Có nên xem lịch sử là môn học tự chọn cho học sinh trung học

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

clip_image006

Kỳ thi Môn Sử tại điểm thi Trường THPT Yên Thành 2, ảnh minh họa chụp trước đây.

Vấn đề giảng dạy lịch sử hiện đang gây nên một phong trào tranh luận dữ dội tại Việt Nam, một bên là Bộ Giáo dục một bên là các GS đầu ngành môn lịch sử cũng như Hội sử học Việt Nam sau khi Bộ Giáo dục đưa ra dự án tích hợp môn lịch sử như một môn học tự chọn cho học sinh trung học. Trong chương trình văn hóa và nghệ thuật kỳ này Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn với GS Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh, xoay chung quanh mối tương quan mật thiết giữa văn hóa và lịch sử để nhìn vấn đề sử học ở góc nhìn văn hóa và từ đó xác định vai trò của lịch sử đúng với bản chất của nó.

GS Nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh là người thầy đối với rất nhiều thế hệ tốt nghiệp môn lịch sử. Học trò ông không hiếm người đang giữ các vị trí then chốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Ông đang là một tiếng nói mạnh mẽ trong các diễn đàn tranh luận có nên xem lịch sử là một môn tích hợp như chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang vận động dư luận hay không.

Khi lịch sử bị tách rời khỏi dòng chảy văn hóa

Mặc Lâm: Thưa GS, lịch sử và văn hóa luôn song hành và văn hóa được bồi đắp vun trồng từ lịch sử. Dựạ trên kinh nghiệm đó GS nghĩ sao khi lịch sử bị tách rời khỏi dòng chảy văn hóa đặc biệt đối với động thái xem môn học lịch sử không cần thiết như nó vốn có từ khi chữ quốc ngữ được dem vào giảng dạy ở nước ta?

“Dù ở thời xa xưa hay bây giờ thì việc thông qua lịch sử, thông qua văn hóa, để giáo dục về tinh thần dân tộc, ý chí tự cường đều có ý nghĩa rất quan trọng cả, và tất cả những cái đó cần thấm nhuần trong hệ thống giáo dục, trong nhà trường của chúng ta”.
GS Vũ Dương Ninh

GS Vũ Dương Ninh: Vâng, trong thực tế cuộc sống thì lịch sử và văn hóa nó luôn đi với nhau. Nó hòa trộn, kết hợp với nhau. Nó không phải là hai mảng hoàn toàn riêng như khi chúng ta nghiên cứu thì nghiên cứu sâu về lịch sử hay sâu về văn hóa, nhưng dẫu sao nó là một thể thống nhất. Tôi nghĩ rằng bất cứ một thời đại nào thì nghiên cứu lịch sử phải rất quan tâm tới văn hóa và nghiên cứu văn hóa thì phải có cái nền của lịch sử.

Như vậy thì dù ở thời xa xưa hay bây giờ thì việc thông qua lịch sử, thông qua văn hóa, để giáo dục về tinh thần dân tộc, ý chí tự cường đều có ý nghĩa rất quan trọng cả, và tất cả những cái đó cần thấm nhuần trong hệ thống giáo dục, trong nhà trường của chúng ta.

Mặc Lâm: Có ý kiến cho rằng nếu lịch sử hình thành từ kinh nghiệm của quá nhiều cuộc chiến tranh như nước ta đã trải qua thì dân chúng sẽ lớn dần với nó bằng những thức ăn tinh thần có dáng vẻ tự hào dân tộc, sau đó dẫn tới chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và cuối cùng thì những trang sử chiến tranh được lặp lại. Giáo sư nghĩ sao về các ý kiến này?

GS Vũ Dương Ninh: Đây là chỗ chúng ta kế thừa học tập trong lịch sử như thế nào. Đúng là trong một thời gian dài chúng ta phải trải qua cuộc chiến tranh để bảo vệ độc lập và chủ quyền. Cái tinh thần dân tộc nó được hun đúc và phát triển kể cả cho tới bây giờ trong việc bảo vệ biên cương bảo vệ tổ quốc thì tinh thần dân tộc cũng được phát huy. Nhưng cũng phải thấy rằng yếu tố dân tộc ấy nó phát triển đến chừng nào thì hợp lý và nó đủ sức để động viên nhân dân, động viên tất cả mọi người trong xã hội tham gia vào công cuộc bảo vệ đất nước.

Nhưng đồng thời lịch sử cũng đem lại nhiều kinh nghiệm cho cái việc xây dựng đất nước trong tất cả các lĩnh vực, kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị….thì cũng phải khai thác cả cái mặt ấy, nhất là bây giờ chúng ta đang xây dựng trong điều kiện tương đối hòa bình. Lịch sử đó nó vừa thấm những kinh nghiệm do ông cha chúng ta để lại, đồng thời nó nâng lên tinh thần tự hào của một dân tộc. Nhưng tất cả các điều đó không thể đi đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan để rồi phạm phải những sai lầm khác mà trong lịch sử thế giới đã có những trường hợp sai lầm như vậy.

Tôi nghĩ rằng chúng ta phát huy tinh thần dân tộc nhưng đồng thời trong thời buổi toàn cầu hóa và hội nhập ngày nay, chúng ta phải làm cho thế hệ trẻ hiểu được về mối tương quan với các quốc gia, về mối quan hệ trong quá trình xây dựng một thế giới mới, một thế giới mà con người ta phải tiến tới một nền văn minh cao hơn. Nền văn minh của công nghiệp, nền văn minh của thông tin và như vậy nó sẽ hòa hợp cả yếu tố dân tộc và yếu tố nhân loại. Tôi hiểu vấn đề là như vậy.

clip_image007

Sách giáo khoa môn Lịch Sử.

Mặc Lâm: Trong nhiều năm qua các thế hệ trẻ của Việt Nam không học và thi môn sử trong tinh thần khao khát tìm hiểu những diễn tiến trong hàng ngàn năm giữ nước và dựng nước. Trái lại họ thờ ơ gần như vô cảm với môn học này. Nhiều người trẻ than phiền môn sử chỉ là những con số tổng hợp, người khác lại cho rằng sách giáo khoa không dạy lịch sử cho học sinh mà đang nhồi nhét những câu chuyện thiếu vắng tính chân thật và mang mầu sắc chính trị nhiều quá. Giáo sư nghĩ sao về các ý kiến trái chiều này?

GS Vũ Dương Ninh: Đây chính là vấn đề mà giới sử học của chúng tôi đặt ra để xây dựng một hình ảnh lịch sử đúng, chân thực, khách quan và từ đó cung cấp cho người học một cách nhìn lịch sử đúng đắn hơn. Trước đây do nhu cầu của cuộc kháng chiến nên lịch sử được khai thác nhiều về mặt dấu tranh, cái đó không sai, thế nhưng bây giờ nếu như chúng ta tiếp tục như thế thì sẽ không đưa được hình ảnh một cách toàn diện của lịch sử cho thế hệ trẻ.

Chúng tôi nghĩ lịch sử vừa là kế thừa các thế hệ trước đồng thời phục vụ cho xã hội ngày hôm nay cho nên nó vừa phải đúc kết kinh nghiệm của ngày xưa đồng thơi gợi mở cho thế hệ sau những bước tiến cùng với nhân loại để bắt kịp được trình độ của nhân loại. Tôi nghĩ, nếu chúng ta nhìn lịch sử ở góc độ như vậy thì sẽ thấy được những sai lầm có thể đưa học sinh đến chỗ hiểu không đúng lịch sử hoặc hiểu nó một cách cực đoan hoặc mặt này hay mặt kia.

Môn học lịch sử sẽ từ từ biến mất?

Mặc Lâm: GS đang cùng với nhiều người khác tranh đấu với Bộ Giáo dục Đào tạo ngưng dự án đem môn lịch sử vào chung với các môn khác mà họ gọi là tích hợp. Xin ông cho biết liệu hành động này có làm cho môn lịch sử từ từ biến mất trong không gian giáo dục hay không?

“Văn hóa và lịch sử tồn tại tự nhiên và muốn hay không muốn cũng phải học tập nó, thừa nhận nó, công nhận nó và phát huy nó. Cho nên phương án tích hợp mà Bộ Giáo dục đưa ra không thực hiện được những điều này”.
GS Vũ Dương Ninh

GS Vũ Dương Ninh: Văn hóa và lịch sử tồn tại tự nhiên và muốn hay không muốn cũng phải học tập nó, thừa nhận nó, công nhận nó và phát huy nó. Cho nên phương án tích hợp mà Bộ Giáo dục đưa ra không thực hiện được những điều này. Giới khoa học chúng tôi không tán thành và đang có nhiều cuộc tranh luận, trao đổi để đưa lịch sử và văn hóa vào đúng vị trí của nó mà nói cụ thể thì trong nhà trường nó phải là một môn học quan trọng.

Nó không những chỉ cung cấp kiến thức và đồng thời đào tạo nâng trình độ nhận thức của tuổi trẻ. Họ thấy trách nhiệm của công dân đối với đất nước, đối với xã hội, đối với sự phát triển của dân tộc thì nó phải là một môn khoa học độc lập, khách quan và có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục. Còn cái phương án mà Bộ Giáo dục đưa ra thì chúng tôi không tán thành và chúng tôi đang có nhiều ý kiến tranh luận.

Mặc Lâm: Lại cũng có quan điểm cho rằng lịch sử Việt Nam gắn bó với lịch sử Trung Hoa nhiều ngàn năm nay, lịch sử ấy đã có nhiều máu và nước mắt của dân quân Việt Nam trong các cuộc chiến chống phương Bắc. Nếu học lịch sử một cách có khuôn phép thì sự thật ấy sẽ truyền đời gây hận thù mãi mãi cho hai dân tộc. Có người đề nghị là nên giảm bớt các câu chuyện chống ngoại xâm trong sách giáo khoa để dân tộc hai nước sống hòa bình hữu nghị với nhau. GS thấy lập luận như thế có chấp nhận được hay không?

GS Vũ Dương Ninh: Vâng, ở đây nó có hai điểm. Một, đứng về mặt nguồn gốc và quá trình phát triển văn hóa thì không một nước nào có thể phát triển văn hóa một cách đơn độc mà nó phải ảnh hưởng lẫn nhau kể cả châu Âu cũng thế. Các nền văn minh lớn như Hy Lạp cũng ảnh hưởng từ nhiều nước cho nên chuyện Việt Nam chúng ta chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa kể cả Ấn độ nữa thì cũng là một thực tế lịch sử và điều đó là chuyện rất bình thường.

Nhưng từ những cái đó chúng ta đi vào lịch sử như thế nào thì tôi nghĩ rằng một mặt ta phải chắt lọc những tinh hoa của các nền văn hóa dù của dân tộc nào thì vẫn là văn minh của nhân loại, cũng là thành tựu của nhân loại.

Thế nhưng cũng phải qua lịch sử để hiểu được bối cảnh lịch sử từng thời kỳ từng giai đoạn. Giai đoạn nào là giai đoạn độc lập tự chủ, giai đoạn nào là giai đoạn phụ thuộc hay bị lệ thuộc để phân biệt nó ra. Từ đó nâng được cái ý thức chúng ta chấp nhận nền văn hóa của thế giới, của tất cả các dân tộc và đồng thời chúng ta có tính tự hào trên tinh thần dân tộc của mình, hai cái đó nó hòa hợp với nhau.

Trong cuộc trao đổi về chủ trương tích hợp của Bộ Giáo dục thì chúng tôi muốn đặt vấn đề rằng khoa học lịch sử phải đúng với nó, với tư cách là một môn khoa học mang tính độc lập, khách quan, chân thực và như vậy thì nó mới có thể phục vụ được, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội Việt Nam chúng ta.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

M.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/history-through-the-angle-views-of-culture-ml-11212015100714.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn