoảng 50$, trong đó số lượng học sinh và phụ huynh chiếm không nhỏ. Việc ứng dụng IT trong thi cử “hai trong một” chẳng phải là việc tìm ra châu Mỹ hay lập trình phông chữ tiếng Việt cho máy in laser như thuở nào.

Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Madeleine Albright từng giải thích tại sao người biểu tình trên quảng trường Tahrir (Cairo) lại phản đối chính phủ “People are talking to their governments on 21st century technology, governments are listening on 20th century technology, and responding with 19th century ideas. – Dân chúng đang nói với chính quyền bằng công nghệ thế kỷ 21, chính quyền nghe họ bằng công nghệ thế kỷ 20 và trả lời dân chúng bằng ý tưởng của thế kỷ 19”.

Có trong tay công nghệ thế kỷ 21, có thế hệ trẻ dùng công nghệ thế kỷ 21, có Tiên sinh ngôi sao công nghệ của thế kỷ 20, lại để 1 triệu thí sinh và vài triệu phụ huynh dùng phương tiện của thế kỷ 19, thi cử và chạy trường bằng đôi chân vạn dặm. Chỉ cần những lệnh If…Then đơn giản, ngành IT của Bộ GD và ĐT có thể thay đổi số phận mỏng manh của biết bao người.

Với trọng trách Cục trưởng Cục CNTT của Bộ GD&ĐT, không hiểu Quách Tiên sinh có suy nghĩ gì về chuyện này không?

Chúc Tiên sinh thành đạt trong công việc IT tại cái Cục quan trọng của Bộ trồng người.

H.M.

Nguồn: http://hieuminh.org/2015/08/24/thu-gui-quach-tien-sinh-it-bo-gddt/

Chú thích của BVN: Thực ra, "Cục trưởng Cục CNTT không có vai trò gì trong vụ IT sập tiệm khi tổ chức thi cử “hai trong một” vừa qua khiến hàng trăm ngàn thí sinh và phụ huynh chạy ngược xuôi, dù Bộ trưởng Luận đã nhận trách nhiệm, một số trí thức lên tiếng ủng hộ, vẫn chưa làm dư luận lắng dịu".

Xin xem thêm: http://hieuminh.org/2015/08/25/mot-gio-tro-chuyen-voi-quach-tien-sinh-it/#more-35103

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn