NÓI THẬT KHÔNG SỢ MẤT LÒNG (Kỳ 8)

Câu chuyện thứ 8 : Góp phần vạch trần những chiêu thức

NGỤY BIỆN và thói NÓI LẤY ĐƯỢC trên các diễn đàn!

Minh Ấm

Hôm nay tôi và anh Mạnh Trí lại ngồi với nhau đánh giá lại những bài viết có tính phản biện, tranh thảo với một số tác giả của các báo và tạp chí "lề Đảng" mà thời gian qua chúng tôi đã đóng góp trên các trang mạng. Liên hệ tới nhiều bài viết khác nữa trên các loại báo "lề Đảng", và kể cả các bài nói của các chính trị gia cấp cao, chúng tôi đã nhìn ra một hiện tượng chung đáng lo ngại và đáng buồn là: họ tăng cường các chiêu thức NGỤY BIỆN và thói NÓI LẤY ĐƯỢC !

Sau đây là phần trao đổi của hai anh em chúng tôi.

- Anh ạ, ai cũng đều biết Ngụy biện là một kiểu biện luận, suy luận giả dối (Ngụy có nghĩa là giả, không thật) mới nghe qua thì thấy có vẻ đúng, nhưng kết quả lại là sai, vì nó đã sai từ bản chất. Do đó Ngụy biện là một thứ bệnh hoạn trong hoạt động tư duy, nó chống lại sự phát triển tiến bộ của nhận thức, của lý luận, khoa học. Và bởi vậy trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận, nghiên cứu khoa học, giáo dục,... chúng ta phải luôn cảnh giác với nó, phải chống nó một cách triệt để, quyết liệt, chống đến cùng, không khoan nhượng. Thế thì tại sao Đảng (CSVN) đường đường là một tổ chức chính trị "có uy tín, là đỉnh cao của trí tuệ, của đạo đức,...Việt Nam" (như lời họ vẫn tự nhận) bây giờ lại cần đến thứ "vũ khí" cùn đó ? lại thường xuyên làm bạn với nó, chấp nhận nó, nhưng lại không dám thừa nhận bản chất nó là Ngụy biện?

- Không có gì lạ về hiện tượng này, bởi vì với nền tảng tư tưởng (chủ nghĩa Mác Lênin), chủ thuyết phát triển (CNXH) đi cùng với các đường lối chính sách hiện hành (Đổi mới theo kinh tế thị trường định hướng XHCN, ...) đã được công bố một cách danh chính và công khai trước bàn dân thiên hạ, nhưng nay ngày càng tỏ ra không thuyết phục được dân, không củng cố được lòng tin ở dân. Chính thực tiễn nhằm hiện thực hóa những thứ lý thuyết đó đã và đang thất bại thảm hại, phản ánh rất thực giá trị lý luận và thực tiễn của cả hệ thống lý thuyết bảo thủ và sai lầm nói trên. Vì vậy mà bộ máy tuyên giáo của Đảng (CSVN) không thể cứ làm công tác tư tưởng và giáo dục đảng viên và dân chúng bằng kiểu cách truyền thống như cũ (chính diện, trực tiếp, chân phương, ít dám nói dối, ...), không thể cứ trung thành mãi với tính khoa học và chân thực (một cách thực lòng) trong các nội dung tuyên giáo, như họ vẫn nói. Họ bắt buộc phải tìm một giải pháp khác, mà trong nhiều tình huống họ đã thấy có hiệu quả trước mắt, dù đó là một giải pháp phản tiến bộ ! Chiêu thức Ngụy biện đã được các nhà lý luận và các chính trị gia (CSVN) lựa chọn trong bối cảnh như vậy đó !

- Chắc họ đã thừa hiểu rằng kết luận rút ra từ phép Ngụy biện luôn là giả dối, không đúng sự thật, trái với quy luật phát triển, các kết luận đó đều phi chân lý ! Trong khoa học (cả tự nhiên và xã hội) Ngụy biện sẽ tạo ra Ngụy thuyết, thậm chí là Tà thuyết, tất sẽ không thể dẫn đến chân lý khoa học. Nếu khoa học đó vận dụng vào lĩnh vực chính trị thì sẽ không có nền tảng tư tưởng chính trị chân chính cho một chính đảng, sẽ không có chủ thuyết phát triển đúng đắn cho một đất nước, lúc ấy Đảng chính trị sẽ trở thành Ngụy Đảng, và nếu Đảng đó cầm quyền thì chính quyền ấy sẽ là Ngụy quyền, chống lại nhân dân ! Thế mà họ lại tìm đến Ngụy biện, coi đó là "Phao cứu sinh" trong thế trận hiện nay mà họ vẫn cố "lên gân" tự tin vào bản lĩnh chính trị của mình, vào chủ thuyết của mình ?

- Trên đời này, mọi việc đều phải soi xét từ mục đích mà chủ thể đã đặt ra thì mới biết rõ là việc tốt hay xấu, từ đó cộng đồng mới có cơ sở để bày tỏ thái độ. Mục đích sử dụng Ngụy biện của bọn họ trong xây dựng chủ thuyết, bảo vệ chủ thuyết, truyền bá đường lối chính sách, ... chính là sự thể hiện cái Tâm thật của họ đấy. Họ không Vì Dân - Vì Nước đâu, mà chỉ là vì lợi ích riêng của phe nhóm và cá nhân mình, vì yêu cầu giữ độc quyền toàn trị ! Đã dùng đến Ngụy biện thì họ đâu cần đến tính khoa học, tính thực tiễn nữa ! Sự tha hóa về chính trị luôn đi liền với tư duy Ngụy biện, vì nếu không thì làm sao mà họ bảo vệ cho được những cái sai lầm, bảo thủ, trái quy luật trong hoạch định đường lối và chỉ đạo thực tiễn của họ ? Dùng đến Ngụy biện là dấu hiệu của sự suy yếu, lúng túng, bế tắc, là sự thú nhận về thế yếu đã rõ ràng rồi !

- Đây là một bước thụt lùi trong tư duy chính trị của Đảng (CSVN), là biểu hiện rất xấu của giới chính trị và truyền thông nhà nước hiện nay! Hiện tượng đó không những chứng tỏ cái tầm trí tuệ thấp mà còn minh chứng cho một tính cách không tử tế, không đàng hoàng, một cái Tâm đen, thậm chí có thể gọi thẳng là một sự Phản bội đối với Lý tưởng ban đầu và đối với lợi ích của đất nước! Hiện tượng đó đã và đang nêu gương xấu cho các nhà báo và người viết về tệ lừa dối, che giấu sự thật, bóp méo sự thật,... nhằm phục vụ cho lợi ích riêng. Hiện tượng đó đã và đang phản công lại đòi hỏi về tính khoa học của phương pháp tiếp cận vấn đề, làm hỏng cả năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của người viết nói chung, nếu như họ cũng thiếu bản lĩnh! Còn tác hại đối với bạn đọc, tức là người dân, thì vô cùng lớn và dai dẳng: bị bưng bít sự thật, không hiểu đúng tình hình đất nước, đầu óc ngày càng mụ mị hơn, ngu hơn, đến mức có thể mất định hướng, chỉ biết dạ vâng nghe theo và làm theo răm rắp sự chăn dắt của "bề trên" (tất nhiên chỉ là một bộ phận)!

- Bây giờ chúng ta thử soi xét lại một số thủ thuật Ngụy biện của bọn họ trong một số bài viết và phát biểu quan trọng trong thời gian qua, để nhìn rõ hơn mức độ sai trái và tác hại, về cả mặt lý luận và thực tiễn.

Thông thường thì Ngụy biện sai ở cả nội dung tri thức và phương pháp suy luận, thể hiện ra bắt đầu từ luận đề, rồi luận cứ, cho đến luận điểm và luận chứng.

- Trước hết là Ngụy biện Luận đề, bằng thủ thuật đánh tráo luận đề, nhằm đánh lạc hướng bạn đọc. Ví dụ: Đáng nhẽ phải chứng minh tính đúng đắn của một chủ trương thì tác giả lại xoay nội dung sang hướng ca ngợi cấp/người sinh ra chủ trương đó. Đáng nhẽ phải kiểm điểm sai lầm thì tác giả lại trình bày những khó khăn khách quan, chủ quan. Đáng nhẽ phải kiểm điểm những yếu kém, thất bại thì lại biến thành báo cáo thành tựu ảo! Hoặc cũng là thủ thuật đánh tráo luận đề, có tác giả lại nêu luận đề rất mù mờ, trong đó khái niệm trung tâm đã bị đánh tráo !...

- Kéo theo đó là Ngụy biện Luận cứ. Họ rất ma giáo và xảo trá trong việc chọn luận cứ, theo hướng có lợi cho mục đích của họ (chứng minh luận đề sai), dễ làm cho bạn đọc tin ngay là đúng, hoặc không xác định được là đúng hay sai! Ví dụ, họ thường chọn :

Những luận cứ có cách diễn đạt chung chung, mù mờ, có thể hiểu "thế nào cũng được" ...

Có khi lại là một mệnh đề chưa được chứng minh về tính chân lý, ...

Có khi là một tri thức cũ xưa mà bây giờ không còn đúng nữa, tức là dùng một luận cứ sai, ...

Có khi lại trích dẫn ý kiến của các danh nhân, các lãnh tụ có uy tín (bác Hồ chẳng hạn), trích nội dung sách kinh điển, hoặc văn bản gốc có liên quan, nhưng lại cắt xén có dụng ý những phần không có lợi cho lập luận của họ, ...

- Và tất nhiên, từ luận cứ không có giá trị chân lý đó tác giả sẽ đưa ra các luận điểm để chứng minh luận đề cũng đều là Ngụy (giả), nghĩa là tác giả lại tiếp tục Ngụy biện Luận điểm! Ví dụ nêu các luận điểm rời rạc, không bám sát yêu cầu chứng minh luận đề.

- Và rồi đương nhiên đi kèm theo đó phải là Ngụy biện Luận chứng, mà sai phạm nổi lên là luôn vi phạm qui tắc lô gic, vận hành sai các thao tác tư duy. Ví dụ: đánh tráo khái niệm, đánh tráo hiện tượng với bản chất, nguyên nhân với kết quả, đánh tráo vật qui chiếu, vi phạm qui tắc “tam đoạn luận”, lý luận vòng vo, dài dòng, phức tạp hóa vấn đề,... Có khi lại đưa ra một dãy số liệu sai sự thật (thành tích ảo), một tình hình thực tiễn không điển hình, khác xa với thực tiễn đại trà, ..., bóp méo sự thật, che giấu sự thật, ... nhằm minh họa cho luận điểm sai.

Rồi có thể là Quy nạp sai, áp dụng phép Tương tự sai, Khái quát không đầy đủ, ...

Và trong nhiều trường hợp, chính sự lắt léo, biến hóa của phương pháp mà họ dùng đã tạo ra được cái “vỏ bọc ngoài” có vẻ tri tuệ cho nội dung sai toét, giúp họ thu được thành công tạm thời, khi người đọc chưa kịp bình tâm suy ngẫm !

- Nhìn chung thì các “Ngụy biện gia” đều huy động tổng hợp cả 4 thủ thuật Ngụy biện vừa nêu trên để phục vụ cho bài chứng minh của minh. Nhưng cũng tùy từng trường hợp, có người lại dùng chủ yếu với một vài thủ thuật mà họ có thế mạnh, hoặc bài viết có đòi hỏi.

- Con người ta trong quá trình nhận thức thế giới và bản thân mình, nếu thiếu thận trọng thì ai cũng có thể mắc những lỗi sai về “Ngụy” (tức Giả), dù là vô tình, như đã nêu ở trên, và lập tức phạm lỗi Ngụy biện! Hậu quả tất yếu phải đón nhận là những nhận thức sai, phi chân lý!

- Như vậy phải chăng là luôn có 2 loại Ngụy biện: một loại do hạn chế về trình độ, ít trải nghiệm, mà vô tình lâm vào “bẫy” Ngụy biện, chứ không có mục đich xấu. Còn một loại thì ngược lại, là cố tình dùng Ngụy biện để bẻ cong nhận thức chung của cộng đồng, nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của phe nhóm mình, cá nhân mình!

– Không phải có 2 loại Ngụy biện đâu, mà trên thực tế chỉ có một loại, đó là loại mà cậu vừa xếp vào loại thứ 2 vừa nêu trên. Nếu chỉ xét thuần túy về sự sai phạm quy tắc lô gich trong tư duy thì cả 2 dạng trên đều phạm lỗi Ngụy biện. Nhưng nếu xem xét một cách đầy đủ, gắn kỹ thuật, trình độ với động cơ, thì chỉ có 1 dạng Ngụy biện. Còn dạng thứ 1 chi là những sự Ngộ nhận, không gắn với động cơ xấu. Dạng Ngụy biện chính danh mới là đối tượng cần vạch trần bản chất giả khoa học và lên án cái Tâm đen của chủ thể sở hữu!

- Tuy các “Ngụy biện gia” của dạng Ngụy biện chính danh đều có thế lực chính trị, vì họ đều là các nhà lý luận sừng sỏ của giới cầm quyền, nhưng họ vẫn luôn bộc lộ ra nhiều hớ hênh về cả tri thức lẫn phương pháp suy luận, vì luôn bị chi phối bởi cái Tâm đen, luôn gặp nhiều mâu thuẫn giữa luận cứ, luận điểm, luận chứng, ... (tức giữa lý luận và thực tiễn), và bị ràng buộc bởi các đòi hỏi lắt léo về “kỹ thuật” của chiêu thức Ngụy biện!

- Đi liền theo chiêu thức Ngụy biện bao giờ cũng là cái tệ NÓI LẤY ĐƯỢC, nó hỗ trợ đắc lực cho Ngụy biện, nó phát huy hiệu quả của Ngụy biện. Đó là kiểu Nói không cần biết mình đang nói liều, đang nói sai, đang nói dối, không cần biết cử tọa có nghe lời mình nói không, có tin lời mình nói không, có chê cười mình không, có phản đối mình không. Đó là kiểu nói lúc thì rả rích, dai dẳng, lúc thì ào ào, bát nháo, ầm ỹ, hùng hổ, là nói thường xuyên, liên tục, không ngưng nghỉ, không thấy nhàm chán, không biết mỏi mồm, không sợ tốn giấy mực, tốn thời gian (của người khác), ... vì luôn tin rằng nói mãi rồi cũng vào được đầu người nghe, dù ít hay nhiều, nhất là với người dân do ít được trải nghiệm ! ...Tệ Nói Lấy Được có mặt ngay trong các bài viết, bài nói có yếu tố Ngụy biện, và vẫn tiếp tục sau đó trong các cơ hội khác cùng chủ đề.

- Chúng ta thử điểm lại một vài trong số hàng loạt các “công trình” Ngụy biện của các nhà lý luận và chính trị gia cao cấp để hiểu rõ hơn bản chất vấn đề mà chúng ta đang quan tâm !

- Có thể lấy câu nói tai tiếng của một đại biểu Quốc hội (hình như ở đoàn Hà Nam) để mở đầu cho sự minh họa về chiêu thức Ngụy biện của các chính trị gia cơ hội. Góp ý cho chủ trương Đường sắt cao tốc, ông ta nói trước Quốc hội, đại ý: Các nước có đường sắt cao tốc thì người dân ở đó đều có chỉ số thông minh IQ cao. Người Việt ta đã được đánh giá là có chỉ số IQ cao nên nước Việt ta phải có đường sắt cao tốc!

Sau khi nói, ông ta cứ tưởng câu nói của mình là rất trí tuệ, rất thuyết phục, mà không biết đã phạm tội Ngụy biện nhằm đánh lừa nhân dân ! (Ngụy biện ở chỗ nào xin mời bạn đọc tự lý giải!)

Phải chăng đây là biểu hiện điển hình về trình độ tư duy chung của giới chính trị gia Việt Nam hiện nay? Không đâu, đây mới chỉ là loại “tép riu” trong giới chính trị gia cơ hội mà thôi. Còn nhiều lắm các “công trình” Ngụy biện động trời và đáng ghi vào lịch sử phát triển tư duy của người Việt !

- Bây giờ chúng ta thử lấy một ví dụ để phân tích - trở lại câu chuyện về "Chống phi chính trị hóa quân đội" (Tác giả Ngô Xuân Lịch, xem TCCS số 862 – 8/2014). Có thể coi đây là một bài Ngụy biện điển hình, sai một cách toàn diện, từ Luận đề, Luận cứ cho đến Luận điểm, Luận chứng. Sự non nớt về tri thức, sự yếu kém về phương pháp bộc lộ ra ngay trong lộ trình của bài viết, làm cho tác giả chịu nhận thất bại ngay tại trận, không cần người ngoài phải mất công soi xét như với các bài Ngụy biện khác! Và chỉ cần điểm qua một cách vắn tắt một vài điểm nổi cộm đó, thì ai cũng có thể nhìn ra ngay trình độ thực và ý đồ xấu của tác giả.

- Trước hết, luận đề đã bị đánh tráo, bởi khái niệm trung tâm (tính chính trị của quân đội) đã bị đánh tráo ngay từ đầu. Tác giả đặt ra nhiệm vụ của bài viết là phải chứng minh cho được, lý giải cho rõ việc "Chống phi chính trị hóa quân đội" là vô cùng quan trọng và cấp bách. Nhưng do tác giả cố tình hiểu sai "Tính chính trị" của quân đội, đánh tráo khái niệm “tính chính trị” , như mọi người đều hiểu, thành khái niệm “tính phi chính trị”, như quan điểm của ông! Và bài viết để chống tính “phi chính trị” lại đương nhiên biến thành chống tính “chính trị” đích thực của quân đội!

Dân hiểu tính “chính trị” của quân đội thể hiện ở chức năng của nó là Bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước, bảo vệ cương vực, lãnh thổ,...

Còn tác giả thì cố cãi: Chức năng của quân đội là Bảo vệ chế độ chính trj và lợi ích của giai cấp cầm quyền, ... Nói rõ ra với Việt Nam là bảo vệ Đảng (CSVN) cầm quyền và chế độ chính trị hiện hữu có tên là Xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đó mới là tính “chính trị đích thực” của quân đội, còn hiểu như dân là tính “phi chính trị” rồi, đó là luận điệu phản động, thù địch!

- Và bởi vậy Luận cứ cốt lõi thứ nhất mà tác giả chọn cho bài ngụy biện của mình là một mệnh đề trong sách kinh điển Mác Lênin, bàn về vai trò của quân đội ..."Trong xã hội có giai cấp, bất kỳ quốc gia nào, dù thời chiến hay thời bình, đều tổ chức ra quân đội để bảo vệ chế độ chính trị và lợi ích của giai cấp cầm quyền"...

Luận cứ này quá cũ và quá sai, vì đây là một mệnh đề hoàn toàn không đúng với Việt Nam hiện nay, trái ngược với lý thuyết trong Cương lĩnh của Đảng (CSVN) ! Chọn luận cứ này làm điểm tựa chủ yếu thì càng bộc lộ rõ tính Ngụy biện của toàn bộ bài viết. Tác giả không dám lý giải tường minh các khái niệm trong mệnh đề trên: Giai cấp cầm quyền hiện nay là ai, đâu còn là giai cấp công nhân nữa? Lợi ích của giai cấp cầm quyền là gì mà quân đội phải bảo vệ ? Chế độ chính trị hiện nay là gì, đâu đã là cái CNXH với 8 đặc trưng mà các vị cố tưởng tượng ra, hay là cái CNXH thời Liên Xô cũ, hay là cái CNXH còn mù mờ mà ngay Tổng bí thư vẫn chưa biết đến bao giờ mới có ? ... Chả nhẽ quân đội Việt Nam hiện nay lại nhắm mắt bảo vệ những thứ rác rưởi (thế lực cầm quyền tha hóa câu kết với bọn nhà giầu bất chính, cùng những lợi ích riêng đen bẩn của bọn họ), và bảo vệ cái viển vông, không có thật (CNXH), bảo vệ cái thể chế chính trị phản dân chủ hiện hữu, mà về thực chất chính là chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc ?! Hiện nay trên thế giới chỉ có quân đội các nước độc tài, với bản chất là lính đánh thuê, thì mới cam tâm ôm chân một thiểu số giới cầm quyền tham lam, độc ác, cùng với chế độ thối nát của chúng, chống lại nhân dân mà thôi!

- Chỉ cần nêu lại một Luận chứng mà có lẽ tác giả cho là đắt giá nên đã chọn cho phép chứng minh của mình, lại “đập ngay vào lưng ông”, làm cho phép chứng minh thất bại ngay tại trận! Tác giả nêu lại sự kiện Liên Xô sụp đổ để chứng minh cho luận điểm: nếu quân đội bị “phi chính trị hóa” thì sẽ không còn sức chiến đấu để bảo vệ Đảng và chế độ. Nhưng vì tác giả đã bóp méo sự thật lịch sử đó, nên những ai đã biết sự thật thì đều lại càng hiểu rõ hơn điều ngược lại: vì quân đội Liên Xô lúc đó không bị cái “tính chính trị” xuyên tạc, như kiểu của ông Lịch ở Việt Nam, nên vẫn rất tỉnh táo, đã quay lưng lại với Đảng CS và chế độ Xô Viết đã tha hóa, kiên quyết không bảo vệ những thứ rác rưởi, thối nát đó nữa.

- Nếu xét thêm về thói Nói Lấy Được thì phải xếp tác giả này vào loại “siêu” kia đấy. Cứ xem cái sự hùng hồn của ông khi đưa ra luận chứng vừa nêu lại ở trên thì càng phục ông “quá Tài”, không cần biết mình đang nói gì, không hề biết nể sợ trình độ của đông đảo bạn đọc nữa!

- Xem đến bài Ngụy biện của Nhị Lê (TCCS số 862 – 8/2014) cũng là một bài Ngụy biện tiêu biểu, đáng soi xét. Với tiêu đề “Đổi mới lý luận về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, qua thực tiễn 30 năm đổi mới”, thì rõ ràng là thực tiễn không ủng hộ tác giả rồi! Đúng là vậy, với luận đề này thì tác giả đang cần một thực tiễn đổi mới màu hồng, nhưng sự thật lại chỉ có màu xám, tác giả cần có nhiều luận chứng thuyết phục về sự đúng đắn, sáng tạo, nhưng sự thật lại có không ít những sai lầm, bảo thủ dẫn đến thất bại, ... Chính vì vậy, tác giả luôn tìm cách né tránh thực tiễn, không dám săm soi vào thực trạng kinh tế - xã hội, nhất là những “điểm nóng” thất thiệt cụ thể, mà chỉ dám men theo những thực tiễn chung chung, ... !

- Và để hóa giải được thách thức này, tác giả đã phải chuyển hướng “chiến thuật” là thiên về sử dụng nhiều luận điểm mang tính lý luận trừu tượng,... Tất cả những cố gắng đó đều nhằm vào hướng làm nổi bật lên sự đổi mới sáng tạo lý luận chính là một sự phát triển biện chứng rất siêu đẳng! Chúng ta đã gặp một lô các khái niệm về phát triển biện chứng mà ông đã nêu dồn dập, liên tục, như phủ định biện chứng, bỏ qua biện chứng, rút ngắn biện chứng, ...

- Thế thì hiệu quả của bài viết là gì vậy? Quả là người đọc chỉ nhận ra một số các thay đổi về câu chữ trong các văn bản, nghị quyết, đại loại như: thay đổi vị trí từ Dân Chủ trong mục tiêu tổng quát, chỉnh sửa Đặc Trưng của thể chế XHCN từ 6 lên 8, đưa thêm khái niệm Nhà Nước Pháp Quyền XHCN, khái niệm Cơ Chế Thị Trường, đặc biệt là khái niệm Nền Kinh Tế Thị Trường Định Hướng XHCN,... vv ... Nhưng khi quay mặt nhìn lại thực tiễn kinh tế - xã hội thì về cơ bản Vẫn Như Cũ !

- Bây giờ chúng ta hãy xem thêm: Một chuỗi dài các Dự án, Đề án phát triển kinh tế - xã hội đưa ra trình Quốc hội, và có cái đã được thông qua rồi, thì đều là những Ngụy biện động trời, gây nên nỗi lo kinh hoàng, gây nên thiệt hại to lớn và để lại gánh nợ nặng nề, dai dẳng cho nhân dân, cho đất nước. Xuất phát từ những ý đồ ngông cuồng, chỉ vì tham lam và ngu dốt, họ coi đó là luận đề của các phương án cần được bảo vệ qua chứng minh khoa học, nhưng trong đó tất cả các luận cứ khoa học, các luận chứng kinh tế - kỹ thuật, ... đều là Giả dối, Lừa bịp, đều phi khoa học, tất cả các luận điểm đều ngược ngạo, phi thực tế,...! Đó chính là các dự án tai tiếng Đường sắt cao tốc, Bauxit Tây Nguyên, Sân bay Long Thành, Điện hạt nhân Ninh Thuận, ... ..., cùng hàng loạt các dự án phi lý, phi nhân ở cấp quốc gia cũng như ở cấp địa phương, mà tai tiếng điển hình gần đây nhất có lẽ là dự án Tượng đài Bác Hồ ở Sơn La!

- Thời sự nhất là Văn kiện Đại hội XII, trong đó đang chứa đưng đầy rẫy các Ngụy biện, thể hiện trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đây mới là sự Ngụy biện lớn nhất, có tính gốc rễ, bao trùm lên tất cả, chi phối các Ngụy biện bộ phận. Về bản chất thì đây là Ngụy biện về Nền tảng tư tưởng, về chủ thuyết phát triển của đất nước! Đây mới là tai họa lớn nhất cho dân ta, cho đất nước ta, mà chúng ta đang phải chuẩn bị tiếp tục hứng chịu trong cả một giai đoạn lịch sử sắp tới! Chẳng hiểu từ nay đến Đại hội, có ai dám lên tiếng phanh phui ra các Ngụy biện đó để cứu nguy cho dân, cho nước? Càng gần đến Đại hội thì các bài viết, bài nói có tính Ngụy biện càng xuất hiện nhiều hơn, dày hơn! Không chỉ là những tác giả và đồng tác giả của Văn kiện, mà còn là một loạt những dư luận viên, cộng tác viên, ... được lựa chọn để phát biểu giải trình thêm hoặc minh họa, trên các loại diễn đàn! Đọc lướt qua Văn kiện, nghe lướt qua các phát biểu nói trên, chúng ta thấy vẫn còn đó những tụ điểm nổi cộm Ngụy biện gốc rễ nhất, như : Con đường đi lên CNXH ở nước ta, gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng (CSVN), là một tất yếu lịch sử, và đó còn là sự lựa chọn và ủy thác của nhân dân, cả trước đây và hiện nay. Gắn liền theo đó, và cũng là cội nguồn của sự lựa chọn đó, chính là bản chất tốt đẹp tuyệt vời của Đảng (CSVN) như nền tảng tư tưởng, lý tưởng XHCN, vị thế đại diện quyền lợi, phẩm chất trí tuệ và đạo đức, ...Và từ đó đi dần vào các chủ đề bộ phận, cụ thể đều là hàng loạt Ngụy biện nổi tiếng: Con đường đi lên CNXH gồm 6 – 8 đặc trưng (mà chưa thấy đặc trưng nào hiện hữu), Mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (mà làm sao có được sự kết hợp biện chứng giữa KTTT với định hướng XHCN, mà tìm trên thế giới làm gì có mô hình này),Nhà nước pháp quyền XHCN (mà không có tam quyền phân lập, không thừa nhận xã hội dân sự), Nền dân chủ XHCN (mà nhân quyền bị chà đạp, dân không được thực sự làm chủ, và ngay trong Đảng cũng không có dân chủ),...Các tác giả bảo đó đều là những sáng tạo của Đảng, là sự vận dụng và phát triển biện chứng lý luận Mác Lênin kết hợp với thực tiễn Việt Nam, ... ! Lại đúng là Nói Lấy Được!

- Chả nhẽ phải đợi đến hàng chục năm sau thì dân ta mới có đủ thời gian và thực tiễn để nhận ra được tính giả khoa học của các “công trình” Ngụy biện động trời nói trên? Thế thì quá lâu, cái giá mà đất nước phải trả, dân tộc phải gánh quá đắt và nghiệt ngã!

- Tôi thấy cần nói thêm điều này, anh ạ. Chúng ta đều biết, mọi hoạt động trong đời sống con người đều cần đến vai trò của nhận thức (và tư duy), và hơn thế còn cần đến sự phát triển tiến bộ, liên tục để ngày càng hoàn thiện, nhằm thu được hiệu quả là chất lượng nhận thức ngày càng cao hơn. Mặt khác, đời sống xã hội lại cũng luôn đòi hỏi, luôn thúc đẩy tư duy con người phát triển cao lên. Do đó phát triển tư duy vừa là nhu cầu tự thân của con người, và cũng vừa là đòi hỏi khách quan của đời sống xã hội. Xã hội càng văn minh thì tư duy con người càng phải được phát triển ngày càng cao lên, để ngày càng chuẩn xác, sâu sắc, minh triết và lành mạnh.

- Một trong những biện pháp quan trọng để phát triển tư duy theo đòi hỏi nói trên là phải biết bảo vệ, biết phòng chống lại các căn bệnh của nó, trong đó nổi lên là Ngụy biện. Chống Ngụy biện là phải vạch trần được những thủ thuật ma giáo của nó, chỉ rõ ra tính gỉả khoa học, phi khoa học, phi chân lý của những căn cứ và các kết luận của nó, vạch trần được mục đích xấu xa của nó. Việc làm này không dễ, không thể làm đơn độc một vài người, và không phải ai cũng làm được, bởi vì số Ngụy biện ngày càng nhiều và có mặt ở khắp các lĩnh vực, và hơn thế rất cần có một trình độ học thuật nhất định, một sự từng trải nhất định, cả trong khoa học và trong chính trị. Và bởi vậy, cộng đồng xã hội đang rất cần có những mũi nhọn xung kích, về trí tuệ và dũng khí, để dẫn dắt, định hướng ! ...

Tại thời điểm lịch sử này, đất nước và nhân dân đang rất cần nhiều hơn nữa những tiếng nói phản biện tâm huyết của mọi người, đặc biệt là tiếng nói mạnh mẽ và sâu sắc của các bậc hiền tài quốc gia, các nhà lý luận minh triết và dũng cảm, các bậc lão thành cách mạng, ... nhằm tạo nên một mạng lưới an toàn cho tư duy cộng đồng, cùng với sự cộng hưởng tâm nguyện rộng khắp trong toàn xã hội, trước vận mệnh của dân tộc ! Xin mọi người hãy tiếp tục lên tiếng !

Tháng 10 năm 2015

M.Â

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn