Vài ý kiến về dự án "Mở bể than sông Hồng"

Thân chào anh Huệ Chi và BBT Bauxite Việt Nam.
Tôi đã lục hồ sơ cũ và tìm ra hai bài viết về "dự án mở bể than sông Hồng" năm 2009, đó là:
1)- Bài "Vài ý kiến về dự án mở bể than sông Hồng" ngày 21-09-2009;

2)- Bài "Dự án mở bể than sông Hồng" ngày 22-09-2009;
Và bây giờ thì trên toàn cõi lãnh thổ VN đã xảy ra hai hiện tượng lớn:
- Miền Bắc, đồng bằng sông Hồng: Thiên tai lũ lụt trầm trọng trên tỉnh Quảng Ninh do cơn bão vừa qua gây nên, nghe nói nguyên nhân do những công trình khai thác than đá bất cập, không tính toán thiệt hại môi trường, không dự liệu hệ thống thoát nước cho những mỏ than lộ thiên, dễ khai thác, dễ thực hiện, ít tốn kém, nhưng gây lũ lụt rất nhiều;
- Miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long: gần 45% diện tích cày cấy ruộng lúa, ao hồ nước ngọt bị nhiễm mặn trầm trọng. Nghe nói do tình trạng siết nước đóng cửa đập thuỷ điện trên thượng nguồn (TQ, Vân Nam), thiếu nước ngọt, mất phù sa, và nước biển tràn vào gây nhiễm mặn. Dĩ nhiên nguồn thuỷ sản nước ngọt (cá, tôm, cua) bị chết vì nước nhiễm mặn, chưa nói đến ruộng lúa phì nhiêu khắp miền Nam bị khô cằn;
Tình hình này có nên để kéo dài không và chúng ta, trí thức trong và ngoài nước, khoanh tay chịu thua không ? Tôi xin để các anh chị trong nước lên tiếng trước.
Chào thân ái, cám ơn .
Lê Quốc Trinh, Canada
17-08-2015

1. Vài ý kiến về dự án "Mở bể than sông Hồng"

Mấy hôm nay lên báo điện tử trong nước đọc lại nghe râm ran một dự án mới gây tranh cãi phản biện trong giới trí thức khoa học công nghệ VN, điển hình là ông Tiến Sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc công ty Năng Lượng sông Hồng .

Tôi không là người trong nước, vả lại cũng ít có dữ liệu về dự án mới mẻ này cho nên chỉ biết "lắng tai dựa cột mà nghe". Tuy nhiên hình ảnh ông Nguyễn Thành Sơn đã đưa tôi trở về thực tại, là mới cách đây gần nửa năm, chính ông Tiến Sĩ này đã khơi mào cuộc phản biện gay gắt ngăn cản công trình khai thác quặng bô xít trên Tây Nguyên, và nếu tôi không lầm, thì Trang Mạng BauxiteVietNam hãy còn lưu trữ hồ sơ của ông đầy đủ (vào đọc Mục Tư Liệu, sẽ tìm lại được Năm Điều Bất Cập và Bốn Điểm Kiến Nghị của ông Sơn).

Một điểm đáng mừng là có lẽ chính phủ rút ra được bài học từ Bauxite Tây Nguyên cho nên lần này đã cẩn thận để cho giới trí thức VN lên tiếng bàn luận nát nước về dự án "Mở bể Than sông Hồng". Tài nguyên của đất nước VN phải do chính người dân VN đứng ra đảm nhiệm, hiển nhiên tuyệt đối không để ngoại bang mặc tình thao túng. Do đó bài này tôi không có ý định phản biện tranh cãi gì với ông Sơn trên lãnh vực khoa học kỹ thuật.

Tuy nhiên khi đọc xong bài phỏng vấn của báo VietNamNet với ông Sơn về dự án Than sông Hồng, tôi nghe ông viện nhiều lý lẽ để biện hộ cho dự án này, tôi xin phép được đơn cử ra đây vài hình ảnh liên quan đến con sông huyết mạch của đồng bằng Bắc bộ, chảy ngang qua thủ đô Hà Nội.

Đó là những hình ảnh chụp cảnh sông Hồng bị khô cạn trơ đáy hồi tháng Ba vừa qua, xem tài liệu VNExpress đính kèm. Tôi thường nghe nói đến những cảnh lụt lội tang thương do con sông này gây ra trong quá khứ, tuy tôi sinh đẻ trong Nam, nhưng câu chuyện "Anh phải sống" của nhà văn Khái Hưng (Tự Lực Văn Đoàn) diễn tả khiến tôi xúc động nhớ lại cảnh ngộ một người mẹ vì thương con mà chịu hy sinh thân mình để chồng sống sót về với gia đình: "Thằng Bò, cái Lớn, cái Bé, không ...anh phải sống".

Bởi thế khi nhìn quang cảnh con sông nổi tiếng khô cạn trơ đáy thì tôi rất ư ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi lẽ khúc sông này nằm trong vùng đồng bằng, sắp đổ ra biển, và đây là con sông khá dài, 1200km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam bên TQ. Lý do gì xui khiến con sông mất nước hoàn toàn? Phải chăng vì hạn hán suốt mấy tháng trời? Không hề có. Phải chăng vì có ai đã xây đập trên thượng nguồn chận hết nguồn nước? Có thể lắm, vậy thì ai đã gây ra sự cố này? Ông Sơn, giám đốc công ty Năng Lượng sông Hồng chắc hẳn có liên quan chịu trách nhiệm, tôi đoán chừng như vậy.

Đi sâu một chút vào chi tiết kỹ thuật, thắc mắc của tôi có cơ sở, bởi lẽ vấn đề nghiêm trọng nằm ở chỗ khi con sông lớn chính yếu mất nguồn nước, nằm trên khu vực đồng bằng, thì nguy cơ nước biển xâm nhập đổ tràn vào. Nước mặn sẽ gây thiệt hại to lớn, phá hoại mùa màng, gây xáo trộn sinh thái, nhiễm mặn nước ngầm, tấn công cầu cống vv...Như vậy để ngăn chận nguy cơ này mà phía hạ lưu gần cửa biển phải có một con đập ngăn nước, tôi đoán là vậy. Do đó sông cạn khô trơ đáy như hình ảnh trên VNEpress là chuyện hiển nhiên.

Trở lại vấn đề năng lượng sông Hồng, không biết ông Sơn có làm thử một con tính ước lượng "cái được, cái mất" khi quyết định "mớ bể than 210 tỷ tấn, vĩ đại" không. Khu vực đồng bằng sông Hồng là một trong hai vựa lúa nuôi sống toàn dân, ông Sơn có tính tóan thử "cái mất lúa gạo và cái được than đá" có nuôi sống được hơn 85 triệu sinh linh trong tương lai không? Nông nghiệp VN có được được cơ khí hoá toàn bộ chưa? có được khoa học hỗ trợ để bảo đảm sản xuất tăng trưởng không? ngay khi gặp thiên tai (bão tố, lụt lội) như bên Miến Điện chẳng hạn. Ông Sơn có bao giờ hình dung rằng con sông Mê Kông cũng sắp bị bức tử, đưa đồng bằng Cửu Long phì nhiêu vào nguy cơ mất mùa, hạn hán trong tương lai chưa?

Vì lẽ đó tôi xin phép BauxiteVietNam được đăng lại những lời tuyên bố hào hùng của ông cách đây sáu tháng:

Bất cập trong dự án Bauxite Tây Nguyên

Quy hoạch có quá nhiều bất cập không được tính đến

1)-Bất cập thứ nhất: sự không cân đối giữa các khâu đầu nguồn và cuối nguồn: các dự án tuyển luyện để bán quặng có công suất lên tới hơn 18 triệu tấn/năm. Nhưng các dự án chế tạo (điện phân) nhôm kim loại có công suất chỉ 0,2-0,4 triệu tấn/năm.

2)-Bất cập thứ hai: Các dự án đều triển khai ở vùng rất nhạy cảm về môi trường và xã hội nhưng không có thử nghiệm trước.

3)-Bất cập thứ ba: Các dự án tuyển luyện bô-xít cần rất nhiều nước, được triển khai ở vùng hiếm nước (Tây Nguyên còn đang thiếu nước cho các cây công nghiệp cau su, chè, cà phê, điều…)

4)-Bất cập thứ tư: Mất cân đối về cung cấp điện trên địa bàn có hệ thống nguồn và lưới điện hiện còn đang kém phát triển. Các dự án luyện cán nhôm cần rất nhiều điện. Việt Nam còn đang thiếu điện, và sẽ không có nguồn thuỷ điện rẻ tiền để đảm bảo cho các dự án nhôm.

5)-Bất cập thứ năm: Các dự án hạ tầng (đường sắt, cảng biển, điện) triển khai sau các dự án khai thác bô – xít và sản xuất alumina.

Kiến nghị 4 điểm

1)- Thứ nhất, cần sớm đình chỉ các dự án khai thác và chế biến bô – xít qui mô lớn ở trên Tây Nguyên. Cần rà soát lại việc tuân thủ pháp luật của các dự án này. Ngoài việc phải tuân theo luật Đầu tư, các dự án bô – xít cần tuân theo luật Khoáng sản, các dự án alumina cần tuân theo các văn bản pháp qui về hoá chất độc hại. Về nhiều khía cạnh, các dự án bô – xít và alumina trên Tây Nguyên chưa tuân thủ đúng theo luật và các qui định hiện hành.

2)- Thứ hai, chỉ nên triển khai 1 dự án thử nghiệm và trình diễn cụ thể trên thực tế (thay cho các lời hứa hay cam kết trên giấy của các chủ đầu tư) để tìm ra các câu trả lời cho 10 nhóm vấn đề còn bỏ ngỏ nêu trên, để kịp thời rút kinh nghiệm tránh các nguy cơ có thể xẩy ra, và để không lặp lại các sự việc nghiêm trọng như Vedan.

3)- Thứ ba, cần quan tâm và ưu tiên nước ngọt và có các chính sách thoả đáng khác cho việc phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè, điều…) đúng với tiềm năng của Tây Nguyên, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, bù đắp cho danh mục dầu thô sắp cạn của VN.

4)- Thứ tư, cần thành lập “Uỷ ban quốc gia về phát triển kinh tế Tây Nguyên” trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để chỉ đạo toàn diện việc phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên.

Thay cho lời kết, chúng tôi muốn nhắc lại câu nói của một triết gia: “Phát triển chẳng giống ai là cách tự huỷ hoại mình nhanh nhất”.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn

Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng

L.Q.T

Tác giả gửi BVN

2. Dự án “Mở bể than sông Hồng”

Kính thư đến anh Trinh, anh Huệ Chi, anh Phạm Toàn và các anh...
Em cũng đã theo dỏi về dự án: "Mở bể than sông Hồng", và cũng đã
thấy có nhiều điều nghi ngờ về tính hiệu quả của dự án.
Thứ nhất:

Là phải có một so sánh hiệu quả kinh tế toàn diện do việc khai thác Bể
than như: mất đất trồng trọt; đền bù giải tỏa di dời dân (nên nhớ là
phí tổn nầy phải thỏa đáng, không được đền bù không đầy đủ như hiện
nay!); sự lún sụt các vùng lân cận khi đào mỏ than sẽ gây hư hại các
công trình lân cận (nhà của, đường sá, cầu cống...) cũng phải được
tính đến.
Thứ hai:

 

Hiện nay do sự thay đổi khí hậu toàn cầu, mực nước biển dâng cao, tăng diện tích ngập mặn một số vùng trủng đáng kể của bình nguyên sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long sẽ làm mất đi đáng kể diện tích canh tác của
hai miền đồng bằng trù phú nầy (đã có những kịch bản về vấn đề này). Mặt khác do khai mỏ than, ở tầng sâu, cần phải bơm khô hố móng, sẽ làm giảm cột áp nước ngầm tầng nông, tạo điều kiện xâm nhập mặn sâu
vào đất liền; điều nầy sẽ làm mặn hóa tầng nước ngầm nông , ảnh hưởng xấu đến dân sinh kinh tế (dân mất nguồn nước ngọt để dùng trong sinh hoạt, tưới; cây trồng sẽ chết ở những vùng nhiếm mặn).
Thứ ba:

Do xây dựng nhiều công trình Thủy lợi, thủy điện ở thượng nguồn hai con sông lớn (Sông Hông và Mê Kông), sẽ làm giảm đáng kể lượng phù sa mầu mở hàng năm cung cấp cho đồng bằng. Sự chặt phá núi rừng, đã làm tăng mực nước lũ và làm giảm lưu lượng mùa kiệt; làm giảm tuổi thọ các hồ chứa nước.
Thứ tư:

Hiện nay VN chưa thể cạnh tranh được về công nghệ cao với các nước, nên vấn đề bảo vệ núi rừng, phát triển nông nghiệp, để cho đất nước có thể tồn tại là vấn đề ưu tiên hàng đầu, mà bất kỳ chính phủ nào vì dân, cũng phải nhớ lấy.
Với tư cách là một chuyên gia Thủy lợi, em không tán thành dự án nầy, vì thấy quá nhiều điểm bất lợi.
Anh Trinh và các anh, ghép ý của em vào để viết thành một bài, có nhiều tác giả tham gia.
Em sẽ liên lạc với các đồng nghiệp để thảo luận tiếp.
Em xin kính chúc các anh được vui khỏe.
Kính thư
Em
Ng Thế Hùng

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn