TPP: CHẶNG ĐƯỜNG KẾ TIẾP

Ls Nguyễn Văn Thân

Thế là sau 8 năm và hàng chục vòng đàm phán, 12 quốc  gia vành đai Thái Bình Dương đã đạt được thỏa thuận Hiệp Ước Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP. Những ngày cuối tại Atlanta thật là gây cấn tưởng chừng như bao nhiêu công sức phải trở thành phí phạm. Ba rào cản chính vẫn là các vấn đề liên quan tới quy tắc xuất xứ cho phụ tùng xe hơi, thị trường sữa và bản quyền dược phẩm sinh học.

Hiệp Ước Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement) giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico quy định 62.5% phụ tùng xe hơi phải xuất xứ từ quốc gia thành viên. Trong khi đó, Nhật chỉ đề nghị có 32.5% vì một phần lớn phụ tùng cho xe Nhật sản xuất được làm tại Thái Lan và Trung Quốc, hai nước ngoài TPP. Rốt cuộc, các bên đồng ý chấp nhận tỷ lệ 45%.

Trở ngại thứ hai là thị trường sữa của Canada. Chỉ có 10% hàng xuất khẩu thâm nhập được vào thị trường này vì thuế quan và nhiều hình thức rào cản khác. Trong khi đó, Tân Tây Lan một trong những quốc gia xuất khẩu sản phẩm sữa lớn nhất đòi hỏi Canada và Hoa Kỳ mở cửa thị trường của họ. Úc cũng muốn Hoa Kỳ tăng chỉ tiêu số lượng nhập khẩu đường. Rốt cuộc thì Hoa Kỳ và Canada chỉ đồng ý nới lỏng. Úc và Tân Tây Lan hy vọng là có thể dùng thắng lợi nhỏ này để làm bàn đạp đẩy mạnh và tăng gắp đôi số lượng xuất khẩu đường và sữa trong vài năm tới. Cũng nên nói rõ là chỉ có đường và sữa là còn bị giới hạn. Nhưng phần lớn các thị trường nông nghiệp khác đều được mở cửa và do đó, kỹ nghệ nông nghiệp Úc và Tân Tây Lan sẽ hưởng được rất nhiều lợi.

Nhưng vấn đề khó khăn nhất là thời hạn độc quyền dành cho dược phẩm sinh học. Dược phẩm sinh học là các loại thuốc được chế biến từ các tế bào sinh vật như vắc-xin và máu để chữa trị các chứng bệnh ung thư và phong thấp. Luật pháp Hoa Kỳ hiện hành bảo vệ sáng chế dược phẩm sinh học trong 12 năm. Đa số các công ty dược phẩm lớn trong Khối TPP đều là của Mỹ. Họ lập luận rằng cần phải có thời gian độc quyền dài mới đáng cho họ bỏ tiền đầu tư chế biến các loại dược phẩm này. Do đó, Hoa Kỳ muốn áp dụng thời hạn 8 năm. Úc và các quốc gia khác hiện chỉ cho phép độc quyền 5 năm. Bộ Trưởng Andrew Robb của Úc đã cứng rắn giữ vững lập trường vì Úc có chương trình tài trợ dược phẩm (Pharmaceutical Benefits Scheme). Nếu tăng thời hạn độc quyền thì sẽ tốn ngân sách quốc gia hàng trăm triệu mỗi năm. Kết cuộc Hoa Kỳ phải nhượng bộ và chấp nhận thời hạn 5 năm nhưng đặt một số điều kiện liên quan tới tiến trình thử nghiệm. Những điều kiện này có làm tốn ngân sách Úc hay không thì còn phải chờ tới khi toàn bộ văn bản TPP được công bố thì mới biết được.

Chắc chắn là TPP sẽ có tầm ảnh hưởng đáng kể về kinh tế, chính trị và an ninh tại Thái Bình Dương. Ngay sau khi đàm phán kết thúc thành công, Tổng thống Obama đã tuyên bố là 18.000 các loại thuế đánh vào mặt hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sẽ được tháo bỏ. Rõ ràng đây là một chiến thắng lớn cho Obama và kế hoạch xoay trục về Á Châu - Thái Bình Dương. Obama cũng thẳng thắn tuyên bố là “hơn 95% khách hàng của Hoa Kỳ sống ở nước ngoài. Hoa Kỳ không thể để các quốc gia như Trung Quốc viết luật lệ cho nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ nên soạn ra những điều lệ này, mở cửa thị trường xuất khẩu và cùng lúc áp đặt tiểu chuẩn cao để bảo vệ người lao động và môi trường”.

Thủ Tướng Malcolm Turnbull cũng lên tiếng ghi nhận TPP sẽ là “một nền tảng không lồ” cho sự phát triển thịnh vượng của Úc. Nhược điểm lớn nhất của Úc là thị trường nội địa quá nhỏ chỉ với 23 triệu dân. TPP sẽ cho doanh nghiệp Úc cơ hội tiếp cận với thị trường 12 quốc gia có tổng dân số tới 800 triệu. Thị trường dịch vụ của Úc hiện chiếm gần 80% GDP. Các dịch vụ tài chánh, bảo hiểm, thông tin, vận chuyển, du học, du lịch, y tế sẽ có cơ hội phát triển mạnh.

Theo ước lượng của một số chuyên gia thì Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Dự đoán TPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng hơn 10% tương đương với 20 tỷ Mỹ kim hàng năm. Ngành dệt và may mặc có cơ hội tăng vọt vì mức thuế xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ giảm từ khoảng 23% xuống 0. Có triển vọng Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất nếu Việt Nam thực thi đúng các tiêu chuẩn về minh bạch mà TPP đòi hỏi. TPP là một cơ hội thoát Trung của Việt Nam và cải thiện đời sống của người lao động nếu Việt Nam thật lòng tôn trọng quyền tự do lập hội và thành lập công đoàn.

Tiến trình phê chuẩn

TPP chỉ mới qua được một ải đầu. Chặng đường kế tiếp vẫn còn đầy chông gai. Có hai cách để TPP có hiệu lực. Thứ nhất, tất cả 12 thành viên phải phê chuẩn thỏa thuận và TPP sẽ chính thức bắt đầu có hiệu lực 60 ngày sau khi thành viên thứ 12 hoàn tất tiến trình phê chuẩn. Các quốc gia TPP như Singapore, Brunei, Việt Nam, Tân Tây Lan sẽ không gặp trở ngài gì vì hệ thống chính trị của họ. Nhưng có thể có một số quốc gia khác sẽ không phê chuẩn. Trong trường hợp này, nếu sau 2 năm mà tất cả 12 thành viên chưa phê chuẩn thì TPP vẫn có hiệu lực nếu hội đủ 2 điều kiện là có ít nhất 6 thành viên sáng lập đã phê chuẩn và GDP của 6 thành viên này đạt ít nhất 85% GDP của 12 quốc gia thành viên.

Trong 12 quốc gia TPP thì Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 thành viên quan trọng nhất. GDP của Hoa Kỳ chiếm 62% và Nhật chiếm 17% GDP của 12 quốc gia thành viên. Có nghĩa là TPP không thể có hiệu lực nếu Mỹ hoặc Nhật không phê chuẩn. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chắc chắn sẽ gặp phải chống đối từ giới nông gia lo ngại về tương lai của họ nhưng có khả năng hoàn tất việc phê chuẩn. Chỉ có Hoa Kỳ đóng vai trò quyết định. Trong cuộc tranh đấu cho quyền đàm phán nhanh, đại đa số dân biểu Đảng Dân Chủ không ủng hộ Tổng thống Obama mà ông phải dựa vào số phiếu của Dân biểu Đảng Cộng hòa. Dự trù văn bản TPP sẽ được công bố trong trung tuần tháng 11. Tổng Thống Obama phải cho Quốc hội Mỹ thời hạn ít nhất 90 ngày trước khi ký thành luật để thảo luận và quyết định có phê chuẩn hay không. Sớm lắm thì cũng phải tới gần giữa năm sau thì mới hy vọng tiến trình phê chuẩn được hoàn tất.

Bà Hilary Clinton Ứng cử viên Tổng thống dẫn đầu của Đảng Dân chủ đã ra mặt phản đối TPP. Tuy toàn bộ văn bản chưa được công bố, nhưng bà nói những gì bà biết được thì TPP không ngăn cản việc lạm dụng chính sách hối suất để cạnh tranh bất công dẫn đến thiệt hại cho giới công nhân Mỹ như Trung Quốc đã làm từ nhiều năm qua. Hơn nữa, bà cũng cho rằng các công ty dược phẩm lớn sẽ hưởng quá nhiều lợi trước sự thiệt thòi của người tiêu thụ. Đây là một điều khó hiểu vì TPP cắt giảm thời hạn độc quyền dành cho dược phẩm sinh học. Có lẽ bà Clinton đang ngả theo chiều gió trong mùa tranh cử. Đại đa số các tổ chức nghiệp đoàn Mỹ phản đối TPP cũng như các hiệp ước mậu dịch tự do khác vì họ lo ngại công nhân Mỹ sẽ bị mất việc vì không cạnh tranh lại các quốc gia có tiêu chuẩn lao động rẻ và thấp. Do đó, không có gì bảo đảm là tiến trình phê chuẩn TPP của Quốc hội Hoa Kỳ sẽ diễn ra suông sẻ như nhiều người mong muốn. Mặt khác, Tổng thống Obama cùng với giới thương gia không quyết định đầu tư nhiều tiền bạc và công sức vào việc đàm phán để rồi xem TPP bị vứt vào sọt rác.

Công đoàn Độc Lập Việt Nam

Trong Diễn đàn kinh tế Mùa Thu được tổ chức ngày 27 tháng 8 vừa qua tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Kiên Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam xác nhận là Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labor Organisation hoặc ILO) từ năm 1998 và đã ký kết 13 Công ước ILO mà trong đó Việt Nam đã thực hiện 8. Với 5 Công Ước (CƯ) còn lại thì đang thực hiện. Trong 5 CƯ này thì có hai CƯ  quy định về quyền tự do lập hội của người lao động hoặc còn gọi là quyền tự do thành lập công đoàn và Công ước quy định là công đoàn đại diện cho người lao động có quyền thương lượng tập thể (collective bargaining) với chủ nhân về các vấn đề như lương bổng cũng như các điều kiện lao động khác.

Có khoảng 190 CƯ ILO mà trong đó có 8 CƯ căn bản có tính ràng buộc các quốc gia thành viên ngay từ khi gia nhập. 8 CƯ này gồm có CƯ 29 chống Cưỡng bách Lao động (Forced Labor Convention 1930), CƯ 87 như đã nêu trên bảo đảm quyền thành lập công đoàn của người lao động (Freedom of Association and Protection of the Right to Organise Convention 1948), CƯ 98 ghi nhận quyền tổ chức và thương lượng tập thể của công đoàn (Right to Organise and Collective Bargaining Convention 1949), CƯ 100 quy định lương bổng bình đẳng (Equal Remuneration Convention 1951), CƯ 105 ngăn cấm mọi hình thức cưỡng bách lao động (Abolition of Forced Labor Convention 1957), CƯ 111 cấm mọi sự kỳ thị nơi làm việc (Discrimination (Employment and Occupation) Convention 1958), CƯ 138 quy định tuổi tối thiểu cho người lao động (Minimum Age Convention 1973) và CƯ 182 cấm những hình thức lao động trẻ em tồi tệ (Worst Forms of Child Labor Convention 1999).

Kể từ 2007 thì Quốc hội Mỹ yêu cầu mọi hiệp ước mậu dịch tự do mà Hoa Kỳ ký kết phải bao gồm các tiêu chuẩn lao động dựa trên 8 CƯ căn bản nêu trên gồm có quyền tự do thành lập công đoàn và thương lượng tập thể. Mục đích là để tạo sự cạnh tranh lao động công bằng để công nhân Mỹ không bị mất việc. Do đó, TPP cũng đòi hỏi những điều kiện này.

Đúng ra ngay từ khi gia nhập năm 1998, Việt Nam phải lập tức tuân thủ và thi hành 8 CƯ căn bản nêu trên gồm có CƯ 87 và 98. Nhưng Việt Nam đã trì hoãn cho tới khi Hoa Kỳ đặt vấn đề thực thi là điều kiện gia nhập TPP. Ông Nguyễn Đức Kiên cũng cho biết là Việt Nam phải ban hành luật thực thi các CƯ này trong 24 tiếng sau khi phê chuẩn TPP. Vấn đề không còn là đã đến lúc chính quyền CSVN chấp nhận đòi hỏi này mà Việt Nam có muốn tham gia vào cuộc chơi TPP hay không. Như ông Kiên thú nhận, nếu không tôn trọng điều lệ cuộc chơi thì Việt Nam phải đối diện với tình trạng bị doanh nghiệp không chỉ trong nước mà trong các quốc gia thành viên TPP kiện ra tòa và phải bồi thường. Và cũng chính ông Kiên thú nhận, Việt Nam không còn con đường nào khác để phát triển mà phải gia nhập các hiệp ước mậu dịch tự do để gia tăng xuất khẩu vì thị trường tiêu thụ nội địa quá kém. Theo lời ông Kiên, Việt Nam "chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết".

Hiện nay, Việt Nam không cho phép thành lập công đoàn độc lập. Tất cả mọi tổ chức công đoàn phải đứng dưới cài dù của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản. Trong tương lai, có thể Việt Nam sẽ ban hành luật cho phép thành lập công đoàn độc lập nhưng đặt những điều kiện rất khó khăn hoặc bất khả thi, ví dụ như yêu cầu những thành viên đại diện phải làm việc tại công sở đó qua một thời gian dài, hoặc phải có tài sản đáng kể và bỏ tiền túi ra hoạt động mà không được thu niên liễm đoàn viên. Nói chung là nhà cầm quyền sẽ tìm đủ mọi cách để giữ một khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tế như họ vẫn thường làm từ trước đến nay đối với các quyền con người căn bản ghi nhận trong Hiến pháp nhưng không thực thi trong đời sống.

Có một số nguồn tin cho thấy Việt Nam có chiều hướng cho phép thành lập công đoàn tại từng cơ sở một cách đơn lẻ nhưng sẽ không cho công đoàn liên kết hàng dọc và hàng ngang. Có nghĩa là có thể có một vài công đoàn tại một hãng xưởng đại diện cho nhiều loại công nhân khác nhau nhưng họ sẽ bị hạn chế về số đông và sức mạnh. Có thể nhà cầm quyền sẽ tìm cách ép họ sinh hoạt dưới cài dù của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Hoặc ũng có thể họ gài đảng viên vào lũng đoạn các tổ chức công đoàn. Nếu vậy thì công đoàn sẽ không còn độc lập.

Nhà cầm quyền vẫn còn lo sợ là công đoàn độc lập sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc quyền toàn trị như Phong trào Công đoàn Đoàn kết Ba Lan. Chắc chắn là công đoàn độc lập sẽ có nhiều tác động tích cực trong tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam với điều kiện là công đoàn thật sự độc lập và có quyền liên kết hàng ngang lẫn hàng dọc. Là một nước đang phát triển, Việt Nam có một số lượng công nhân trẻ tuổi đáng kể. Công đoàn độc lập là một hình thức thực thi quyền con người, cụ thể là quyền tự do hiệp hội và quyền của người lao động dựa trên các công ước ILO. Khi có một số đông người dân trong nước đứng lên đòi hỏi và thực thi nhân quyền thì điều đó sẽ đặt nền tảng cho một tương lai Việt Nam thật sự dân chủ, tự do, đa nguyên và đa đảng.

Ngoài văn bản TPP thì Hoa Kỳ cũng có thương thuyết song phương với Việt Nam về các điều kiện lao động yêu cầu Việt Nam thực thi các Công ước ILO trong đó có quyền tự do thành lập công đoàn độc lập. Nếu Việt Nam không tuân thủ, Hoa Kỳ sẽ có biện pháp trừng phạt có thể là đình chỉ quyền lợi TPP hoặc doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể kiện Việt Nam đòi bồi thường vì những thiệt hại từ việc Việt Nam phá giá lao động để cạnh tranh bất bình đẳng. Úc cũng phải đi qua tiến trình phê chuẩn. Văn bản TPP sẽ được một ủy Ban Quốc hội duyệt xét. Mọi nguời có thể đóng góp ý kiến. Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc cũng nên vận động mạnh mẽ để Úc có những biện pháp trừng phạt thích đáng nếu Việt Nam không tuân thủ điều kiện lao động của TPP hầu bảo đảm có sự cạnh tranh công bằng trong Khối TPP cũng như góp phần đẩy mạnh phong trào công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động tại Việt Nam.

N.V.T

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn