Vụ Doãn Minh Đăng tại Cần Thơ: một sự kiện đang tiếc, một cơ hội tiêu biểu bị bỏ mất chỉ vì tư duy quản lý nhân sự đại học còn quá hạn hẹp, đơn điệu và lạc hậu

GS Nguyễn Đăng Hưng

Bạn Doãn Minh Đăng là một tiến sĩ trẻ tốt nghiệp tại một đại học danh giá ở Hà Lan. Bạn đã đồng ý về Việt Nam công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ.

Nhưng thầy Dương Thái Công hiệu trưởng lại muốn quy hoạch cho cho bạn này theo hướng cơ cấu chính trị để sớm trở thành một Phó Hiệu Trưởng.

Cách xử lý thông thường ở Việt Nam hiện nay là đón nhận nồng nhiệt, hồ hởi lăn xả vào con đường làm quan khoa học giáo dục, tận dụng cơ hội thăng tiến mà nhiều người rất thèm muốn.

Nhưng thời thế đã khác, nguyên danh tài cuộc thi Olympia đã chọn thái độ khác với thông lệ (thông thường ở Châu Âu, nhưng ở Việt Nam bị cho là tâm thần!):

“Tôi từ chối mọi quy hoạch, ra khỏi Đảng chỉ để làm chuyên môn nghiên cứu khoa học. Tôi phải công bằng với bản thân tôi và địa phương, nơi bỏ tiền cho tôi ăn học ở nước ngoài”.

Đây là cách chọn lựa đáng khen, đáng được đề cao vì muốn làm khoa học có hiệu quả cần sức tập trung cao, cần không sa đà vào sinh hoạt chính trị phức tạp, họp hành liên miên rất mất nhiều thì giờ. Ngoài ra, muốn thành công trong con đường quan lộ ngày nay, lưng phải biết còng đúng lúc, đầu phải thỏa hiệp đúng nơi, chân phải chạy chọt đúng chỗ, tay phải biết chung chi đúng mức…

Lẽ ra Ban Giám hiệu trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ phải hoan hỉ có được một nhân sự với tư duy mới mẻ, tinh thần cống hiến thật sự cho ngành nghề, cho khoa học, điều thiết yếu nhất trong môi trường giảng dạy và nghiên cứu khoa học, điều kiện cần thiết để đất nước vươn lên, khoả lấp khoản cách tụt hậu do quản lý phát triển chệch hướng từ hơn 50 năm nay.

Lẽ ra Ban Giám hiệu phải bố trí hợp lý sao cho bạn Doãn Minh Đăng có chỗ đứng xứng đáng để hoàn thành hoài bão cao đẹp của một nhà khoa học tương lai, gắn bó với quê hương gần gũi sinh viên nghiên cứu sinh tại một thành phố trong nước!

Nhưng không, vì không thoát khỏi tư duy lỗi thời dùng trường đại học làm cơ sở cho sinh hoạt chính trị hẹp hòi, cục bộ, xem nhân sự nhà trường như một đàn cừu tha hồ quy hoạch cơ cấu để duy trì cơ chế chính trị, hồng hoá mọi sinh hoạt coi thường tính chuyên môn khoa học kỹ thuật, ngài Hiệu trưởng đã làm khó dễ nhà khoa học trẻ, áp đặt các biện pháp kỷ luật thô thiển y như cho đảng viên cấp thôn xã, trói buộc một nhà khoa học trẻ đã thâu thập được nhiều kiến thức tư duy mới mẻ từ môi trường đại học các nền dân chủ tự do Châu Âu.

Hậu quả không thể tránh khỏi là sự lùm xùm đổ vỡ mà ta được biết.

Được hỏi ý kiến của mình sau sự cố được công luận biết đến, Doãn Minh Đăng đã phát biểu:

Tất nhiên là tôi vẫn có mong muốn cống hiến cho thành phố tuy nhiên bây giờ cũng là lúc tôi cần xem lại đường lối phát triển cho mình. Nếu tôi tìm được những chỗ tốt hơn thật sự và xứng đáng để tôi không làm việc cho thành phố nữa thì tôi chấp nhận đền bù để ra đi. Nếu không thể trả bằng cách cống hiến thì phải trả bằng tiền cho sòng phẳng…

Đây là lời phát biểu rất đúng đắn, nói lên tư cách đáng khen của TS Đăng, nhất là tinh thần sáng suốt minh mẫn của một trí thức trẻ. Ai bảo TS Đăng có vấn đề tâm thần thì chính ngưới đó phải đi tìm bác sĩ…

Thế TS Đăng có lỗi gì khi trình bày sự việc lên diễn đàn Facebook?

Không có lỗi gì hết!

Ngược lại tôi cho rằng đây là hành động chính đáng và hợp lý!

Tại sao phải giấu diếm? Tại sao không minh bạch và sòng phẳng để cùng nhau rút kinh nghiệm không những cho TS Đăng và cho giới đại học toàn quốc?

Hãy nghe chính đương sự tuyên bố:

Tôi không nghĩ đây là vấn đề cá nhân đâu. Tôi theo làm việc, đấu tranh này vì danh dự bản thân mình chứ không phải vì mâu thuẫn với ai. Tôi nghĩ làm sao giải quyết để ra được một kết quả nào đó mà sau này nhà trường có lợi. Có thể dưới góc độ tôi không muốn làm quản lý, không muốn làm chính trị phái thì hãy coi tôi là một người làm chuyên môn thì chẳng có việc gì xảy ra cả”.

Đúng vậy trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ sẽ hưởng rất nhiều lợi thế khi nhận thức ra được sai lầm của mình.

Và giới quản lý giáo dục và khoa học Việt Nam cũng nên xem đây là bài học cần thiết để soi mình trong giai đoạn cấp thiết ngày nay:

Đổi mới tư duy quản lý đại học và nghiên cứu khoa học, thực thi đúng nghĩa quyền tự do học thuật của các nhà khoa học, áp dụng đúng chuẩn hướng giao quyền tự trị cho các đại học…

Sài Gòn, ngày 8/12/2015

N. Đ. H.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn